Vi Anh (Việt Báo) - Trong đêm tối, thà xài con đom đóm còn hơn ngồi đó trông ngóng ngọn đèn. Quan niệm bình dân này đã giúp Anh Bùi Chát thành công trong việc thành lập nhà xuất bản Giấy Vụn, một nhà xuất bản lậu, lén trong chế độ CSVN, và tạo được một phong trào tự do xuất bản trong chế độ CS, khiến Anh được tổ chức quốc tế là Uỷ ban Tự do Xuất bản IPA vào 25/4/ 2011 đã trao giải này Tự do Xuất bản năm 2011 trong Hội chợ sách quốc tế lần thứ 37 ở Buenos Aires, thủ đô Argentina.
Quan niệm bình dân này cũng rất cần cho những người Việt ở hải ngoại đang đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền Việt Nam mà không có phương tiện truyền thông trong khi các cơ quan truyền thông Việt ngữ kẹt lắm chuyện, còn truyền thông chuyển ngữ như Anh, Pháp thì vấn đề Việt Nam không còn nằm trong tiêu điểm nữa.
Theo tờ báo Publisher Weekly của Mỹ, Chủ tịch Ủy ban Tự do Xuất bản của IPA, Bjorn Smith-Simonsenn, cho biết: «Dù trong những điều kiện khó khăn cùng cực, Nhà xuất bản Giấy Vụn cũng đã khởi xướng được một phong trào mới của những người tư duy độc lập, những văn sĩ, nghệ sĩ tự do không tuân thủ những quy định của Nhà Nước trong sáng tác.»
Còn Anh Bùi Chát hy vọng giải thưởng này sẽ thúc đẩy sự phát triển của phong trào xuất bản độc lập và xã hội dân sự tại Việt Nam.
Theo đài RFA, "Bùi Chát tên thật là Bùi Quang Viễn sinh năm 1979 tại Hố Nai, Biên Hòa trong một gia đình công giáo gốc di cư. Anh tốt nghiệp ngành Văn học, khoa Ngữ văn - Báo chí, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP HCM năm 2001. Từ đó sống ở Sài Gòn."
"Anh là người sáng lập Giấy Vụn - nhà xuất bản chuyên in ấn và phát hành tác phẩm của các nhà thơ vỉa hè dưới hình thức photocopy, vượt qua sự kiểm duyệt của chính quyền. Vào quý 3 năm 2009, Nhà xuất bản Giấy Vụn xuất bản tác phẩm "Bài Thơ Một Vần" của Bùi Chát, tập hợp 26 bài thơ tự do. Ngoài phần Việt ngữ, những bài thơ này được Lê Đình Nhất Lang dịch sang Anh ngữ."
Việc làm của Uỷ ban Tự do Xuất bản IPA trao giải Tự do Xuất bản này cho một người Việt sống trong chế độ CS rất quan trọng, có nhiều ý nghĩa và tác dụng. Trong chế độ độc tài CS, việc kiểm soát thông tin, nghị luận, sách báo là chính sách Đảng Nhà Nước thực hiện có hệ thống, vô cùng chặt chẽ. Người dân chỉ được nghe, nhìn, đọc những gì CS cho mà thôi. Trên không gian thực là cuộc sống của xã hội và trên không gian ảo là Internet - cũng thế.
Độc tài CS là độc tài đảng trị toàn diện nên việc kiểm soát gắt gao, triệt để hơn độc tài cá nhân hay gia đình như ở Miến Điện, Ai cập và Libya nhiều. Do vậy mà người ta không thắc mắc tại sao lớp trẻ ở các nước Bắc Phi và Trung Đông đã thành công trong việc dùng Internet trên các trang mạng xã hội để vận động, huy động, liên kết, kế hoạch biến các cuộc biều tình thành phong trào cách mạng quốc gia lật đổ độc tài được mà ở Trung Cộng và Việt Cộng lớp trẻ chưa nếu không muốn nói là không làm được.
Dù ở hai chế độ này dân chúng bất mãn nhà cầm quyền độc tài CS thâm căn cố đế hơn. Biều tình đòi tăng lương, chống bất công tham nhũng nhiều hơn ở Tunisia và Ai cập.
Dù ở hai chế độ CS này Internet phát triễn cũng không tệ lắm nhưng ở hướng khác. TC có nửa tỷ người xài Internet và trang mạng xã hội. Và VN phân nửa dân số là trẻ và có khoảng 27 triệu dân sử dụng internet, khoảng 31% dân số cả nước (sưu khảo mới nhứt của tổ chức Cimigo, một tập đoàn độc lập chuyên nghiên cứu thị trường và thương hiệu).
Số người xài Internet này bị kiểm soát nghiệt ngã về chánh trị. Như vừa có trang web kêu gọi làm cuộc cách mạng mùa xuân ở TQ và VN, thì nhà cầm quyền mở cả một chiến dịch triệt hạ khắp các thành phố lớn. Bắt bớ, sách nhiễu, trấn áp quyết diệt mầm móng cách mạng trong trứng nước.
Internet hay và nhanh thật nhưng không thể thay thế cho ấn phẩm và tổ chức. Khi phát thanh, truyền hình ra đời, rồi Internet xuất hiện người ta lo báo chí sẽ chết nhưng không có. Một cái email, paltalk, blog trên Internet không thay thế được tiếng phèn la "tôi đói, cho tôi bánh mì" của một em bé gái Pháp làm tinh thần cách mạng biến thành cuộc cách mạng 1789 Pháp. Một hội luận bất hợp pháp, lời nói không có loa nhiều khi còn hùng hồn khiến hàng ngàn cánh tay giơ lên quyết tâm. Một tuyên ngôn, một truyền đơn in lén, dán lén, phát tay, rải lén nhiều khi rất hấp dẫn và kiến hiệu hơn.
Còn Internet chỉ là xa lộ thông tin, không thay cho con người sử dụng được. Nó giúp cho con người liên lạc, trao đổi, chia xẻ với nhau nhưng không thay cho phong trào đấu tranh được, mà bản chất của phong trào là con người là đối tượng và chủ thể của tổ chức có hệ thống.
Phương chi trong chế độ độc tài CS, CS đã thuần hoá dân chúng bằng nỗi sợ chánh trị. Làm tội lỗi gì CS còn có thể tha, chiếu cố, chớ làm chánh trị thì CS trị tới nơi tới chốn. Nên so với dân số số người xài Internet vốn ít hơn các nước, mà số người xài là để liên lạc làm ăn, giải trí nhiều hơn là vào các mạng hay vấn đề chánh trị.
Thêm vào đó để đề phòng tinh thần cách mạng Hoa Lài tràn sang, TC và VC đã tăng cường hợp tác với nhau trên phương diện an ninh, quốc phòng, tư pháp để "đấu tranh chống các thế lực thù địch chống phá sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở mỗi nước". Từ ngày 12 đến 15/4 vừa qua Phó chủ tịch Quân Ủy Trung Ương của TC là Quách Bá Hùng, đã đến bàn bạc với Tổng bí thư kiêm Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, lẫn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Cũng trong thời gian đó, Ủy viên Bộ chính trị, Bộ trưởng Công an Việt Nam Lê Hồng Anh đã âm thầm đi TC bàn bạc với Chu Vĩnh Khang, Ủy viên thường vụ Bộ chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc. Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao Trung Quốc Vương Thắng Tuấn đi VN từ ngày 16 đến 20/4. Sau cuộc gặp gỡ với viên chức TC này, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã tuyên bố là ngành tòa án hai nước «cần tăng cường hợp tác đấu tranh với những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch trong việc xét xử tội phạm của mỗi nước», cũng như "đấu tranh chống các thế lực thù địch chống phá sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở mỗi nước".
Với sự phòng thủ kín như bưng đó, người ta thấy việc xuất bản lậu, lén rất khó ở Trung Quốc và VN nhưng rất cần đối với dân chúng.
Trở lại người Việt hải ngoại. 30-4-2011 này là năm thứ 36 người Việt tỵ nạn CS liên tục đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền VN. Một sự dũng cảm và quyết tâm đáng kính phục. Vì gần như đấu tranh trong cô đơn giữa những chánh quyền của các nước định cư đã bang giao và giao thương với CS Hà nội, và giữa những báo chí chuyển ngữ Anh, Pháp coi vấn đề VN không còn trong tầm nhắm nữa. Còn báo chí Việt ngữ thì có nhiều cái kẹt do sống bằng quảng cáo và làm báo vì cái "nghiệp" hơn là tiền như báo Mỹ. Đấu tranh bằng tiền túi, khác với người Trung Hoa, Nam Hàn dù sao cũng còn chánh quyền ở nước nhà. Do đó nhiều khi các tổ chức đấu tranh có những văn thư, bản lên tiếng "bén nhọn" thì báo không đăng. Có lúc chính các đoàn thể không có tiền đăng bản lên tiếng, lời kêu gọi dưới hình thức quảng cáo trên báo.
Trong tình hình đó, cái khó nó bó cái khôn như kinh nghiệm của Anh Bùi Chát rất hữu ích. Không có báo thì tự làm bản tin. Báo không đăng thì in thành truyền đơn để phổ biến. In bây giờ đâu cần nhờ nhà in. Computer và máy in của nó và máy photocopy nếu cần số nhiều - chúng sẽ lo việc này. Một chuyện gì đó in 1000 tờ gắn trên gạt nước của xe hay phát ngoài chợ nhiều khi còn nổi bật, được chú ý hơn tốn cả ngàn đồng mướn đang như đăng quảng cáo trên các báo mà có nhiều báo không đăng.
Vi Anh