Trước hiểm họa xâm lăng - Dân Làm Báo

Trước hiểm họa xâm lăng

Mai Y’ Dân - Chưa bao giờ lại thấy rõ như ban ngày tham vọng đế quốc của Trung Cộng. Ngàn năm đô hộ xứ ta chưa đủ TQ lại tìm cách lấn chiếm đất đai và biển Việt Nam. Chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa năm 1974, đánh trốc xuống biên giới phía Bắc năm 1979 rồi lại chiếm thêm khá nhiều đảo trên vùng Trường Sa năm 1988. Bên cạnh đó là việc cướp phá không ngừng ngư dân Việt và định chiếm luôn vùng lưỡi bò Biển Đông để dành quyền bá chủ Đông Á.

Đừng mắc lừa với mười sáu chữ vàng Trung Cộng hô hào để cám dỗ ta như phát kẹo cho nít nhỏ ngoan ngoãn. Cũng đừng nóng tính nổ súng liền vào tàu chiến Trung Cộng tung hoành ngang ngược trên hải phận ta. Vì ta sẽ bị mắc bẫy, dâng cớ cho Tàu oanh tạc tỉnh thành của ta. Nhưng không ai có thể ngăn cản ta chuẩn bị đối phó cuộc xâm lăng khó tránh của Tàu trên nước nhà.

Trong các trận chiến , biết sức ta, biết sức người là thượng kế để túy cơ ứng biến. Biết rõ ràng là Trung cộng ngày nay mạnh và giàu quá sức tưởng tượng. Kinh tế lên như diều, xứ sở phồn thịnh, sản xuất hàng hóa hàng đầu thế giới, xuất cảng cùng thế giới, tiền bạc dư giả cho cả Mỹ vay nợ.

Về quân sự, sức mạnh của Trung Cộng cũng thật hãi hùng. Một cường quốc nguyên tử chỉ thua Mỹ không xa, Trung cộng lại có dân số gấp ba, bốn lần dân số Mỹ, cung cấp lính tráng sao kể xiềt nếu có lệnh động binh. Còn thiết bị quân sự, Trung Cộng đã phóng hoả tiển tầm xa, liên lục địa, đã cho người lên vĩ đạo vòng quanh trái đất và sắp cho người lên mặt trăng. Về mặt biển cũng vậy. Ngày nay, hải quân Tàu lại lướt xa hải quân Nhật vì sau thế chiến thứ hai Nhật bị Mỹ chận dường tiến.

Đã lưu hành trên bốn bể, nhiều chiến hạm tối tân của Tàu, có cả giàn phóng hoả tiển và sân bay phản lực chiến đấu. Theo đà nầy, hải quân Trung cộng cũng bắt kịp hải quân Mỹ độ vài năm.

Tuy nhiên Trung Cộng có hai yếu điểm. Thứ nhứt là chính phủ độc doán, khinh thường dân tình, không coi nhân quyền ra gì và công an khắc nghiệt. Thứ hai là trong một xứ đông dân có nhiều chủng dân và gốc tính khác nhau, tinh thần đoàn kết xã hội dễ bị tan rã nếu có mầm mống bí mật nào đó khởi hiện.

Còn điểm mạnh, điểm yếu xứ ta ? Không chối cãi, tấm lòng yêu nước của dân ta, thật nhiệt tình, thật đậm đà, thật bao la. Từ Hội nghị Diên Hồng đến Điện Biên Phủ, dân ta luôn luôn anh dũng đáp lời sông núi. Dân ta cũng làm việc kiên nhẫn, kiến thức rộng. Nhưng kinh tế xứ ta vẫn còn lạc hậu và tệ hơn nữa, 36 năm sau khi dành độc lập, dân còn nghèo nàn, thiếu thốn. Các tập đòan xí nghiệp nhà nước làm ăn lỗ lả, bên vực bờ phá sản, vỡ nợ. Sản phẩm công nghiệp bán không chạy, thiếu sức cạnh tranh với sản phẩm của Tàu. Lạm phát leo thang như bão gió, tiền tệ không có ngày mai. Có một điểm giống Trung Cộng là từ hơn sáu chục năm nay, nước ta theo một chế độ độc đoán, một đảng thống trị chuyên chế, nhân quyền bị tha hồ đè nén, chà đạp.

Người mình thường gọi dân TrungQuốc là Tàu phù hay Tàu khựa, ưa gồng, làm nồ, ra mặt ta đây, cọp giấy. Còn Tàu lại gọi dân ta là khỉ Việt , thiếu tự tin, ưa bắt chước, thiếu đường lối chính trị riêng. Hỏi có đúng không ? Xin lỗi các ban, tiếng hơi nặng, nhưng họ không sai trăm phần trăm vì trong lịch sử, ta luôn luôn theo bước anh cả Bắc kinh. Tàu theo chế độ phong kiến, quan lại mình cũng có vua chúa, bệ hạ, triều đình, bổ chức tước theo lối văn chương, chữ nghĩa thuộc lòng. Đến thế kỷ 19 khi Nhật Bản mở cảng đón văn minh Tây Phương, xứ ta lại bắt chước Tàu đóng kín mít các cảng bán buôn và triệt để loại trừ văn minh thực dụng và tôn giáo của Tây phương... Rồi TQ theo chế độ cộng sản đổ máu, lao tù, xứ mình cũng vội vã chạy theo, có cả các nhà tù như trại Cổng trời thật hãi hùng. TQ cải cách ruộng đất bằng tổ chức đấu tố chủ điền, mình cũng bắt chước luôn. Mao Trạch Đông thúc đẩy cuộc hành quân gian nan chìm nổi (Long March) thì mình cũng có Trường Chinh, biệt danh của một lãnh đạo trong đảng. Mao hô hào cách mạng văn hóa với Trăm hoa đua nở, mình cũng lục tục chạy theo đuôi, đưa ra chiến dịch đàn áp Nhân Văn Giai Phẩm để nhốt tù , trừng trị trí thức dám phản kháng. Phong trào đổi mới của ta năm 1986, lại cũng không phải là chính của ta mà là sao chép bản quyền của Dặng Tiểu Bình, xướng xuất từ năm 1973. Nhưng bắt chước để lấy kinh nghiệm hay, thì cũng cho điểm tốt. Đằng nầy bắt chước mà hạng bét, lại phải tốn bao xuơng máu đồng bào, tù đày khắc nghiệt và mất mát thời gian quí báu thì càng đáng trách nặng nề.

Về quân sự, với kinh nghiệm đánh Pháp, Mỹ, Trung Cộng, bộ đội ta tương đương cũng khá thiện chiến, có thể chống cự lâu dài với địch trên đất liền. Nhưng xứ đã nghèo, làm sao ta có đủ tài chính để trùng tu lại đường xá, tỉnh làng nếu xảy ra chiến tranh; chứng cứ là 6 tỉnh biên giới phía Bắc vẫn còn đổ nát sau trận chiến chớp nhoáng với Tàu năm 1979. Đó là về bộ binh. Còn không quân và hải quân cũng thật quan trọng trong chiến tranh hiện đại, thì chênh lệch, so với Tàu, không khác vì nhà lá và biệt thự chọc trời. Có thể nước ta cũng sẽ có Ngô Quyền, Trần Hưng Dạo và dùng du kích để chống trả lại các đợt tấn công xối xả của Tàu. Nhưng e ngại là nếu đất nước không được ba tuyến quân đội, bộ binh, không quân và hải quân, bổ xung cùng một lúc, thì thiệt hại về tính mạng và cấu trúc tỉnh thành sẽ lên cao dù ta có dành phần thắng lợi vì ước mộng được bồi thường chiến tranh là chuyện hão huyền.

Vận động đại đoàn kết dân tộc

Một đặc điểm của chủ nghĩa Mác Lênin là vận dụng mâu thuẫn đề chia rẽ dân tộc. Nào là chủ điền – nông dân nghèo, nào là trì thức - bần cố nông, nào là trong đảng - ngoài đảng, nào là dân ngụy cải tạo và tập đoàn giài phóng. Nước nhà lâm biến, có thể nào ta lại tiếp tục theo lý thuyết cũ rích, lỗi thời, đã già nua hơn trăm tuổi. Lý thuyết đó đã thí bao triệu sinh mạng Viêt để hòng tiến đến lý tưởng thế giới đại đồng như các anh Nga Bôn sô vít đề xướng. Nhưng đi đến đâu, sau khi Việt Nam đã vinh quang đánh thắng tư bản đế quốc Hoa Kỳ ? Để rồi anh Nga và các nước chư hầu đào tầu hết. Còn chế đô cộng sản Tàu, nếu không pha lộn với tư bản thị trường thì cũng chết yểu từ lâu. Nhưng rồi chế độ lai căng đó cũng sẽ thoái hóa nhanh chóng vì một khi con người lớn khôn thì mạng lưới công an dù chặt chẽ, khắc nghiệt thế mấy cũng khó có thể làm tê liệt lý trí của họ. Muốn đoàn kết dân lại để chống xâm lăng, thì cấp lãnh đạo nên bớt mê man với các biện chứng du dương thật nhưng lại trật đường rầy trong thế kỷ 21 nầy. Nghĩ cho cùng, nước ta mất vào tay Pháp dễ dàng và chịu một trăm năm đô hộ khổ nhục không phải vì thiếu súng đạn mà chính vì cụt ý, thiễn cận, không biết chiêu tụ nhân tài và đoàn kết dân tộc dẫn đến một xã hội mục nát và tan rã trước kẻ thù chung.

Mà muốn đoàn kềt ta phải nới lỏng chế độ. Danh hiệu Cộng sản hay Chủ nghĩa Xã hội khó có thể dùng được để kêu gọi dân tình đáp lời sông núi. Đảng CSVN, tay phàm đã nhúng chàm, sai phạm biết bao nhiêu lỗi lầm và bị nhiều chi phối của ngoại bang, làm sao có thể dùng danh hiệu đó để kêu gọi lòng yêu nước của toàn dân. Phải tạo một danh nghĩa chính đáng hơn, thích hợp với dân tính hơn, chẳng hạn như Yêu nước chống xâm lăng, thí mới mong có sự ủng hộ nhiệt tình của mọi người Việt.

Chỉnh đốn quốc phòng và quân đội

Việt Nam đang bị Trung Cộng bao vây và vòng vây càng ngày càng bị siết chặc Phía Bắc, nhiều sư đoàn Trung cộng đã chực sẵn, đóng gần biên giới. Phía Đông, tất cả biển bờ, đến cà mũi Cà Mau, các hạm đội hải quân TC sẵn sàng đổ bộ và oanh tạc các thành phố to của ta để gây khiếp đảm tâm lý. Còn phía Tây thì địch sẽ dùng hành lang qua các xứ nhỏ như Lào, Cam pu chia để đánh vào mạng hông chúng ta. Liệu ta có thể chống cự nhiều tuyến trận như vậy không? Rất nghi ngờ.

Mặc dù còn nghèo nàn, ta cũng phải hy sinh tăng mạnh ngân sách quốc phòng để mua súng ống tối tân, phi cơ chiến đấu, hoả tiển, thần công tầm xa, tàu ngầm và tàu chiến. Đồng thời cũng nên thường xuyên dàn trận và tập trận với các nước bạn nêu có, để che mắt địch hay gạt gẩm thám thính.

Còn quân đội, cấp lãnh đạo cần đề cho quân đội ta trưởng thành, tự tin hơn. Quân đội không phải là dụng cụ, hay voi, hay cọp, ‘trung thành ‘với đảng . Quân đội là tâm huyết của quốc gia, theo tiếng gọi của dân tộc. Trong đó cả triệu trai tráng nhiều nhuệ khí, đại diện cho mọi tầng lớp xã hội. Để cho họ có quyền đóng góp ý kiến, vạch rõ cơ đồ chiến trận và trình bày các nhu cầu binh bị và tài chính bổ túc cũng như khảo sát các đối tác, tìm đường, định hướng cho tương lai xứ sở. Phụng sự đất nước một cách thông minh, chứ không phải nín im, câm họng nhận lịnh Đảng một cách máy móc, vâng dạ. Như công hàm 14/9/1958 dâng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho TQ, có bao giờ tham khảo các tướng giỏi yêu nước như Võ Nguyên Giáp, Trần văn Trà, Lê Trọng Tấn đâu. Đảng CSVN chỉ lấm lét liếc nhìn, thông qua nháy mắt, rồi đưa cho Phạm văn Đồng yếu ớt, ký tên là yên chuyện. Đảng ngủ ngon nhưng dân tình bức xúc, hối tiếc cả ngàn năm. Tin tưởng vào quân đội, tin tưởng vào tiền đồ tổ quốc, tin tưởng vào sức mạnh và trí tuệ của hàng triệu thanh niên, trai tráng tòng quân, sẵn sàng hy sinh cho đất nước và giống nòi. Đó là tương lai sáng lạn, là đường lối hoạt động quyết tâm của một quân đội hữu hiệu trong việc phụng sự xứ sở.

Đổi mới, đổi mới, đổi mới

Sau 10 năm cấm cung, đóng kín cửa nhà đễ trừng phạt, tù đày anh em ruột thịt thuộc thành phần ngụy, cho đến năm 1986, lãnh đạo đảng CSVN lại bắt chước, chạy hụt hịt theo đuôi Trung Cộng, đề xướng phong trào "Đổi mới" qua luật đầu tư của Nguyễn Xuân Oánh - Nguyễn văn Linh. Theo đường hướng mới dể khuyến dụ, câu móc đầu tư từ thế giới tư bản. Vài tiến bộ cũng có, nhưng con đường chạy quanh co lòng vòng rồi vài năm cũng găp đường cùn, ngừng lại, nằm chờ xo, hiu quạnh một chổ, vì thiếu kinh nghiệm và năng khí. Rồi lại phải nhờ ngành du lịch và thiện chí đóng góp của những thuyền nhân di tản gửi tiền về cho gia đình. Đổi mới, đâu chỉ là một phương châm, một đạo luật mà phải phản ảnh thường xuyên qua hành động và ý chí. Đổi mới liên tục, đổi mới không ngừng. Đổi mới qua học hỏi kinh nghiệm thành công của xứ khác, chứ không phài trở lại phương thức đầu thế kỷ 19, tức là quốc doanh, theo chủ nghĩa xã hội Liên Sô. Đồi mới hoàn cãnh, môi trường để dân hoạt đông phấn khởi và phát triển thoải mái. Đổi mới guồng máy chính trị, công an để dân không sợ sệt, rung rẩy như cầy sấy mỗi khi có dịp tiếp xúc với giới nầy. Còn nhiều lắm những chương trình đổi mới để dân đươc thoáng khí, hăng hái ,vui vẻ làm việc và phụng sự đất nước.

Mượn sức người và cỗ động dư luận thế giói

Còn một đường khác nữa để giải cứu Việt Nam là mượn sức người. Một cuờng quốc hải chiến kế bên cạnh Việt Nam là Nhật Bản; nước nầy hẳn có nhiều món bài hay dạy ta dàn trận, đánh du kích trên biển, hay dùng pháo binh tầm xa từ trên bờ, hay dùng phi cơ oanh tạc các chiến hạm địch. Nghe nói , tàu chiến dù mạnh đến đâu cũng điên đầu, khiếp sơ trước súng thần công và oanh tạc bom đạn từ phi cơ xuống, chỉ vì tàu hải chiến rất chậm chạp tránh né đạn.

Nga, bạn cũ , vẫn thỉnh thoảng bán cho Việt Nam tàu ngầm và hoả tiển, nhưng vì vào hạng kinh tế thấp yếu nên không biết có rộng lượng di chuyển các chiến hạm đến gíúp ta nếu có chạm trán với Trung Cộng.

Hiệp hội bảo vệ các nước nhỏ Đông Nam Á (ASEAN) cũng đóng một vai trò hữu hiệu nào đó, hoặc quân sự, hoặc ngoại giao để giảm bớt áp suất cho ta. Ta cũng có thể bắt tay với Nam Dương, một xứ rất ghét Trung Cộng, hằng lo phòng thủ chung.

Ngoài ra cũng có một vài tia hy vọng từ sự giúp đỡ của một cường quốc hải chiến số một trên thế giới là Mỹ, vì Mỹ vẫn còn lưu luyến với ảnh hưởng trên Biễn Đông. Nếu Mỹ giúp ta chống trả TQ thì không gì may mắn hơn, bằng không ta có thể băt tay với Phi Luật Tân vì nước nầy có hiệp ước quốc phòng vói Mỹ.

Diễn đàn quốc tế cũng là nơi có thề làm dịu bớt tính sôi nổi háo chiến của Trung Cộng. Nhưng nơi đây, làm sao ta có thể gây cảm tình với các nước bạn... Các nước nầy rất mong mòi Việt Nam nới rông chế độ, bớt chà đạp nhân quyền và công an bớt hà hiếp dân chúng... Nhân quyền, nhân quyền, tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng. Nếu không tôn trọng được quyền lợi tối thiểu nầy cho dân chúng thì Việt Nam không khác gì Trung cộng. Nếu ta muốn giống TQ và chịu để cho TQ đồng hoá  ta thì họ đâu có chút thiện chí nào giúp ta ra khỏi vòng vây TQ. Đó là luận điệu chính đáng của các phái đòan ngoại giao trên thế giới còn vài thiện cảm với dân tộc Viêt Nam..

Đây là lúc đất nước thật tình lâm nguy. Nếu cấp lãnh đạo không sáng suốt nhận định tình hình, nếu cánh miền Nam trong đảng Cộng sãn, tiến bộ và mềm dẽo hơn, không canh tân nổi đất nước và sửa chửa lắm sai lầm thì nước ta càng bước gần hơn nữa vào nạn xâm lăng, và rồi sẽ rơi vào ách nô lệ não nùng lần thứ bảy. Đau đớn lắm, bà con, anh em đồng bào ơi ! Đó là cuộc đời khốn nạn , đó là cảnh huống tủi nhục, đó là những ngày tối tăm mà dân mình phải sống trong tương lai nếu chính phủ hiện tại của mình theo con đường cũ của triều đình nhà Nguyễn trước mưu đồ xâm lược của Pháp. Bịt tai không nghe lời khuyên giải, không chịu khó canh tân gấp xứ sở, không cảỉ thiện chính trị và không biết vận dụng lòng yêu nước và trí thông minh của dân ta; đó là con đường mất nước.

Mai Y’ Dân

danlambaovn.blogspot.com



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo