Những khúc ruột xa & một khúc ruột gần - Dân Làm Báo

Những khúc ruột xa & một khúc ruột gần

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến (Danlambao)
– Do ảnh hưởng của Covid 19, năm rồi, không có ma nào hồi hương ráo trọi. Chớ thường niên – vào lúc năm cùng tháng tận – đám Việt Kiều vẫn lủ khủ kéo nhau về quê ăn Tết, đông hết biết luôn. Họ luôn được thân nhân tưng bừng đón rước ở phi trường, và được Đảng/ Nhà Nước hân hoan chào đón:

"Trong giờ phút hân hoan này, tôi xin nhiệt liệt chào mừng các vị đại biểu, các vị khách quý cùng đại diện bà con kiều bào từ khắp nơi trên thế giới trở về quê Cha đất Tổ ăn Tết, đón Xuân…

Đối với đất nước và dân tộc Việt Nam, bà con kiều bào dù ở bất cứ nơi đâu, luôn luôn là một phần máu thịt không thể tách rời của Tổ quốc. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: Tổ quốc và Chính phủ luôn luôn nhớ thương các đồng bào, như bố mẹ thương nhớ các người con đi vắng. Đó là nhân tâm thiên lý, đó là tình nghĩa một nhà!” (“Phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại chương trình Xuân Quê hương.” Công An Nhân Dân – 27/01/01/2019).

Nghe mà cảm động muốn ứa nước mắt luôn!

Những lời “phát biểu” chí tình thượng dẫn đều được báo chí trang trọng đăng tải trên trang nhất, và đọc đi đọc lại trên đài. Chỉ có điều đáng tiếc là giới truyền thông nhà nước quên chú thích rằng kiều bào cũng có đôi ba loại, chớ không phải một, và nhà nước chỉ welcome những khúc ruột xa thôi.

Còn đối với cái đám ruột gần (ở ngay cạnh các nước láng giềng, như Miên/Lào/Thái/Miến…) thì chưa chắc à nha. Do sự thiếu sót này nên không ít kẻ đã bị lâm vào cảnh rất bẽ bàng, theo bản của báo Tuổi Trẻ (“Phát Hiện Một Gia Đình Định Nhập Cảnh Trái Phép Trong Đêm”) đọc được vào hôm 26 tháng 4 năm 2021:

“Lực lượng biên phòng An Giang và Đồng Tháp tiếp tục phát hiện và ngăn chặn kịp thời 1 hộ gia đình có 8 người từ Campuchia di chuyển bằng vỏ lãi trên sông Tiền, định nhập cảnh trái phép vào Việt Nam trong đêm khuya.

Ngày 26-4, thiếu tá Huỳnh Chiến Thắng - đồn trưởng Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang - cho biết đơn vị vừa phối hợp với lực lượng biên phòng Đồng Tháp ngăn chặn và đẩy đuổi kịp thời 1 hộ gia đình Việt kiều từ Campuchia định nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.

Trước đó, khoảng 2h30 sáng 26-4, tại thủy phận sông Tiền, xã Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu, An Giang, tổ công tác của Trạm cửa khẩu Đồn biên phòng quốc tế Vĩnh Xương phối hợp với Trạm cửa khẩu quốc tế Thường Phước, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp đã phát hiện 1 hộ gồm 8 người (3 nam, 5 nữ), có 4 người lớn và 4 trẻ em.

Họ đi trên 2 phương tiện vỏ lãi từ tỉnh Kompong Chnang, vương quốc Campuchia di chuyển đến đường biên giới sông Tiền để nhập cảnh trái phép từ Campuchia vào Việt Nam.

Ngay lập tức, tổ công tác đã kịp thời ngăn chặn, đẩy đuổi nhóm người trên quay về Campuchia tiếp tục làm ăn sinh sống, không quay lại Việt Nam.”

Trong mẩu tin ngắn ngủi thượng dẫn, những cụm từ nhập cảnh trái phép, ngăn chặn, đẩy đuổi được nhắc đi nhắc lại (tỉnh queo) tới đến đôi ba lần lận. Ngay cái địa danh Kampong Chhnang chỉ vỏn vẹn có hai từ thôi và cả hai cũng đều bị ghi sai tuốt.

Cách hành xử của lực lượng biên phòng, cũng như cách đưa tin của giới truyền thông nhà nước khiến tôi trộm nghĩ rằng những viên chức Việt Nam không biết chi nhiều về Cambodia, và tình cảnh dở sống (dở chết) của đồng bào họ ở cái xứ sở cận kề này.

Sẵn giấy bút, xin ghi lại đôi dòng từ Wikipedia (tiếng Việt) để rộng đường dư luận:

"Tình trạng người dân gốc Việt vào thế kỷ 21 vẫn còn nhiều khó khăn. Cho dù đã sinh sống trên đất Campuchia nhiều đời, luật pháp vẫn cấm không cấp cho họ giấy tờ tùy thân, không cho sở hữu ruộng đất, khiến họ chỉ mỗi có nghề chài để sinh nhai. Khoảng 90% dân gốc Việt sinh sống cuộc đời trôi nổi trên xuồng bè sông nước. Kết quả là trẻ con không được ghi danh nhập học, không được đi thi, người lớn thì không có quyền bỏ phiếu. Trong đợt tuyển cử năm 2013, người gốc Việt bị uy hiếp, ngăn cản không được đến phòng phiếu. Họ còn bị nhà chức trách địa phương sách nhiễu, bắt bớ làm tiền mà không có cách nào khiếu nại…"

Cái “nghề chài” mà “90 % dân gốc Việt sinh sống cuộc đời trôi nổi trên xuồng bè sông nước” đang bị đe dọa trầm trọng bởi hiện tượng thay đổi khí hậu, và những công trình nhân tạo ở thượng nguồn Mê Kông.

Bắt nguồn từ Tây Tạng, con sông này chảy qua nhiều nước (Trung Hoa, Miến, Lào, Thái) trước khi “đụng” dòng Tonlé Sap của Xứ Chùa Tháp. Vào mùa nước lớn, áp lực của Mê Kông đẩy con sông nhỏ bé hơn phải chảy ngược dòng, làm tăng thể tích cũng như diện tích của Tonlé Sap Lake. Biển Hồ biến thành nơi sinh sống lý tưởng của rất nhiều loài cá và là nguồn cung cấp chất đạm chính cho cả nước Cambodia.


Đám dân Việt trôi sông lạc chợ, lênh đênh trên sông nước xứ người cũng nhờ thế mà có thể sống còn từ nhiều thập niên qua. Nay thì những đập nước liên tiếp – trải dài từ Trung Hoa, qua Thái, xuống Lào – khiến cho Mê Kông không còn đủ lực để làm cho sông Tonlé Sap chảy ngược dòng như trước nữa. Nước Biển Hồ, vì vậy, cạn dần. Cá mú, tất nhiên, cũng mỗi lúc một thưa.

Và đó mới là nguyên do chính khiến đám Việt Kiều ở Cambodia phải tìm về cố quốc, chứ chả phải vì dịch bệnh gì ráo trọi. Với thời gian số người hồi hương chắc chắn sẽ tăng dần vì họ không còn lựa chọn nào khác cả.

Đây là một vấn đề lớn, ở tầm mức quốc gia, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến những thế hệ kế tiếp nữa. Nhà Nước Việt Nam cần cả một ủy ban đặc nhiệm và đa ngành, với những kế hoạch ngắn hạn (cũng như dài hạn) mới có thể tái định cư một tập thể đông đảo người dân tìm về quê mẹ – nếu giới chức hiện hành thực lòng vẫn coi họ là “một phần máu thịt không thể tách rời”, theo như nguyên văn lời của vị Tổng Bí Thư đương nhiệm.

Kiểu “ngăn chặn” và “đẩy đuổi” của lực lượng biên phòng ở Việt Nam hiện nay, đối với những người dân đã đến bước đường cùng, không phải là cách giải quyết vấn đề. Mà vấn đề nào có mới mẻ chi đâu :

- Khmer Times: “Vietnamese Families Leave the Tonle Sap.”

- BBC: “Biển hồ Tonle Sap… một thế giới bất ổn.”

- VOA: “Dưới những túp lều rách nát chen chúc rất nhiều số phận không căn cước, không có lấy mảnh đất cắm dùi. Họ từng bơ vơ, lạc lõng trên Biển Hồ.”

- RFA: “Người Việt ở Biển Hồ sẽ về đâu?”

Thiên hạ không ngừng băn khoăn về số phận của hằng trăm ngàn dân Việt đang sống cảnh tha phương. Chỉ có đám Dân Biểu Quốc Hội của đất nước này thì vẫn cứ câm như hến. Còn giới truyền thông nhà nước thì luôn mồm nhắc đến những khúc ruột xa, và chỉ chăm chăm nhìn vào cái túi tiền thôi:




Mà Nhà Nước VN có Trợ Lý Bộ Trưởng, Chánh Văn Phòng Bộ Ngoại Giao, Thứ Trưởng Bộ Ngoại Giao – Chủ Nhiệm Ủy Ban Nhà Nước Về Người Việt Nam Ở Nước Ngoài (cùng ba vị Phó Chủ Nhiệm Thường Trực nữa) đấy chứ. Quí vị ăn không ngồi rồi, và nhắm mắt làm ngơ, trong khi bao người đang lâm vào bước đường cùng mà không cảm thấy áy náy hay xấu hổ chút nào sao?

Thì tôi cũng nói cho hết lẽ như thế. Chớ bao nhiêu lương dân ở Văn Giang, Dương Nội, Thủ Thiêm, Lộc Hưng… đang sống yên lành mà Đảng & Nhà Nước còn có thể nhẫn tâm biến họ thành những đám dân oan (vật vã khắp nơi) thì cái chính phủ hiện hành có xá chi đến những khúc ruột thừa ở Cambodia.



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo