Dũng lò vôi – CEO Nguyễn Phương Hằng: Núp bóng từ thiện - Đầu tư y tế để kinh doanh bất động sản? - Dân Làm Báo

Dũng lò vôi – CEO Nguyễn Phương Hằng: Núp bóng từ thiện - Đầu tư y tế để kinh doanh bất động sản?

Mẹ Nấm (Danlambao)
- Trong vài tháng gần đây, đối tượng Nguyễn Thị Thanh Tuyền (tức CEO Nguyễn Phương Hằng) liên tục gào khóc rằng quỹ từ thiện Hằng Hữu bị nhà báo Hàn Ni và nhiều người khác phá rối nên quyết định được đưa ra là đóng cửa Đại Nam, đóng quỹ Hằng Hữu, đóng luôn nhà máy sản xuất oxi vì không còn tâm trí mà làm chuyện từ thiện.

Sự thật có phải vậy không? Câu trả lời là không!

Cuối tháng 3/2021, khi bị Sở TT-TT Tp.HCM phạt 7,5 triệu vì “đưa tin sai sự thật” “làm ảnh hưởng đến uy tín của UBND tỉnh Bình Thuận”, đối tượng Nguyễn Thị Thanh Tuyền đã từng nức nở gào khóc trên livestream rằng “hết dịch, chúng tôi sẽ đóng cửa Đại Nam, rời bỏ tất cả để ra đi”. Thời điểm này chưa có chuyện ồn ào giữa nhà báo Hàn Ni và Nguyễn Phương Hằng. Và chuyện đóng quỹ Hằng Hữu, đóng cửa Đại Nam cũng không có gì mới mẻ bởi chiêu thức lấy việc từ thiện để uy hiếp chính quyền đã từng được cựu Đại biểu QH tỉnh Bình Dương, ông Huỳnh Phi Dũng (tức Dũng lò vôi - chồng bà Nguyễn Phương Hằng) sử dụng hồi năm 2014 khi “tuần trăng mật” giữa doanh nghiệp và cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương kết thúc.

Theo thông tin từ báo CAND, Huỳnh Phi Dũng “được UBND tỉnh Bình Dương tạo rất nhiều điều kiện để phục vụ cho công cuộc kinh doanh của mình”

“Khi mối quan hệ giữa ông Huỳnh Uy Dũng và lãnh đạo tỉnh Bình Dương còn nồng thắm, tỉnh đã giao cho Công ty Đại Nam của ông Dũng hơn 533,8 ha để đầu tư KCN Sóng Thần 3, trong đó có hơn 61,4 ha quy hoạch làm đất ở.

Tháng 7/2008, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành Quyết định 2089 cho phép Công ty Đại Nam được "thay đổi thời hạn sử dụng "đất ở" trong KCN Sóng Thần 3 từ 50 năm sang "lâu dài" đối với Công ty Đại Nam". Căn cứ theo quyết định này, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương đã cấp nhiều sổ đỏ cho Công ty Đại Nam. Từ đây, Công ty Đại Nam đã thực hiện góp vốn đầu tư với nhiều cá nhân và xin tách KCN Sóng Thần 3 thành hai dự án KCN và khu đô thị.

Thế nhưng, khi ông Lê Thanh Cung lên làm lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương, ông đã không cho phép ông Huỳnh Uy Dũng thực hiện kế hoạch trên.”

Cựu Chủ tịch Lê Thanh Cung đã ký Quyết định số 2173/QĐ-UBND ngày 8/9/2014 để thu hồi Quyết định số 2089/ QĐ-UBND được ban hành trước đó vào ngày 7/7/2008 về việc cho phép thay đổi thời hạn sử dụng đất đối với Công ty Đại Nam

Với Quyết định thời gian sử dụng 61,23ha đất ở trong KCN Sóng Thần không còn thời hạn lâu dài nữa mà chỉ còn giá trị 50 năm. Ngoài ra quyết định này cũng đồng nghĩa với việc “không cho phép chuyển nhượng đất ở trong KCN dưới bất kỳ hình thức nào”.

Quan hệ mặn nồng kết thúc, Huỳnh Phi Dũng chính thức có đơn tố cáo đích danh ông Lê Thanh Cung đến Thủ tướng Chính phủ và lôi kéo truyền thông vào cuộc cho rằng chính quyền Bình Dương “vắt chanh bỏ vỏ”, “thu hồi đất của doanh nghiệp”. Ngoài ra Dũng lò vôi cho rằng doanh nghiệp bị chính quyền tỉnh Bình Dương o ép và tuyên bố sẽ “đóng cửa Khu du lịch Đại Nam”.(1)

Đóng cửa công ty – Nghỉ làm từ thiện: Bổn cũ Huỳnh Phi Dũng soạn lại cho vợ diễn dường như đã rất thành công khi đối tượng Nguyễn Thị Thanh Tuyền biết sử dụng nghệ thuật khoe thân, khoe của và dùng nước mắt để làm mới câu chuyện.

Kết quả của nhiều phen livestream “sao kê” cả hai đánh bóng vợ chồng Dũng – Hằng đã thành công trong việc đánh bóng diễn đàn kinh doanh bằng cách huy động được 180 tỷ đồng từ trái phiếu dù sau nhiều năm liên tục thua lỗ của doanh nghiệp vốn chủ sở hữu của Công ty Cổ phần Đại Nam đã âm gần 344 tỷ đồng.

Giới quan sát đặt câu hỏi: Có hay không chuyện cặp đôi Dũng – Tuyền núp bóng từ thiện, kêu gọi đầu tư để để kinh doanh bất động sản?!

Điểm lại thực tế:

Tháng 7/2021, trong một livetream quảng bá cho nhà máy sản xuất găng tay Đại Nam Glove, đối tượng Nguyễn Thị Thanh Tuyền tiết lộ số tiền đầu tư cho dây chuyền lên đến tỷ đô. Liệu Công ty Cổ phần Glove Đại Nam (Dai Nam Glove) có nhập thiết bị từ Công ty Sáng Mỹ ở Phúc Kiến (Trung Quốc) không? Một dây chuyền của công ty Sáng Mỹ chào bán có giá đầu tư dưới $1 triệu. Nếu Dai Nam Glove nhập 4 dây chuyền thì cũng chỉ là $4 triệu đầu tư ban đầu. Để xây dựng nhà xưởng và các hạng mục phụ trợ khác cho đổ vào đó cũng không thế cao hơn hạng mục đầu tư cho dây chuyền thiết bị được. Như vậy nếu một nhà máy cho vung tay quá trớn cũng chỉ là $50 triệu cho 20-30 dây chuyền sản xuất. Vậy lấy đâu ra con số $1 tỷ mà đối tượng Nguyễn Thị Thanh Tuyền khoe khoang và báo chí tung hô.

Trên thực tế, một dây chuyển sản xuất găng tay nitrile theo tiêu chuẩn của Mỹ có mức đầu tư khoảng $2 triệu (minimum investment). Và vấn đề là chủ đầu tư không chỉ bỏ tiền ra là xong mà họ phải chứng minh năng lực quản lý chất lượng đảm bảo đúng đầu ra cho đòi hỏi của ngành y tế. Và các nhà cung cấp mới khó lòng cạnh tranh với các nhà cung cấp cũ đã có tiếng tăm trên thị trường. Năm 2019, khi Top Glove, nhà sản xuất găng tay cao su lớn nhất thế giới đến từ Malaysia đầu tư $24,5 triệu USD để xây dựng nhà máy mới tại Việt Nam khiến thị trường nổi sóng. Nhà máy này sẽ bắt đầu sản xuất găng tay PVC từ giữa năm 2020, sản lượng khoảng 4 tỷ chiếc/năm. Vậy Dai Nam Glove nằm ở đâu trong thị trường sản xuất găng tay? Đối tượng Nguyễn Thị Thanh Tuyền đã từng tiết lộ vay 2,000 tỷ để đầu tư nhà máy sản xuất găng tay xong sau đó trích ra 300 tỷ để làm nhà máy ô xy cứu dân?! Phụ họa cùng Tuyền là tuyên bố nhập cảng "7 nhà máy ô xy mini" của Dũng “lò vôi” . Thực chất đây chính máy nén khí của Bolaite sản xuất tại Trung Quốc. Công suất của mỗi máy nén khí để trang bị cho nhà máy ô xy mini đó có thể tìm hiểu giá thành mỗi máy chừng $12,000 đô la. Nếu cộng dồn các thiết bị phu trơ, và bình thép chưa có ô xy cũng không thể cao hơn giá vài chục ngàn đô la. Giới quan sát tạm tính một nhà máy mini kiểu dã chiến đó tầm $50,000 đến $100,000 là giá rất hời. Với "7 nhà máy" của Dũng lò vôi bỏ ra chừng $350,000 đến $500,000 (khoảng từ 8-11 tỷ tiền Việt) để đầu tư. Vậy lấy đâu ra con số 300 tỷ do Nguyễn Phương Hằng công bố?

Bỏ tiền đầu tư trong lĩnh vực y tế trong bối cảnh đại dịch vốn dĩ cũng là câu chuyện kinh doanh bình thường nếu như đối tượng Tuyền không ca bài “yêu nước, thương dân” nhưng lại dấu nguồn gốc xuất xứ thiết bị, dây chuyền máy móc và rồi tuyên bố chi phí đầu tư trên trời và bắt toàn dân phải ghi nhớ, biết ơn mỗi buổi livestream.

Trong livestream cuối tháng 11/2021, không rõ vô tình hay cố ý, đối tượng Tuyền đã tiết lộ có đối tác sẵn sàng trả gấp 7 lần để mua lại nhà máy sản xuất găng tay. Liệu có phải đây là chiêu bài kinh doanh, quảng bá rầm rộ $2 triệu đầu tư bình phong cho “găng tay chống dịch” để rao bán miếng đất đẹp 30ha với vị trí lợi thế hay không? Đây là chiêu thức mà các ông trùm bất động sản núp bóng đầu tư sản xuất để hợp thức hoá các dự án đất đai. Từ trước đến nay, chiêu núp bóng thường diễn ra thông qua hình thức mở sân golf, khu du lịch.. Và đây là kiểu rửa tiền núp bóng đầu tư sản xuất mà Việt Nam đã làm nhiều rồi. Muốn chen vào hệ thống này, rõ ràng phải có tay trong tay ngoài của hệ thống chính trị từ địa phương đến TW. Liệu phải chăng các băng đảng mafia chính trị kinh tế miền Bắc đang chống lưng để vợ chồng Huỳnh Phi Dũng – Nguyễn Thị Thanh Tuyền làm con cờ ăn chia, rút ruột, rửa tiền tham nhũng nên mới có chiêu bài mạnh miệng tấn công phe nhóm miền Nam?

Trong livestream ngày 31/12/2021, Huỳnh Phi Dũng xuất hiện và quảng bá cho sản phẩm găng tay sắp sửa ra mắt thị trường trong tháng 1? Phải chăng đây chính là hình thức chuẩn bị đường ra cho sản phẩm bằng vận động để có khách hàng và tiền mua từ ngân sách? Với bối cảnh Việt Á vừa bị phanh phui vì thổi giá bộ test xét nghiệm COVID-19 bằng chiêu thức cho mượn máy xét nghiệm, nhân viên phòng phòng lab rồi sau đó ôm trọn các gói chỉ đầu thầu mua kit với giá cao. Liệu phải chăng Đại Nam Glove cũng đang xài lại bài cũ Oxy đi trước "miễn phí" thì găng tay theo sau có hợp đồng?

Quay trở lại từ đầu với câu hỏi liệu có hay không việc vợ chồng Huỳnh Phi Dũng (Dũng lò vôi) – Nguyễn Thị Thanh Tuyền (tức CEO Nguyễn Phương Hằng): Núp bóng từ thiện - Đầu tư y tế để kinh doanh bất động sản? Tôi mượn một bài viết cũ do báo CAND đã đăng và VietNamNet dẫn lại về chiêu trò của Huỳnh Phi Dũng năm 2014 với tiêu đề “Đóng cửa Đại Nam: Chơi trò đánh lận con đen?” cùng lời kết “Thiết nghĩ, không người tử tế nào lại lấy việc làm từ thiện của mình để gây áp lực và tranh thủ sự ủng hộ của dư luận. Bởi, cái gốc của từ thiện chính là sự thiện tâm” để nhắc các fan hâm mộ của Nguyễn Phương Hằng hôm nay nhớ rằng vợ chồng Dũng – Tuyền hôm nay tuy bổn cũ soạn lại nhưng chiêu trò tinh vi hơn vì khoác lên mình chiếc áo “yêu nước – thương dân” và đã tìm được băng đảng đỡ đầu mới ở trung ương để tiếp tục kinh doanh bất động sản.

Chú thích:




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo