Những khúc quẹo cuộc đời - Dân Làm Báo

Những khúc quẹo cuộc đời

Trần Mai Trung (Danlambao)
Trong xã hội nhộn nhịp, mỗi người có một cách sống khác nhau. Nhiều người có cuộc sống đơn giản như một đường thẳng, vui vẻ sống lương thiện đến cuối đời. Nhiều người có cuộc sống phức tạp, vì nhu cầu cá nhân hoặc hoàn cảnh gia đình, họ có những khúc quẹo thay đổi hướng đi của cuộc đời.

Tháng 8-1908, ông Nguyễn Sinh Sắc đang làm Thừa biện bộ Lễ xin cho con là Nguyễn Tất Thành vào học tại trường Quốc Học ở Huế. Trường Quốc Học được ông Ngô Đình Khả thành lập vào năm 1896 theo chỉ dụ của vua Thành Thái để đào tạo nhân tài. Hơn 1 năm sau, khi đang làm Tri huyện Bình Khê ở Bình Định, ông Sắc đánh chết một người dân lúc xử phạt nên bị triều đình sa thải (1). Cha bị mất chức, không có tiền bạc, Thành đành nghĩ học và bước vào đời, hi vọng làm quan như cha không thành.

Đến thăm trường Quốc Học ngày nay, không thấy một bức tượng nào của người thành lập trường hoặc của các giáo sư đã dạy nhiều năm ở đây, lại thấy bức tượng lớn của một học sinh đã học tại trường 1 năm. Thầy cô phải nghiêm trang khi bước qua tượng người học sinh, thật ngược đời.

Đầu năm 1911, ông Sắc đến thăm người bạn đồng liêu tại bộ Lễ khi trước là Phan Châu Trinh, lúc đó đang bị quản thúc ở Mỹ Tho. Ông Phan cho biết sẽ đi qua Pháp để tìm hiểu nước Pháp, người Pháp và đòi hỏi nhân quyền cho Việt Nam. Ông Sắc nảy ra ý định cho con đi ra nước ngoài để có tương lai, ông ngỏ ý nhờ ông Phan giúp đỡ con mình nếu Thành có cơ hội đến Pháp.

Tháng 6-1911, Thành rời quê hương đi qua Pháp bằng cách làm việc trong nhà bếp trên tàu thủy Amiral Latouche-Tréville, đảng cộng sản nói là để "tìm đường cứu nước" khỏi ách cai trị của thực dân Pháp. Ngày 15-9-1911, Thành nộp đơn xin vào học trường Thuộc Địa (École Coloniale) ở Paris, trường này đào tạo nhân viên làm việc cho chính quyền Pháp tại các thuộc địa. Nhưng đơn xin bị từ chối, mong muốn làm ông Thông, ông Phán không thành.

Như nhiều thanh niên khác, Thành muốn đi phiêu lưu, nhưng không có tiền nên xin làm việc cho các tàu đi biển. Trong 6 năm sau đó, Thành đi đến nhiều thành phố xa lạ như New York, Boston (Hoa Kỳ), London (Anh Quốc). Trong thời gian này, Thành nói thêm tiếng Anh nhưng không học thêm tiếng Pháp bao nhiêu.

Cuối năm 1917, Thành trở lại Pháp. Ông Phan dạy Thành nghề chụp hình để sinh sống và cho Thành đi phổ biến các bài viết của nhóm Ái Quốc (Groupe des Patriotes Annamites). Nhóm Ái Quốc có nhiều người, đã viết nhiều tài liệu có giá trị và lấy bút hiệu chung là Nguyễn Ái Quốc. Nhóm Ái Quốc làm cho Thành quan tâm tới chính trị, thay đổi từ xin học trường Thuộc Địa để làm việc cho Pháp trở thành người chống Pháp theo cách bất bạo động.

Sau mấy năm sống thiếu thốn ở Paris, một người bạn giới thiệu với Thành về trường Đại học Lao động Phương đông ở nước Nga, trường này đào tạo cán bộ cộng sản cho các nước thuộc địa Á Phi, chuyên về tuyên truyền và đấu tranh bạo động. Học tại đây được bao ăn ở, học xong được giới thiệu việc làm có lương hàng tháng. Tháng 6-1923, Thành đi qua Nga và xin vào học ở đó.

Sau 1 năm học, Thành được giới thiệu làm việc có lương với Quốc tế cộng sản (QTCS), là một tổ chức do đảng cộng sản Liên Xô (ĐCSLX) thành lập vào năm 1919. Tất cả chi phí hoạt động của QTCS là do ĐCSLX cung cấp, các nhân sự của nó cũng do ĐCSLX sắp xếp, Quốc tế cộng sản là một tổ chức ngoại vi của đảng cộng sản Liên Xô.

Cuối năm 1924, QTCS gởi Thành đi công tác ở Quảng Châu (TQ), đóng vai Thông dịch viên Lý Thụy (Li Shui) trong đoàn cố vấn Borodin bên cạnh chính phủ Trung Hoa quốc dân đảng (THQDĐ). Làm việc được 2 năm rưởi thì THQDĐ và đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đánh nhau, Thụy rời Trung Quốc và trở về Liên Xô vào tháng 4-1927.

Sau khi đọc báo cáo của QTCS về thời gian Thụy công tác ở Quảng Châu, ĐCSLX đánh giá khả năng của Thụy dưới trung bình. Thụy làm việc không chuyên nghiệp, ở trong đoàn cố vấn cho THQDĐ mà lại giao du thân mật với các đảng viên CSTQ. Thụy không có tinh thần cách mạng, không chú tâm làm việc mà lo hẹn hò trai gái, rồi cưới vợ là Tăng Tuyết Minh (Zeng Xueming) vào tháng 10-1926.

Trong 15 năm sau đó, Thụy đi nhiều nơi công tác cho QTCS, thay đổi nhiều tên như Wang, Paul, Sung Man Cho, Linov, Lin, Hồ Quang, Hồ Chí Minh. Trong thời gian này Hồ làm việc theo nhu cầu của QTCS nhiều hơn là tranh đấu giành độc lập cho Việt Nam nên đa số bí danh là tên Tàu, Nga, Mỹ.

Tháng 10-1938, QTCS điều động Hồ sang công tác trong quân đội cộng sản Trung Quốc với cấp bật Thiếu tá, tên mới là Hồ Quang. Sau hơn 2 năm làm việc cho ĐCSTQ, Hồ được QTCS chỉ thị về hoạt động ở Việt Nam vào đầu năm 1941. Đến lúc này Hồ mới có nhiều thời gian làm việc liên quan tới nước Việt Nam.

Cuộc đời Hồ Chí Minh quẹo đổi hướng nhiều lần. Ban đầu đi theo ý muốn của cha, vào học trường Quốc Học và hi vọng làm quan cho triều đình. Hi vọng không thành, Hồ rời quê hương đi qua Pháp, xin vào học trường Thuộc Địa để làm ông Thông, ông Phán cho chính quyền Pháp, sẽ có đời sống sung sướng. Nhưng bị nhà trường từ chối, bất đắc chí Hồ đi phiêu lưu. Vì nhà nghèo không có tiền nên Hồ vừa đi phiêu lưu vừa kiếm tiền sinh sống, không có thời giờ suy nghĩ chuyện đất nước mấy năm trời.

Khi trở lại Paris, nhờ các ông Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường và nhóm Ái Quốc hướng dẫn, Hồ quan tâm tới chính trị và hoạt động chống Pháp theo cách bất bạo động. Đời cách mạng thì đẹp nhưng mà gian khổ, Hồ sống thiếu thốn nhiều năm, Hồ muốn có một việc làm với thu nhập đủ sống nên xin vào học trường Lao động Phương đông để làm việc cho Quốc tế cộng sản.

Hồ Chí Minh đi theo chủ nghĩa Marx-Lenin, góp phần xây dựng thế giới đại đồng, vô tổ quốc. Đã là vô tổ quốc thì không thể gọi là yêu nước. Hồ và đảng CS sử dụng những kỹ thuật đấu tranh do QTCS huấn luyện, giành ngọn cờ dân tộc, độc quyền kháng chiến, giết hại hàng chục ngàn người Việt Nam yêu nước trong các đảng phái Quốc gia đang chống Pháp.

Cuộc đời Hồ Chí Minh có nhiều khúc quẹo, giống như một bộ phim xã hội nhiều tập, thêm một chút phiêu lưu, gián điệp, trai gái, hoặc là vở bi hài kịch của một người có nhiều mặt.

Chú thích:

(1) Nếu ông Sắc còn sống đến năm 1953 thì chắc bị ông Hồ chôn sống trong cuộc Cải cách ruộng đất vì làm Tri huyện và đánh chết người dân.

Tháng 5, 2021


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo