Cơn bão trong tách trà - Sự tĩnh lặng (Jaku) - Dân Làm Báo

Cơn bão trong tách trà - Sự tĩnh lặng (Jaku)

Đặng Thanh Chi (danlambao) - Những người bạn đồng hành mới của tôi và cá nhân tôi, là những người từng tham gia đảng phái đấu tranh cho tự do dân chủ.  Nay nhìn lại chặng đường đã qua, mỗi người chúng tôi đều mang những vết thương riêng.  Chúng tôi nhận thức rằng lý tưởng phụng sự quê hương có thể theo đuổi nhưng không nhất thiết phải lệ thuộc vào một đảng phái nào.  Phong trào Otpor lật đổ nhà cầm quyền Milosevic ở Serbia và phong trào 6 tháng 4 của Ai Cập đã đưa cuộc cách mạng đến thành công là những ví dụ điển hình.  Họ đều là những tập hợp yêu nước nhưng hoạt động phi đảng phái...


*

Tĩnh lặng là một yếu tố cần thiết khác được xem trọng trong trà đạo.  Giữa cuộc sống bận rộn ồn ào, thế giới của trà đạo cho ta một nơi chốn và sự kỷ luật cần thiết để tìm lại chính ta.  Tuy thế, sự tĩnh lặng trong trà đạo không đơn giản chỉ là một khoảnh khắc tạm nghỉ ngơi từ các lo toan, hay một sự yên tĩnh tạm thời để sau đó, ta lại quay cuồng với đời sống thường nhật của mình.  Những thiền gia, và những nhà thực hành trà đạo, nỗ lực hằng ngày để biến sự tĩnh lặng này trở thành nền tảng trọng yếu luôn luôn trong đời sống của họ.  “Jaku” là một từ của nhà Phật, tạm dịch là “an cư”.  Từ này thường được dùng để nói lên ý niệm “nirvana”.  Chỉ khi nào chúng ta có được sự “tĩnh lặng” trong tâm hồn, chúng ta mới thổi tan được những xúc cảm, những nhiệt tình, đôi khi làm chúng ta bịt mắt trước dữ kiện khó chấp nhận, bịt tai trước lời thật khó nghe và chối bỏ sự thật không muốn biết.  Chỉ với cái tâm tĩnh lặng, thành kiến được gạt bỏ, thì ta mới có thể thức tỉnh trước lẽ phải và sự thật. 

Trong sách Lotus Sutra có câu chuyện: có người cha gọi các con mình đang tranh chấp, hãy thoát ra căn nhà đang bốc lửa, để đến bờ an toàn.  Căn nhà bốc cháy tượng trưng cho sự hiện hữu đau đớn của sự thiếu hiểu biết và những ràng buộc ích kỷ, tị hiềm cá nhân.  Có biết bao xung đột, phiền muộn, tranh cãi đã xẩy ra chỉ vì những dẫn giải, diễn dịch khởi đi từ sự thiếu hiểu biết dữ kiện chính xác ?  Và do thiếu nỗ lực kiểm chứng, đối chiếu nguồn tin ? 

Ác quỷ một hôm đi dạo cùng bạn hắn.  Cả hai nhìn thấy phía trước, có người đang dừng lại, lượm lên vật gì rơi bên lề đường.  Bạn của ác quỷ hỏi: “hắn ta lượm được gì thế ?” Ác quỷ trả lời: “một mảnh sự thật”.  Người bạn hỏi tiếp “Thế điều ấy có làm anh lo lắng không ?” “Không, ác quỷ trả lời, tôi sẽ để hắn tạo ra sự thật từ đấy và tin tưởng rằng đấy là toàn bộ sự thật!”.  

Chúng ta là những người quan tâm đi tìm sự thật về tình trạng đất nước mình.  Chúng ta muốn tìm ra tận căn nguyên của lý do vì đâu đất nước vẫn không thể phát triển, vẫn chưa có tự do, dân chủ, công bằng xã hội.  Hơn ai hết, chúng ta không thể chấp nhận những thủ thuật che dấu sự thật của những kẻ lãnh đạo đất nước.  Thậm chí cả những tổ chức, đảng phái đấu tranh cho công bằng dân chủ, nhưng hành xử thiếu dân chủ, biết khôn khéo viện dẫn cho những quyết định sai lầm, hoặc che dấu những sự thật bất lợi cho lãnh đạo.  Điều đáng buồn là vẫn có những đảng viên lẩn tránh sự thật, không dám tìm hiểu tất cả dữ kiện và chấp nhận tin vào những gì lãnh đạo tuyên bố, dù chính họ biết lãnh đạo đã không dám đối chất thẳng thắn mặt đối mặt với những ai biết quá rõ sự thật.  Những “mảnh vụn” gọi là “sự thật” mà lãnh đạo cố ý cho rơi vương vãi mỗi nơi một ít, mỗi chỗ một khác đã được không ít đảng viên tự chấp nhận “góp nhặt” để tự mình hài lòng rằng đấy là “toàn bộ sự thật”.

Những người bạn đồng hành mới của tôi và cá nhân tôi, là những người từng tham gia đảng phái tranh đấu cho tự do dân chủ.  Nay nhìn lại chặng đường đã qua, mỗi người chúng tôi đều mang những vết thương riêng.  Chúng tôi nhận thức rằng lý tưởng phụng sự quê hương có thể theo đuổi nhưng không nhất thiết phải lệ thuộc vào một đảng phái nào.  Phong trào Otpor lật đổ nhà cầm quyền Milosevic ở Serbia và phong trào 6 tháng 4 của Ai Cập đã đưa cuộc cách mạng đến thành công là những ví dụ điển hình.  Họ đều là những tập hợp yêu nước nhưng quyết định hoạt động độc lập, phi đảng phái.

Những nhà thực hành trà đạo xem lối đi roji là nơi họ bỏ lại những va chạm, những rối rắm của thế giới bình thường, của căn nhà đang bốc lửa vì sự u mê, thiếu hiểu biết. Biết bao người chọn trụ bên này bờ của thành kiến, của sự chủ quan, của ảnh hưởng phe nhóm, nên vẫn mê mải giữa giòng, không biết chọn thế đứng bên này hay bờ bên kia ?  Tôi vẫn đang cố gắng mỗi một ngày để tự mình giải thoát khỏi căn nhà bốc lửa ấy.  Tôi nỗ lực để không còn bị ảnh hưởng và phiền não, giận dữ vì những “mảnh” sự thật mà tôi đã từng “lượm lặt” trên đường và đã trót từng tin tưởng.

danlambaovn.blogspot.com

*

Phần trước:
Cơn bão trong tách trà - Sự tinh khiết (Sei)

Phần tiếp:    
Cơn bão trong tách trà - Sự hoang tàn (Wabi)


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo