Luật sư Nguyễn Văn Đài (danlambao) - Vào lúc 10.20 sáng ngày 12 tháng 9 năm 2011, trái tim tù nhân chính trị bị giam cầm lâu nhất thế giới đã ngừng đập tại bệnh viện tỉnh Hà Nam. Tù nhân chính trị Trương Văn Sương thọ 68 tuổi, có tất cả hơn 33 năm trong tù. Ông ra đi không chỉ để sự thương tiếc trong lòng những người thân trong gia đình mà còn để sự thương tiếc trong những người có cùng niềm tin vào Chúa Jesus, những bạn bè, đặc biệt là những tù nhân chính trị và thường phạm ở trại giam Nam Hà.
Tôi được đưa đến nhà tù Nam Hà vào ngày 4 tháng 1 năm 2008, khi đó những người tù chính trị ở đây đã kể tôi nghe rất nhiều về chú Sương, họ nói những gì mà tù chính trị ở đây được đối đãi tử tế hơn tù thường phạm là nhờ một phần những đấu tranh trước đây của chú Sương. Trước đây khi nhà bếp mỗi lần nấu cơm không tốt, rau bẩn, hay tiêu chuẩn ăn bị cắt xén, chú Sương thường mang tất cả đồ ăn đó ra nhà văn hóa trại, và yêu cầu ban giám thị tới nhận lại. Hàng tháng khi viết bản kiểm điểm cá nhân, chú Sương luôn viết vào đó là yêu cầu xóa bỏ điều 4 Hiến pháp, và đưa ra những kiến nghị dân chủ hóa đất nước. Chú Sương cũng còn là tù nhân chính trị bị kỷ luật và bị giam cùm không chỉ nhiều nhất ở nhà tù Nam Hà mà có lẽ nhiều nhất thế giới. Mỗi lần kỷ luật chú Sương, công an nhà tù phải huy động những người to khỏe, người thì bịt mồm, người thì khóa tay, sau đó họ mới áp giải được chú Sương xuống khu kỷ luật.
Khi nghe những câu chuyện về chú Sương, tôi mong ước có dịp được gặp chú một lần. Tháng 10 năm 2008, tôi được họ chuyển sang buồng giam số 6, nơi chú Sương bị giam trước đây. Tất cả những tù nhân ở đây mỗi khi nhắc đến chú Sương, họ đều tỏ ra rất kính trọng chú. Tại nơi biệt giam, chú có nghe về tôi, và thỉnh thoảng chú có gửi cho tôi một chút rau tươi mà chú tự trồng được tại đó. Sau nhiều năm bị biệt giam, vào tháng 9 năm 2009, chú được đưa trở lại buồng giam số 6 chung với tôi và từ đó tôi và chú cùng ăn chung với nhau cho đến khi chú được đưa đi cấp cứu và sau đó được về gia đình chữa bệnh.
Trong thời gian ở đó, chú đã kể cho tôi nghe những câu chuyện về những năm tháng tù đày gian khổ trong các nhà tù ở phía Nam, sau đó chú bị chuyển ra nhà tù Thanh Hóa và cuối cùng là nhà tù Nam Hà. Trong những năm bị cải tạo ở miền Nam, chú và những người tù ở đó đã phải kéo cày thay trâu trong nhiều năm, cơm ăn không đủ no. Những người tù bị kỷ luật thì cơm bị trộn chung với muối với tỷ lệ 70/30, không cho nước uống. Nhiều người không chịu nổi đã phải tự sát trong buồng giam. Chú Sương có mong ước được gặp lại các con, các cháu trước khi qua đời, nhưng chú cũng có nguyện ước được chết trong nhà tù.
Thượng Đế có lẽ đã hiểu thấu lòng chú, Ngài đã cho chú được thỏa ước nguyện. Tháng 7 năm 2010, chú bị ốm nặng, phải đi cấp cứu ở bệnh viện tỉnh Hà Nam, do bệnh viện không có khả năng chạy chữa, nên bộ công an và nhà tù Nam Hà đã cho chú được về gia đình chữa bệnh một năm. Chú đã được thỏa mong ước gặp lại các con, các cháu và những người bà con thân thích. Nhưng có lẽ điều may mắn nhất cuộc đời của chú là khi chú tới Hội Thánh Tin lành Mennonite của mục sư Nguyễn Hồng Quang, chú Sương đã được gặp Chúa Jesus. Chú và con trai Trương Tấn Tài đã đặt niềm tin nơi Chúa, họ đã được cứu rỗi và được hưởng những phước hạnh mà Chúa ban cho. Những người Việt yêu nước ở hải ngoại đã quyên góp giúp chú Sương mua được mảnh đất và xây được một căn nhà nhỏ. Những tưởng chú Trương Văn Sương sẽ được vui vẻ tuổi già với con cháu cho đến khi về với Chúa. Nhưng ngày 15 tháng 8 năm 2011, bộ công an và nhà tù Nam Hà đã đưa chú trở lại nhà tù.
Những ngày ngắn ngủi bên cháu nội
Ước nguyện được qua đời trong nhà tù của chú đã được thỏa nguyện, 10 giờ 20 phút ngày 12 tháng 9 năm 2011, trái tim của người anh hùng đã ngừng đập. Đức Chúa Trời đã đưa linh hồn chú Trương Văn Sương về Thiên đàng vinh hiển, ở nơi đó chú không còn phải chịu cảnh ngục tù, không bị những kẻ gian ác rình rập, không phải chịu những cơn đau tim, những lần khó thở. Nhưng phần thân xác của chú hiện vẫn bị giam cầm tại nghĩa trang của nhà tù Nam Hà, phải ba năm sau các con của chú mới có thể đưa xương cốt của chú trở lại quê nhà.
Chú Trương Văn Sương đã để lại một tấm gương sáng cho những người đấu tranh dân chủ ngày hôm nay, đó là sự kiên cường, bất khuất, không lùi bước, không đầu hàng trước cái ác, trước những bất công. Hy sinh cả cuộc đời để tranh đấu cho tự do, nhân quyền. Chúng tôi, những thế hệ con cháu của chú sẽ tiếp tục tranh đấu để đất nước và nhân dân sớm được hưởng tự do, dân chủ. Để những ước mong của chú và những người đã ngã xuống vì tự do, dân chủ sẽ không bao giờ uổng công vô ích.
Ngày 15 tháng 9 năm 2011.