Sự dối trá của một học thuyết (P1) - Dân Làm Báo

Sự dối trá của một học thuyết (P1)

YN (danlambao) - “Kinh tế chính trị Marx – Lénin, cùng với các bộ phận hợp thành khác của chủ nghĩa Marx – Lénine, là vũ khí tư tưởng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trong cuộc đấu tranh chống áp bức bóc lột … ” - (trang 20, Giáo trình kinh tế chính trị Marx – Lénine, Nxb Chính trị quốc gia, 2004).


Họ, những người tự xưng là cộng sản đã dùng slogan “chống áp bức, bóc lột” cho công nhân và nông dân, vu cáo cho “bọn tư sản” cái tội danh ăn cướp, lừa đảo, bóc lột công sức lao động của nông dân và giới thợ thuyền.

Thực tế, họ đã kích động được hơn một nửa nhân loại tiến hành cuộc chiến “đấu tranh giai cấp” đẫm máu bằng chính cái học thuyét Marxist dối trá và tàn bạo của họ.

Họ luôn mồm rao giảng rằng “bọn tư bản” đã áp dụng hàng loạt các thủ đoạn bóc lột tinh vi giá trị thặng dư bằng nhiều cách (thông qua kéo dài thời gian lao động đối với công nhân và bóc lột địa tô đối với nông dân) để bóc lột, bần cùng hóa giai cấp công nhân và nông dân.

Công nhân và nông dân, vì “quyền lợi ảo” của mình đã nắm tay nhau cùng đứng dưới ngọn cờ “vô sản” của họ và cuộc “đấu tranh giai cấp” đẫm máu diễn ra gần thế kỷ, cướp đi sinh mạng hàng trăm triệu người trên toàn cầu.

Khi “cách mạng” thành công, khi chính quyền về tay “Cách mạng”, điều gì đã xảy ra thì ai cũng đã biết. Chẳng anh công nhân, bác nông dân nào nắm chính quyền cả.

Tất cả chỉ là “công cụ bạo lực” giúp họ cướp chính quyền.

Sau một thời gian ngắn hả hê cướp bóc tài sản của “bọn tư bản” cũ, họ lộ nguyên hình là những tên “tư bản đỏ mới” quay lại bóc lột, áp bức chính những người đã bỏ xương máu cướp chính quyền cho họ.

Thực tế, bằng những hành vi lật lọng nêu trên, ai cũng nhận thấy bản chất dối trá của họ nhưng họ đã dối trá như thế nào là một câu hỏi cần sự lý giải tận tường.

Bài viết này sẽ cung cấp câu trả lời một cách mạch lạc, rõ ràng và dễ hiểu.

***

Theo Karl Marx, “Chế tạo ra giá trị thặng dư - phần giá trị mới dôi ra ngoài giá trị sức lao động do công nhân làm thuê tạo ra và bị nhà tư bản chiếm không - phản ảnh mối quan hệ tư bản bóc lột lao động làm thuê. Giá trị thặng dư do lao động không công của công nhân tạo ra là nguồn gốc làm giàu của các nhà tư bản”.

Thoạt nghe qua, cả công nhân và nông dân, ai cũng thấy có sự “ngờ ngợ”, “bán tín bán nghi” với luận điệu này.

- Ở đời ai chẳng có lòng tham?

- Việc “bóc lột” không ít thì nhiều, sao lại chẳng có!

- Không “bóc lột” chúng ta thì làm sao “bọn tư bản” lại giàu sụ như thế được?

v.v.

Và thế là người cộng sản bèn: ”Hỡi vô sản quốc tế, hãy đoàn kết lại !”.

Và cuộc “đấu tranh giai cấp” toàn cầu bùng nổ dưới lá cờ đỏ máu của họ.

Họ tiếp tục kêu gào: “Đấu tranh phải triệt để, không khoan nhượng!”.

Thực ra nếu hiểu theo nghĩa “bình dân” thì là: “Giết hết, giết sạch chúng đi! Không được để sót một tên!”.

Và những bàn tay hiền lương nghìn năm quen cầm liềm làm nông nghiệp, cầm búa rèn cuốc xẻng đã vung lên vấy máu đồng loại chỉ vì một tội danh “bóc lột” vu cáo mơ hồ!

Sự thật như thế nào? Có “bóc lột” không? Và nếu có thì ai “bóc lột” ai?

***

Để dễ hiểu, tránh lý luận lòng vòng, tôi xin trình bày một câu chuyện để diễn giải dưới đây:

Có một cặp vợ chồng nọ, chồng cờ bạc, trộm cướp, vợ buôn son bán phấn, sau một thời gian tích cóp được một khoản tiền kha khá, sinh một thằng con đặt tên là Tư bản.

Hai vợ chồng này chết đi để lại tài sản cho con và Tư bản là người ”giàu từ trong trứng”.

Y ta tuy có chút của nả có được nhờ thừa tự nhưng do quen ăn sung mặc sướng từ bé nên chẳng biết làm lụng gì cả, được học hành chút ít nhưng cũng chẳng màng.

Hàng xóm với Tư bản là Công nhân và Nông dân.

Công nhân nhà nghèo nhưng được cái tay thạo chân khỏe, tháo vát nhất làng.

Từ cái cày cái cuốc, hàng rào mái lá của các hộ trong làng, ai cần làm cũng phải nhờ tay Công nhân giúp đỡ. Tuy nhiên, vì làm thuê ăn lương nên gia cảnh cũng chẳng có gì làm khá giả.

Nông dân thì có được mảnh ruộng kha khá, quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, cuốc cày nhọc nhằn kiếm từng hạt gạo cung cấp cho cả làng nên tuy đủ ăn nhưng cực nhọc thì không ai bằng.

Từ khi dành dụm, tậu được con trâu lo việc cày bừa thì cũng đỡ vất vả chút ít nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo.

Cuối làng có tên Trí thức già ngông nghênh tự đắc “trên thông thiên văn, dưới thông địa lý”.


Tay vỗ cái bụng ỏng đầy rau heo cám lợn mà bảo là “túi khôn trần thế”!

Y ta nghèo nhất làng nhưng chẳng thấy tài cán gì, sức khỏe thì trói gà không chặt, quanh năm chỉ ôm mấy quyển sách mà ê a chê bai thế sự!

Tuy sống trong cảnh nghèo nhưng họ sống trong tình làng nghĩa xóm cũng gọi là thanh bình, ít nghe cãi cọ xào xáo.

Do rỗi việc, ngày nọ Tư bản lọ mọ sang nhà lão Trí thức già ngồi buôn chuyện. Sau vài tuần rượu nhạt, lão Trí thức khề khà tâm sự:

- Cậu biết đấy, nhà tớ nghèo nhất làng nhưng có cái này hay lắm!

Lão vào nhà lôi ra một lô tài liệu, bản vẽ đầy những số liệu chi chít, hình ảnh chằng chịt, mà dẫu có tài thánh thì Tư bản cũng chẳng hiểu được.

- Cái quái gì thế?

- Máy cày đấy. Món này thằng Nông dân mà có được thì cứ gọi tớ bằng cụ! Hiện nay, mảnh ruộng của nó đang cày bằng con trâu què, vã mồ hôi cả tháng mới xong. Có thứ này chỉ cần nửa buổi.

- Phét!

Lão Trí thức sốt tiết, nổi sân si, lật giở từng tờ giấy nhàu nát, giảng giải chi tiết cho Tư bản nghe.

Cũng có chút ít học hành từ bé, Tư bản phần nào cũng “ngộ” ra vấn đề.

- Nhưng đây chỉ là lão vẽ ra trên giấy. Muốn làm món này thì chỉ thằng Công nhân khéo tay làm được thôi. Sao lão không nhờ hắn làm cho? Bán khối tiền đấy.

- Móc xương ra tiền để làm à?

Tư bản ngồi im ngẫm nghĩ, hắn chợt lóe lên một ý nghĩ tinh quái:

- Lão làm đếch được thì bán mịa nó cho tôi. Tôi làm bán kiếm xu uống rượu? Lão dốt bỏ cụ, nhà cửa rách nát tồi tàn thế này, chó cũng không ngửi được. Bán cho tôi lấy tiền mà sửa nhà và lo cho con cái?

Lão Trí thức già ậm ừ ngẫm nghĩ.

- Thế cậu mua bao nhiêu?

Tư bản cười nhạt:

- Tôi xuất tiền làm lại căn nhà cho lão, cung cấp tiền đủ cho cả nhà lão sống tươm tất, nhưng lão phải giao cái của nợ này cho tôi, đồng thời hướng dẫn chỉ bảo thằng Công nhân làm cho tôi. Không được như lão quảng cáo là lão đền đấy. Hàng xóm với nhau, lần này xem như tôi giúp lão “cải thiện” cuộc sống đấy. Giấy đây, ký vào mà nhận tiền!

Lão Trí thức già cảm ơn rối rít, lập cập cầm bút ký ngoáy vào hợp đồng bán “công nghệ” mà chẳng cần suy nghĩ!

Tư bản khệ nệ ôm mớ tài liệu về nhà. Khi đi ngang qua ngõ vào nhà Công nhân, gặp thằng con của Công nhân đang gặm củ khoai bữa sáng, hắn cười:

- Tối bố về bảo sang nhà bác uống rượu, bác có chuyện bàn nhé!

Tối đó, tại nhà Tư bản, sau khi bàn bạc thỏa thuận, Công nhân đồng ý sẽ làm ra cái máy cày theo bản vẽ của Tư bản.

Non tháng sau, chiếc máy cày lừng lững xới những đường cày thằng tắp như kẻ chỉ trên mảnh ruộng của Nông dân. Công việc lẽ ra trước đây với con trâu đi trước, cái cày theo sau thì Nông dân phải làm quần quật hơn tháng mới xong, nay chỉ loáng nửa buổi là tươm tất.

Còn mảnh ruộng bỏ hoang từ mấy đời, Nông dân cho máy cày vào làm nốt.

Vụ mùa năm ấy bội thu gấp 60 lần trước vì diện tích canh tác được mở rộng, công việc đồng áng cũng trở nên nhàn nhã. Cả ba người, Tư bản, Công nhân và Nông dân quyết định sau khi trừ vốn mà Tư bản đã bỏ ra để mua bản vẽ và nguyên vật liệu sắt thép làm máy cày, tiền công làm việc chế tạo của Công nhân, tiền công lái máy cày của Nông dân thì còn lại chia đều trong vui vẻ, hạnh phúc và sung túc.

Trong căn nhà nhỏ cuối thôn, lão Trí thức già và lũ con, tuy cuộc sống có khá hơn trước trong sự “trả công” cho bản vẽ máy cày, thỉnh thoảng vẫn vọng lên tiếng kêu khàn đục của lão già ngông: ”Đồ lừa đảo, đồ bóc lột!”.

***

Vậy thì ai đã bóc lột ai?

YN, 19/5/2011.

danlambao.com
danlambaovn.blogspot.com





Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo