Mẹ Nấm (Danlambao) - Tháng 8/2010, cô Talvitie-Siple, giáo viên dạy toán và khoa học tại trường trung học ở Cohasset, Mass bị buộc phải từ chức sau khi phụ huynh phát hiện những bình luận trên Facebook mà cô viết để mô tả học sinh là "túi vi trùng" và phụ huynh là "hợm hĩnh" và "kiêu ngạo."
Cô giáo 54 tuổi cho biết cô nghĩ rằng bài đăng của mình sẽ chỉ hiển thị với bạn bè. Tuy nhiên chế độ cài đặt Facebook của cô đã làm cho những nhận xét đó hiển thị với những người khác trên Internet. "Tôi đã phạm một sai lầm ngu ngốc, nó có thể khiến tôi phải trả giá bằng cả sự nghiệp của mình”. Talvitie-Siple đã cài đặt lại Facebook của mình và hy vọng trải nghiệm của cô có thể là bài học cho những người khác.
Năm 2017, cô Cammie Rone, giáo viên lớp 2 tại trường Batesville, tiểu bang Mississippi đã bị sa thải sau khi có bình luận phân biệt chủng tộc trên trang Facebook cá nhân. Status được đăng có nội dung: "Nếu người da đen ở đất nước này cảm thấy bị xúc phạm quá sức thì không ai bắt họ phải ở lại đây. Tại sao họ không thu dọn đồ đạc và chuyển về châu Phi, nơi họ sẽ phải làm việc để kiếm sống? Tôi chắc chắn chính phủ sẽ trả tiền cho họ! Chúng ta trả tiền cho mọi thứ khác." Sau khi một phụ huynh chụp màn hình và gửi cho học khu. Cô đã biện minh rằng tài khoản của cô đã bị tấn công.
Keboni Anderson, phụ huynh đã phản ánh vụ việc này nói: “Tôi chưa bao giờ có vấn đề với cô Rone. "Tuần trước tôi có một cuộc họp với cô ấy và cô ấy rất tốt." Tuy nhiên cô cho biết mình cảm thấy khó xử vì con trai cô là người da đen. "Tôi nghĩ rằng nếu cô giáo có suy nghĩ ấy về người da đen, điều đó khiến tôi hoang mang không biết cô ấy sẽ đối xử với con trai tôi như thế nào”. Con trai của cô Keboni là người da đen.
Đây chỉ là một câu chuyện trong rất nhiều câu chuyện liên quan đến việc giáo viên tại Mỹ sử dụng mạng xã hội để bình luận, trút sự giận dữ của bản thân.
Có thể bạn sẽ ngạc nhiên vì tại sao chuyện này xảy ra khi Mỹ là nước có quyền tự do ngôn luận. Chuyện giáo viên tại Mỹ, nhất là trong các trường công lập bị thôi việc không còn là quyền "tự do ngôn luận" nữa. Nguyên nhân khiến các giáo viên này đã vi phạm vào quy chuẩn đạo đức nghề nghiệp. Và họ phải nhận hình phạt tương thích với hành vi của mình.
Quay trở lại với Việt Nam, cô Huỳnh Thị Thu Huệ, giáo viên chủ nhiệm lớp 10A4 của nữ sinh lớp 10 vừa tự tử tại trường THPT Vĩnh Xương (Tân Châu, An Giang) đã viết trên Zalo về vụ việc trên như sau:
“Có một loài chim đã tìm cái chết rất vinh… để vu oan… trong một môi trường rất cao quý, chim chọn một nơi rất thanh sạch à nghen... Xin hãy trả lại sự thanh sạch cho cái chết của con chim hay sự thanh tao trong ca dao của con cò. Mong các bạn giải bài toán đố này nhé!”.
Khi có học sinh bình luận. cô giáo này còn phản hồi như sau: “Tự tử chết có coi là vinh quang không con?”. “Cò bảo có xáo thì xáo nước trong có nghĩa là cho đến chết cũng phải trong sạch con à! Còn đằng này con chim chuyên nhả nước bọt kia mượn cái chết giả để vu oan giá họa cho người khác hèn uổng công xúc tép nuôi… chim”. Cô giáo Huệ hiện chưa bị xử lý vì những phát ngôn thiếu tình người, phản giáo dục của mình.
Câu chuyện của cô Huệ chỉ là một ví dụ về nhận thức của một người làm giáo dục trong cách cư xử với học sinh.
Lỗi nhận thức của ngành giáo dục là lỗi hệ thống của cả xã hội Việt Nam.
Ngành giáo dục có quy tắc ứng xử trong môi trường học đường. Ngành y tế có bộ quy tắc đạo đức hành nghề y.
Truyền thông có tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp người làm báo.
Đảng viên có tiêu chuẩn đạo đức Hồ Chí Minh....
Tất cả các tiêu chuẩn đều được đưa ra nhưng những người liên quan có thực hiện hay không lại là chuyện khác.
Tại Việt Nam, để xử lý vấn đề nhục mạ người khác trên mạng xã hội, công an sẵn sàng vào cuộc và khởi tố người dân vì có hành vi xúc phạm lãnh đạo. Tivi, báo chí sẵn sàng phơi bày bí mật đời tư, giấy khai sinh của những đứa trẻ bất chấp vi phạm luật pháp, công ước quốc tế. Bác sĩ sẵn sàng đem hình ảnh, bí mật của bệnh nhân để câu like, câu view.. Truyền thông sẵn sàng mở phiên tòa phán quyết trên mạng để kêu gọi công lý, để giành được phần thắng trên mạng xã hội.. Những cuộc lên đồng tập thể được khởi phát từ truyền thông như các chương trình Đối Diện, Sự Thật… Đài Truyền hình Quốc gia VTV miệt thị người dân mưu sinh bằng gánh hàng rong là "ký sinh trùng"...
Từ trước đến nay, báo chí chẳng cần có bằng chứng, lý lẽ.. cứ thoải mái nhục mạ người có quan điểm khác biệt theo các chiến dịch được phát động bởi Ban Tuyên giáo. Lãnh đạo sẵn sàng bắt nhốt người phản biện hay mở chiến dịch bôi đen cá nhân những người nói “không theo ý đảng”. Nhục mạ người khác dần trở thành hành vi bình thường trên mạng xã hội ở Việt Nam được Bộ Chính trị khởi xướng nhằm dập tắt ý thức phản kháng của công dân.
Cô giáo Huỳnh Thị Thu Huệ cũng chỉ là một sản phẩm lỗi của hệ thống giáo dục. Có lẽ cô và những giáo viên khác tại trường THPT Vĩnh Xương chẳng nhận thức được rằng hành vi của mình đã làm chấn thương tâm lý học sinh ra sao.
Hành vi phản kháng của nữ sinh lớp 10 có khiến cả xã hội nhận ra mình đã từng bị bạo hành tinh thần hay chỉ là một vụ việc khiến dư luận “nhanh sôi chóng nguội” như bao lần?
Ngày nay, với mạng xã hội phát triển, nhiều người cho phép mình trở thành quan tòa, người phán xét các ý kiến bất đồng bằng cách chụp mũ vô căn cứ. Các ngôn từ miệt thị, rủa xả cứ thoải mái tuôn ra. Đó là ảnh hưởng từ nền giáo dục hiện tại hay là tính cách của người Việt vốn không chấp nhận được sự khác biệt?
7.12.2020
danlambaovn.blogspot.com