Phương Bích (danlambao) - Tôi kiểm chứng tình yêu đó bằng chính lòng mình. Sáng ngày 12/6, đứng trên sân công viên Lê nin, dưới chân tượng đài ông tổ của chủ nghĩa Mác Lê Nin, bên những trí thức đầu tóc bạc phơ, những nam thanh nữ tú trẻ măng với gương mặt rạng ngời, giữa những con người xa lạ ấy, tôi nghẹn ngào khóc không phải vì sợ hãi mà vì một thứ tình cảm không sao hiểu nổi, có phải tôi thương những người dân như tôi phải đấu tranh để được yêu nước? mà đấu tranh với ai đây?...
*
Thông thường những câu như anh yêu em hay những câu to tát hơn như yêu Tổ quốc, yêu đồng bào không phải lúc nào cũng có thể dễ dàng nói ra. Trong một ngữ cảnh bình thường mà nói những câu đấy hẳn người ta thấy nó “sến” lắm, không “thật” tý nào. Thế nhưng trong những hoàn cảnh đặc biệt thì nó lại dễ dàng bật lên từ trong sâu thẳm con tim và dường như những câu nói đó vẫn không thể nào diễn đạt hết nhiệt huyết đang trào dâng trào trong lòng mỗi con người chúng ta, những lúc ấy tôi lại nhớ lại câu hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: tôi là ai mà yêu quá đời này. Người ta thường cho là những người không có gia đình để mà thương yêu và gìn giữ thì chẳng thể nào yêu được nặng tình như thế, vậy mà trong một khoảnh khắc nào đó, dường như câu nói ấy tôi thấy vẫn chưa đủ: tôi là ai mà yêu quá đời này.
Một lần khác tôi đọc câu thơ của tiến sĩ Đỗ Xuân Thọ, người nổi tiếng vì tuyên bố đốt thẻ đảng, người nổi tiếng với học thuyết tâm vũ trụ. Thực ra người trần mắt thịt như tôi cố đọc thử cái học thuyết đấy mà chả thể nào hiểu nổi, nhưng tôi thích cái nhiệt huyết của tiến sĩ trong cuộc sống: yêu Việt Nam đến cháy lòng.
Nhà báo Huy Đức nói: chảy nước mắt thương dân mình đơn độc.
Tôi kiểm chứng tình yêu đó bằng chính lòng mình. Sáng ngày 12/6, đứng trên sân công viên Lê nin, dưới chân tượng đài ông tổ của chủ nghĩa Mác Lê Nin, bên những trí thức đầu tóc bạc phơ, những nam thanh nữ tú trẻ măng với gương mặt rạng ngời, giữa những con người xa lạ ấy, tôi nghẹn ngào khóc không phải vì sợ hãi mà vì một thứ tình cảm không sao hiểu nổi, có phải tôi thương những người dân như tôi phải đấu tranh để được yêu nước? mà đấu tranh với ai đây?
Từ bé đến lớn, chúng tôi đọc ra rả những bài thơ, câu hát ca ngợi hình tượng đẹp đẽ của những chú công an, anh công an, chú bộ đội, anh bộ đội đang ngày đêm canh giấc cho sự bình yên của dân ta. Giờ đây dân ta, những người dân lao động lam lũ, những thanh niên tưởng như chỉ biết mải mê chơi bời hay phụ nữ chân yếu tay mềm như tôi lại tập hợp nhau lại bên nhau đứng đối diện với những anh công an, chú công an tay cầm khiên, tay cầm dùi cui. Tôi đau lòng đến chảy nước mắt cho dù những anh công an hay chú công an chưa vung dùi cui lên, nhưng có lẽ nếu đươc lệnh thì họ sẽ vung lên và đã từng vung lên để buộc những người dân chúng tôi phải rời khỏi những con đường, những ghế đá, công viên, vỉa hè…
Đối diện với những gương mặt trẻ măng trong sắc phục cảnh sát, tôi nhận ra không phải tất cả trong số họ là những kẻ vô cảm chỉ biết thi hành mệnh lệnh. Trước ánh mắt trách móc của tôi, họ đều hoặc là quay đi lảng tránh hoặc là nhăn nhó khổ sở, có người thì thầm: cô thông cảm, chúng cháu đang làm nhiệm vụ. Nhưng cũng có những gương mặt lạnh tanh như những roboot, mặc dù với tôi họ chưa phải dùng đến tay để xô đẩy nhưng chỉ cần với sức mạnh của những thanh niên to khỏe như Phù Đổng đã có thể chèn bật chúng tôi ra khỏi công viên, vỉa hè hoặc bất cứ chỗ nào chúng tôi muốn đứng bên nhau để chứng minh cho kẻ thù của dân tộc thấy: người Việt Nam chúng ta không hèn.
Đúng thế, chúng ta không hèn! Đáng lẽ chính quyền phải biết ơn người dân đã cất lên tiếng nói phẫn uất trước một kẻ láng giềng lật lọng và tàn bạo như Trung Quốc. Có qua internet, người ta mới biết ngư dân mình bao nhiêu năm nay cùng cực đến thế nào. Đối diện với việc bị cướp bóc, bị bắt giữ và cả mạng sống bị đe dọa, nhưng để sinh tồn, họ vẫn phải ra khơi kiếm sống. Không một ai bảo vệ họ và những ngư dân nghèo khổ khi sống sót trở về trở thành con nợ vì hoàn toàn tay trắng. Tôi không thể hình dung ra sự cùng cực của họ như thế nào….và nhà nước chỉ lên tiếng khi kẻ cướp đã bắt đầu sờ đến bậc cao hơn như tập đoàn dầu khí Việt Nam…
Tôi không hiểu tiếng Trung nhưng hẳn người ta không thể xuyên tạc lời dịch trước thế giới về lời hăm dọa tát vỡ mặt Việt Nam ta trên đài truyền hình Trung Quốc. Người ta không thể đóng giả cảnh ngư dân Việt Nam ta vái lạy khi bị tàu Trung Quốc đuổi bắt và cướp bóc tài sản. Tôi tự hỏi người Việt Nam nào không cảm thấy căm phẫn trước những lời đe dọa láo xược kia, không cảm thấy nhục nhã khi dân ta phải vái lạy kẻ cướp để được sống?
Tôi đâu định xuống đường. Sống bao nhiêu năm trong thời bao cấp, cái ý thức ngoan ngoãn tuân thủ đã trở thành lối mòn trong trí não tôi. Tôi chỉ xuống đường khi được phân công. Thế mà lại có những kẻ điên rồ chả ở nhà mà hưởng thụ mọi tiện nghi của cuộc sống, chả đi nhậu nhẹt tưng bừng, đi mua sắm hàng hiệu mà lại xuống đường gào thét đến khản cả cổ những cái tên Trường Sa, Hoàng Sa, Việt Nam…Một nhà báo đau xót viết: sau một trận bóng hàng vạn người đổ ra đường, vậy mà khi biển đảo bị chiếm đoạt, đồng bào mình bị cướp bóc thì chỉ vài trăm người xuống đường.
Tôi biết thêm một mình tôi chẳng nhiều nhặn gì nhưng tôi muốn được sát cánh bên những con người dũng cảm mà thiên hạ cho là điên rồ kia, muốn thêm một tiếng nói, một cánh tay để hy vọng góp gió thành bão. Bên cạnh tôi, một cậu thanh niên trẻ hô đã khản cả cổ, mồ hôi chảy như tắm trên mặt, trên cổ cậu và khi tôi đưa khăn lau cho cậu, dường như cậu ta chẳng muốn rời hai tay đang giương cao tấm biểu ngữ bằng lụa đỏ, vì vậy trước mặt những anh cảnh sát cơ động, tôi đã lấy lá cờ đỏ sao vàng để lau gương mặt đẫm mồ hôi của chàng trai trẻ kia, tôi tự hỏi trong số những anh cảnh sát trẻ liệu có ai cảm thấy động lòng trước những nỗ lực đơn độc của người dân chúng tôi không hay là họ oán giận vì chúng tôi mà họ không có được những ngày nghỉ bình yên. Liệu tất cả chúng ta sẽ có được những ngày bình yên không khi tên láng giềng kẻ cướp kia mỗi ngày một lấn tới. Tôi có một chút hối hận khi đã có lúc gào lên với họ: trẻ khỏe như thế kia ra biển Đông mà ngăn cản Trung Quốc. Có lẽ không phải tất cả trong số họ đến nỗi tệ thế, tôi đoán là họ cũng ít nhiều đau khổ khi phải ra tay trấn áp chính dân mình.
Tôi vào thăm bố tôi vốn là một lão thành cách mạng đang nằm viện, tôi ghé vào tai cụ nói chậm từng tiếng một: hôm – qua – con – đi – biểu – tình!
Cụ hiểu ngay vẻ rạng rỡ nói: phải thế chứ.
Hà Nội ngày 21 tháng 6 năm 2011