Biểu tình : Đôi điều băn khoăn - Dân Làm Báo

Biểu tình : Đôi điều băn khoăn

Hoa Sương Tuyết (danlambao) - Thế hệ 8x chúng tôi sinh ra trong thời bình, sau những biến cố thăng trầm của lịch sử. Vì vậy hai chữ "biểu tình" chúng tôi chỉ biết qua sách vở, được chứng kiến trên truyền hình ở những đất nước xa xôi nào đó. Tôi cứ nghĩ dưới chế độ này, với những con người hôm nay thì biểu tình là một cái gì xa xỉ chả bao giờ xảy ra. Nhưng thực tế thì tôi đã lầm.

Cuộc biểu tình lần thứ tám cũng đã diễn ra ở Hà Nội. Điều đó khiến thế hệ những người trẻ hôm nay - đang ở trong tình trạng hoang mang, chán nản, mất niềm tin, thậm chí thờ ơ với vận mệnh của quốc gia dân tộc - lại có thêm niềm tin, thêm sức mạnh; niềm tin vào những người yêu nước, những người dám cất lên tiếng nói vẫn còn trong xã hội hôm nay. Sự im lặng đã được phá vỡ, bởi vì im lặng không phải là vàng.

Xã hội này với những giá trị được xây dựng trên sự giả tạo đã khiến không ít người trẻ lầm tưởng. Các cụ bao giờ cũng muốn giương cao ngọn cờ dân chủ (nửa vời); Công bằng – tiến bộ - văn minh, những khẩu hiệu ấy đâu đâu cũng có. Nhưng dường như vừa rời khỏi ghế giảng đường, những thứ lí tưởng được công phu nhồi sọ ấy lại không thể đứng vững trước thực tế bất công diễn ra muôn hình vạn trạng trong cuộc sống hằng ngày. Dường như người ta cố tình tô hồng cuộc sống mà quên đi một điều hiện thực xã hội hôm nay có quá nhiều gam màu nâu xám. Các bạn có thể đồng ý với tôi rằng : đói khát con người ta có thể chịu được nhưng sống không có niềm tin, lí tưởng bị sụp đổ thì đau đến dường nào. Nhưng bạn vẫn phải sống mà sống theo kiểu đời thừa.

May sao những người biểu tình đã cho tôi những hi vọng, vẫn còn thấy ánh sáng cuối đường hầm.

Những mấy hôm nay, tôi băn khoăn suy nghĩ mãi về những cái được và chưa của những cuộc biểu tình đã diễn ra từ trước đến nay.

Về những cái đã đạt được:

Khách quan mà nói những cuộc biểu tình ấy đã có những ảnh hưởng sâu sắc đến nhận thức của một bộ phận không nhỏ của người dân, đặc biệt là tầng lớp trí thức, học sinh và sinh viên.

Là tiền đề quan trọng cho cuộc đấu tranh đòi mở rộng dân chủ, quyền tự do hội họp, tự do ngôn luận của nhân dân.

Thu hút sự quan tâm của các nước trong khu vực, trên thế giới và các tổ chức nhân quyền quốc tế.

Thể hiện tinh thần yêu nước, tình thần đoàn kết của nhân dân trước hiểm họa xâm lăng của kẻ thù Trung Quốc.

Tạo được áp lực đối với chính quyền trong nước trong việc thể hiện thái độ đối với hành động ngang ngược của Trung Quốc.

Thắp sáng niềm tin, lí tưởng cho thế hệ thanh niên hôm nay.

Tuy nhiên đằng sau những bước đầu thành công ấy vẫn còn nhiều điều cần bàn:

Thứ nhất: Những cuộc biểu tình đều diễn ra một cách tự phát, thiếu tổ chức chặt chẽ. Thường thì do một nhóm trí thức thông báo, ra lời kêu gọi xuống đường biểu tình vào một ngày đã định.

Thứ hai: Các cuộc biểu tình (cho đến nay) vẫn bị xem là các cuộc tụ tập đông người trái pháp luật, nghĩa là trong mắt giới cầm quyền những người tham gia biểu tình là những kẻ vi phạm pháp luật với âm mưu gây rối hòng thực hiện diễn biễn hòa bình bạo loạn chống lại nhà nước XHCN Việt Nam. Điều này dẫn đến, việc lực lượng an ninh đàn áp dã man người biểu tình thì chẳng có tổ chức, cá nhân nào đứng ra bảo vệ quyền lợi cho họ cả (lên tiếng mà không có căn cứ luật pháp thì e chả có tác dụng gì). Từ đây, mới có người so sánh mỉa mai rằng: chỉ tát vào mũ bảo hiểm của CSGT thì bị truy tố còn đạp dã man vào mặt người biểu tình thì được khen ngợi, thăng cấp. Thật là tréo ngoe.

Thứ ba: Số lượng những người tham gia các cuộc biểu tình thật khiêm tốn: nhiều thì vài trăm, ít thì vài chục. Với số lượng ấy khó lòng có thể tạo ra những chuyển biến gì nhiều trong xã hội. Thành phần tham gia dự chủ yếu là nhóm tri thức yêu nước dẫn đầu cộng thêm thanh niên, học sinh sinh viên và một số người dân quanh khu vực gần nơi biểu tình. Chúng tôi còn nhận thấy những người trí thức yêu nước tuổi đã xế chiều, đã về hưu; những ngươi trẻ thì không giữ chức vụ gì quan trọng có tầm ảnh hưởng. Nhiệt tình và lòng yêu nước thì họ có thừa nhưng điều được binh khiển được tướng và tầm ảnh hưởng đến giới cầm quyền thì lại rất hạn chế.

Thứ tư: Các cuộc biểu tình chỉ diễn ra ở Hà Nội ( chủ yếu) và TP Hồ Chí Minh nên sức lan tỏa chỉ ở trong phạm vi ấy. Nhiều người chỉ biết đến biểu tình thông qua các trang lề trái và báo chí nước ngoài; còn báo chí trong nước lại im lặng một cách đáng sợ. Cũng chính từ đây một bộ phân không nhỏ người dân chả biết biểu tình là gì cả, thậm chí nhiểu người còn cho những người đi biểu tình là phản động nữa mới chết chứ.

Thứ năm: Địa điểm biểu tình của chúng ta là đúng nhưng chưa trúng. Mục đích của biểu tình là muốn nhà nước tỏ rõ thái độ cứng rắn đối với hành động gây hấn của bọn Trung Quốc và ủng hộ ngư dân bám biển. Vì vậy đoàn biểu tình cần phải đến trước trụ sở Bộ Ngoại giao và Văn phòng Chính phủ để nêu yêu cẩu, gửi kiến nghị. Suy cho cùng chính những cơ quan nay sẽ phát ngôn, tỏ rõ quan điểm của nhà nước mà người biểu tình mong muốn.

Thứ sáu: Trong các cuộc biểu tình thì cần phải có Bản kiến nghị gửi đến cơ quan có trách nhiệm chứ hô hào khẩu hiệu thì cũng cần nhưng lời nói thì gió bay chả còn lại gì làm bằng chứng cả. ( Chúng ta có Bản kiến nghị nhưng lại làm sau khi biểu tình kết thúc, người ta nhận nhưng chả thèm gặp còn nếu đang biểu tình thì tôi nghĩ sẽ khác đi nhiều)

Từ những phân tích trên, chúng tôi có những khuyến nghị sau:

Ở mỗi tỉnh, thành phố cần có một nhóm trí thức làm hạt nhân cho các cuộc biểu tình đồng thời cũng sẽ là Ban tổ chức ra thông báo kêu gọi và soạn thảo các Bản Kiến nghị, các khẩu hiệu . Cuộc biểu tình cần tổ chức chặt chẽ.

Nhóm biểu tình cần tham vấn của giới Luật sư nhằm đảm bảo về mặt pháp lí và làm đại diện hợp pháp đảm bảo quyền lợi cho người biểu tình trong trường hợp xảy ra đàn áp dã man của nhà cầm quyền.

Kêu gọi nhiều thành phần tham gia các cuộc biểu tình, đặc biệt là nông dân, công dân, ngư dân và lực lượng thanh niên yêu nước.

Phát động biểu tình trên nhiều tỉnh, thành phồ với cùng một thời điểm, mở rộng địa điểm biểu tình ở Hà Nội đặc biệt là Trụ sở Bộ Ngoại giao và Văn phòng Chính phủ.

Biểu tình cần có Bản kiến nghị gửi đến giới cầm quyền trong khi tiến hành.

Hoa Sương Tuyết



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo