Biểu tình ở Belarus: “Chúng tôi muốn làm người.” - Dân Làm Báo

Biểu tình ở Belarus: “Chúng tôi muốn làm người.”

The New York Times*Christine Nguyen (Danlambao) dịch - Vài phút sau khi tổng thống Aleksandr G. Lukashenko của Belarus tuyên bố sẽ kiên định chống lại người biểu tình mà ông xỉ vả là “lũ chuột cống,” “rác rưởi” và “kẻ cướp,” thì những người biểu tình chống chính phủ đã tiến hành một cuộc biểu tình lớn nhất hôm chủ nhật để phản đối cuộc bầu cử tổng thống nhuốm màu gian lận một tuần trước đó.

Hàng chục ngàn người biểu tình - một số tổ chức ước tính con số trên 200 nghìn người - đổ về trung tâm thủ đô Minsk, áp đảo hẳn một cuộc biểu tình khác của những người ủng hộ Lukashenko trước đó trong cùng ngày.

Dường như đây là cuộc biểu tình lớn nhất trong lịch sử Belarus, một nước cộng hòa Soviet cũ mà Lukashenko đã lãnh đạo từ năm 1994.

Khi đám đông tập hợp quanh một đài tưởng niệm có từ thời Soviet trên đại lộ Victors, nhiều người hô vang yêu cầu Lukashenko từ chức và vẫy lá cờ trắng đỏ truyền thống, nay trở thành biểu tượng của phe đối lập sau khi tổng thống thay thế cờ này bằng một cờ quốc gia khác trông giống với Soviet hơn sau khi lên nắm quyền.

Cuộc biểu tình mang không khí lễ hội, hoàn toàn tương phản với tâm trạng căng thẳng của những cuộc tập hợp quy mô nhỏ hơn vào tuần trước đã bị lực lượng an ninh đàn áp dữ dội, làm cho ít nhất hai người thiệt mạng, nhiều người bị thương và hơn 6000 người bị bắt bớ.

Lần đầu tiên, người dân Belarus đã được phép thả bộ tự do trong trung tâm thành phố, quấn vào người cờ đối lập và hô vang những khẩu hiệu chống chính quyền. Sau khi tập hợp gần tượng đài, họ tuần hành qua quảng trường chính, ngăn chặn giao thông trên đại lộ chính của thủ đô. Chỉ mới tuần trước, một nhóm người vỗ tay trên vỉa hè sẽ có thể bị cảnh sát chống bạo động giải tán thô bạo. Hôm chủ nhật, không ai nhìn thấy cảnh sát ở đâu cả.

Nhiều người nói họ tham gia biểu tình là vì không cho rằng sẽ bị giải tán bằng bạo lực. Một số người khác nói rằng họ đến là vì cảm thấy sốc khi biết được người biểu tình đã bị tra tấn sau khi bị bắt giam trong những cuộc tập hợp trước đó.

“Những sự kiện này đoàn kết mọi người lại,” Olga V. Golovanova, nhà kinh tế học, nói. “Chúng tôi đã thức tỉnh trước một thực tế rằng chúng tôi muốn tự do, chúng tôi muốn làm người,” bà nói thêm. “Chính quyền thì tin tưởng rằng họ là chúa trời và chúng tôi không là gì cả.”

Thực vậy, trong một bài diễn văn trước những người ủng hộ không lâu trước khi các con đường trong thành phố tràn ngập những người đòi ông phải từ chức, Lukashenko đã đánh đồng định mệnh bản thân với quốc gia, nói rằng “Nếu các anh tiêu diệt Lukashenko, thì đấy sẽ là khởi đầu cho sự kết thúc của các anh.”

Người biểu tình đã tận hưởng cơ hội tự do phát biểu suy nghĩ của mình. Họ chụp nhiều ảnh selfie trước tòa nhà cơ quan an ninh chính, vẫn được gọi là KGB ở Belarus, điều không thể tưởng tượng được chỉ vài ngày trước đó.

“Tôi chưa từng thấy điều gì như vậy trước đây,” Vladislav A. Ianovich, 18 tuổi, sinh viên khoa học máy tính đang đứng với lá cờ Liên Âu quấn quanh người, nói. “Tôi nghĩ chúng ta cần lập lại những cuộc tập hợp nhiều lần và đất nước sẽ thay đổi. Nó đã thay đổi rồi.”

Tuy nhiên, với một số người, sự lạc quan của phe đối lập dường như quá sớm vì Lukashenko vẫn còn nắm quyền.

“Vẫn chưa kết thúc đâu,” Sergei, 57 tuổi, giáo viên của một trường công lập, nói. Ông sợ đưa tên thật vì muốn bảo vệ học sinh của ông. “Tất cả sẽ phải phụ thuộc vào những gì công nhân nhà máy làm,” ông nói.

Cuộc biểu tình diễn ra nhằm đáp ứng lời kêu gọi “Tuần hành vì tự do” của Svetlana Tikhanovskaya, ứng viên đối lập chính trong cuộc bầu cử tổng thống. Bà tham dự vào cuộc đua bầu cử sau khi chồng bà là Sergei Tikhanovsky, một blogger nổi tiếng đã lên kế hoạch tranh cử, bị bắt giữ. Tikhanovskaya, nói rằng đã thắng cử, đã bị buộc phải rời Belarus để đến quốc gia láng giềng Lithuania vào đầu tuần trước.

Cuộc biểu tình khổng lồ hôm chủ nhật đã cho rằng Lukashenko, người đã tuyên bố là được tái đắc cử với chiến thắng vang dội chiếm 80% số phiếu bầu hôm 09/08, đã thất bại trong việc cố dọa dẫm các đối thủ qua việc sử dụng vũ lực của cảnh sát một cách điên cuồng và những cảnh báo ngày càng gay gắt rằng bắt bớ có thể sẽ mở đường cho hành động quân sự của NATO.

Xuất hiện trước những người ủng hộ, mà nhiều người trong số đó là công chức nhà nước, tại một cuộc tập hợp ngoài trời ở Minsk chiều chủ nhật, Lukashenko đã tấn công các đối thủ một cách ngang ngược và thường là thô bạo, xúc phạm những người phê bình ông, bác bỏ những lời kêu gọi tổ chức cuộc bầu cử mới và cáo buộc NATO tập trung quân ở biên giới phía tây của quốc gia.

Lên án kẻ thù của mình là kẻ phản bội “bị điều khiển từ những kẻ giật giây, từ các thế lực bên ngoài,” Lukashenko, cựu giám đốc nông trường quốc doanh 65 tuổi, người thường được gọi là kẻ độc tài cuối cùng của châu Âu, đã cảnh báo rằng “ngay cả nếu giờ đây chúng bình tĩnh lại, một chốc sau chúng cũng sẽ bò ra khỏi lỗ một lần nữa như lũ chuột cống.”

Tuyên bố của Lukashenko về sự tăng cường quân sự của liên quân do Mỹ cầm đầu theo sau một cam kết của tổng thống Nga Vladimir V. Putin rằng Moscow sẽ có thể hỗ trợ Belarus nếu phải đối mặt với sự đe dọa quân sự từ bên ngoài. Putin và Lukashenko nói chuyện qua điện thoại hôm thứ bảy và một lần nữa vào chủ nhật.

Trong một tuyên bố hôm chủ nhật, Kremlin nói rằng Nga sẵn sàng “cung cấp những sự hỗ trợ cần thiết để giải quyết các vấn đề nảy sinh” và đề cập đến một hiệp ước an ninh chung được Nga, Belarus và bảy nước cộng hòa Soviet cũ ký kết vào đầu thập niên 1990s. Hiệp ước quy định rằng sự gây hấn chống lại một thành viên của liên minh có nghĩa là tấn công vào tất cả quốc gia trong liên minh.

Lukashenko dường như đã tính toán rằng có thể đảm bảo tốt nhất sự trợ giúp của Nga chống lại các đối thủ trong quốc nội bằng cách gài ra một cuộc khủng hoảng quân sự giả ở biên giới. Bộ Quốc phòng Belarus hôm chủ nhật nói rằng sẽ có thể tiến hành cuộc tập trận quân sự gần biên giới phía tây từ thứ hai đến thứ năm.

Phát ngôn viên của NATO, Oana Lungescu, nói rằng liên quân “đang giám sát chặt chẽ tình hình trong Belarus,” nhưng nói thêm rằng “không có sự tăng cường của NATO trong khu vực này.”

Chỉ vài tuần trước, Lukashenko đã cáo buộc Nga có âm mưu lật đổ mình. Nhưng đối mặt với khó khăn chính trị lớn nhất trong 26 năm cầm quyền, Lukashenko đã quay ngoắt lại, lần gần nhất trong nhiều năm với một tổng thống rất thất thường, và hiện đang coi Moscow như hy vọng sống sót tốt nhất của mình.

Tuy nhiên, liệu Putin, đang ngày càng mệt mỏi trước những trò lật lọng và những lời tán tỉnh đến hẹn lại lên với phương Tây của Lukashenko, có muốn ông ta sống sót không là một câu hỏi mở. Lãnh đạo Nga đã gửi lời chúc mừng chiến thắng trong một cuộc bầu cử mà nhiều nước châu Âu và Mỹ đã bác bỏ vì gian lận.

Nhưng lời tường thuật của Kremlin về cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo hôm thứ bảy không gồm bất cứ sự chứng thực nào về việc vẫn tiếp tục nắm quyền của Likashenko. Chính trị gia nổi tiếng ủng hộ Kremlin, Konstantin Zatulin, đã mô tả về Lukashenko tuần qua là “bị cuồng trí” và việc tái đắc cử là “hoàn toàn giả dối.”

Trong dấu hiệu sự giải ảo ngày càng tăng thậm chí giữa các viên chức chính phủ, đại sứ Belarus tại Slovakia, Igor Leshchenya, đã đăng tải một video lên YouTube hôm chủ nhật bày tỏ ủng hộ người biểu tình. “Như mọi người dân Belarus,” ông nói, “tôi rất sốc trước những lời tường thuật về việc tra tấn và đánh đập các công dân của tôi.”

Ngay cả các nhà máy của chính phủ - từng là thành lũy kiên cố ủng hộ Lukashenko – cũng đã nghiêng về phe đối lập, bằng các cuộc đình công tập trung vào cuối tuần trước của nhiều công ty công nghiệp nhà nước, gồm một nhà máy máy kéo ở Minsk.

Cuộc tập hợp ủng hộ chính phủ hôm chủ nhật chỉ làm nổi bật sự co hẹp lại các cơ sở ủng hộ Lukashenko. Nhiều người tham dự phải đi xe bus từ các thị trấn và làng mạc bên ngoài thủ đô. Nhưng họ đã bao gồm những người lên tiếng ủng hộ tổng thống thực sự, hoặc ít nhất là vì lời hứa của Lukashenko gìn giữ quốc gia an toàn trước sự gây hấn bên ngoài.

“Phương Tây không cần chúng tôi,” Olga N. Mokhnach, 43 tuổi, giảng viên âm nhạc, nói. Đối với tất cả vấn đề về kinh tế cùng các vấn đề khác của Belarus, bà nói, “chúng tôi không giống như tình hình thảm khốc của Ukraine,” quốc gia đã lật đổ tổng thống hồi năm 2014 và hiện đang sa lầy vào cuộc chiến tàn khốc với lực lượng ly khai có vũ trang của Nga.

Đứng cạnh chồng, Vladimir, 52 tuổi, Mokhnach nói rằng xã hội Belarus đã rạn nứt phần lớn giữa các thế hệ. Bà nói hai đứa con – 14 và 16 tuổi – chống lại quan điểm chính trị của vợ chồng bà.

“Chúng tôi to tiếng với nhau vào mọi tối,” Mokhnach nói.

(*) Người dịch đặt tựa

Nguồn: Bài của Ivan Nechepurenko và Andrew Higgins

18.08.2020

 Christine Nguyen
 danlambaovn.blogspot.com



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo