Tổng hợp tin RFI, RFA, VOA, BBC về ngày biểu tình 3.7.2011 - Dân Làm Báo

Tổng hợp tin RFI, RFA, VOA, BBC về ngày biểu tình 3.7.2011


Việt Nam: Người dân tiếp tục biểu tình phản đối Trung Quốc

(RFI) - Theo AFP, hôm nay Chủ nhật 03/07/2011, hàng trăm người lại biểu tình tại Hà Nội để tố cáo chính sách gây hấn của Bắc Kinh tại Biển Đông. Như vậy là đã năm Chủ nhật liên tiếp, người Việt Nam tiếp tục xuống đường chống lại các hành vi ngang ngược của Bắc Kinh tại vùng biển mà cả Trung Quốc, Việt Nam và một số nước Đông Nam Á khác đang có tranh chấp về chủ quyền.


Hãng tin Pháp ghi nhận, lực lượng an ninh rất đông đảo, đã cấm vào khu vực xung quanh Đại sứ quán Trung Quốc, nhưng khoảng bốn chục người biểu tình cũng đã vượt qua được. Đoàn biểu tình đã tuần hành một cách ôn hòa về phía trung tâm thành phố, thu hút được một số người nhập vào đoàn.

Những người biểu tình đối mặt với cảnh sát gần đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, ngày 03/07/2011
Những người biểu tình đối mặt với cảnh sát gần đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, ngày 03/07/2011 


Còn tại Sài Gòn, sau cuộc biểu tình đầu tiên ngày 05/06/2011, tập họp được rất đông người tham gia, đến nay đã không thể tiếp tục tuần hành được thêm một lần nào, vì lực lượng công an mặc sắc phục lẫn an ninh mặc thường phục đã dùng nhiều biện pháp để ngăn chận.

Trước đây vào cuối năm 2007 cũng đã từng diễn ra biểu tình phản đối Trung Quốc tại Việt Nam, ban đầu thì Nhà nước để mặc nhưng sau đó đã cấm đoán do e sợ người láng giềng khổng lồ phương bắc.

Biểu tình là một hoạt động đầy rủi ro ở Việt Nam, trong những năm gần đây có nhiều người đã bị bắt do biểu tình chống Trung Quốc.

Căng thẳng tại Biển Đông đã lên cao sau hai vụ tàu thăm dò dầu khí Việt Nam bị tàu Trung Quốc cắt cáp, sau đó phía Trung Quốc lại cao giọng lên án Việt Nam. Hà Nội đã cố tỏ ra cứng rắn bằng cách tổ chức một cuộc tập trận bắn đạn thật trong khu vực. Nhưng cách đây vài ngày, theo như báo chí chính thức của Trung Quốc, thì Bắc Kinh và Hà Nội đã hứa hẹn sẽ cùng giải quyết vấn đề một cách hòa bình.

Còn về bản tuyên cáo 25/06 về việc nhà cầm quyền Trung Quốc liên tục có những hành động gây hấn trên Biển Đông, tính đến hôm nay đã có 1.156 người ký tên, trong đó có nhiều nhà trí thức trong và ngoài nước, nhà cách mạng lão thành, cựu quan chức chính quyền.


*

BBC: Lại có biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Nội

Biểu tình tại Hà Nội 03/07

Người biểu tình hô khẩu hiệu chống Trung Quốc

Tin cho hay trong tuần thứ 5 liên tiếp đã diễn ra tuần hành chống Trung Quốc tại Hà Nội vào sáng Chủ nhật 03/07, tuy với quy mô nhỏ hơn.

Trước đó, hôm thứ Bảy, thanh niên sinh viên Việt Nam tại Hà Lan và Bỉ cũng đã tổ chức biểu tình phản đối chính sách "xâm lược" của Trung Quốc.

Một cuộc biểu tình manh nha ở TP Hồ Chí Minh sáng Chủ nhật đã không thực hiện được vì bị điều mà một số nhân chứng nói là "bị an ninh ngăn cản".

Trong những ngày qua, lãnh đạo Việt Nam và Trung Quốc đã có các cuộc gặp gỡ để tìm kiếm "giải pháp ôn hòa" cho các bất đồng và tranh chấp tại Biển Đông, vốn đã gây bức xúc dẫn tới biểu tình ở Việt Nam.

Lãnh đạo hai bên cũng thống nhất "định hướng dư luận để không làm phức tạp hóa tình hình".

Thông tin BBC chưa kiểm chứng độc lập được nói sau khi có các cuộc gặp cấp cao Việt-Trung về căng thẳng song phương, lại có thêm một vụ tàu Trung Quốc bị cáo buộc là đã "cắt cáp bất thành ngoài khơi Việt Nam".

Tin này, đưa ra ngay trước dịp cuối tuần, nếu được kiểm chứng và loan tải, chắc chắn sẽ gây ra phản ứng mạnh mẽ hơn ở trong nước.

Đợt biểu tình chống chính sách của Trung Quốc bắt đầu từ 05/06, sau sự kiện mà Việt Nam cho biết là tàu thăm dò dầu khí Bình Minh 02 của PetroVietnam bị tàu hải giám Trung Quốc gây hấn và cắt dây cáp.

Từ đó, các chủ nhật đều có biểu tình ở Hà Nội, tuy tại TP Hồ Chí Minh, hoạt động biểu tình đã bị ngăn chặn và chỉ xảy ra được hai lần 05/06 và 12/06.

Dựng rào chắn

Các nguồn tin ở Hà Nội nói cuộc tuần hành ở thủ đô quy tụ chừng 100 người.

Ngay từ sáng sớm, lực lượng an ninh đã dựng rào chắn và đặt biển cấm quanh khu vực Đại sứ quán Trung Quốc trên đường Hoàng Diệu.

Hãng AFP có mặt tại hiện trường nói tuy vậy khoảng 40 người vẫn tụ họp trước tòa nhà sứ quán trước khi tuần hành về hướng trung tâm Hà Nội. Trong đoàn người có mặt nhiều trí thức tên tuổi và một số nhân vật bất đồng chính kiến.

Trên đường đi tới Nhà Hát Lớn Hà Nội, đoàn tuần hành có thêm người tham gia.

Họ mang theo cờ Việt Nam, cờ Trung Quốc mang hình hải tặc, và các biểu ngữ "Hoàng Sa-Trường Sa là của Việt Nam", "Trung Quốc phải tôn trọng vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam"...

Hiện diện của an ninh cả thường phục và mặc sắc phục được nói là 'dày đặc'.

Ṭai Nhà Hát Lớn, một nghệ sỹ violin được biết đã trình bày một bản nhạc ái quốc trong khi một thanh niên lên tiếng đọc Tuyên cáo về hành động của Trung Quốc tại Biển Đông.

Bản tuyên cáo đặc biệt của các nhân sỹ trí thức 'về các hành động gây hấn của Trung Quốc' ra ngày 25/06 tới nay đã có hành nghìn chữ ký.

Đoàn tuần hành kết thúc tại khu vực Hồ Gươm, trung tâm Hà Nội, vào lúc 11 giờ trưa.

Trên các diễn đàn mạng, bên cạnh ý kiến ủng hộ việc biểu tình phản đối Trung Quốc, cũng đã có những ý kiến hoài nghi hiệu quả của các đợt tuần hành mỗi tuần mà con số người tham gia ngày càng giảm.

Mới tuần trước, một tướng lĩnh hàng đầu Trung Quốc đã kêu gọi Chính phủ Việt Nam "xử lý các vấn đề tế nhị một cách thích đáng".

Trung Quốc cũng luôn phản đối sự tham gia của một bên thứ ba trong các tranh chấp tại Biển Đông.

Ngày 15/07 tới, hải quân Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ bắt đầu hoạt động chung ở vùng biển miền Trung của Việt Nam.


*


Hàng trăm người ở Hà Nội ngày 3/7 tổ chức cuộc tuần hành lần thứ 5 trong 5 cuối tuần liên tiếp để phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam và làm leo thang tranh chấp ở Biển Đông.
Người Việt biểu tình chống Trung Quốc gần sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội, 3/7/2011

Người Việt biểu tình chống Trung Quốc gần sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội, 3/7/2011
Hình: Reuters - 


Lâm, một bạn trẻ tham gia cuộc biểu tình sáng ngày 3/7 ở Hà Nội, cho biết:

“Đoàn khoảng hơn 100 người với sự tham gia của rất nhiều nhà trí thức. Lúc chúng tôi tuần hành dọc bờ hồ, một nhóm cơ động khoảng 50 người đến định chia đoàn chúng tôi ra thành những tốp nhỏ để ngăn chúng tôi đi tiếp, nhưng mọi người đã đoàn kết nhau lại và đi được tiếp. Ngay từ 6:30 sáng các lối vào khu vực đại sứ quán Trung Quốc đều bị chặn hết, nên cuộc tuần hành diễn ra tại công viên Thống Nhất bên đường và mọi người đi vòng về Nhà hát lớn Hà Nội. Tại đây, nhóm chúng tôi có một người đại diện đứng ra đọc Bản Tuyên cáo đối với chính phủ Trung Quốc.”

VOA: Cuộc tuần hành đã kéo dài bao lâu và mọi người tự nguyện giải tán hay có áp lực từ chính quyền?

Lâm: Cơ động đến là họ bắt chúng tôi giải tán ngay lúc đó, nhưng mọi người đoàn kết và tiếp tục tuần hành. Khi đến Tượng đài Quyết tử ở bờ hồ lúc 11:30 trưa mọi người bắt đầu giải tán.

VOA: Đây là lần thứ 5 liên tiếp diễn ra tuần hành ở Hà Nội để phản đối Trung Quốc, theo ghi nhận của bạn, lần này có gì đặc biệt khác so với những lần trước hay không?

Lâm: Lực lượng tuần hành ngày càng có vẻ ít đi, nhưng toàn là những người thật sự tâm huyết với đất nước và không khí vẫn hào hứng như những lần trước.

Trong khi đó, cuộc tuần hành tương tự dự kiến diễn ra cùng thời điểm ở miền Nam bất thành. Huy, một người có mặt tại trung tâm Sài Gòn sáng 3/7 để sẵn sàng tham gia tuần hành chống Trung Quốc, thuật lại:

“Sáng nay có những chốt lực lượng công an đứng sẵn nhưng không có phong tỏa đường. Khu vực trước Dinh Độc Lập có khoảng hơn 100 người tập trung nhưng không có người khơi mào. Lực lượng an ninh rất đông, quân số lần này khoảng 80% so với mọi khi.”

VOA: 100 người mà anh nói, họ tập trung một chỗ hay rải rác?

Huy: Họ đứng trên mảnh đất công viên trước Dinh Độc Lập.

VOA: Họ có mang khẩu hiệu để chuẩn bị tuần hành không?

Huy: Không, nếu có cũng phải dấu đi thôi chứ không sẽ gặp phiền phức. Lực lượng an ninh đứng quan sát thôi. Mình chờ đến 11 giờ không thấy gì nên đi về, không biết sau đó mọi người giải tán thế nào.

VOA: Anh có được biết cuộc tuần hành ở Hà Nội vẫn tiếp tục diễn ra không?

Huy: Mình có biết.

VOA: Là một người trẻ ở miền Nam có ý định tham gia cuộc tuần hành tương tự như ở miền Bắc, nhưng bất thành, suy nghĩ của anh thế nào? Anh có ghi nhận sự khác biệt giữa hai miền Nam-Bắc không?

Huy: Mình nghĩ ở miền Bắc họ có tinh thần tranh đấu sắt máu hơn ở miền Nam và điều kiện của họ cũng dễ dàng hơn ở miền Nam.


*



RFA- Hà Nội: công an yêu cầu giải tán biểu tình chống Trung Quốc

Sáng nay Chủ nhật 3-7-2011, tuần thứ 5 liên tiếp, nhiều người Việt Nam lại tập trung biểu tình trước Đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội, để phản đối Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Việt Nam.

Tuy nhiên, cũng như những lần trước, công an đã dựng hàng rào chắn ngăn cản khu vực gần Đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội.


Đoàn người biểu tình tuần hành trên đường Điện Biên Phủ, Hà Nội sáng Chủ nhật 03-07-2011.
NguyenXuanDien's blog - 


Vào khoảng 8:30 sáng nay, một người đi biểu tình ở đường Điện Biên Phủ, đoạn cà phê Cột Cờ và vườn hoa Lê Nin cho biết công an đã yêu cầu những người biểu tình giải tán.

Nói chuyện với Đài Á Châu Tự Do, người này cho biết thêm là  một nhóm chừng khoảng 50 người biểu tình đã bị lực lượng công an ép vào giữa, yêu cầu phải giải tán.

Đến khoảng 9 giờ, người biểu tình bắt đầu giương biểu ngữ và hô ta các khẩu hiệu “Đả đảo Trung Quốc, “Hoàng Sa Trường Sa: Việt Nam”.


Nói chuyện với Gia Minh của RFA, một nữ sinh viên tham gia hầu hết các cuộc biểu tình chống Trung Quốc liên tục trong 5 tuần qua cho rằng không khí cuộc biểu tình hôm nay rất mạnh mẽ, không kém gì cuộc biểu tình lần đầu tiên hôm 5-6.

Nhận định của nữ sinh viên Hà Nội tham gia biểu tình.

Tham gia biểu tình lần này tại Hà Nội, người ta nhận thấy còn có một nhân sĩ trí thức như TS Nguyễn Quang A, GS Ngô Đức Thị, Nhà văn Phạm Xuân Nguyễn (Chủ tịch Hội Nhà Văn Hà Nội), TS Nguyễn Đức Mậu (Viện Văn Học), TS Nguyễn Xuân Diện và rất nhiều thanh niên sinh viên.

Trả lời Mặc Lâm của Đài Á Châu Tự Do, Tiến sĩ Nguyên Quang A cho biết những nhận xét của ông:


nguyenquanga-305 


Tiến sĩ Nguyễn Quang A và Giáo sư Ngô Đức Thọ tham gia biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội hôm 3-7-2011.

Đến 10:30, đoàn người biểu tình tập trung trước Nhà Hát Lớn Hà Nội, hô vang các khẩu hiệu chống Trung Quốc, khẳng định Hoàng Sa Trường Sa là của Việt Nam.

bieutinh070311-nhahatlon-305 
Đoàn người biểu tình tập trung trước Nhà Hát Lớn Hà Nội.  

Trong khi đó tại Sài Gòn, từ sáng đông đảo công an, an ninh đã dược bố trí chung quanh khu vực Lãnh sự quán Trung quốc. Khoảng 7 giờ sáng, nhiều nhóm thanh niên sinh viên đã bắt đầu tự tập tại khu vực vườn hoa  xung quanh Dinh Độc Lập.




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo