Trần Nguyên Thao (Danlambao) - Do cạn tiền, CSVN đang hy vọng dựa vào tiến trình của vài mưu mô cùng lúc để sống còn: (i) “thu hồi tài sản” do chính cán bộ tham nhũng; (ii) cắt giảm 1500 dự án đầu tư công; (iii) vay thêm 1,734 triệu tỷ đồng cho 3 năm 2021-2023. Kế hoạch “thu hồi tài sản” trong nội bộ có thể ví như chiến dịch “đánh tư sản mại bản” cướp của dân chúng như chiến lợi phẩm trong cuộc xâm lược Miền Nam để làm giầu cho hàng ngũ cán bộ cấp cao Miền Bắc sau năm 1975. Mục tiêu cả hai na ná như nhau, nhưng việc “thu hồi tài sản” cán bộ đương thời thì kết quả khiêm tốn mà hậu quả rất khó lường.
Sau khi đã gả bán gần hết các công ty quốc doanh có giá trị cao, CSVN “giở quẻ” moi tiền tiếp. Truyền Thông Nhà Nước được lệnh “vào cuộc” tung hô Ban Bí Thư khóa XIII, cơ chế 11 người quyền lực giám sát thi hành chính sách, ngày 02/06 đã “ban hành chỉ thị” thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Chỉ thị này không cần chờ qua giai đoạn xét xử, mà phong toả tài khoản ngay từ giai đoạn thanh tra [1].
CSVN khuyến khích người dân, tố giác tài sản bất minh và sai phạm trong công tác thu hồi tài sản tham nhũng.
Truyền Thông Quốc Tế quan sát phản ứng về “thu hồi tài sản” qua mạng xã hội ghi nhận: không ít người bày tỏ nghi ngại rằng nếu tố cáo đúng vào cán bộ tham nhũng “phe cầm quyền” thì người dân có thể bị quy tội “nói xấu lãnh đạo đảng”.
Báo chí Nhà Nước hôm 16/06 loan tin, Công an lại đòi điều tra bổ sung vụ án liên quan đến ông Trương hữu Danh và Nhóm Báo Sạch, từng có trong tay các tài liệu “mật”, lên tiếng mạnh mẽ trong các sự kiện của xã hội như vụ 3.000 cảnh sát cơ động tấn công vào làng Đồng Tâm giết chết cụ ông Lê Đình Kình lúc nửa đêm hôm 9/1/2020, hay vụ án oan của tử tù Hồ Duy Hải...
Có ý kiến châm biếm rằng đảng đã ngầm theo dõi lẫn nhau, chuyển các tài liệu “tối mật” cho người ngoài tố cáo, lập đầy đủ hồ sơ nay lại “xúi dân tố giác”[2]. để tránh tiếng.
Chắc chắn dân chúng còn nhớ CSVN chuyên lừa đảo dân từ 76 năm nay, qua những vụ như Cải Cách Ruộng Đất, Nhân Văn Giai Phẩm... Cho nên trong một cuộc thảo luận trên Diễn đàn Nhà báo và Chính sách về việc này, nhiều người đưa ra ý kiến ngắn gọn rằng họ “chả dại”.
Chỉ thị 15-CT/TW do Bộ Chính trị ban hành ngày 7/7/2007 quy định: “Các cơ quan bảo vệ pháp luật khi phát hiện có dấu hiệu đảng viên vi phạm đều phải báo cáo bằng văn bản với tổ chức đảng, cấp ủy đảng quản lý trực tiếp đảng viên đó, khi được tổ chức đảng, cấp ủy đảng xem xét đồng ý cho điều tra, khởi tố, bắt... thì cơ quan bảo vệ pháp luật mới được tiến hành các biện pháp tố tụng.”
Như thế, mọi chuyện đã rõ như ban ngày. CSVN tồn tại là nhờ vào hệ thống vận hành theo cách tóm thâu quyền lực và ban phát quyền lợi cho đảng viên trung thành, trong cùng phe nhóm; ngoài nhóm lợi ích thì có ngày bị chỉ thị “thu hồi tài sản” chiếu cố như võ khí “răn đe”. Đe không xong thì lấy tài sản. Nhưng cứ như thực tế dưới đây, thì việc muốn thu hồi tài sản cũng rất ít kết quả.
Từ lâu nay, tầng lớp cán bộ cao cấp có từ hàng trăm triệu đến bạc tỷ Mỹ kim (*) đã tạo dựng cơ ngơi dưới tên người khác tại các nước tư bản để dọn dường “hạ cánh an toàn”. Còn lại chỉ là những kẻ “chậm chân” hay những tay mới nổi. Mặt trái của kế hoạch còn là dựa vào cái cớ “chống tham nhũng” để thanh toán phe “bên kia” hay những kẻ bị nghi ngờ “tự diễn biến”, bị “ngả nghiêng” khỏi “làn ranh đỏ” ngày càng rất mong manh.
Chỉ một vụ điển hình rất mới tại Tỉnh An Giang (11/06), 6 Tổng Giám Đốc và Giám Đốc của năm công ty có liên quan đến vụ việc lập 100 bộ hồ sơ vay vốn giả để “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” hơn 601 tỷ đồng của Ngân hàng Vietcombank, 50% vốn của Chính Phủ. Trong số 6 người bị truy tố, ông Lưu Bách Thảo đã xuất cảnh sang nước ngoài, năm người còn lại bị khám xét nơi làm việc và nơi ở.
Hôm 10/6 Báo chí Nhà Nước đồng loạt loan tin, Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương đã bỏ phiếu đề nghị thi hành kỷ luật 12 quân nhân [3] (trong đó đề nghị kỷ luật về Đảng: Cảnh cáo 2, cách chức 2; kỷ luật quân đội: Tước quân hàm sĩ quan 1, cách chức 3 và tước danh hiệu quân nhân 4). Danh tánh các vị Tướng trong Quân Đội bị kỷ luật chưa được công bố.
Tháng trước, ngày 25/5 Ban Bí thư xác định Thiếu Tướng Trần Văn Tài, Phó tư lệnh Quân khu 9, có những vi phạm rất nghiêm trọng nên đã kỷ luật bằng hình thức cách tất cả chức vụ trong Đảng.
Phía cơ quan Hành Chính, Thanh tra Chính phủ vừa đề nghị Thành phố Saigon xử lý theo pháp luật số tiền 2054 tỷ đồng, 6 triệu Mỹ kim và gần 464 ngàn m2 đất sai phạm (12/06).
Tại Hà Nội có 90 dự án chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính từ năm 2018, đến nay vẫn còn 37 dự án chậm nộp tiền sử dụng đất gần 2.000 tỷ đồng. (10/6)
Hôm 14/6, Bộ Tài chính cho hay trong hội nghị tổng kế hoạch vốn đầu tư công nguồn ODA, vay ưu đãi nước ngoài được giao đầu năm 2021 của các địa phương là 63.709 tỷ đồng, trong đó vốn bổ sung có mục tiêu của ngân sách trung ương là 34.913 tỷ đồng và vốn cho các địa phương vay lại là 28.796 tỷ đồng.
Tính đến ngày 31/5/2021, vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài của các địa phương đã giải ngân là 1.100,66 tỷ đồng, bằng 1,73% dự toán, trong đó vốn bổ sung có mục tiêu của ngân sách trung ương giải ngân là 616 tỷ đồng, bằng 1,77% kế hoạch vốn được giao đầu năm, và vốn cho các địa phương vay lại giải ngân là 484,4 tỷ đồng, bằng 1,68% kế hoạch vốn được giao đầu năm.
Đáng chú ý, mới có 15 trong tổng số 63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 3% bao gồm: Cao Bằng, Tuyên Quang, Lào Cai, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Định, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang và Bạc Liêu. Còn lại 37/63 địa phương, không nêu tên, tỷ lệ giải ngân là 0%. [4] Thực tế giải ngân ì ạch tại các địa phương là có “lý do” bí mật riêng!
Đối với hàng ngàn dự án đầu tư công đang thực hiện thì rất nhiều dự án chậm tiến độ có khi đến 10 năm, đội vốn cao từ 50% - 100%. Nhiều dự án chưa ra mắt công chúng đã hư hại nhiều đoạn...
Do tình trạng tệ hại trên, cuối tháng 05 vừa qua, Bộ Kế hoạch & Đầu Tư cho biết có thể cắt giảm các dự án đầu tư công từ 6.447 xuống còn khoảng 5.000 nhằm khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải. Hiện đã cắt 1050 dự án ngay trong tuần đầu xem xét [5]. Lý do được công bố là Chính Phủ muốn chấm dứt tình trạng ỷ lại vào Trung ương, đồng thời chống tiêu cực, nghiêm cấm "chạy" dự án.
Cũng bởi cạn tiền, Thủ Tướng Chính tiếp tục hô hào các dự án công phải triển khai theo hình thức đối tác công tư (Public – Private Partnership = PPP), nguyên tắc hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người dân cùng chia sẻ rủi ro.
Quyết định cắt giảm 23% dự án đầu tư công đột ngột sẽ đưa đảng CSVN vào cảnh “mật ít, ruồi nhiều”, tạo ra các cuộc đấu đá tranh ăn nhấp nhô đó đây khắp nước trong thời gian trước mặt.
Hôm 11/06, báo Nhà Nước cho hay, 5 tháng đầu năm 2021 Chính phủ đã xuất ra khoảng 161.686 tỷ đồng để trả nợ, trong đó trả nợ trong nước khoảng 137.475 tỷ đồng và trả nợ nước ngoài khoảng 24.211 tỷ đồng. Số nợ mỗi năm mỗi leo thang, nên tiền trả nợ hàng năm cũng sẽ tăng theo tỷ lệ thuận [6].
Nhiều năm liên tiếp, Ngân Sách Nhà Nước mỗi năm đều bội chi cao hơn, năm nay vào khoảng 344 ngàn tỷ đồng. Hôm mùng 08/6, chính phủ loan báo kế hoạch vay nợ năm 2021, ngân khoản lên đến 624.221 tỷ đồng. Trong đó, vay trong nước 527.357 tỷ đồng và vay nước ngoài 96.864 tỷ đồng. [7]
Kế hoạch vay 1,734 triệu tỷ đồng cho 3 năm tới, từ năm 2021-2023 cũng đã dược phê duyệt. [8]
Chưa thấy nói đến hình thức vay nợ và chủ nợ ở đâu.
Điều chắc chắn là trên đầu mỗi người dân sau này sẽ phải trả số nợ rất lớn qua các khoản thuế, phí mỗi ngày mỗi tăng.
Tham khảo:
[8] https://trithucvn.org/kinh-te/chinh-phu-viet-nam-se-vay-hon-173-trieu-ty-dong-trong-3-nam-toi.html
16 June 2021