Nguyễn Đình Văn (Danlambao) - Để hỗ trợ cho các doanh nghiệp đối diện với đại dịch Vũ Hán, một chương trình hỗ trợ 660 tỷ đô la (gọi là PPP Paycheck Protection Program) đã được Quốc hội thông qua vào tháng 3. Chương trình PPP sau đó được thực hiện bởi chính phủ Hoa Kỳ và trở thành cứu cánh cho các doanh nghiệp nhỏ đang gặp khó khăn. Tuy nhiên, rất nhiều công ty Tàu cộng lại được hưởng lợi từ chương trình này.
Theo báo cáo của Công ty Tư vấn Chiến lược Horizon Advisory, hơn 400 triệu USD đã rơi vào tay của hơn 125 công ty do Tàu cộng sở hữu hoặc đầu tư vào. Trong số 125 công ty này, ít nhất 32 công ty Tàu cộng đã nhận tới 180 triệu USD, mỗi công ty được khoản vay trị giá hơn 1 triệu đô la.
Nổi bật trong số này là công ty Continental Aerospace Technologies, đã nhận khoản hỗ trợ 10 triệu đô la và Aviage Systems, đã nhận 350.000 đô la. Hai công ty này do Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc làm chủ. Và tập đoàn này lại là một công ty quân sự của nhà nước Trung Quốc.
Cần nói rõ là mặc dù gọi là "vay" nhưng nếu các công ty đáp ứng một số điều kiện như dùng nó để trả ít nhất 60% tiền lương nhân viên, giữ được tổng số nhân viên trước đại dịch, tối đa 40% tiền sử dụng cho chi phí thuê mướn văn phòng, điện nước... và làm đơn xin được "tha nợ" trong vòng 24 tuần sau khi nhận được hỗ trợ. Nếu những điều kiện này được đáp ứng thì chính phủ có thể "tha nợ" ở mức độ lên tới 100%. Nếu không đến 100%, phần còn lại phải trả thì chỉ trả với số tiền lời 1%.
Do đó, có thể nói rằng các công ty do Tàu cộng sở hữu chủ đã được hỗ trợ gần như toàn phần bởi tiền thuế của người dân Hoa Kỳ.
Trong nhiều tháng qua, Tổng thống Donald Trump đã lên án Tàu cộng là thủ phạm gây nên đại dịch và Trung Quốc cần phải bồi thường thiệt hại (“China should be paying for it, and maybe they will”).
Chuyện Tàu cộng có bồi thường hay không và làm cách nào để áp lực Bắc Kinh làm chuyện đó thì chưa ai biết. Nhưng trước mắt thì chính phủ Hoa Kỳ đã lấy tiền thuế của dân để trả cho 125 công ty Tàu cộng gần nửa tỉ đô la.
04.08.2020