Phản đối việc “Khởi tố vụ án bắt người trái pháp luật” tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng! - Dân Làm Báo

Phản đối việc “Khởi tố vụ án bắt người trái pháp luật” tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng!


Thảo Ngọc (Danlambao)
 - Tờ Tạp chí nước Đức ra ngày 25/9/2020 có đăng bài: “Bí thư tỉnh ủy Đắk Lắk bị tố đạo luận án, gian dối học thuật”. Theo đó: "Tòa soạn Môi trường và Xã hội nhận đươc đơn tố cáo của anh PĐV (Phạm Đình Quý) về việc ông Bùi Văn Cường, Ủy viên BCHTƯ, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk, đạo luận án Tiến sĩ, gian dối trong học thuật để trèo cao nhằm mục đích không trong sáng, gây bất bình trong nhân dân."

Cụ thể: Năm 2016, ông Cường làm nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại Trường Đại học Hàng hải VN, năm 2018 bảo vệ luận án.

Tuy nhiên theo tìm hiểu, luận án Tiến sĩ của ông Bùi Văn Cường có 3 chương nghiên cứu lý thuyết đã sao chép 70% các công trình xuất bản trước đó. (1)

Sau khi làm đơn tố cáo thì ông TS-Võ sư Phạm Đình Quý bất ngờ bị bắt.

Sự việc diễn ra như sau: Vào tối 23/9/2020, ông Phạm Đình Quý đang đi ăn cùng vợ thì bị các công an ập tới vây bắt đưa đi. Thầy Quý và cả vợ được chở về nhà trọ của một người bạn, bị lục lấy 1 máy laptop. Sau đó thầy được đưa đến Phòng cảnh sát QLHC về TTXH (459 Trần Hưng Đạo, Q.1, Tp. HCM) làm việc, về sau thầy được giải lên Đắk Lắk. Riêng vợ thầy đã được thả ra lúc 4giờ sáng 24/9, và buộc phải ký cam kết là... không được tiết lộ cho người thứ 3 về việc vây bắt này.

Sau hai ngày thầy Quý không liên lạc với gia đình, và nhà trường, nơi thầy đang công tác. Chiều nay 25/9 gia đình thầy đã nhờ luật sư đi lên Đắk Lắk, đồng thời gửi đơn kêu cứu đến các cấp.

Trước đó, ngày 21- 9, Công an Đắk Lắk cũng đã bắt Võ sư - Tiến sĩ Hoàng Minh Tuấn (sinh năm 1980), là học trò TS Quý khi người này đang trên đường từ nơi cư trú ở huyện Cư Kuin đi Khánh Hòa. Hai ngày sau, 23/9/2020, Công an Đắk Lắk đã khởi tố vụ án "Vu khống, bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự; gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác" và tiến hành bắt giữ ông Quý tại TP Hồ Chí Minh vài giờ sau đó.

Sau khi sự vụ việc xảy ra, một số kẻ thiếu lòng yêu đảng đã lu loa lên rằng, việc bắt người này là “thế lọ thế chai”. Họ còn dẫn Thông tư 46/2019 của BCA quy định: Nếu giữ người trong trường hợp khẩn cấp thì phải thông báo cho gia đình. Trường hợp gần hết 03 ngày mà cơ quan điều tra thấy phải gia hạn, thì được 02 lần gia hạn và mỗi lần 03 ngày. Sau khi tạm giữ, cũng như mỗi lần gia hạn thì đều phải thông báo cho VKS.

Và họ còn đòi khởi tố vụ án về việc bắt người trái phép này.

Trước hết nói về việc bắt giữ:

Không những người trong nước muốn bắt lúc nào thì bắt, mà ngay như Trịnh Xuân Thanh, kẻ đã ôm khối tài sản khổng lồ vơ vét được chạy sang trốn ở Đức, liền bị Công an VN mò sang bắt lôi cổ về “đầu thú”. Vì Trịnh Xuân Thanh đã dám cho Hiếu gió công khai chửi ngài TBT-CTN là không xứng đáng ngồi vào vị trí đó.

Còn như Vũ Đình Duy, kẻ cũng ôm khối tài sản khổng lồ như Thanh và bỏ trốn. Nhưng Duy im re, cùng bạn giá ngao du khắp trời Âu để tiêu hóa khối tài sản đó mà chẳng bị ai bắt. Và đến nay BCA đã đình chỉ điều tra vụ án này.

Hay như ông chủ Nhật Cường-Bùi Quang Huy, đã bỏ trốn ra nước ngoài, và BCA đã có lệnh truy nã đỏ và quyết tâm bắt bằng được. Có tin nói CAVN đã xông vào tận sào huyệt của Huy rồi, suýt bắt thành công thì cơ quan chức năng nước sở tại phát hiện, do đó việc bắt không thành. Nhưng trong khi chờ đợi và chưa bắt được Huy thì phải bắt ngay Bùi Quốc Việt, anh trai Huy để “tạm thời thay thế”.

Việc đưa người ra nước ngoài để bắt người VN đang bỏ trốn tuy là không hợp pháp nhưng xem ra cũng... hợp lý. Vì chúng ta đang đấu tranh và xây dựng thế giới đại đồng, xóa bỏ ranh giới các quốc gia để thực hiện ước mơ “Bốn phương vô sản đều là anh em”. Do đó quyết tâm của BCA phải bắt cho bằng được ông chủ Nhật Cường. Dù cuộc vây bắt này có “kéo dài 5 năm, 10 năm hay lâu hơn nữa”, dù có tốn kém bao nhiêu, nhưng BCA quyết không sợ. Không có gì quan trọng hơn việc bắt cho bằng được ông chủ Nhật Cường.

Nói như vậy để biết rằng, việc Công an Đắk Lắk có vượt hàng trăm cây số, xông vào nhà bắt người xong thì đưa giấy mời, cũng là chuyện bình thường. Có người nói đây là vụ bắt cóc trắng trợn. Nói như vậy là không chính xác. Đây là vụ bắt người chứ không phải bắt cóc nhé.

Về tấm bằng Tiến sĩ của ông Bùi Văn Cường:

Hàng năm tại VN, tại các lò ấp TS, mỗi năm cho ra lò mấy trăm em, còn việc chất lượng đào tạo ra sao thì không cần biết. Miễn sao các lò này thu được tiền, và kẻ có bằng lấy đó làm nấc thang thăng tiến thành công là được. Ngay như TP. Hà Nội, người ta đã có kế hoạch phổ cập bằng TS xuống các phường xã đó sao. Có người nói rằng tại VN, bằng TS mua như mua rau. Đúng. Nhưng hễ có cung thì phải có cầu. Đó là quy luật.

Việc đạo văn:

Ngay như ông GS-TS Nguyễn Đức Tồn, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học Việt Nam, cũng còn bị tố đạo văn. Nhưng ông ấy đã cãi béng đi và cho rằng: “Hồ sơ này phải được niêm phong, đảm bảo đúng hồ sơ gốc để chuyển cho ban thẩm tra, không tùy tiện lấy bất cứ cuốn nào trên thị trường để thẩm định”. Nghĩa là ông ấy đã làm đúng... quy trình.

Hơn nữa việc “mượn” luận án của kẻ khác làm tài liệu cho luận án của mình như ông Bùi Văn Cường, là đã tận dụng và phát huy chất xám của kẻ khác một cách rất... tài tình. Vì nếu ông Cường không “mượn” thì tài liệu đó vẫn chỉ nằm trong kho lưu trữ. Ông Cương làm như vậy thì người có tài liệu bị ăn cắp ấy cũng chẳng thiệt hại gì, và cũng chẳng chết thằng Tây nào cả. Hàng trăm hàng ngàn tỉ đồng tiến thuế của dân mà nhiều kẻ còn “cầm nhầm”. Khi bị lộ thì có kẻ hưởng án treo, có kẻ vài ba năm tù là xong. Chỉ những ai không thuộc (phe mình) mới bị xử lý nặng mà thôi.

Hơn nữa việc ông Bùi Văn Cường đang giữ trọng trách, do đó đang rất cần tấm bằng TS để giữ ghế và tiến xa. Dù ông ấy đã nhiều năm rời lĩnh vực chuyên môn, nhưng bằng mọi cách ông ấy phải kiếm cho được tấm bằng TS, chứng tỏ ông ấy có tinh thần học hỏi và cầu tiến.

Có người nói: các ông Quý và Tuấn gửi đơn tố cáo công khai. Nếu nội dung tố cáo là sai, ông Cường có quyền khởi kiện dân sự đối với hai ông này, và đòi bồi thường thiệt hại. Sao lại phải ập vào bắt như vậy?

Nên biết rằng có nhiều việc nếu không làm được chính danh như người quân từ, thì phải dùng mưu hèn kế bẩn của kẻ tiểu nhân mới được. Ngạn ngữ VN có câu: “Võ nghệ cao tay không bằng dao phay chém lén” là vậy. Cái nào được việc nhanh thì làm.

Nói rằng “luận án Tiến sĩ của ông Bùi Văn Cường có 3 chương nghiên cứu lý thuyết đã sao chép 70% các công trình xuất bản trước đó.”Nói như vậy là chưa chính xác. Biết đâu có những lúc đầu óc ông Cường bỗng nhiên lóe sáng và nghĩ ra được những ý tưởng như vậy thì sao? Người ta có nhiều khi thông minh đột xuất mà.

Có người thắc mắc tại sao công an Đắk Lắk có quyền đến Sài Gòn bắt người?

Về nguyên tắc là không, trừ phi có phê chuẩn lệnh bắt từ Viện Kiểm sát hoặc lệnh truy nã. Trong trường hợp này có lẽ giữa chính quyền Tp. Hồ Chí Minh và chính quyền Đắk Lắk đã ký hiệp định dẫn độ. Hồi xưa bọn mua chó đã ký hiệp định dẫn độ với lão Hạc mới dám đến nhà lão bắt chó đi được.

Việc ông Bùi Văn Cường năm 2016 làm luận án TS về cái chân vịt lượn lách biển Hải Phòng, năm 2018 bảo vệ luận án ấy thể hiện điều gì?

Biết đâu, cũng có thể ông Cường là nhà khoa học kỹ thuật chân vịt thực sự muốn cống hiến cho luồng lách Hải Phòng những sáng tạo của mình thì sao?

Vậy tại sao không biểu dương Bùi Văn Cường, vị quan chức cao cấp duy nhất của VN tràn đầy tinh thần hiếu học, sẵn sàng từ bỏ quyền lực để trở về với nghề tay trắng thuở trai?

Rất có thể để hợp thức hóa việc bắt người trái phép, và việc tạm giữ hai ông Phạm Văn Quý và Hoàng Minh Tuấn, sẽ được giải thích bằng một lý do khác, đi kèm với việc điều tra một tội danh khác, không phải tội "Vu khống, bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự; gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác" như đã ghi trong vụ án được khởi tố.

Y như vụ án Cù Huy Hà Vũ trước đây, từ chỗ “hai bao cao su đã qua sử dụng”, sau biến thành tội “Tuyên truyền chống phá nhà nước CHXHCNVN” đó sao.

Tóm lại: Việc Công an Đắk Lắk vượt hàng trăm cây số, xuống tận Sài Gòn để bắt cho bằng được người đã dám tố cáo ông Bí thư Tỉnh ủy đạo văn và gian dối học thuật là... đúng quy trình. Vì đã dám đụng vào một Ủy viên TƯ, kẻ đang nắm quyền sinh quyền sát trong tay. Đồng thời để chấm dứt việc bị tố cáo, gây bất lợi cho việc thăng tiến của ông Bùi Văn Cường.

Và cũng là bài học cho những kẻ dám mò dái ngựa, “điếc không sợ súng”.

Do đó cần phản đối việc đòi truy tố vụ bắt người trái phép, nhằm bảo vệ uy tín cho ông Bùi Văn Cường, là bảo vệ đảng, qua đó nhằm “giữ gìn sự đoàn kết và trong sạch trong đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.

Chú thích:


30.09.2020



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo