Trần Mai Trung (Danlambao) - Sau khi Thường trực Ban bí thư Đinh Thế Huynh bất ngờ biến mất vì "bệnh lạ", Tổng bí thư (TBT) Nguyễn Phú Trọng đưa Trần Quốc Vượng lên thay thế. Trọng công khai vận động để Vượng làm TBT khi Trọng về hưu, nhưng các đồng chí trong đảng không đồng ý việc này, họ muốn giành cái ghế TBT cho phe nhóm của họ.
Đảng CSVN có nhiều phe nhóm? Đảng không đoàn kết? Đúng vậy, nhìn lại lịch sử của đảng, mỗi khi phân chia các chức vụ thì các đồng chí để lộ ra bộ mặt thật của họ. Đấm đá, giành giật, nói xấu nhau để giành quyền lợi về cho cá nhân mình, phe nhóm mình.
Năm 1988, Thủ tướng Phạm Hùng bị chết bất ngờ, có người nói vì đau tim, có người nói là chết trên giường vì thượng mã phong. Phó thủ tướng thường trực Võ Văn Kiệt lên thay. Ngồi được 3 tháng thì Đỗ Mười hợp tác với Nguyễn Văn Linh hất Kiệt ra để giành ghế Thủ tướng.
Giữa năm 1996, đảng CS có đại hội 8, Mười đang làm TBT, 79 tuổi. Mười muốn Đào Duy Tùng kế nhiệm mình, nhưng các đồng chí trong đảng không đồng ý vì Tùng là người giáo điều. Lúc đó Kiệt là ngôi sao đang lên, có hi vọng giành được ghế TBT. Mười không muốn người đồng chí địch thủ lên làm đảng trưởng nên cho Nguyễn Hà Phan đi các nơi nói xấu Kiệt.
Phe nhóm Kiệt phản công, đưa ra hồ sơ Phan bị chính quyền Ngô Đình Diệm bắt giam vào năm 1958, Phan đã thành khẩn khai báo làm cho nhiều đồng chí bị bắt vào tù. Phan cũng ngầm hợp tác với chính quyền Việt Nam Cộng Hoà sau khi được thả ra. Các phe nhóm trong đảng đánh nhau, Tùng và Phan bị loại ra khỏi Bộ chính trị. Mười bó tay không biết làm gì, Ban cố vấn Trung Quốc ở 46 Hoàng Diệu bày mưu cho Mười sắp xếp bầu cử để không có ai đạt được đa số phiếu, tạo lý do cho Mười tiếp tục làm TBT.
Phe tao không được nắm quyền thì tao ngồi tiếp, chứ không nhường cho phe kia. Chấm dứt phần 1 của vở kịch.
Sang phần 2, Ban cố vấn "giới thiệu" Lê Khả Phiêu làm Thường trực Bộ chính trị mặc dù Phiêu mới vào Ban chấp hành trung ương 1 khóa. Một năm rưỡi sau, Mười ép buộc Kiệt và Anh phải cùng về hưu để Phiêu lên làm TBT. Phiêu có một phe nhóm nhõ, nên khi lên chức Phiêu đưa nhiều đồng hương Thanh Hóa về nắm các chức vụ ở Hà Nội để xây dựng thế lực.
Việc làm này đụng chạm tới quyền lợi của các phe nhóm khác trong đảng, Mười và Anh quay lại gây khó khăn cho Phiêu. Không chịu thua, Phiêu qua mặt đàn anh, liên lạc thẳng với quan thầy Trung Quốc để giữ địa vị của mình. Phiêu hối thúc Ban biên giới CSVN nhượng bộ để ký Hiệp định Biên giới Trung-Việt năm 1999 và Hiệp định Vịnh Bắc Bộ năm 2000, làm mất nhiều đất và biển của Việt Nam cho Trung Quốc.
Nếu phần 1 cho thấy sự tham lam, tranh giành của các đảng viên CS thì phần 2 cho thấy sự độc quyền lãnh đạo của đảng CS làm thiệt hại đến quyền lợi và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam.
Đầu năm 2021, đảng CS có đại hội 13, Trọng sắp xếp cho Vượng kế nhiệm mình nhưng thất bại vì có phe nhóm khác muốn giành ghế đó. Không thấy Trọng đi tới đi lui xoay xở, chỉ thấy Trọng ngồi lì trên ghế và không biết làm gì. Ban cố vấn ở 46 Hoàng Diệu bày mưu cho Trọng diễn lại vở kịch cũ, sắp xếp bầu cử với luật lệ phức tạp để không có ai đạt được đa số phiếu, rồi Trọng ngồi tiếp.
Phần 2 của vở kịch đại hội 13 sẽ nguy hiểm cho tương lai của nước Việt Nam, Ban cố vấn "giới thiệu" Phạm Minh Chính làm Thủ tướng và Võ Văn Thưởng làm Thường trực Ban bí thư.
Trong thế kỷ 19, Anh Quốc và Trung Quốc đánh nhau. Trung Quốc bị thua, triều đình nhà Thanh phải để HongKong cho Anh Quốc thuê 99 năm, đó là một mối nhục của người Trung Quốc. Năm 2013, Chính là Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh, đề xuất cho nước ngoài thuê đất 120 năm khi trả tiền một lần. Đây là số tiền mới hay chỉ là nợ cũ gán qua? Tức là bán đất 120 năm để trả nợ, đó là một mối nhục của người Việt Nam.
Bị nhân dân biểu tình phản đối, đảng CS thay đổi từ 120 năm xuống 99 năm. Đề xuất bán đất 120 năm cho thấy Chính sẵn sàng làm vui lòng quan thầy Trung Quốc hơn cả Phiêu khi xưa. Chính có một phe nhóm nhõ, các anh chị trong Ban cố vấn sẽ giúp Chính xây dựng thế lực. Đổi lại thì sẽ có thêm đất đai, biển đảo của Việt Nam bị bán rẻ.
Thưởng làm nghề đảng viên 30 năm qua. Suốt thời gian dài, Thưởng không thực hiện được việc gì đặc biệt, chỉ theo đuôi các đàn anh. Mới đầu Thưởng đi theo Nguyễn Thành Phong, rồi theo Lê Thanh Hải, rồi theo Nguyễn Phú Trọng. Thưởng cũng thuộc gia đình có công với cộng sản, nhưng không biết là con đồng chí nào? Thưởng là người thiếu tự tin nên giấu kín tên cha mẹ.
Trong quá khứ, Thưởng đi theo phe nhóm này, phe nhóm kia. Bây giờ có chức lớn, Thưởng phải tạo dựng thế lực để lên làm lãnh tụ, nhưng Thưởng không có khả năng làm chuyện đó. Đàn anh Trung Quốc rất thích mẫu người của Thưởng, họ sẽ giúp Thưởng củng cố địa vị, phe nhóm, và họ cũng dễ dàng điều khiển Thưởng theo ý của họ.
Trọng già yếu, không còn sức làm việc. Thưởng tầm thường, không có khả năng. Chính thì đi sang Trung Quốc giống như trở về nhà, sẵn sàng bán đất đai của tổ tiên cho ngoại bang 120 năm. Bộ ba Trọng-Chính-Thưởng là "ê kíp" lý tưởng để Trung Quốc khuynh đảo Việt Nam. Tương lai đất nước chúng ta sẽ đi về đâu?
Tháng 2, 2021