S.T.T.D Tưởng Năng Tiến (Danlambao) - Báo Trẻ, số Xuân Tân Sửu – phát hành từ Dallas, Texas – có bài viết cảm động (“Suchin & A Hù”) của tác giả Trần Lý Lê về nông dân và gia súc.
Người kể chuyện tên Giang. Cô làm việc thiện nguyện ba tháng Hè cho một tổ chức bất vụ lợi, tại một thôn làng hẻo lánh ở Thái Lan, để giúp cho người dân cải thiện phương thức chăn nuôi và trồng tỉa.
Giang gần gũi nhất với gia đình một nông dân tên Choen. Họ có ba đứa con. Cô con gái lớn tên Suchin, không được đi học như hai em, phải ở nhà chăm sóc cặp trâu (Tờ Ru với A Hù) và chú nghé Ahura vừa mới chào đời.
“Mùa Hè của Giang thong thả đi qua. Ahura đã được ba tháng, nó lớn như thổi, đã biết chạy quanh con trâu mẹ sau mỗi lần bú no nê. Tuy mới mười lăm tuổi nhưng Suchin tỏ ra là một tay chăn nuôi rành rẽ. Con bé chăm mấy con trâu như một bà mẹ trẻ chăm con thơ, cẩn thận, nâng niu với tất cả tấm lòng…
Giang thân thiết với Suchin. Cô thỉnh thoảng giúp con bé gội đầu, săn sóc cháy nắng vàng hoe. Giang dậy cho con bé mấy câu tiếng Anh phổ thông… Thỉnh thoảng, Giang mang đến vài món hoa quả và cô chia với Suchin cùng gia đình ấy mấy hộp chocolat mang theo từ Hoa Kỳ.
Nhìn ngắm ba đứa trẻ cẩn thận bóc lớp giấy bạc của viên kẹo , ánh mắt nhìn tò mò, lạ ẫm khiến cô ấm áp. Cảm giác hạnh phúc bình dị lan toả trong lòng.
Một hôm có người làng bên cạnh đến… săm soi chân cẳng con nghé Ahura… Giang nghe loáng thoáng việc trả giá mặc cả. Hình như Ahù hiểu được tiếng người, hiểu được chủ nó dạm bán đứa con thơ. Nó buồn ra mặt, mấy ngày liền nó nhơi cỏ chút xíu rồi đứng tần ngần.
Giang nhìn vào đôi mắt loang loáng kia, từ mắt nó, chẩy dài những dòng lệ. Hình như con trâu đang khóc. Dòng nước mắt ấy khiến Giang xao xhuyến băn khoăn. Lòng cô nhói lên một niềm thương cảm…
Trở về nhà trọ, mở cuốn chi tiêu xem xét mấy con số nhỏ nhoi trong trương mục. Giang cũng nghèo nhưng cô nhất quyết tìm cách giữ con nghé cho con trâu mẹ… Con nghé được ngã giá 8 ngàn Baht, khoảng 200 MK. Năm ấy, số tiền này cũng là món tiền kha khá lớn đối vứi người trẻ, còn ‘cơm cha áo mẹ chữ thầy’ như cô.
Ông bà Choen thoạt tiên ngỡ ngàng nhưng khi hiểu ý Giang thì họ bằng lòng, chịu nhận món qua lạ đời kia. Suchin nhẩy cẫng hân hoan. Nó không phải xa rời con nghé vừa quyện hơi người. Người mua không đến nữa.
Lúc thấy ông bà Choen gật đầu là Giang chạy ù ra chuồng trâu. Cô ôm cổ con A Hù khét nắng, hôi hôi mùi đồng ruộng, tay vỗ vỗ lên đầu con vật: ‘Tao giữ Ahura lại với mày, đừng khóc nữa nhé! Lạ lắm, lần này mắt A Hù cũng loang loáng nước nhưng miệng nó phát ra những âm thanh bebebe hoan hỉ, in hệt những âm thanh mỗi khi con Ahura rúc đài vào vú mẹ bú sữa…
Giang nghĩ đến ‘vợ chồng’ con Tờ Ru – A Hù chẳng những đắc lực mà còn quấn quýt với gia đình Choen, nhất là với con bé Suchin. Trâu ngựa cũng có tình lắm chứ!"
Chuyện kể về ấy con trâu ở Thái Lan, qua cách hành văn bình dị của Trần Lê Lý, thật đơn sơ nhưng cảm được lòng người. Cũng viết về gia súc nhưng chuyện về mấy con bò ở Việt Nam, bởi ngòi bút của nhà báo (quốc doanh) Dương Đình Tường thì lại hoàn toàn khác, đọc mà tức như bò đá vậy:
“Trong những ngày đông giá rét này không có gì khoan khoái bằng được ăn ngon, nằm xoài trên đệm ấm rồi nghe các bản tin thời sự từ thông xe cầu Thăng Long ở Hà Nội sau 5 tháng sửa chữa đến bạo loạn ở tòa quốc hội Mỹ. Đến người còn thích huống hồ là những con bò trong trại của anh Quách Công Tới ở xóm Bãi Khoai, xã Mỵ Hòa, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình.
Năm 2015 gia đình anh bắt đầu mở nghề "cải lão hoàn đồng” cho bò trên một quả đồi rộng 5ha cao… Cứ 5h30 anh chị lại dậy dọn máng, dùng xẻng đảo lớp thảm dày đến 30 - 40cm lên, bỏ cỏ vào máy phay đến 10h mới chịu nghỉ tay, 2h chiều cho bò uống nước, ăn tiếp rồi tối lại thêm một bữa phụ. Còn chuyện cho bò nghe tin tức trên đài là sáng kiến rất tình cờ của họ.
Lúc đầu chúng tôi treo đài vào chuồng bò để vừa làm việc vừa nghe cho đỡ buồn nhưng rồi thấy chúng cũng thích nghe, đặc biệt là tin tức của VOV. Nếu bật đài thì bò vừa ăn vừa nghe, nhai hết cả các thân cỏ kể cả cứng, ngủ nghỉ rất đều còn không bật thì nhớn nhác, nhẩy cẫng lên, ăn kém thậm chí là không ngủ.”
Đài Tiếng Nói Việt Nam, theo Wikipedia: “tên tiếng Anh là "Radio The Voice of Vietnam", viết tắt là VOV, là đài phát thanh quốc gia trực thuộc Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đài có nhiệm vụ tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước và Quốc hội, góp phần nâng cao dân trí, phục vụ đời sống tinh thần của nhân dân…”
Lậy Chúa tôi!
Rõ ràng là VOV còn “phục vụ” cho “đời sống tinh thần” của cả loài bò nữa. Đến trâu bò mà cũng chả được yên với cái nhà nước hiện hành ở VN. Thảo nào mà dân chúng cứ ùn ùn bỏ đi bằng mọi cách (cũng như mọi giá) và chả ma nào muốn quay trở lại. Súc vật ở xứ sở này, nếu có dịp đi, chắc cũng không con nào ở lại.