CTV Danlambao - Chính phủ Lebanon đã từ chức vào tối thứ Hai, gần một tuần sau khi một vụ nổ kinh hoàng ở Beirut đã giết chết hơn 160 người, hơn 6.000 người bị thương, 110 người mất tích, hơn 300.000 người lâm vào cảnh màn trời chiếu đất. Thiệt hại ước tính là 5 tỷ USD và nền kinh tế quốc gia bị tổn thất chừng 15 tỷ USD.
Thủ tướng Hassan Diab đã tuyên bố trước quốc dân rằng ông và các bộ trưởng đã quyết định từ chức vì hệ quả của vụ nổ mà ông cho là một "thảm họa không thể đo lường được."
Trong diễn văn từ chức ông Hassan đã lên án tầng lớp chính trị thống trị của Lebanon đã nuôi dưỡng một bộ máy tham nhũng lớn hơn cả nhà nước. Các bộ trưởng của ông nhiều lần cáo buộc giai cấp thống trị đã phá vỡ kế hoạch cải cách của chính phủ và ông Diab nói rằng việc từ chức của chính phủ của ông là để "đứng về phía nhân dân".
Trước khi vụ nổ xảy ra, Lebanon đã trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trong nhất của nhiều thập kỷ. Bên cạnh đó là đại dịch coronavirus ngày càng gia tăng và chính phủ đã bị cáo buộc tham nhũng và quản lý tệ hại.
Ông Diab, một chính trị gia tự cho là thành phần cải cách, lên nắm quyền vào tháng 12 năm ngoái, sau khi một cuộc nổi dậy đã lật đổ chính phủ trước đó. Sau vụ từ chức này, trong vòng chưa đầy 1 năm, Lebanon phải tìm một thủ tướng thứ ba để thay thế và giải quyết những cuộc khủng hoảng chồng chất Lebanon đang đối diện trên nhiều lãnh vực.
Thật ra vụ nổ vừa qua chỉ là giọt nước tràn ly. Kể từ khi các cuộc biểu tình chống chính phủ bắt đầu vào tháng 10 năm 29109, đồng tiền của Lebanon đã giảm giá trị 70% và hơn một nửa dân số rơi vào tình trạng nghèo đói theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới.
Tổng thống Lebanon Michel Aoun đã chấp nhận sự từ chức của chính phủ Hassan Diab và yêu cầu chính phủ tiếp tục giữ vai trò quản lý cho đến khi nội các mới được thành lập.
11.08.2020