Niềm vui ở phi trường Rwanda - Dân Làm Báo

Niềm vui ở phi trường Rwanda

Jeremy Clarke - Trần Quốc Việt (Danlambao) dịch - Máy bay chúng tôi đáp xuống Rwanda vào lúc 7 giờ tối. Khi tôi bước ra cầu thang kim loại bên ngoài, tôi ngửi mùi đất, oi nồng, rữa nát không nhầm lẫn vào đâu được mà chứng tỏ rằng bạn đã đặt chân đến Châu Phi nhiệt đới và trong thời gian sắp tới mọi sự sẽ khác đi. Tôi băng qua phi đạo để đến phòng chờ dành cho khách đến mà mồ hôi đã vã ra rồi và xếp hàng để trình hộ chiếu và thị thực.

Tôi thật dại và sơ ý khi làm thị thực qua một công ty tư nhân trên mạng tên là Dịch vụ Thị thực Rwanda, mà tính giá lệ phí dịch vụ gần gấp hai lần giá thị thực bình thường. Bốn tuần trước ngày khởi hành, tôi làm trên mạng tất cả những gì họ yêu cầu và được thông báo là thị thực "đang chờ cấp".

Ba tuần rưỡi sau vẫn chưa nhận được thị thực, tôi gởi điện thư hỏi. Không trả lời. Hai ngày sau tôi thử gởi lại. Lần này một nhân viên của Dịch vụ Thị thực Rwanda nói ông ta rất tiếc là do những khó khăn không đoán trước được cho nên công ty ông không thể có thị thực nhập cảnh cho tôi theo ngày tháng yêu cầu. Tuy nhiên, nếu tôi ghi lại số gồm bảy con số sau và đưa cho nhân viên hải quan lúc đến nơi thì mọi việc sẽ tốt đẹp.

Tôi bước đến trình hộ chiếu cho nhân viên hải quan Rwanda, một người trẻ, lịch sự, khiêm tốn, điềm tĩnh, từ tốn, kiên nhẫn và tận tâm. Anh khiêm nhường đến mức tôi tự hỏi phải chăng anh đã ký thác lòng anh cho Đức Chúa Jesus Christ. Bảng tên anh ghi tên anh là Rukondo, mà có nghĩa là ‘tình yêu’. Anh hỏi tôi nhiều câu hỏi về bản thân tôi mà anh chợt nghĩ ra, như thể anh đang muốn biết về tôi với tư cách bạn bè hơn là với tư cách công chức.

Cuối cùng anh hỏi tôi câu hỏi mà tôi thầm mong anh đừng hỏi. ‘Ông Clarke, ông có thị thực chứ?’ Anh nói. ‘Cảm ơn. Đây là thị thực của ông à? Mảnh giấy này ư?’ Tôi chỉ cho anh thấy số gồm bảy con số viết tay bằng bút bi. Vầng trán phẳng, sáng, trung thực của anh nhíu lại. Trán anh càng nhíu lại hơn khi tôi kể cho anh việc giao dịch của tôi với Dịch vụ Thị thực Rwanda. Trong lúc tôi giải thích thì anh vẫn nắm chặt mảnh giấy nhỏ bằng cả hai tay và nhìn chăm chú vào mảnh giấy như thể anh tin lời tôi rằng mảnh giấy ấy quả thực là một giấy tờ quan trọng. Sau cùng anh nói ‘Tôi sẽ cho ông biết tôi sẽ làm gì. Ông Clarke, tôi sẽ giúp ông.’

Rồi anh gọi một đồng nghiệp đến, người này cầm mảnh giấy của tôi đi khỏi. ‘Cô ta sẽ kiểm tra lại,’ anh nói. ‘Mời ông đứng chờ ở đằng kia ạ.’ Vào khoảng năm phút sau anh gọi tôi đến, rất tự tin đóng dấu vào hộ chiếu của tôi và nói rằng mọi thứ đều hợp lệ và anh hy vọng tôi sẽ có thời gian tuyệt vời ở nước anh.

Mãi cho tới lúc tôi đứng bên cạnh băng chuyền hành lý thì tôi mới nhận ra rằng tôi đã bỏ quên chiếc iPad mới toanh trên máy bay, mà sau khi tiếp nhiên liệu sẽ bay tiếp đến Entebbe với số hành khách còn lại. Một giờ nữa máy bay sẽ bay tiếp. Tôi muốn đi chết đi được.

Ngồi trong quầy kế bên cửa nơi những hành khách vừa đến túa vào vòng tay chào đón của bạn bè, người thân và tài xế là một viên cảnh sát. Tôi bước đến và với giọng ra vẻ bình thản tôi nói cho ông biết sơ suất mà không còn hy vọng gì nữa của tôi. Bảng tên ông ghi tên ông là Turatsinze, mà có nghĩa là ‘Chúng tôi là những nhà vô địch’. Với vẻ nghiêm trọng ông nhấc điện thoại lên và nói chuyện lâu và rất nghiêm túc với ai đấy ở đầu dây bên kia, chỉ gián đoạn một lần để hỏi tôi số ghế của tôi.

Trong khi chúng tôi chờ kết quả của cuộc nói chuyện này, tôi nói với ông rằng tôi rất cảm ơn ông vì dù sao ông cũng đã cố gắng giúp tôi. Ông đáp rằng ở Rwanda nếu du khách cần giúp đỡ thì bổn phận của mọi người Rwanda là phải cố gắng giúp đỡ họ hết mình. Nhận thấy tâm trạng bồn chồn lo lắng của tôi, ông khuyên tôi nên bình tĩnh vì tôi hầu như chắc chắn sẽ nhận lại được tài sản của mình. Rồi ông hỏi tôi chiếc iPad tôi đã mua bao nhiêu. Tôi bảo ông 1.500 đồng bảng Anh kèm theo bàn phím. Sau khi đổi số tiền ấy sang đồng tiền franc của Rwanda, ông nhận xét rằng với số tiền ấy ông có thể mua đất. Rồi ông nói có lần ông đã đến Birmingham và mọi người ông gặp ở đấy đều rất hay giúp đỡ ông và ông đã ủng hộ đội bóng Manchester United. Tôi bày tỏ sự cảm thông với ông về sự suy yếu gần đây của đội bóng này. Ông nói ủng hộ Manchester United là giống như có đứa con tàn tật vậy, ' nhưng thay vì giết con thì ta vẫn yêu thương nó như thường'.

Rồi một nữ cảnh sát cầm iPad của tôi đi đến.

Một khi tôi chứng minh nó là của tôi bằng cách mở nó ra bằng cách nhận diện mặt tôi, cô trao nó lại cho tôi kèm theo nụ cười rộng mở và hân hoan. Bằng một cử chỉ tế nhị tôi gợi ý muốn thưởng công cho cô nhưng cô ngay từ đầu đã nhất quyết không nhận. Tên cô là Giramata, mà có nghĩa là ‘có sữa’. Cầm chặt chiếc Ipad trong tay, tôi bước qua cửa để vào đất nước cô.


Nguồn: Dịch từ báo Anh The Spectator số ra ngày 16 tháng 11, 2019. Tựa đề nguyên tác ‘The joy of a Rwandan airport’.

Người dịch:




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo