Phương Bích - Trong 7 lần tôi tham gia biểu tình phản đối Trung Quốc thì lần này là đông vui nhất, ít bức xúc nhất mặc dù chả được hô ở trước cửa sứ quán Tàu câu nào. Nhưng chả cần, thời buổi này có mà cách nửa vòng trái đất cũng chả ngăn được những tin tức nóng hổi chứ đừng nói gì đến chuyện cách có vài cây số.
Nghe nói hôm nay có khoảng trên dưới bốn trăm người. Mặc dù chưa phải là đông, nhưng có lẽ sau hai cuộc biểu tình bị trấn áp thô bạo ngày 10/7 và 17/7 vừa qua thì số lượng người tham gia lần này lại đông hơn trước. Điều đó chứng tỏ việc bắt bớ đàn áp mạnh tay không hề làm cho người dân nao núng hay sợ hãi chùn bước mà trái lại càng khiến họ phẫn nộ hơn. Có những người chưa hề tham gia biểu tình lần nào nhưng hôm nay họ đã xuống đường.
Tôi không mê tín nhưng có cảm giác trời luôn chiều lòng người. Sáng hôm qua hầu như mưa cả buổi, còn sáng sớm nay cũng có mưa nhưng sau đó lại tạnh ráo. Chả phải như thế là trời chiều lòng người hay sao. Chưa có một sáng chủ nhật nào trong vòng 2 tháng qua mà các cuộc biểu tình lại bị hoãn vì thời tiết cả.
Theo lời kêu gọi trên mạng, tôi đến khu vực đài cảm tử khá sớm. Đi bộ từ bến xe buýt trên đường Hai Bà Trưng qua đoạn đầu của phố Hàng Bài, sang Đinh Tiên Hoàng. Cả quãng đường vắng hoe vắng hoét, chỉ một mình tôi đi bộ trên vỉa hè trong trang phục áo phông có in hình lưỡi bò với dòng chữ “say no to U-line, say yes to Unclos” mà có lẽ bất cứ anh dân phòng không biết tiếng Anh nào cũng hiểu tôi là dân đi biểu tình.
Cả vườn hoa Chí Linh có tượng vua Lý Thái Tổ và khu vực đài cảm tử chỉ thấy một vài người dân đi tập thể dục, có xe cảnh sát đỗ tại đó nhưng bóng các áo xanh và dân phòng là không đông.
Trời hơi nắng nên tôi đi sang bên khu vực cầu Thê Húc, gặp các bác Tường Thụy, bác Thi, Bác Gốc Sậy, Lê Dũng và Hiếu Buôn gió ở đó. Đứng chuyện trò đến gần 8 rưỡi mà vẫn không thấy “đội hình” đâu. Lái gió “cằn nhằn” bảo chờ đợi cả tuần, hồi hộp còn hơn cả buổi hẹn hò đầu tiên với bạn gái, vậy mà bà con ta lình xình quá.
Đứng một chốc có thêm được mấy cậu thanh niên nữa. Gọi điện cho Minh Hằng thì thấy bảo đang vào lễ trong đền Ngọc Sơn rồi sẽ ra ngay.
Sốt ruột nên mọi người rủ nhau sang vườn hoa Chí Linh, hóa ra các nhân sĩ và trí thức đã đến đó cả, đã đứng giăng khẩu hiệu và các khổ giấy A4 ghi tên các những người đã hy sinh tại Hoàng Sa năm 1974 và Trường Sa năm 1988.
Mọi người kéo đến đông dần. Đương nhiên là các ống kính tranh thủ chụp ảnh các kiểu. Một người bắt đầu hô: đả đảo Trung Quốc xâm lược, mọi người hô theo rầm rầm. Tôi nhận thấy trong đám đông đứng trên sân vườn hoa lúc đó có khá nhiều gương mặt mới thuộc nhiều lứa tuổi, những gương mặt thân thiện và cùng hô theo rất nhiệt tình.
Từ chiếc xe cảnh sát đỗ cạnh đó bắt đầu vang lên tiếng loa cảnh báo yêu cầu “không được tụ tập”, sẽ “cưỡng chế” nếu không giải tán, rồi đọc nghị định này nọ…Mặc kệ loa nói gì thì nói, mọi người hô hét thêm một lúc nữa rồi bắt đầu kéo nhau sang đường làm một cuộc tuần hành quanh Hồ Gươm. Cũng như lần trước, đoàn biểu tình chọn hướng đi ngược lại khiến các xe cảnh sát đi theo làm nhiệm vụ “giữ gìn trật tự” đành phải đi ngược chiều. Công an còn bố trí một cái xe có gắn loa “khủng” trên nóc cứ vừa đi ngược chiều vừa oang oang đọc “nghị định” dường như cốt để “phá đám” nhưng át làm sao được tiếng hô của hàng trăm người như vậy. Thỉnh thoàng bà con lại ồ lên ê… a…. đáp lại loa của công an.
Hình như đoàn càng ngày càng đông thêm, có thêm các cháu bé hăng hái nhận cầm biểu ngữ và cũng hô hét theo các ông bà, cô bác “như ai”. Có cháu còn đeo cả khăn quàng đỏ, hô khí thế không kém gì người lớn. Có gia đình lại đi cả nhà. Tôi nhớ có một bác gái lớn tuổi nom rất phúc hậu đang đứng hô cạnh tôi thì bị một bà to béo xồng xộc chạy tới lôi ra:
- Bà hâm à, điên à? Nó lại cho ra đảo ở bây giờ.
Bác gái đứng cạnh tôi dứt khoát giằng tay lại, không chịu đi, cũng không thèm nhìn bà kia. Chao ôi, tôi muốn ôm lấy bác ấy quá, muốn hỏi tên bác ấy nhưng vì đang hô rần rần như thế có hỏi cũng khó nghe thấy, hơn nữa chẳng ai muốn “nói chuyện riêng” trong lúc mọi người đang “đồng thanh” hô thế kia.
Buồn cười nữa là với một đoàn người đông như thế mà chả có ai chỉ huy nên có khi đầu đoàn đang hô “đả đảo”, thì ở giữa đoàn lại đang hô “bảo vệ” khiến mọi người ngơ ngác không biết hô theo khúc đầu hay theo khúc giữa. “Nâu vấn đề”! thế mới vui.
Cứ đi một quãng lại dừng lại một tý để hô, quãng lại dừng một tý, đoàn biểu tình hàng trăm người cứ thế rồng rắn quanh hồ hai vòng cũng gần hết buổi sáng. Dọc đường người đi chơi cũng xúm lại chụp ảnh chung có vẻ thích thú lắm.
Trời nắng nóng nhưng may bà con ta được đi dưới những rặng cây cao bóng cả nên đỡ rất nhiều, thế mà trên những gương mặt già trẻ vẫn thánh thót những giọt mồ hôi. Tôi chả buồn quyệt mồ hôi nữa, còn người Minh Hằng thì như một “cây nước”, ướt sũng chắc vì hô khỏe quá, cái loa cầm tay còn chả lại được với giọng của hắn. Ôi cha, khi hắn hô câu “giặc đến nhà đàn bà phải đánh”, hắn gân cổ biến cái câu đánh ấy thành một âm thanh dài: đa…đaá…ánh…ánh…khiến cả đoàn vừa buồn cười vừa gân cổ lên hô theo hắn.
A! Nghe loáng thoáng loa công an nói không để cưỡng ép, dụ dỗ, lôi kéo rồi lợi dụng tự do dân chủ gì đó. Tôi chỉ thấy buồn cười, thôi thì việc họ phải làm thì họ cứ làm, nhưng bảo bị cưỡng ép, bị lôi kéo hay bị lợi dụng tự do dân chủ để được yêu nước thì nghe buồn cười quá. Có khi người ta bảo nói yêu nước là lên gân lên cốt, nhưng thử hỏi cả thế giới sẽ nghĩ gì khi nhìn vào một dân tộc gần trăm triệu dân, vốn có truyền thống hàng nghìn năm đánh giặc ngoại xâm, nay lại không có bất cứ một lời phản kháng khi đồng bào mình bị cướp bóc, bị đánh đập, con em mình bị bắn giết trên lãnh hải của mình?
Tôi nhớ một lần dưới chân đài cảm tử, một bác hô những câu rất hay:
- Ai yêu nước?
Đám đông “gầm”lên:
- Tôi!
- Ai là người Việt Nam?
- Tôi!
- Ai bảo vệ tổ quốc?
- Tôi!
Chắc chắn những người hô hôm đó còn nhớ những lời này. Xin mọi người chứng giám cho không lại bảo tôi “bịa”.
Kết thúc cuộc biểu tình ngày hôm nay là đoạn hát quốc ca và một phút mặc niệm những con người đã hy sinh cuộc đời mình để bảo vệ tổ quốc dưới chân tượng đài Cảm tử. Dù giây phút mặc niệm xúc động này vẫn bị tiếng loa “phá đám” nhưng không ai để ý. Có lẽ trong lòng ai đó đang rưng rưng lệ khi nghĩ về những người đã hy sinh cho tổ quốc. Trong khẩu hiệu biểu tình hôm nay có thêm những câu mới rất cảm động: tôn vinh những người đã hy sinh để bảo vệ đất nước, tôn vinh những người đã quên mình vì nhân dân, bảo vệ Trường Sa, trả lại Hoàng Sa. Bó hoa hồng người ta tặng Minh Hằng được đặt dưới chân tượng đài như tô thêm một nét đẹp cho cuộc biểu tình ngày hôm nay
Một điều tôi muốn nói thêm về những tình cảm rất đặc biệt đã nảy sinh giữa những con người chưa từng quen biết trước đây. Hàng chục năm đi làm, tôi chưa từng thấy ai trong cơ quan tôi ôm lấy nhau khi vui mừng. Kể cả giữa những người thân trong gia đình, người châu Á ta vốn không quen biểu lộ tình cảm như người châu Âu mà. Thế nhưng mới chỉ không đi cùng nhau có một lần vào ngày 17/7, khi gặp lại tôi, Thúy Hạnh đã ôm ghì lấy tôi kêu nhớ quá. Cô ấy là người cùng cậu con trai bị bắt về đồn công an với tôi ngày 10/7. Nghe trên mạng nói ngày 17/7 là một ngày “oanh liệt” của những người biểu tình, cô ấy cứ tiếc hùi hụi vì bỏ lỡ mất cơ hội được đồng cam cộng khổ với mọi người. Dưới chân đài cảm tử, cô ấy vẫn chưa hết hưng phấn vì cuộc biểu tình ngày hôm nay. Trước khi ra về, Đức tóc xoăn đến nói:
- Ôm cô một cái nào.
Những cái ôm dính dấp mồ hôi mặn mòi khiến tôi xiết bao cảm động. Những cái bắt tay thật chặt, những cái ôm mà chỉ những người biểu tình dành cho nhau tôi thấy còn quý hơn cả ruột thịt.
Khi cùng Minh Hằng và Kim Tiến ra bắt taxi, một anh công an trung tuổi ngồi trên xe cảnh sát 113 hỏi vọng ra:
- Sao về sớm thế?
Tôi mới chỉ “lườm” anh ta chứ chưa kịp nghĩ đối đáp thế nào thì Minh Hằng đã áp sát cửa xe, giọng rất “ngọt”:
- Anh cho tôi hỏi một điều thôi, anh là đàn ông, là nam nhi thì ngồi trong xe, lại hô bằng loa, còn phụ nữ chúng tôi phơi nắng ngoài trời, hô khản cả cổ chỉ vì yêu nước, anh có thấy bất nhẫn trong lòng không?
Tay này chỉ còn biết cười gượng chứ còn trả lời ra răng bây chừ. Quả là một anh chàng dại dột.
Hà Nội ngày 24/7/2011
Tác giả gửi cho danlambao