Thư gởi nước Đức - Dân Làm Báo

Thư gởi nước Đức

Pearl S. Buck * Trần Quốc Việt (Danlambao) dịc
h - Sáng nay khi tôi ngồi ở bàn giấy thì một người đàn ông bước vào và nhờ tôi viết gì đấy cho người dân ở Đức. Ông ta là một người tốt cũng như là một người Mỹ tốt, cho nên tôi không muốn khước từ. Tuy nhiên tôi thấy ông nhờ một chuyện không thể nào làm được. Đối với tôi viết gì đấy đặc biệt cho người dân ở Đức là điều tưởng chừng như quá khó, quá khó vì một lý do rất đơn giản. Tôi không biết nước Đức. Có lần, cách đây nhiều năm, khi tôi chỉ mười bảy tuổi, tôi ở Berlin vài ngày. Tôi dành thêm một vài ngày nữa để đi thăm thú khắp miền quê xinh đẹp ở Đức. Nhưng tôi không biết nói hay thậm chí đọc được tiếng Đức, cho nên tôi không hiểu người ta nói gì hay hỏi họ được gì. Du lịch ở một nước mà ta không biết nói chuyện với người ở nước ấy thì khác gì bị liệt và gần như mù. Ta chỉ thấy, nhưng chỉ thấy thôi là không đủ.

Tất nhiên, giống như nhiều người khác không phải là người Đức, trong suốt nhiều năm trước cuộc chiến tranh này tôi đã đọc tất cả những gì tôi có thể tìm thấy về người Đức. Nhiều người trong chúng ta đều ý thức điều gì đấy diễn ra ở Đức mà chúng ta đã không thể hiểu, nhưng đấy chính là điều chúng ta sợ vì chúng ta thấy đó là ác và nguy hiểm. Chúng ta đã nghĩ về điều này không phải vì điều này thuộc về nước Đức, mà vì chúng ta biết nước nào cũng có thể ác, chính vì ác là thuộc về bản chất của nhân loại. Hôm nọ tôi nói chuyện với một người Mỹ vừa từ Đức trở về, và ông đã đến nhiều nơi mà con người đã bị giết một cách tàn nhẫn vô cớ. Ông nói, "Mỗi lần tôi nhìn những cảnh tàn ác ghê sợ này tôi đều nghĩ đến chuyện hoàn toàn giống như thế cũng có thể xảy ra ở ngay chính nước chúng ta nếu như chúng ta để cho bọn cướp trong nước lên nắm quyền. Nếu như họ hiện diện ở Washington và trong toà Bạch Ốc thì họ cũng sẽ giết những người Do Thái và người da đen ở Mỹ và tất cả những ai chống lại họ. Nhưng ngược lại chúng ta bỏ tù họ.”

Nhưng lý do họ ở tù thay vì cầm quyền là chính vì nhiều người tốt đã bền bỉ chống lại họ và cương quyết ngăn không cho họ lên nắm quyền. Nếu như những người tốt này vẫn thụ động thì nước chúng tôi biết đâu cũng có thể rất khác.

Chính vì vậy với tất cả lòng khiêm tốn sâu sắc tôi viết cho những người ở Đức. Chúng tôi may mắn là chúng tôi có thể ngăn cản những người ác chúng tôi có ở trong nước chúng tôi. Nhưng theo như những gì chúng tôi đã đạt được, chúng tôi làm được điều này chỉ nhờ vào cuộc đấu tranh kiên trì nhất từ những người tốt. Tôi chắc chắn điều này cũng đúng cho mọi quốc gia. Chính một phần ác ở người ác là họ muốn có quyền lực đối với người khác để họ tự do làm những chuyện ác, và chính một phần thiện ở người tốt là họ không muốn quyền lực cho mình. Chính những bản năng mà sinh thành nên cái thiện, ước muốn tất cả mọi người đều nên có tự do và độc lập, mong muốn bình an, sẵn sàng tin những gì người ta nói, hy vọng con người trở nên hướng thiện hơn, chính những bản năng này là những bản năng khiến cho người ác dễ dàng nắm quyền hơn.

Người tốt không thích đấu tranh. Họ ghét xung đột và chiến tranh. Họ muốn tất cả mọi người đều sống bình an trong tình thân ái. Nhưng người tốt bây giờ phải nhận thức một điều là tuy thế giới mà họ mong muốn ấy hoàn toàn có thể có, nhưng thế giới ấy chỉ có thể có với cái giá của cuộc đấu tranh và cảnh giác không ngừng. Hiện nay cái thiện vẫn chưa được xác lập trên thế giới. Chẳng một ai an toàn, chẳng một ai có thể sống thanh thản khi cái thiện vẫn chưa xác lập ở tất cả các dân tộc.

Khi tôi nghe về cách những người ác lên nắm quyền ở Đức, tôi cảm thấy tôi có thể hiểu chính xác tại sao chuyện ấy lại xảy ra. Chuyện ấy có thể xảy ra rất dễ dàng là đằng khác. Hầu hết mọi người đều không thích phải bận tâm đến chính quyền. Có chính quyền rất mạnh tưởng cũng thú vị thật, nếu như người ta có thể tin tưởng chính quyền ấy cũng rất tốt và rất công bằng. Nhưng, than ôi, người trong chính quyền cũng chỉ là con người thôi, cho nên chính chính quyền cũng nguy hiểm cho bất kỳ ai ở trong chính quyền. Chỉ những người rất tốt và vĩ đại mới có thể chống lại ảnh hưởng của quyền lực, nhưng rất ít ai mà lại không thay đổi trước ảnh hưởng này.

Vì lý do này, chúng tôi ở Mỹ tin người ta không nên nắm giữ quyền lực quá lâu. Nhiệm kỳ chức vụ của họ phải ngắn, để cho họ lúc nào cũng ở địa vị người làm thuê được nhân dân thuê mướn chứ không phải lúc nào cũng có quyền lực đối với nhân dân. Không ai đủ mạnh hay đủ tốt để cai trị người khác suốt đời cả.

Tôi đã sống ở những nước dưới sự cai trị của các nhà độc tài, và tôi cũng đã sống ở nước tôi nơi chúng tôi không có nhà độc tài. Không có sự nghi ngờ, không thể có sự nghi ngờ ở những ai trung thực, về nơi nào nhân dân sống hạnh phúc hơn. Không ai có thể an toàn dưới chế độ độc tài, ngay cả dưới chế độ độc tài nhân từ- nếu như có thể có chuyện như thế. Chỉ có kẻ ngu đần mới có thể bằng lòng khi biết mình hoàn toàn lệ thuộc. Người bình thường có lý trí, biết suy nghĩ, biết nhận thức, siêng năng không thể chịu đựng lâu chính quyền bên trên mình mà mình không có tiếng nói. Với tất cả các giác quan của mình họ cảm giác và ngửi thấy nguy hiểm, khi họ biết số phận của họ nằm ngoài sự kiểm soát của họ. Thật ra, nếu nhà độc tài tốt thì dân chúng trong khoảng thời gian ngắn ngủi có thể vui hưởng cảnh thái bình, ai ai cũng có công ăn việc làm, cuộc sống được an bài. Nhưng tất yếu những điều này phải kết thúc, vì nhà độc tài không thể nào tốt mãi. Trong suốt lịch sử, nhà độc tài đã không tốt mãi trong bất kỳ nước nào. Nhưng hơn thế nữa, dưới chế độ độc tài con người tất yếu suy đồi. Họ trở nên bạc nhược và vô cảm, hay họ trở nên bất mãn và bi quan, như thể chính quyền họ thuộc về ngoại bang. Và quả thật chính quyền như vậy là xa lạ, xa lạ như chế độ cai trị của đế quốc đối với thần dân. Vì con người cần tự trị. Chỉ dưới chế độ tự trị con người mới phát triển khả năng sáng tạo, phát minh và biểu đạt. Không ai sáng tạo ra nghệ thuật vĩ đại trừ phi họ là người tự do, tự do thể hiện ý muốn của họ qua chính quyền họ. Phát triển là nền tảng cho hạnh phúc của con người, và tự do là cần thiết cho phát triển.

Nhưng tự do đi kèm với trách nhiệm. Trong bất kỳ nước tự do nào cũng không thể có hy vọng sống nếu không có đấu tranh. Cuộc đấu tranh ấy về cơ bản là cuộc đấu tranh giữa người tốt và người xấu. Sẽ có nhiều sắc thái và nhiều ý kiến khác nhau, nhiều mong muốn và nhiều mơ ước xung đột nhau. Nhưng luật đa số, cùng với sự hoàn toàn công nhận thiểu số, có thể cho phép thể hiện ý dân bất chấp ý kiến khác nhau. Không, cuộc xung đột căn bản trong bất kỳ nước dân chủ nào không phải là giữa đảng và đảng, tôn giáo và tôn giáo, màu da và màu da. Cuộc xung đột ấy là giữa người tốt và người ác.

Ngày nay khi tôi nghĩ về người dân Đức trong hoàn cảnh hiện nay của họ, tôi cảm thấy tất cả những gì tôi phải nói có thể tóm tắt trong câu này. Cuộc đấu tranh chủ yếu trên thế giới trong thời đại này, hay có lẽ trong mọi thời đại, là giữa người tốt và người ác, mà hai người này thì dân tộc nào cũng có. Lực lượng tàn ác của chủ nghĩa Quốc xã đã củng cố cái ác tiềm tàng trong con người ở khắp nơi. Chuyện những người ác có thể lên nắm quyền ở một nước đã khiến cho tất cả những người ác càng thêm hy vọng, càng thêm bày mưu tính kế. Chuyện những người tốt ở Đức đã không ngăn cản những người ác lên nắm quyền ở nước họ đã khiến cho cuộc đấu tranh chống lại người ác ở tất cả các nước càng thêm dữ dội. Tại Mỹ này người tốt đang phải hoạt động vất vả hơn, phải hăng hái hơn, mạnh mẽ hơn, tích cực hơn vì người tốt ở Đức đã để cho quyền lực chuyển từ tay họ sang tay người ác.

Vì người ác ở Đức đã giết hàng ngàn người Do Thái, cho nên người ác mới dám đối xử độc ác với người Do Thái ở các nước khác. Vì người ác ở Đức tuyên bố rằng người da trắng là chủng tộc thượng đẳng, cho nên người ác ở khắp nơi mới đối xử rất ngạo mạn và tàn nhẫn với người da màu. Vì ở Đức khoa học được dùng vào việc giết người kinh hoàng thay vì dùng vào việc gìn giữ và cải thiện cuộc sống, cho nên người ác khắp nơi mới tàn bạo hơn và sẵn sàng dùng khoa học để giết những người vô tội.

Tôi nói những lời này không ác ý gì, mà chỉ để nghiêm khắc tự nhắc nhở chính mình. Khi người tốt ở bất kỳ nước nào ngừng cảnh giác và đấu tranh, thì người ác thắng thế. Khi người ác thắng thế ở bất kỳ nước nào thì những người giống như họ ở khắp nơi trên thế giới sẽ trở nên mạnh hơn. Trách nhiệm này thuộc về người tốt ở mọi nước.

Tôi nói những lời này không phải để tự hào hay khoe khoang ở nước tôi mọi thứ thảy đều tốt đẹp. Cuộc đấu tranh ở đây giữa thiện và ác cũng rất khốc liệt. Cuộc đấu tranh này diễn ra trong tất cả các khía cạnh của cuộc sống, trong chính quyền địa phương ở những thị xã, thành phố, quận hạt chúng tôi cũng như trong sinh hoạt quốc gia và trong quan hệ quốc tế của chúng tôi. Nếu như tôi phải biểu thị đặc trưng của cuộc sống Mỹ ngày nay, thì chỉ cần một câu là đủ, đó là cuộc đấu tranh giữa người tốt và người ác.

Nhưng dân chúng chúng tôi may mắn ở hai điểm. Với tư cách quốc gia, chúng tôi vẫn còn tin tưởng vào lý tưởng tự do và bình đẳng giữa người với người, mặc dù chúng tôi vẫn còn xa mới đạt đến, và chúng tôi vẫn còn có phương tiện của chính quyền dân chủ. Nghĩa là, thiện vẫn còn được tin là cứu cánh và mục đích của cuộc đời chúng tôi, và chúng tôi vẫn còn tự do để cố gắng hết sức mình áp dụng vào thực tiễn điều chúng tôi tin tưởng.

Quả thật người Mỹ chúng tôi may mắn ở hai điểm này. Chúng tôi biết điều chúng muốn là điều thiện mà là cuộc sống tốt đẹp cho tất cả mọi người, và chúng tôi có phương tiện đạt được điều chúng tôi muốn, vì chúng tôi tự do nói và tự do hành động với tư cách cá nhân. Cũng đúng là có nhiều người ở nước chúng tôi không quan tâm gì đến ai ngoại trừ bản thân, và dùng tự do để chỉ làm lợi cho riêng mình. Nhưng điều tuyệt vời về Mỹ là người tốt tự do tin vào công lý và công chính, và tự do hành động theo những cách mà sẽ làm cho công lý và công chính thắng thế-tức là, để chắc chắn rằng những luật tốt được ban hành và người tốt được bầu lên nắm quyền và người ác bị kiềm chế. Phương tiện đạt đến thiện và công lý đã có ở đây, sẵn sàng để cho người tốt dùng.

Nhưng phương tiện phải được dùng đến, và điều này đòi hỏi nghị lực, cảnh giác, và thường xuyên hành động. Không thể nào có sự nghỉ ngơi và bình an cho người tốt trong thế giới hiện nay. Họ phải tỉnh thức và hành động, không chỉ trong những nước riêng lẻ, mà cùng với nhau trên toàn thế giới.

Một trong những sự thật rất khích lệ về nhân loại là chúng ta về cơ bản đều có chung sự đánh giá về những đức tính tạo nên người tốt. Người tốt ở Đức cũng là người tốt ở Mỹ, và người tốt ở Trung Hoa cũng giống như người tốt ở Nhật. Như vậy người tốt ở đâu cũng đều giống nhau cả. Những người tốt ở tất cả các dân tộc tự nhiên đều là anh em với nhau, vì đạo lý của lòng tốt vốn đơn giản. Trung thực trong lòng và tâm hồn, nói lên sự thật, coi tất cả mọi người ai ai cũng đều xứng đáng được hưởng hạnh phúc, làm việc để cuộc đời có ích lợi cho nhân loại chứ không phải bị nguyền rủa-lòng tốt chỉ là vài điều này thôi. Có những người như thế trong tất cả các quốc gia, và trong tất cả các giai cấp, trong tất cả những người uyên bác lẫn người vô học.

Chúng ta những người tin vào thiện, vì thế, không thể là kẻ thù với nhau, cho dù tiếng nói, quốc tịch và chủng tộc chúng ta là gì chăng nữa. Không thể lên án cả một dân tộc nào, vì những người tốt đều có ở tất cả các dân tộc. Điều có thể bị lên án và phải bị lên án ở bất kỳ nước nào là việc người tốt không cảnh giác và không đấu tranh chống lại cái ác. Khi người tốt, vì mong muốn sống bình an, hay vì trung thành sai lầm của lòng yêu nước, mà để cho người ác lên nắm quyền ở bất kỳ nơi nào trên địa cầu, thì như thế họ cũng phủ nhận niềm tin của họ. Vì sự tận tâm của tất cả những người tốt dành cho niềm tin chung của họ nên và phải thành thật để cho họ báo cho nhau biết cái ác đang trỗi dậy, ngay cả ở trong nước họ, để cho người tốt ở nơi khác có thể dồn sức lại để tác động đến cái ác ở địa phương, bất kể nó ở đâu.

Thế giới đã trở thành hàng xóm-bây giờ chúng ta biết điều ấy. Một cái ác diễn ra trong xóm ảnh hưởng đến cả xóm. Cuộc sống cộng đồng lệ thuộc vào sức mạnh mà người tốt có thể dùng đến để tấn công vào cái ác, ở tại bất kỳ nước nào cái ác nổi lên. Ngày nay một người tốt tất yếu cũng là một công dân tốt của thế giới. Người tốt không thể nào là người Mỹ tốt hay người Đức tốt trừ phi họ cũng là công dân tốt của thế giới, vì những gì họ làm với tư cách người tốt ở nước họ cũng thay đổi thế giới. Còn khi người tốt thất bại ở nước họ, khi họ để cho người ác chiến thắng, cho dù chỉ trong một thời gian ngắn ngủi, thì thế giới rơi vào cảnh chiến tranh và tàn phá.

Vì thế hôm nay tôi không viết cho những người tốt mà cũng là người Đức tốt với tư cách là người Mỹ. Tôi viết như một người viết cho một người. Chúng ta những người tin vào thiện và công lý cho tất cả mọi người phải cùng nhau tham gia vào bổn phận công dân mà sẽ cảnh giác cho nước này cũng như cho nước khác, bổn phận ấy là canh chừng vì hạnh phúc của mọi người.

Tôi biết có nhiều người Mỹ mà tin, như tôi tin, có nhiều người ở Đức mà mặc dù họ buộc lòng phải im lặng trong suốt những năm tàn ác này, nhưng trong lòng mình họ vẫn còn ấp ủ niềm tin về sự cần thiết của cái thiện mà là nền tảng cho tất cả cuộc sống của con người.

Biết điều này là đúng, cho nên ta tốt hơn nên xem xét cách thử con người về thiện và ác. Rõ ràng là ở Đức Hitler lên nắm quyền với những lời hứa hẹn và những thành tựu mà ít ra trong một thời gian đã đánh lừa những người Đức tốt. Ở đây trong nước chúng tôi một nhà tiểu độc tài, mà chính ông cũng có những tham vọng nguy hiểm như những tham vọng của Hitler, đã nói trước khi chết, “ Chủ nghĩa Phát-xít biết đâu có thể đến đây nhân danh chống chủ nghĩa Phát-xít.” Người ác không ngu đến mức tuyên bố những mục đích và cứu cánh độc ác của họ. Họ luôn luôn tuyên bố ra rả rằng những mục đích và cứu cánh của họ đều là tốt. Vì vậy chính phương tiện họ dùng mà chúng ta phải coi chừng.

Trọng tâm trước tiên và quan trọng nhất của sự cảnh giác bất tận mà phải thường xuyên được duy trì là vấn đề tự do ngôn luận. Điều này tất yếu bao gồm tự do báo chí và truyền thanh và tất cả các phương tiện biểu đạt hiện đại. Khi quyền tự do nói thẳng của tất cả công dân càng bị hạn chế chừng nào thì những người ác càng củng cố quyền lực chừng ấy ở bất kỳ nước nào. Việc đốt sách ở Đức đã hắt bóng tối lên toàn bộ thế giới văn minh. Chẳng phải vì đống sách có ý nghĩa rất nhiều. Nhưng khi tin tức rất xấu ấy lan truyền ra khắp các châu lục thì chúng ta biết rằng người ác thực sự đã lên nắm quyền ở Đức rồi. Chẳng phải chuyện đốt sách chỉ xảy ra ở Đức. Chính vì chuyện đốt sách có thể xảy ra ở bất kỳ nơi nào, như từng xảy ra nhiều lần trong lịch sử, ở tại nhiều nước, và chuyện đốt sách đều luôn luôn mang ý nghĩa như nhau- nghĩa là người ác đã vươn tới tận trung tâm quyền lực, và người tốt có thể không còn lên tiếng nữa.

Vì người tốt không muốn bắt người khác phải im lặng. Họ muốn tất cả mọi người đều được hưởng tự do. Họ đều hoàn toàn không tự tin rằng chỉ có họ mới có toàn bộ sự thật. Bất kỳ khi nào một người hay một nhóm người nào xác quyết, hay tuyên bố con đường của họ là con đường duy nhất, thì những người này là cuồng tín hay tàn ác, và người ta phải coi chừng họ, sợ rằng chủ nghĩa cuồng tín và cái ác lên nắm quyền.

Nhưng thật kỳ lạ là ngay cả những người tốt, tha thiết khao khát cái thiện chiến thắng, lại có thể quên rằng tự do ngôn luận là nền tảng của một xã hội tốt. Tại Mỹ ở đây bây giờ chúng tôi thấy những người như thế, và họ có thể gây nguy hiểm cho chúng tôi. Nhiều người trong họ là người Đức, những người chống Phát-xít, nhiệt tình làm tất cả mọi thứ họ có thể làm để ngăn cản những người ác lên nắm quyền ở đây trong nước chúng tôi. Nhưng chính vì nhiệt tình này mà họ đôi khi tán thành những cách phòng ngừa mà chỉ có thể học được ở nước Phát-xít. Không ý thức rằng nọc độc đã ngấm vào mạch máu mình, họ thuyết phục chúng tôi như thế này: “Quý vị không sống qua thời gian Hitler lên nắm chính quyền ở Đức nên không thể hiểu thời ấy tưởng như vô hại mà nguy hiểm biết bao. Quý vị không biết rằng nhiều điều bây giờ đang được nói và viết ở Mỹ cũng chính là những điều đã được nói và viết ở Đức, và chúng tôi tin tưởng chúng. Quý vị không nhận thức rằng chính cái gọi là những người cấp tiến, những trí thức, những nhà đại tư bản kỹ nghệ mới là những kẻ giúp Hitler thành công. Chúng ta nên cấm họ phát biểu ở đây. Chính quyền nên mạnh mẽ và cấm họ xuất hiện trên các diễn đàn công cộng và các bài báo của họ không nên được phép đăng. Họ nên bị kiểm soát và cấm đoán.”

Chúng tôi đáp “Nhưng ở Mỹ không làm theo cách này được. Anh phải biết rằng chúng tôi tin vào tự do ngôn luận.”

Nhưng những người này đã sống hầu như suốt đời trong bầu không khí Phát-xít, mặc dù họ chống Phát-xít, nhưng họ không thể hiểu rằng tự do là không khí Mỹ, và những công dân Mỹ bình thường muốn tất cả các quan điểm đều được cho phép, để chính họ có thể có tự do để nói và để chọn lựa cho mình. Họ không muốn quan điểm tinh thần của họ bị hạn chế hay thậm chí được bảo vệ. Họ coi như thế là độc tài, và như thế quả thật là độc tài.

Tất nhiên điều này khiến cho trách nhiệm người tốt ở đây gánh vác quả thật quá nặng nề. Nơi nào tất cả mọi người được phép nói thì người ác cũng sẽ nói, cho nên tiếng nói của người tốt phải thường xuyên hơn và rõ ràng hơn tiếng nói của người ác. Người tốt phải chấp nhận điều này là nghĩa vụ của họ, vì tự do nếu là tự do đích thực thì không thể nào là tự do mà người này thì được hưởng còn người khác thì không.

Và tôi coi trọng tâm quan trọng nhất kế tiếp cần cảnh giác là quyền được xét xử công minh của tất cả mọi người, và người ta không thể nào bị giam cầm tùy tiện trong tù cho tới khi nào họ được xét xử công bằng. Nghĩa là, mọi người đều có quyền tự do thân thể, cho tới khi nào bồi thẩm đoàn gồm có các công dân quyết định rằng vì phúc lợi của những người khác họ phải bị giam giữ. Bóng tối của chủ nghĩa Quốc Xã từ từ phủ đen khắp thế giới khi chúng ta nghe nhiều người cả nam lẫn nữ bị tống vào nhà tù và trại tập trung và bị sát hại đến hàng ngàn người, mà không đếm xỉa gì đến việc xét xử công bằng, hay nếu như có xử thì những phiên xử ấy chỉ là sự chế nhạo công lý.

Người tự do nên cực kỳ coi trọng hai nền tảng này, tức quyền tự do nói thẳng và quyền tự do thân thể của con người. Vì người tốt cần có hai nền tảng cực kỳ quan trọng và cần thiết này nếu họ phải duy trì cuộc đấu tranh của họ trên thế giới. Ngay cả người tốt cũng bị thua khi họ không thể lên tiếng và khi họ bị giam cầm và sát hại. Họ bị bịt miệng.

Chính để làm cho người tốt im lặng mà người ác trước tiên tìm cách phủ nhận tự do ngôn luận và quyền được đưa ra tòa án xét xử (habeas corpus). Để làm cho người tốt phải im lặng- các nhà độc tài đã đổ ra biết bao nhiêu thời gian và công sức vào nỗ lực ấy! Những hoàng đế xưa ở Trung Hoa, Ấn Độ, Ai Cập và La Mã đã đốt sách và cấm dùng văn tự, bắt dân chúng phải ngu dốt và tống vào tù những ai phản kháng, và giết những ai không chịu từ bỏ tự do. Còn trong thời hiện đại cuộc đấu tranh này ít nhiều đều diễn ra ở tất cả các nước. Trong những dân chúng bị trị các nhà cai trị đế quốc vẫn còn tống vào tù những tiếng nói phản kháng mà không qua xét xử và giam cầm họ trong tù cho tới khi họ quá yếu không thể ra tòa nổi và cho tới khi họ chết. Ngay cả trong những dân chúng tự do, chẳng hạn như dân tôi, cuộc đấu tranh cũng rất quyết liệt. Người ác luôn luôn tìm cách làm cho người tốt im lặng, để cho những kế hoạch độc ác của họ có thể diễn ra mà không bị cản trở.

Vì vậy người tốt phải khăng khăng đòi hai quyền tự do chính này, để họ có thể có phương tiện duy trì cuộc đấu tranh của họ chống lại người ác, và họ phải đánh giá mỗi chính quyền và mỗi nhà cai trị cá nhân theo mức độ mà mỗi chính quyền và mỗi nhà cai trị bảo vệ và cho phép quyền tự do ngôn luận và quyền được đưa ra tòa án xét xử.

Là một người Mỹ, và là công dân của nước dân chủ, tôi nói với các bạn sự thật- bất kỳ ở nước nào nơi mọi người được tự do, độc lập, và tự trị thì luôn luôn là nước nơi có cuộc đấu tranh giữa người tốt và người xấu. Nếu không có cuộc đấu tranh này, thì có nghĩa là độc tài cai trị, và người tốt đã thua. Nếu người tốt ở Đức đang mơ về một quốc gia nơi họ có thể có tự do và đồng thời sống không có trách nhiệm, thì cứ để cho họ tỉnh dậy từ những giấc mơ hoang đường này. Không có những ốc đảo bình an hạnh phúc như thế, trước đã không bao giờ có, sau cũng sẽ không bao giờ có. Vì sống không có trách nhiệm có nghĩa là hạnh phúc của dân chúng đã bị lấy đi từ tay của người tốt, và đặt vào tay của người cuồng tín và người ác. Nhà độc tài có thể có tính tình tốt, có lúc nhân hậu, nhưng không có gì bảo đảm ngoài tính tình của ông, hay tốt nhất ngoài cuộc đời ông. Xác lập tập quán của chế độ độc tài trong một nước là đặt nhân dân dưới sự may rủi của thay đổi. Nhà độc tài hôm nay tưởng như tốt ngày mai có thể ác, hay ông có thể chết và người ác lên thay. Sự bảo đảm duy nhất cho hạnh phúc của cả dân tộc là hãy đặt vào tay nhân dân quyền kiểm soát đối với chính quyền của họ, quyền chọn lãnh đạo, quyền đuổi họ khi họ không tốt. Những quyền lực này không phải lúc nào cũng được dùng tốt hay đúng đắn. Nhưng nhân dân vẫn luôn luôn là người đúng nhất vì chỉ có họ mới biết chính quyền họ tốt hay xấu

Đôi khi những người mới đến Mỹ kinh ngạc trước tài năng kém cỏi của những người trong chính quyền lúc ấy. Họ hoài nghi và chất vấn những cách thức dân chủ chậm chạp của chúng tôi. Điều họ không hiểu là dân chúng chúng tôi nhận thức rất rõ những gì diễn ra trong chính quyền, và dân chúng họ theo dõi người ta đang làm gì ở đấy và rồi tự hỏi mình họ có chọn đúng người hay không và, nếu không, thì quyết định lần bầu cử tới họ sẽ chọn ai. Roosevelt vẫn là vị tổng thống lâu năm nhất của chúng tôi, không phải vì không có ai chống lại ông, vì có nhiều người rất ghét ông, mà vì đa số dân chúng chúng tôi tin những gì ông ấy làm là vì lợi ích của hầu hết mọi người. Mặc dầu ngay cả những người giàu có và quyền thế ra sức chọn người khác thay ông, nhưng dân chúng chúng tôi vẫn nhất quyết giữ Roosevelt ở lại. Những dân tộc không quen với dân chủ sửng sốt biết rằng khi Tổng thống chúng tôi phát biểu với quốc tế, dân chúng sẽ không ủng hộ những gì ông nói nếu họ cảm thấy ông không nói thay cho họ. Điều này có thể gây khó khăn cho các nhà ngoại giao, nhưng tốt cho dân chúng. Dân chúng Mỹ kiên quyết chống lại việc đặt số phận của họ vào tay của một người hay một nhóm người, cho nên tất cả các dân tộc cũng nên e sợ như thế. Vào những ngày các quan hệ quốc tế vừa mới bắt đầu này, sự sợ hãi này có thể gây ra bao khó khăn và trì hoãn, nhưng nếu tất cả các dân tộc đều tôn trọng cùng các quyền như nhau, thì điều quan trọng là các dân tộc nên biết và hiểu nhau hơn, và khi điều ấy đến, vì nó phải đến nếu các dân tộc bắt đầu phát triển dân chủ và tự trị, chúng ta lúc đó sẽ có cơ sở đích thực cho mối quan hệ quốc tế thực sự giữa các quốc gia. Nhưng người Mỹ sẽ không từ bỏ tự do của mình, trong khi chờ đợi các dân tộc khác đạt đến tự do tương tự. Quốc gia chúng tôi được thành lập trên nền tảng tự do của dân chúng Mỹ.

Tôi không muốn khen dân tôi quá lời. Tôi chỉ muốn nói chúng tôi đã nhận thức tự do cho cá nhân là tài sản quý giá nhất, cho nên người tốt chúng tôi biết rằng mất gì thì mất, chúng tôi không được để mất tự do này, vì khi tự do cho cá nhân mất đi, thì tất cả đều mất hết và người ác tất yếu chiến thắng.

Vì vậy tôi nói với người tốt ở Đức, không phải với những lời nhẹ nhàng và an ủi, không phải với những lời xoa dịu và gợi ý bình an. Vì với thế giới như ngày hôm nay thì không thể nào có sự bình an cho người tốt ở bất kỳ nơi đâu. Cuộc chiến tranh lớn đang diễn ra, không phải cuộc chiến tranh của giới quân phiệt và của người lính, không phải cuộc chiến tranh có thể giải quyết bằng bom và súng, mà là cuộc chiến tranh giữa thiện và ác. Hỡi những người tốt ở Đức, các bạn không thể nằm xuống ngủ. Các bạn không thể an nghỉ dù chỉ một giờ. Vì người tốt ở khắp mọi nơi cần sức mạnh, sự cảnh giác và quyết tâm của bạn thêm vào sức mạnh, sự cảnh giác và quyết tâm của họ.

Và nếu chính nghĩa vụ của các bạn là giúp đỡ người tốt ở khắp mọi nơi, thì nghĩa vụ ấy không chỉ là nghĩa vụ-mà cũng còn là cơ hội cho các bạn. Có nhiều người nói ở Đức không có người tốt. Nhưng chúng ta biết ở nước nào cũng có những người tốt, cho nên bây giờ là lúc mà những người ở Đức nên bước lên để gia nhập vào cuộc đấu tranh thiện ác này. Họ gia nhập vào cuộc đấu tranh ở Đức thì cũng như gia nhập vào cuộc đấu tranh trên thế giới vậy. Niềm hy vọng của các nước dành cho nước Đức phụ thuộc vào mức độ mà người tốt ở Đức lúc này có thể bước lên để cùng nhau tập hợp dưới những tiêu chuẩn mà tất cả những người tốt đều chấp nhận là của họ.

Tôi kết thúc thư gởi các bạn bằng những lời thơ của Hermann Hagedorn, một người Mỹ có gốc gác ở Đức. Ông là một trong những người tốt ở đây.

BÀI CA CHO NHỮNG NGƯỜI TỐT

Hãy đưa tay bạn cho tôi nắm!
Chúng ta đã là người lạ với nhau, bạn và tôi.
Lạ nhau không chỉ vì sa mạc và biển cả nghìn trùng,
Mà mỗi người bị ngăn cách và cấm đoán lẫn nhau.
Hãy đưa tay bạn cho tôi nắm.

Nay bên nhau dưới bầu trời giông bão,
Không còn xa lạ nhau giờ chỉ bạn bè bên nhau.
Hãy đưa tay bạn cho tôi nắm.

Bạn và tôi, chúng ta cần nhau,
Ngay cả khi lửa thiêng bị gió bão thổi mạnh
Chúng ta cần đan tay vào nhau về phương tây để lửa không tắt,
Chúng ta sẽ còn cần nhau hơn tâm hồn chúng ta đan quyện vào nhau
Vì hy vọng và vì nhân loại.

Chúng ta cần nhau, bạn và tôi.
Đất nổi sóng dưới trời giông bão.
Lẻ loi, xa cách, chúng ta chết.

Bạn người nước ngoài, ở phương trời xa xăm ơi,
Chúng mình không còn xa lạ nữa nhé-
Hãy đưa tay bạn cho tôi nắm!

******

Pearl S. Buck (1892-1973) là nữ văn sĩ Mỹ đầu tiên được trao giải Nobel văn chương vào năm 1932. Bà cũng là một trong những nhà hoạt động nhân quyền bền bỉ nhất cho nhân quyền ở khắp mọi nơi.

Nguồn: Dịch từ tạp chí Mỹ Common Ground số Mùa Đông năm 1946




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo