Bitcoin “thật” hay “ảo”? Đầu năm lên “cơn sốt” - Dân Làm Báo

Bitcoin “thật” hay “ảo”? Đầu năm lên “cơn sốt”

Trần Nguyên Thao (Danlambao)
- Những năm gần đây, khoa học, kỹ thuật biến đổi chóng mặt. Nhiều độc giả cao niên, dù thuở thiếu thời bảng vàng đề danh nhiều lần, nay cũng “chào thua” các sản phẩm công nghệ tin học mới ra lò. Một chiếc điện thoại thông minh cài đặt đủ tiện nghi sắp xếp tinh vi nằm gọn trong bàn tay, nhưng nhiều “cụ” dù mới trên “sáu bó” cũng “ngu ngơ” không biết dùng đến một phần nhỏ của sản phẩm. Thật phí của Trời!

Trong lãnh vực tiền tệ, để dễ thanh toán và tránh bạc giả, cách nay trên một thập niên, năm 2009[1] , Bitcoin ra đời, do người “giấu mặt” dưới tên Satoshi Nakamoto [2] đưa vào lưu hành dưới dạng phần mềm của mạng điện toán toàn cầu mà không cần thông qua một định chế tài chính trung gian nào. Mỗi bitcoin được chia ra 100 triệu đơn vị nhỏ hơn gọi là Satoshi.

Thực tế tại Việt Nam, việc mua bán, mở sàn trung gian giao dịch Bitcoin diễn ra khá phổ biến và hoạt động náo nhiệt hàng ngày. Từ hạ tuần tháng Giêng 2021, thị trường trao đổi Bitcoin diễn ra sôi nổi, nhộn nhịp như chưa từng thấy tại Việt Nam. Nhưng Ngân Hàng Nhà Nước chính thức nói là, luật pháp chưa “bảo vệ cho nghiệp vụ tài chánh Bitcoin”. Từ năm 2018 đến nay, chế độ vẫn nói là “đang cứu xét” chưa cho, chưa cấm. Phía chuyên gia về tiền ảo thì lập luận, luật chưa cấm, nên việc mua, trữ, giao dịch Bitcoin như hàng hoá, tài sản chưa phạm pháp.

Bitcoin mang ký hiệu BTC, XBT, (như hình bên cạnh) . Gọi là đồng tiền, nhưng lại không có hình thù như những loại tiền của các nước đang lưu hành trên thế giới mà chúng ta thường gặp... Bitcoin không sờ vào được như tiền giấy hay tiền kim loại. Người thì gọi Bitcoin là tiền “ảo”, kẻ bảo tiền điện tử, VTV.vn thì gọi văn hoa là tiền “kỹ thuật số”. Người làm chủ Bitcoin gọi là có “ví bitcoin”, tương đương với trương chủ hay chủ tài khoản của Ngân Hàng Thương Mại.

Xét về hình thức, thì Bitcoin như “ma chơi”, chập chờn qua những con số điện tử nhảy múa thay đổi từng giây trên màn hình máy tính. Nhưng xét về giá trị, thì Bitcoin lại dùng trao đổi, mua bán được và có giá trị lên xuống nhiều khi giao động bất ngờ, làm cho nhiều vị nữ lưu có “ví bitcoin” đang long đong tìm chỗ trao thân phải “xiêu hồn, lạc phách”; hoặc từng trải, già giặn như các tay buôn bán sừng sỏ cũng phải chau mày rơi lệ... vì sơ sẩy tự mình làm tán gia bại sản!

Mùa Thu năm 2017, báo chí tại Việt Nam loan tin, hệ thống Đại Học FPT tại Việt Nam chấp nhận thu học phí bằng bitcoin là một trong những câu chuyện nóng nhất lúc đó, khi tiền ảo không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp ở Việt Nam.

Đúng là tỷ lệ người biết và sử dụng đồng Bitcoin vẫn còn rất thấp trên thế giới. Theo khảo sát người tiêu dùng toàn cầu của Statista năm 2020 thực hiện tại 74 quốc gia trên thế giới, Nigeria là quốc gia có độ phổ biến tiền ảo lớn nhất thế giới với 32% người được hỏi cho biết đã từng sử dụng hoặc sở hữu tiền ảo.

Theo Bitcoin.com, chi phí chuyển tiền xuyên biên giới theo hình thức truyền thống tốn kém hơn, khiến người dân ở các nước nhận nhiều kiều hối từ thân nhân làm việc ở ngoại quốc hay thân nhân gởi về tìm tới các sàn tiền ảo nội địa để chuyển và nhận tiền. Họ cũng học cách cài phần mềm thanh toán tiền ảo vào điện thoại để chuyển và nhận tiền.

Tại Việt Nam, kiều hối chuyển về nước cũng ở mức cao; được coi là lý do đưa tỷ lệ người Việt “mê” tiền ảo lên bậc thứ nhì thế giới, chỉ sau Negeria.

Như trinh bầy sơ lược dưới đây, giá trị Bitcoin lên xuống với biên độ giao động rất nhanh và rủi ro khá cao. Từng có nhiều người mất trắng số tiền đầu tư vì sàn vỡ, sàn lừa đảo. Tuy vậy, vẫn có nhiều “tay chơi” đang sẵn sàng “lao vào cuộc chiến”:

Trong gần 8 năm đầu, Bitcoin đã bị thiên hạ đăng “cáo phó” đến 89 lần, nhiều nhất là các năm 2011 đến 2015. Những năm kế tiếp cho đến nay bảng “Rest In Peace” (RIP) chẳng những không còn, mà đồng Bitcoin đang tạo ra nhiều tranh luận và tiên đoán khác biệt:


Hôm 12/01/2021, VTV.vn hốt hoảng loan báo, chỉ trong vòng 24 giờ, thị trường tiền kỹ thuật số bị thổi bay hơn 200 tỷ Mỹ kim giá trị, sau khi đồng tiền kỹ thuật số hàng đầu Bitcoin rơi khỏi mức đỉnh hơn 40,000 Mỹ kim hồi cuối tuần.

Vài tuần sau, các loại tiền ảo, đặc biệt là Bitcoin, nhận được sự quan tâm lớn của giới đầu tư, kể cả nghiệp dư lẫn chuyên nghiệp. “Cơn sốt” tiền ảo trở nên nóng hơn bao giờ hết khi đồng Bitcoin – tiền ảo lớn nhất thị trường – liên tiếp lập kỷ lục về giá và gần đây nhất, ngày 21/02 tiến sát mốc 56.000 Mỹ kim cho mỗi Bitcoin, xác lập kỷ lục mới, đưa mức vốn hóa thị trường vượt ngưỡng 1.000 tỷ Mỹ kim, gấp 2,5 lần so với mức kỷ lục gần 20.000 Mỹ kim thiết lập vào tháng 11 năm 2017.

Tính chung trong 12 tháng qua, khi lao dốc, lúc thăng hoa, Bitcoin vẫn duy trì được mức tăng tới hơn 300%.

Cho đến nay những ý kiến về tương lai đồng Bitcoin vẫn chỉ là dự đoán, không có gì chắc chắn. Nhưng chưa có ai “nổ” bạo miệng như người dẫn chương trình “Mad Money” Jim Cramer của CNBC, theo ông này “đồng tiền điện tử Bitcoin có thể lên đến 1 triệu Mỹ kim trong tương lai”.

Ba năm trước, cuối tháng 02/2018 tỷ phú Bill Gates [3] trả lời trực tuyến trên Reddit, cho rằng tính ẩn danh và không được kiểm soát của các loại tiền kỹ thuật số cho phép giới tội phạm tiến hành các giao dịch chợ đen, rửa tiền, trốn thuế và các trao đổi tài chính bất hợp pháp khác.

Sau đó, tháng 3/2018, trên hệ thống CNBC, Giáo Sư Kinh Tế đại học Harvard, Kenneth Rogoff [4] tiên đoán 10 năm tới, khả năng giá một bitcoin giảm xuống tới mức 100 Mỹ Kim thay vì tăng lên 100.000 Mỹ Kim.



Trao đổi trực tiếp với người phụ trách mục này, chuyên gia đầu tư Bắc Ấu nhận định: Bitcoin dễ gặp nạn giảm phát, (thay vì lạm phát). Người ta có khuynh hướng muốn để dành, đợi giá trị Bitcoin tăng thay vì tiêu dùng. Như thế không phù hợp với nền kinh tế tiêu thụ. Ngoài ra vì tính giao dịch ẩn danh qua Bitcoin dễ dàng, nó đã thành một tiền tệ thông dụng của các xã hội đen. Kết quả là, phần đông các chính quyền trên thế giới đều dè dặt với Bitcoin. Nhưng họ lại rất tò mò muốn tìm hiểu kỹ thuật "block chain" nằm sau Bitcoin [*].

Nhờ áp dụng kỹ thuật “blockchain” [5], nên đồng Bitcoin được giới hạn tổng cộng 21 triệu Bitcoin vào 119 năm nữa, tháng 7 năm 2140 [6] - khi đó bạn và tôi cũng “trở về cát bụi”. Nếu đến lúc đó, Bitcoin được cả thế giới nhìn nhận, thì đúng là nó có giá trị ít ra cũng là 14 triệu Mỹ Kim cho mỗi Bitcoin. Bởi vì cho đến nay, tài sản của cả nhân loại cũng “hòm hòm” 300 ngàn tỷ Mỹ Kim [7].

Bất cứ khi nào, nếu bạn muốn tìm, vào ngay Google gõ nhẹ mấy chữ “bitcoin price today” sẽ thấy trị giá đồng Bitcoin trong thời điểm mới nhất.

Theo bitcoin.com, Ngân hàng Trung ương Philippines đã cấp phép cho một số sàn tiền ảo để vận hành như "các công ty giao dịch kiều hối" tại quốc gia này. Chính phủ Philippines cũng cùng với ngân hàng Unionbank ra mắt ứng dụng chuỗi khối (blockchain) có tên bonds.ph để phân phối trái phiếu chính phủ. Blockchain là công nghệ đứng sau Bitcoin. Unionbank cũng triển khai lắp đặt một máy ATM Bitcoin tại thành phố Makati - trung tâm tài chính của Philippines. Những động thái này cho thấy tiền ảo đang dần bước vào hệ thống tài chính chính thống tại quốc gia Đông Nam Á.

Bên cạnh châu Phi và Đông Nam Á, Châu Mỹ Latin cũng là khu vực mà tiền ảo khá phổ biến. Peru đứng đầu khu vực này với 16% người tham gia khỏa sát cho biết họ từng dùng hoặc sở hữu tiền ảo, theo sau là Brazil, Colombia, Argentina, Mexico và Chile. Thụy Sĩ và Hy Lạp là hai quốc gia có độ phổ biến tiền ảo cao nhất tại châu Âu với cùng tỷ lệ 11%. Xét theo khu vực, châu Âu là khu vực có mức độ chấp nhận tiền ảo thấp.

Nhật Bản và Đan Mạch là hai quốc gia có tỷ lệ người được hỏi cho biết từng dùng hoặc sở hữu tiền ảo thấp nhất thế giới với 4%.

Nhìn lên tấm bản đồ thế giới, rất nhiều quốc gia vẫn cấm Bitcoin lưu hành trên không gian điện toán, trong đó có Trung cộng, còn Việt cộng thì vẫn nói “lửng lơ”.

Cuối tháng 11/2017, Bắc Kinh áp đặt lệnh cấm tất cả các giao dịch tiền ảo trong nước. Tuy nhiên, điều này đã bị phản ứng ngược. Mọi giao dịch của Bitcoin đã chuyển sang các khu vực pháp lý khác, mở các trụ sở chính tại Singapore, Nhật Bản. Ngoài ra, một phần đáng kể các giao dịch được chuyển ra bên ngoài thị trường (OTC). Mọi mua bán Bitcoins, giữa các cá nhân được thực hiện trực tiếp. Vào đầu tháng 09/2018, thị phần giao dịch OTC không quá 5% đồng nhân dân tệ, nhưng một tháng sau đã lên đến 20%, và vào đầu tháng 11/2018, khi tất cả sàn giao dịch tiền ảo Trung cộng chính thức bị đóng cửa, chỉ số này đã tăng gấp đôi.


Lần đầu tiên một bài viết rất sơ lược về đồng tiền điện tử Bitcoin xuất hiện trên mục này, chỉ với ước mong giúp quý độc giả biết một phần đổi thay trong sinh hoạt tài chánh, tiền tệ toàn cầu. Quý bạn muốn tìm hiểu sâu hơn về “đồng tiền” ảnh hưởng trên đời sống của một phần nhân loại, thì có vô vàn tài liệu chi tiết mô tả về diễn biến phức tạp của Bitcoin.

Thị trường Bitcoin chưa có dấu hiệu giảm nhiệt tại Việt Nam. Lượng truy cập của người dùng Việt Nam vào các sàn giao dịch quốc tế vẫn chen chân đứng đầu. Đặc biệt, các sàn nước ngoài nhận định Việt Nam là một thị trường tiềm năng. Nhưng khi “vào cuộc” phải nắm rõ các quy định và hiểu về thị trường, đừng bao giờ lao mình vào cuộc chơi mà lại “ấm ớ” đường đi, nước bước.

Đối với các bạn ú a, ú ớ dù ở tuổi nào, nếu chiếc điện thoại thông minh còn chưa biết khai thác đến một phần tiện nghi của nó, hay mạng điện toán của bạn có chút trục trặc, bạn phải “bó tay”... thì đừng nghe các con buôn (trader) xúi dại đua đòi học cách “mở ví bitcoin” để lưu giữ đồng tiền điện tử này. Việc “mở ví Bitcoin” coi như mở một tài khoản (account) trong ngân hàng. Với khả năng của bạn và tôi vào lúc “xế chiều”, nên cặp kè chiếc ví truyền thống, nhét sâu trong túi quần tây, lâu lâu sờ thấy một lần để biết chắc vài tờ giấy bạc người phối ngẫu ưu ái dúi cho tiêu vặt vẫn đếm “sột soạt” trước mắt là chắc ăn hơn cả. Chớ có nghe con buôn xúi dại mà mất toi sấp giấy bạc, dù là tiền Hồ, trị giá chỉ ngang cộng hành cũng vẫn là “vật bất ly thân” như các cụ nhà mình đã dậy.

Chú thích:








[*] Chuyên gia Đầu Tư Bắc Âu giải thích: kỹ thuật blockchain tạm thời hiểu nôm na như một “cuốn sổ điện tử” Với khả năng điện toán thời nay, blockchain được phổ biến khắp nơi. Sau khi một dữ kiện được mạng lưới công nhận thì không có thể thay đổi, thao túng được. Như thế blockchain giúp phòng ngừa nạn mất mát dữ kiện, hay nạn cùng số tiền xài nhiều lần (vì không có thể thay đổi các con số đã "chép" vô blockchain để giả vờ tiền chưa xài). Điểm này đang khá hấp dẫn với giới tài chánh thế giới, nên các ngân hàng đang quan tâm đến blockchain. Kỹ thuật Blockchain còn có thế áp dụng kiểm soát bầu cử để tránh gian lận.

21 Feb 2021


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo