Phạm Trần - Trong khi cả nước lòng dân sôi lên căm phẫn khi thấy giặc Tầu đã vào đến nhà giương oai quắc mắt cắt cáp tầu khảo sát đáy biển Bình Minh 2 và đàn áp ngư dân ngay trong lòng biển Việt Nam thì đảng và nhà nước lại rỗi hơi bầy trò hội thảo kỷ niệm 100 năm “sự kiện Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước” (5/6/1911-5/6/2011).
Cuộc họp “dư tiền dửng mỡ” này đã diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh (Sài Gòn cũ) hôm 31-05 (2011), chỉ 6 ngày sau khi 3 tầu “hải giám” (giám sát biển) của Bắc Kinh đàn áp, phá hoại công tác thăm dò đáy biển của Công ty dầu hỏa Việt Nam (PetroVietnam,PVN).
Theo lời Phó Tổng Giám đốc PetroVietnam Đỗ Văn Hậu thì các Tầu Trung quốc đã tấn công tầu Bình Minh 2 vào sáng hôm thứ Năm 26/05, tại vùng biển miền Trung chỉ cách mũi Đại Lãnh của tỉnh Phú Yên 120 hải lý (222 cây số), hoán toàn trong thềm lục địa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Ông Hậu nói với Báo chí tại Hà Nội rằng : “ Việc các tàu hải giám Trung Quốc vào rất sâu trong lãnh hải của Việt Nam để phá hoại, cản trở các hoạt động thăm dò khảo sát bình thường của PVN là một hành động hết sức ngang ngược, vi phạm trắng trợn đối với quyền chủ quyền của Việt Nam, gây thiệt hại lớn về kinh tế và cản trở hoạt động của PVN.” (Thông tấn xã Việt Nam, 27-05-011)
3 tầu Trung Hoa đã vây hãm Bình Minh 2 suốt 4 tiếng đồng hồ, từ 5 giờ sáng cho đến 9 giờ sáng mới bỏ đi, sau khi đã cắt cáp thăm dò của tàu này.
Ông Hậu nói: "Tàu Bình Minh 02 và các tàu bảo vệ đã phải dừng công việc trong ngày 26/05 và thu lại các thiết bị bị hỏng để sửa chữa…. Tàu khảo sát địa chấn của Việt Nam phải tới 6 giờ sáng thứ Sáu 27/05 mới quay trở lại hoạt động bình thường.” (TTXVN, 27-5-011).
Tuy nhiên, ông Hậu không cho biết liệu các tầu của PVN có đánh điện kêu cứu với các đơn vị Bộ đội biên phòng tỉnh Phú Yên hay không, nhưng Bộ Quốc phòng Việt Nam đã không đưa ra bất cứ lời tuyên bố nào về biến cố vi phạm lãnh thổ nghiêm trọng này của phía Tầu.
Cũng nên biết, vùng 4 Hải quân Việt Nam có trách nhiệm “quản lý Quần đảo Trường Sa, đảo Phú Quý và vùng biển phía nam miền Trung, từ Phú Yên đến Bắc Bình Thuận gồm các tỉnh: Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và phía Bắc của Bình Thuận. Trụ sở Bộ chỉ huy: quân cảng Cam Ranh (Khánh Hòa).”
Trong khi, Không quân có Đoàn Hải Vân gồm : “ Trung đoàn Tiêm kích 929 Đà Nẵng MiG-21bis/UM Trung đoàn Trực thăng 954 Đà Nẵng Ka-25, Ka-28, Ka-32, Mi-171 Trung đoàn Huấn luyện 940 Phù Cát MiG-21UM, Su-27SK/UBK Sư đoàn 370”. Trường Sĩ quan Không quân ở Nha Trang có “Trung đoàn Huấn luyện 910 Đông Tác L-39C, Yak-18 Trung đoàn Huấn luyện 920 Cam Ranh L-39C, Yak-52.”
Các đơn vị Không quân này có trách nhiệm quân sự đối với cả hai vùng trời Hoàng Sa và Trường Sa
Nhưng cả hai Binh chủng Hải và Không quân đều không dám gửi tầu tác chiến ra khơi , hay cho lệnh máy bay cất cánh đánh đuổi các tầu Trung Quốc như Mã Lai và Phi Luật Tân đã làm khi các tầu Trung Hoa xâm nhập vùng tranh chấp của hai nước này trong vùng Trường Sa.
Do đó khi mọi người nghe người Phát ngôn của Bộ Ngoại giao CSVN, Nguyễn Phương Nga nói mạnh trong cuộc họp báo ngày 29-5 (2011) thì cũng chỉ biết “mỉm cười” cho qua.
Hãy đọc báo Pháp Luật, xuất bản ở Thành phố Hồ Chí Minh trong số ra ngày 30-5 (2011) :
(Báo) Lao Động: Hải quân Việt Nam sẽ làm gì để bảo vệ các tàu dầu khí của Việt Nam?
Bà Nguyễn Phương Nga: “Chính sách quốc phòng của Việt Nam là hòa bình và tự vệ. Hải quân của Việt Nam sẽ làm mọi việc cần thiết để bảo vệ vững chắc hòa bình, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam để phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.”
Nhưng đã có bao giờ Hải quân Việt Nam dám ra khơi bảo vệ ngư dân Việt Nam khi họ bị quân Tầu bắn phá, giết người, cướp của, bắt giam và tịch thu tài sản trên biển chưa ?
Hãy đọc các Báo Việt Nam tường thuật trong Bài viết “ Tàu Trung Quốc uy hiếp, bắn đuổi tàu cá Việt Nam” : Lúc 10 giờ 5 phút sáng nay 1/6, thuyền trưởng Lê Văn Giúp cấp báo về Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Phú Yên, báo tin bị tàu quân sự Trung Quốc bắn và kìm kẹp ngay trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam.”
“Theo truyền trưởng Lê Văn Giúp (SN 1962, ngụ TP Tuy Hòa, Phú Yên), tàu cá PY 92305 TS của anh vừa bị tàu Trung Quốc quấy rối vào chiều 31/5. Anh Giúp kể tàu anh đang đánh cá ở cách đảo Đá Đông thuộc quần đảo Trường Sa 5 hải lý, bất ngờ 3 chiếc tàu quân sự của Trung Quốc chạy đến….”
“… Sau khi bắn liền 4 phát xuống nước ngay sát tàu anh Giúp, các tàu trên lướt tới, chạy ngang trước mũi tàu của anh. Anh Giúp phải bẻ mạnh bánh lái mới không đâm trúng tàu Trung Quốc. Sau đó, 3 tàu Trung Quốc còn kìm kẹp tàu anh Giúp cùng một tàu cá khác suốt đêm 31/5….”
Đại tá Nguyễn Trọng Huyền, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy biên phòng tỉnh Phú Yên cho hay, từ đầu tháng 3, tàu hành nghề của Trung Quốc chèn ép ngư dân, xâm chiếm ngư trường Việt Nam diễn ra phổ biến. "Tuy nhiên, theo báo cáo cáo và mô tả của ngư dân thì lần này là tàu quân sự của Trung Quốc vì tàu có trang bị vũ khí".
Các báo còn viết :“Cùng ngày tại Quảng Ngãi, vào lúc 10 giờ sáng nay (1-6-011), anh Huỳnh Công Kính, 32 tuổi, ở thôn Đông, xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn, chủ tàu cá QNg 66 369 TS cho biết tàu cá của anh bị tàu chiến Trung Quốc phá hoại dây lặn, lấy toàn bộ lương thực, thực phẩm và các ngư lưới cụ khác khi tàu đang khai thác hải sản trên vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa.”
TỪ MIỆNG NGƯ DÂN
Báo VNEXPRESS viết ngày 30-5 (2011) : “ Tàu Trung Quốc tiến sâu trong vùng biển của Việt Nam, đe dọa, xua đuổi thậm chí dùng vũ lực cướp tài sản của ngư dân là tình trạng được cho là "cơm bữa" đối với ngư dân Việt Nam những ngày này.
Sáng nay, tàu PY92134 cập bến cá Đông Tác ở phường 6, thành phố Tuy Hòa, Phú Yên cùng với 4 chiếc tàu bạn. Thuyền trưởng Nguyễn Thanh Hiệp, người có 15 năm thâm niên câu cá ngừ đại dương, cho biết: "Tàu mang cờ và chữ Trung Quốc xuất hiện rất nhiều trên biển thuộc chủ quyền Việt Nam, gần như đi hướng nào cũng gặp…".
“ …Theo thuyền trưởng Nguyễn Đình Nhã, từ sau Tết đến giờ, tàu hành nghề mành chụp mực của ngư dân Trung Quốc xuất hiện rất dày ở vùng biển của Việt Nam. Mỗi đoàn của họ có khoảng 8-10 chiếc tàu, "mỗi chiếc to gấp ba, bốn lần tàu ngư dân Việt".
Những hành động ngăn trở, đe dọa từ tàu Trung Quốc được ngư dân cho biết là như cơm bữa trên biển Đông. Thậm chí không ít trường hợp bị thu sạch thủy sản vừa đánh bắt được ngay trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam.
Thuyền trưởng Trần Văn Thoa quê ở Bình Sơn, Quảng Ngãi, cũng vừa đưa tàu về đất liền sau gần một tháng trên biển. "Đến Hoàng Sa được 2 ngày, chúng tôi trúng đậm khoảng 1 tấn cá mó nên rất mừng. Ai ngờ sáng 6/5 bắt đầu có chuyện".
Ông kể, rạng sáng ngày 6/5, một chiếc tàu sắt trọng tải lớn mang cờ Trung Quốc áp sát, thả ca nô cập tàu cá Việt Nam dùng súng uy hiếp. Hai thuyền viên Phạm Hò và Nguyễn Thành bị kéo xuống hầm thuyền để xúc cá, tôm chuyển sang tàu của họ. Sau hơn 60 phút lục soát và cướp tài sản, tàu Trung Quốc xua đuổi tàu cá anh Thoa rời Hoàng Sa.
“Trong phiên biển này, chúng tôi bắt gặp rất nhiều tàu cá Trung Quốc trên vùng biển Việt Nam, thậm chí có tốp tàu đến hành nghề cách vùng biển Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi chỉ khoảng 40 hải lý”, ngư dân Tiêu Viết Thạch tiếp lời.”
Trong khi đó, trong số ra ngày 01/06 (2011), báo Thanh Niên viết về những chuyện đau lòng của ngư phủ Việt Nam : “ Trong khi đang đánh bắt hải sản trên các ngư trường truyền thống thuộc chủ quyền VN, nhiều ngư dân miền Trung bị tàu Trung Quốc vây bắt, tịch thu tàu cá, hải sản, đòi tiền chuộc khiến họ tán gia bại sản.
Chỉ trong vòng 5 năm, tàu cá của thuyền trưởng Tiêu Viết Là, ở thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) đã 4 lần bị Trung Quốc tấn công, bắt giữ, tịch thu tàu.
Đó là vào năm 2006, khi tàu của ông chạy vào núp gió tại khu vực đảo Phú Lâm, bị phía Trung Quốc cho ca-nô đuổi theo thu sạch máy móc, dụng cụ, gạo, cá. Đến tháng 6.2007, trên đường chạy tránh bão tại khu vực quần đảo Hoàng Sa, tàu của ông lại bị tàu Trung Quốc rượt đuổi, bắn 6 ngư dân bị thương, tịch thu chiếc tàu trị giá trên 300 triệu đồng. Năm 2008, một lần nữa ông bị Trung Quốc tịch thu máy móc, phương tiện hành nghề và đến tháng 3.2010 tiếp tục bị bắt, tịch thu tàu. Vì thế, từ một gia đình giàu có nhất, nhì thôn Châu Thuận Biển, bây giờ ông Là trở nên khánh kiệt, nợ nần.
Mất tàu, ông Là đi bạn với tàu cá khác ở địa phương với hy vọng trả bớt nợ nần, nuôi vợ con nhưng chỉ sau một chuyến đành phải giã từ biển xa vì sức khỏe quá yếu, hậu quả từ những trận đòn khi bị Trung Quốc bắt, không thể chống chọi với sóng gió giữa trùng dương. Bao lo toan “cơm áo gạo tiền” lại đổ sang vai vợ - bà Nguyễn Thị Bưởi. Ngày ngày, bà Bưởi xuống bến mua cá rồi ra chợ bán lại kiếm lời để trang trải cuộc sống, nên món nợ mấy trăm triệu đồng chưa biết đến bao giờ mới trả nổi. Bà than thở: “Gia đình còn nợ ngân hàng 120 triệu đồng. Vừa rồi, họ xuống đòi nợ gốc và lãi, nếu không trả được sẽ niêm phong nhà. Tui bây giờ như ngồi trên lửa, chẳng biết tính sao đây?”.
Không chỉ ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn mà nhiều gia đình ngư dân ở huyện đảo Lý Sơn cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Điển hình như trường hợp của ngư dân Nguyễn Chí Thạnh (27 tuổi, xã An Hải) khát khao làm giàu từ biển cũng tiêu tan sau khi tàu cá QNg-6517TS - gia tài mà vợ chồng anh dành dụm được và vay mượn người thân - bị Trung Quốc bắt giữ, tịch thu vào tháng 6.2009. Còn gia đình ngư dân Mai Phụng Lưu (ở thôn Tây, xã An Hải) sau 4 lần bị Trung Quốc bắt giữ, tịch thu tàu, đòi tiền chuộc, giờ trắng tay, cô con gái út đi làm thuê ở TP.HCM, còn ông cùng 3 người con trai phải đi bạn với những tàu cá khác...”
Trên đây chỉ là một số ít trường hợp được báo chí nói tới với những ngư dân may mắn còn sống sót. Đã có hàng trăm ngư phủ bị quân Tầu giết mất xác trên biển khi thuyền của họ bị chúng đâm chìm trong đêm tối quanh hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, hay bị bão tố cuốn trôi trước những con mắt dửng dưng của quân Tầu ngụy trang ngư dân trong nhiều năm qua.
Chuyện mất người, mất của của ngư dân Việt Nam ở Biển Đông đã cao như núi nhưng đảng và nhà nước Cộng sản Việt Nam, từ trước đến nay chỉ biết phản đối hay xác nhận chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa bằng nước bọt, nghe rất phản động.
Nhưng trước vụ tầu khảo sát địa chấn Bình Minh 2 bị Tầu tấn công ngay trong khu đặc quyền kinh tế và trong phạm vi hải phận Việt Nam mà Chính phủ CSVN vẫn không dám tố cáo hành động xâm lược trắng trợn này với Liên Hiệp Quốc vì Tầu đã vi phạm Hiến chương Liên Hiệp Quốc và Luật biển năm 1982, nói chi đến việc kiện ra trước Tòa án Quốc tế như một số chuyên gia trong nước đề nghị.
Tính nhu nhược của CSVN còn được chứng minh bằng thái độ hèn yếu của các báo chính thống của đảng và nhà nước như các báo Nhân Dân, Quân đội Nhân dân, Sài Gòn Giải Phóng, ViệtNamNet, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng Nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam và Tạp chí Cộng sản đã không dám viết bài Bình luận lên án trả đũa các bài viết hỗn xược của các Báo và Đài Trung Quốc, tiêu biểu như tờ Hoàn Cầu Báo.
Một bài viết trên báo này ra ngày 1/6 (2011) viết rằng : “ Bắc Kinh vẫn không muốn làm gia tăng căng thẳng, nhưng buộc phải thành thật với Việt Nam. Nếu như Việt Nam cứ tiếp tục hoạt động trong vùng biển chủ quyền của Trung Quốc, thì sẽ phải chịu trách nhiệm vì hành vi của mình.
"Nếu Việt Nam thực sự sẵn sàng 'làm mọi việc cần thiết', thì cứ việc thử sức mình xem."
Tờ Hoàn Cầu nói nếu như Hà Nội tính toán rằng qua việc gây áp lực ngoại giao có thể khiến Bắc Kinh nhượng bộ về biển đảo, thì thật quá ngây thơ.
Báo này cũng nhắc lại rằng Việt-Trung hai nước láng giềng có nhiều lợi ích chung trong dàn xếp hòa bình tranh chấp lãnh thổ, và nếu như Trung Quốc tiếp tục kiềm chế thì Việt Nam cũng cần cố gắng không hành xử một cách hung hăng.” (Theo BBC)
NGUYỄN CHÍ VỊNH BẺM MÉP
Trước các hành động hung hãn, bất chấp luật pháp quốc tế của Bắc Kinh thì giới Quân sự của Việt Nam phản ứng ra sao ?
Thái độ của họ đã được Nguyễn Chí Vịnh, Trung tướng, Thứ trưởng Quốc phòng phản ảnh trong bài viết nhân kỷ niệm 66 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2010).
Bài báo của Vịnh có nhan đề "Tăng cường hợp tác quốc phòng phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa, đóng góp cho hòa bình, ổn định, phồn vinh trong khu vực."
Bàn về quan hệ giữa Việt Nam và Trung Hoa, Vịnh mơn trớn đàn anh : “ Quan hệ quốc phòng Việt Nam-Trung Quốc dựa trên tinh thần hữu nghị truyền thống và quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước đã tập trung vào thực hiện các cơ chế hợp tác nhằm giữ gìn an ninh chung ở biên giới trên bộ và trên biển, giải quyết các vấn đề an ninh mà hai bên cùng quan tâm.
Cơ chế đối thoại quốc phòng hàng năm cấp Thứ trưởng Quốc phòng giữa hai nước đã được thiết lập, các mối quan hệ quốc phòng khác tiếp tục phát triển đã tăng cường sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau, hợp tác giải quyết các vấn đề an ninh có liên quan đến hai nước và khu vực nhằm biến quan hệ quốc phòng trở thành một trong các mối quan hệ quan trọng giữa Việt Nam-Trung Quốc.”
Bây giờ, sau vụ Bình Minh 2 và các vụ tầu Quân sự của Tầu dám cả gan vào sâu trong nội địa Việt Nam để đánh đuổi ngư dân hay tịch thu hải sản và cướp của thì Vịnh đã sáng mắt ra chưa, hay vẫn còn u mê với phương châm “16 chữ và tinh thần 4 tốt : “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt” của anh láng giềng tráo trở ?
Đấy là chưa kể chuyện Tầu mới đây đã ngang nhiên cấm ngư dân Việt Nam đánh cá ở Biển Đông trong thời gian từ 12 giờ ngày 16/5 đến 12 giờ ngày 01/8, phạm vi bao gồm cả một số vùng biển của Việt Nam, trong khi các Tầu võ trang của Trung Hoa lại hộ tống cho hàng trăm thuyền đánh cá của Bắc Kinh tự do hành nghể trên biển.
Như vậy thì đến bao giờ đảng và nhà nước CSVN mới biết nhục, hay còn đợi Tầu dạy cho thêm bài học nữa mới biết mở mắt ra ?
Phạm Trần
gửi Dân Làm Báo