Nụ cười chiến thắng - Dân Làm Báo

Nụ cười chiến thắng


1- Mấy ngày nay, tràn ngập trên các trang mạng Xã hội, là bức ảnh dân oan Bùi Thị Nối đang nở nụ cười đôn hậu và ung dung bước tới phiên tòa phúc thẩm vụ Đồng tâm. Ngắm chị, có cảm giác, chị đến đó, để ngồi vào ghế Chủ tọa của phiên tòa và không khỏi chạnh lòng, để nhớ về Võ Thị Thắng – một lãnh đạo cộm cán của cái Đảng Cộng sản Việt Nam..

2- Thời nông nổi, à quên, thời sôi nổi, chị này đã bị Đảng giác ngộ. Từ đó, nghe theo lời xui và nhận vũ khí của Đảng, để hăng hái và say mê đi tìm người, để giết. Việc không thành, chị sa vào tay "giặc". Suốt 6 năm trời ròng rã tù đày, chị đã bị “giặc” tra tấn dã man, giam cầm cấm cố. Hết Thủ Đức, là đến khám Chí Hòa. Từ Tân Hiệp, Hố Nai, rồi lại qua Côn Đảo. Mọi địa ngục trần gian, chẳng thứ nào mà chị chửa nếm mùi. Tuy vậy, khi ra trước Tòa án binh của chế độ Việt Nam Cộng hòa, những trận đòn đó, chúng không hề để lại bất cứ một vết sẹo, thậm chí, một dấu vết thâm quầng nào trên khuôn mặt xinh tươi và béo tốt của chị. Một cọng tóc bạc, cũng không.

Thoạt nghe, chuyện đó, có vẻ lạ. Nhưng thực ra, khi con người ta đã được tôi luyện thành gang thép trong cái lò tôn của Đảng quang vinh, thì dùi cui ma trắc, “điện giật – dùi đâm” cho đến “lươn chui cửa mình”, chấp hết. “Muỗi đốt I nox”, ăn thua cái con mịa gì.

Cái mà người ta lạ, nó nằm ở phiên Tòa. Rõ ràng, phiên Tòa đó xử một phần tử nguy hiểm, có ảnh hưởng rất lớn đến An ninh Quốc gia. Phải như bây giờ, già nửa dân số miền Nam lúc đó, họ phải bị ăn bánh canh và xung quanh Tòa, phải có đến hàng chục lớp rào dây kẽm gai, để con kiến cũng không thể bò vào. Ai ngờ, nó lại được xét xử công khai và cho phép tất cả những ai quan tâm có thể thoải mái đến mà dự. Không thế, cái tay phóng viên người Nhật kia, sao có thể chụp được một nụ cười gượng, rồi đại ngôn, chú thích bừa chữ “nụ cười chiến thắng”, vào đít của bức ảnh đó?


3- Trở lại nụ cười của Bùi Thị Nối - một nông dân điển hình ở làng quê Bắc bộ. Quanh năm đầu tắt – mặt tối với ruộng vườn, chị sao biết bản chất lừa lọc và thói “gắp lửa bỏ tay người” của Đảng. Bởi thế, mới nghe ông Tổng hót như khiếu về “chống tham nhũng”, chị và mọi người, ai cũng tưởng thật. Họ “tụ tập đông người”, rồi hăng hái lôi lũ “lợi ích nhóm” ra ánh sáng, để Đảng trông thấy và hi vọng, Đảng sẽ cho chúng vào lò. Ai ngờ, Đảng và chúng, là một. Hậu quả, chị và ngót ba chục đồng đội của mình, họ đã bị Đảng trở mặt. Đảng giở mối ra, rồi vu cho họ tội “giết người” và không quên khuyến mại thêm tội “chống người thi hành công vụ”. Tất cả, bị bắt. Tất cả, bị nhốt vào lao tù của chế độ CS. Mỉa mai thay, cái chế độ đó, lại do chính những người như chị đã đổ máu, để dựng lên - đã làm lụng, để nuôi nấng và đã góp công sức, để bảo vệ nó. Nhốt họ rồi, Đảng cho bọn Tuyên giáo đi từ đầu làng – tới cuối xóm. Đi đến đâu, chúng cũng trơ tráo gieo rắc luận điệu: Đảng không ác như bọn “ngụy”, Đảng tuyệt đối không có bức cung và không dùng nhục hình bất cứ một ai. Nhưng thiên hạ, họ đâu có mù. Chỉ nhìn vào dáng vẻ tiều tụy của chị và những đồng đội, ai cũng thấy rằng: Hình như, Đảng đang nói điêu.

Đặc biệt, cùng vụ với chị, còn có một đồng chí già. Tuy không phải là kẻ thù của chế độ như trường hợp Võ Thị Thắng, nhưng cụ vẫn bị “Đảng của mình” thẳng tay sát hại. Sát hại người ta rồi, còn mổ bụng – phanh thây. Mổ bụng – phanh thây rồi, còn rắp tâm chu di tam đại nhà người ta nữa. Thế kỉ 21 rồi, mà vẫn Đạo đức và Văn minh đến mức tận cùng như thế, thiên hạ, chưa từng ngó.

“Nợ máu, phải trả bằng máu”, đó chính là luận điệu cơ bản trong học thuyết “đấu tranh giai cấp” của những ông Tây râu xồm Các Mác và Lê nin. Đều đặn, những luận điệu đó được nhồi vào sọ từ Tổng Bí thư cho đến đứa trẻ còn đang thò lò mũi xanh. Do đó, ai cũng hiểu, nếu rơi vào hoàn cảnh của gia đình cụ Kình, cái thằng họ Trọng tên Lú mà không ba máu – sáu cơn, để thề sẽ phanh thây – uống máu lũ sát nhân man rợ đã mất hết tính người kia, ấy mới là chuyện lạ.

Bởi thế, những người có lương tri, hết thảy, họ đều sững sờ khi đọc lời nói sau cùng của chị Nối trước Tòa: “Bố tôi đã 58 tuổi Đảng. Trong giữa thời bình này, lại phải hy sinh với ba đồng chí khác. Bốn đồng chí hy sinh giữa lúc thế giới thanh bình, như có chiến tranh và không phải chết bởi kẻ thù. Như tôi đây, một vết đạn bắn vào ngực, đau lắm, nhưng tôi không chết. Và tôi chỉ mong chúng ta sẽ có một lựa chọn sáng suốt, một con đường mới, tốt đẹp hơn".

Vượt lên hận thù, vẫn mang yêu thương và mong muốn những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với tất cả mọi người. Trong địa ngục trần gian của loài Quỷ dữ, vẫn nhân hậu – vẫn bao dung. Sống bao năm với Đảng, mà không hề bị thú hóa. Phẩm chất ấy, chỉ có thể có ở Chúa, chỉ có thể có ở Phật, chỉ có thể có ở những bậc Thánh nhân Đức cao – vọng trọng, như Mahatma Gandhi hoặc Nelson Mandela. Bây giờ, trước sự chứng kiến của cả thiên hạ, phẩm Đức đó lại xuất hiện ở một người nông dân Việt nam. Điều đó, khiến chị trên tầm của mọi lũ vô lại đang tiếm quyền và nó khiến chị trở nên vĩ đại.

Cuối cùng, cũng như mọi lần, “Đảng của mình” vẫn không quên ba hoa chích chòe rằng, phiên Tòa phúc thẩm lần này, nó được mở ra một cách công khai và xét xử đúng người – đúng tội. Mọi thứ, đều có vẻ như thế. Trừ việc, “Đảng mình” đếch cho dựng lại hiện trường của vụ án. Bởi có nó, sẽ lòi ra ngay vụ “ba cái tử thi” đã bị than hóa bằng cách nào ở một cái hố kĩ thuật bé tí xíu và ai mới là kẻ thực sự giết chết họ.

Chẳng biết, phóng viên Quốc tế và các quan sát viên của Tổ chức Nhân quyền Thế giới có được tự do đến Tòa mà dự khán như thời của Võ Thị Thắng, hay không. Chỉ biết, dân Việt, còn lâu và còn xa, họ mới bén mảng được đến đó. Chỉ biết, trong phòng xử án, ngoài bị cáo và các Luật sư, còn lại, rặt một sắc phục của ngành Công an.

Trong bầu không khí đầy rẫy “tự do – dân chủ” và thừa mứa “tình thương yêu giai cấp” đó, ta mới thấy hết giá trị nụ cười của Bùi Thị Nối.

Nụ cười ấy, biểu tượng cho bản sắc Nhân văn của Dân tộc Việt nam. Do đó, nó sẽ trường tồn với thời gian. Và, đó mới thực sự là NỤ CƯỜI CỦA NGƯỜI CHIẾN THẮNG.


Nguyễn Tiến Dân


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo