Những điều nên tránh khi "được mời" - Dân Làm Báo

Những điều nên tránh khi "được mời"

Mẹ Nấm - Đã có những điều nên thì ắt hẳn sẽ phải có những điều không nên, để tránh đi sự rắc rối không đáng có cho bản thân mỗi người "được mời làm việc", vì vậy, có chút ít kinh nghiệm "trà đàm" mình xin được chia sẻ tiếp với mọi người.

1. Điều đầu tiên phải nói đến đó là: không nên tỏ thái độ nôn nóng trong khi làm việc vì muốn kết thúc nhanh, hoặc muốn ra về sớm. Đây là điều nhiều người (trong đó có mình) dễ vướng phải, và người mời chúng ta làm việc luôn nắm đúng điểm này để khai thác. Đã gọi là giấy mời thì có giờ bắt đầu làm việc rõ ràng, và trước khi làm việc, nên trao đổi thẳng thắn về giờ kết thúc để đôi bên cùng sắp xếp công việc của mình. Một khi thời gian làm việc bị kéo dài quá quy định, chúng ta cứ sẵn sàng yêu cầu cơ quan mời làm việc để mình thông báo với gia đình, người thân, bạn bè công khai về lý do kéo dài, và thời gian làm việc sắp tới. Đó là quyền tối thiểu của những người được mời làm việc.

2. Không nên trả lời những vấn đề mà mình không nắm rõ, hoặc không biết chắc, dựa trên những câu hỏi mở có gợi ý của người hỏi. Bởi làm việc theo giấy mời, thường là một kiểu "đối thoại, trao đổi ý kiến" ở một số vấn đề rõ ràng mà người được mời có liên quan, vì vậy phải xác định rằng, đây là một buổi làm việc chứ không phải hỏi cung, do đó Với những câu hỏi dạng có gợi ý trả lời sẵn, thì tốt nhất là chúng ta hãy trả lời rằng: "TÔI CÓ QUYỀN TỪ CHỐI TRẢ LỜI NÀY".

3. Không nên quanh co và lẩn tránh vấn đề. Với những câu hỏi có tính cách cá nhân, riêng tư, hoặc những vấn đề không liên quan đến nội dung buổi làm việc. Hãy trả lời thẳng thắn với họ: "TÔI CÓ QUYỀN TỪ CHỐI TRẢ LỜI CÂU HỎI NÀY VÌ ĐÓ LÀ VIỆC CÁ NHÂN CỦA TÔI" chứ đừng né tránh vòng vo. Họ có đủ nhân lực, và đủ sức khỏe để theo đuổi bạn trong buổi làm việc.

4. Không nên trả lời hết các câu hỏi của những người có mặt trong phòng làm việc với bạn (nếu có), thường thì sẽ có ít nhất là 2 người thay phiên nhau hỏi, một người ghi biên bản. Chúng ta có quyền chỉ trả lời người trực tiếp đứng tên trên giấy mời làm việc, để tránh tình trạng bị dẫn dắt loanh quanh và vòng vèo. Phải xác định cụ thể người đối thoại với mình về vấn đề cần làm việc là ai, tránh tiếp xúc "đa chiều" gây ra trạng thái mất tập trung của mình.

5. Không nên tỏ ra bực dọc hay nổi nóng khi bị hỏi đi hỏi lại cùng một vấn đề. Nóng giận thì dễ mất bình tĩnh, mà mất bình tĩnh thường sẽ mất luôn sự tỉnh táo. Khi gặp phải câu hỏi "quen thuộc", chỉ cần trả lời nhẹ nhàng "TÔI NGHĨ LÀ MÌNH ĐÃ TRAO ĐỔI VỀ VẤN ĐỀ NÀY RỒI" (Bạn có thể chuẩn bị sẵn sổ tay và bút viết, để ghi chú nhanh lại các câu hỏi, các ý mà mình đã đối thoại, điều này tránh được tình trạng lòng vòng, và bạn luôn có thể kiểm soát được ý mình).

6. Không nên tỏ ra quá căng thẳng hay nghiêm trọng hóa vấn đề. Nên nghĩ nhẹ nhàng rằng đây là buổi đối thoại, và những người đối diện với bạn đang làm công việc của họ, đó là nghề nghiệp, là cuộc sống của họ. và tất cả chúng ta đều là con người. (Dù biết là điều này đôi khi hơi khó, nhưng nếu giữ mình nhẹ nhàng được trong tình huống này, bạn sẽ đỡ "mệt" rất nhiều).

7. Không nên nhận lời mời làm việc khi bạn cảm thấy mệt mỏi. Chủ động kiểm soát trạng thái của chính bạn. Chuẩn bị tốt về sức khỏe nếu cảm thấy bất ổn về trang thái, có thể từ chối cuộc gặp vì lý do sức khỏe. Điều này, pháp luật công nhận.

8. Không nên tỏ ra mình là người biết những thủ thuật, mánh khóe nghiệp vụ của họ. Điều này dẫn tới sự gài bẫy mà chính bạn là người tham gia gài cho chính mình. Ví dụ, họ có nghiệp vụ về "tâm lý tội phạm", họ có mánh bức, mớm cung...nếu sa đà vào đối thoại tức chúng ta vô tình gài bẫy cho chính mình.

9. Không nên hứa hẹn cũng như ký vào giấy cam kết với nội dung được gài sẵn. Xưa nay, nhà cầm quyền và những kẻ có quyền lực thường "đổi trắng thay đen" một cách vô liêm. Hiểu như thế để thấy rằng bạn biết mình phải nên cư xử như thế nào rồi.

Những điều tôi viết ra trên đây, chính là những trải nghiệm của bản thân. Có thể trường hợp của bạn sẽ không giống tôi. Nhưng qua đó, tôi hy vọng rằng các bạn có thể tìm ra cách bảo vệ hữu hiệu nhất cho chính mình để tiếp tục vững bước trong tiến trình tìm kiếm nền dân chủ thực sự.

Điều cuối cùng tôi muốn nói với các bạn rằng, trong cuộc đời của một con người bình thường, cái không đáng sợ nhất là SỰ SỢ HÃI. Bởi chúng ta bị nhốt quá lâu trong trăm ngàn nỗi lo sợ vô hình, nên khi đối diện với vấn đề, thái độ đầu tiên ta chọn đó là sợ hãi.

Bạn có khi nào nghĩ rằng, khi chúng ta nhận được giấy mời làm việc, tức là ở đâu đó có người - nhóm người - thế lực đang sợ hãi điều bạn nói, cách bạn làm không?

Các bạn hãy vững tin vào chính mình, bởi đằng sau chúng ta là sự thật, là công lý và nhân dân.

P/s: Sau 3 lần nhận giấy mời sẽ là giấy triệu tập, có nhiều bạn đã tỏ ra rất lo lắng về tờ giấy này, mọi người hãy đọc thêm bài sau đây. Và hãy nhớ rằng: Người được triệu tập có quyền yêu cầu Điều tra viên cho xem Quyết định khởi tố vụ án Hình sự, thông báo rõ tư cách tham gia tố tụng của mình là gì, giải thích rõ quyền và nghĩa vụ tham gia tố tụng riêng theo từng loại tư cách tham gia, và ghi rõ vào biên bản làm việc. Nếu Điều tra viên không chứng minh được những điểm đó với người được triệu tập làm việc thì người được triệu tập có quyền từ chối làm việc.


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo