Anh hùng và phản động - Dân Làm Báo

Anh hùng và phản động

Dân Làm Báo - Có thời đất nước ta ra ngõ là gặp anh hùng. Anh hùng mọc lên khắp mọi nơi, mọi lãnh vực. Anh hùng trên giấy gói thịt mang nhãn hiệu Nhân Dân. Anh hùng trên những cuốn sách i tờ. Anh hùng theo gió vi vu lẫn trong tiếng loa phường... Anh hùng trong trí tưởng tượng của các đại văn hào buổi tối dưới ánh đèn dầu, mình trần quần xà lỏn nghí ngoáy để sáng hôm sau có ngay một biểu tượng cho cả nước tôn vinh dưới ngọn cờ hồng.

Dưới sự lãnh đạo của đảng, nước ta sản xuất đủ loại hùng. Hùng lao động: có, Hùng lấy thân chèn pháo: có mặt. Hùng tẩm xăng đốt kho đạn: có đây. Hùng quét rác: cũng có luôn. Đặc công anh hùng, 13 tuổi anh hùng, 70 tuổi anh hùng, thầy giáo anh hùng, nghệ sĩ anh hùng...: có hết. Anh hùng thật anh hùng giả, con người giả anh hùng thật, con người thật anh hùng giả... tất cả là anh hùng. Có thể nói một trong những thành tựu lớn của đảng là xây dựng được xưởng đẻ anh hùng. Những vinh quang của ba giòng thác cách mạng, của những cuộc chiến tranh thần thánh, người ngoại quốc "mơ ước sáng ngủ dậy thấy mình là người Việt Nam"... tất cả có được là nhờ vào các anh hùng đầu ngõ này.

Thời đại ra ngõ gặp anh hùng ấy đã trôi qua lặng lẻ. Chẳng phải xưởng đẻ anh hùng của đảng đóng cửa hay sập tiệm. Anh hùng thật không còn đất sống. Trong thời đại in tẹc nét, anh hùng giả vừa mới sinh ra đã vội vàng chết yểu dưới ánh sáng mặt trời thông tin. Giả hay thật thì con người trong thời đại mới không còn tự sướng bằng ảo tưởng anh hùng. Trên những mảnh giấy gói thịt anh hùng nhường chỗ cho siêu sao lộ hàng, ảnh cực nóng. Những anh hùng vang bóng một thời cũng đã bốc hơi về bên kia bờ ảo vọng theo sương khói Trần Dân Tiên; nhân dân ngày nay cũng không nhắm mắt tung hô, sùng bái những anh hùng được nhào nặn qua ngòi bút của những phóng viên tuyên giáo, hay thợ văn, thợ thơ xếp hàng làm đơn, tặng quà cửa hậu xin lãnh giải thưởng Hồ Chí Minh. Hình ảnh còn lại của đất nước một thời ra ngõ gặp anh hùng là một cụ già 100 tuổi đang nằm chờ ngày xum họp với các chiến hữu của ông - những người đã nằm xuống trên các vùng đồi núi mà ngày hôm nay đã cắm bảng tiếng Trung.

*

Thời đại ra ngõ gặp anh hùng ấy được thay thế bằng thời kỳ ra ngõ đụng phản động. Nếu ngày xưa phản động lác đác như lá trên cây mùa đông cải cách ruộng đất; Trần Dần, Hữu Loan, Phan Khôi... mới ra đầu xóm chưa kịp gặp ai thì đã "được" ô tô đen mời vào hỏa lò, thì ngày nay phản động tràn lan. Nếu ngày xưa anh hùng là những hình nhân xuất hiện trong hào quang chống bọn thực dân Pháp, chống bè lũ đế quốc Mỹ thì ngày nay phản động là những con người bằng da bằng thịt đứng lên chống lại những đồng chí anh em môi hở răng lạnh 16 chữ vàng 4 tốt của đảng ta.

Những người "phản động" này, họ là ai?

Họ là những người bất chấp những răn re, hù dọa của an ninh đảng, xuống đường hô to khẩu hiệu Hoàng Sa Trường Sa là của Việt Nam. Những lời yêu nước vang động những con phố Sài Gòn, Hà Nội và tỏa rộng khắp nơi được xuất phát từ cụ già 70 tuổi, em bé choàng khăn đỏ 15 tuổi, thiếu nữ đôi mươi tạm gát thù nhà để lo việc nước, những trí thức sỹ phu trong lòng chế độ, những nhà văn nổi tiếng, nhà báo kỳ cựu, đảng viên lâu đời...

Họ "phản động" vì "tội" lớn đảng không dám nói ra: chống Trung Quốc xâm lược, "tội" nhỏ đảng tự dựng để vin vào: làm cản trở lưu thông, phá hoại an bình của thành phố hòa bình. Họ phản động vì "không biết yêu nước thế nào cho đúng", vì "xúi giục và kích động" lòng yêu nước của kẻ khác.

Nhưng quan trọng hơn cả: họ phản động vì nghe theo lời kích động của những... bóng ma.

Nhiều thập niên trôi qua, vận nước xoay vần, thời thế đổi thay nhưng tài năng sản xuất những bóng ma của đảng ta vẫn y nguyên, không chừng còn tăng tiến theo năm tháng. Thời sản xuất anh hùng được thay thế bằng thời sản xuất phản động. Tài năng ấy của đảng được nâng cấp từ khả năng tạo nên những bóng ma anh hùng có tên gọi sang những phản động không tên, mơ hồ như... bóng ma.

Cũng những con người xuống đường biểu lộ lòng yêu nước, mới hôm qua hành động ấy được xác định là hành động yêu nước của giám đốc CA Hà Nội thì ngày hôm sau bị lên án bởi một tờ thông báo không người ký của cơ quan ma Hà Nội.

Cũng là một người bày tỏ những suy tư, dàn trải lòng yêu nước của mình trên trang blog cá nhân thì bị xem là "xúi dục kích động lòng yêu nước của người khác". Bất kỳ thể hiện tình cảm nào cũng trở thành xúi dục, kích động dưới con mắt của đảng và trở thành phản động cho dù đó là những động viên lòng yêu nước.

Cũng là một người trưởng thành trong cuộc sống, độc lập trong tư duy, với lòng yêu nước tự nhiên như thở, ngồi tự viết những dòng chữ, những tâm tình, những điều vừa được gán cho là "xúi dục, kích động lòng yêu nước" lại được gán tiếp là bị kích động xúi dục bởi những thế lực thù địch.

Thế lực thù địch nào?

Đó là những bóng ma tạo nên bởi những phù thủy tuyên giáo và an ninh đảng.

Những bóng ma phảng phất lúc hiện lúc ẩn trong tờ thông báo vô thừa nhận của thành phố "Hà Nội hòa bình".

Những bóng ma loáng thoáng, như hình ảnh vụt qua của nhà văn Nguyên Ngọc, giáo sư Nguyễn Huệ Chi, tiến sĩ Nguyễn Văn Khải trong cái nền nội dung lên án bè lũ phản động, phá hoại an ninh thành phố của chương trình phát sóng của đài PT-TH Hà Nội.

Những bóng ma mang hình dáng BauxiteVN và các lão thành cách mạng được loa của đảng rao truyền đến nhân dân cả nước.

Những bóng ma "một dúm" được vẽ vời qua đường hươu nét vượn bởi những thợ sơn Nguyễn Việt, Hoàng Thu Vân, Vũ Duy Thông, Nguyễn Văn Minh, cộng với sự tham gia có chọn lựa của những cò mồi dân phố.

Những bóng ma ấy và nhiều bóng ma khác được chiếu đi chiếu lại, nói tới nói lui, nhắc mãi nhắc mãi với mục tiêu: Làm nhân dân nhìn đâu cũng thấy ma; Đảng đã chỉ con ma nào thì con ma ấy phải là phản động; Đảng chưa chỉ cũng cần biết điều mà tự dằn cảm xúc vì những cảm xúc riêng tư ấy là do kích động bởi những hồn ma. Đó là ước muốn của các phù thủy đỏ.

Dưới cây gậy ma thuật của phủ thủy, những bóng ma phản động như mầm khô gặp nước, như vụ lúa được mùa làm nên cái thời "ra ngõ gặp phản động". Phản động ở khắp nơi khắp chốn, hiện hữu trong cái không hiện hữu tùy tiện của phù thủy lẫn âm binh. Phản động chui vào từng thôn xóm, từng nẻo đường của đất nước, nằm trong đầu, con tim của mọi công dân. Phản động leo lên TV của đảng, nhảy qua các bài báo của thông tấn quốc tế, đứng bắt tay với lãnh đạo thành phố Hà Nội. Phản động bao trùm lên tất cả mọi thành phần - giáo sư, tiến sĩ, nhà văn, nhà thơ, đảng viên, cán bộ, lão thành cách mạng, dân đen, dân đỏ, già trẻ, trai gái.

Phản động ấy được các phù thủy đặt cho một cái tên chung chung: những thế lực thù địch. Chúng nằm sẵn trong túi quần của các phù thủy, khi cần là đảng móc túi xách cổ đem đến tận nơi, nhét vào cho từng sự cố, áp đặt lên từng người sau khi móc túi lôi thêm ra chiếc còng số 8. Đảng không cần biết chúng - thế lực thù địch - là ai, ở đâu, thành phần nào vì con người sinh ra trong trí tưởng tượng không cần có lý lịch. Đảng chỉ muốn nhân dân biết chắc rằng những ông tiến sỹ, giáo sư, lão thành cách mạng, thầy giáo cô giáo, sinh viên thông minh yêu nước ngày hôm nay đều do các thế lực thù địch không tên, không mặt, không lý lịch xúi giục, kích động để mà xuống đường lên mạng bày tỏ lòng yêu nước. Đảng chỉ muốn nhân dân phải luôn cảnh giác rằng, bất kỳ ai cũng đều có thể là phản động, là thành phần thù địch.

Anh hùng hay phản động nằm trong tay và ý muốn của đảng. Nó là trò chơi của phù thủy nhưng cũng là kế sách sau cùng để bảo vệ sự sống còn của đảng.

Nhưng để bảo vệ sự sống còn của tổ quốc lại nằm trong bàn tay, khối óc và ý chí của chúng ta. Nó là một nghĩa vụ thiêng liêng. Chúng ta không là anh hùng cũng chẳng là phản động. Chỉ là những công dân Việt Nam bình thường, theo đúng ý nghĩa công dân với những quyền hạn đi đôi với trách nhiệm. Và chúng ta trả lại trò chơi anh hùng lẫn phản động - trò chơi kéo dài từ quá khứ đến hiện tại - cho những phù thủy đỏ, hay nói đúng hơn cho những những âm binh được phong chức phù thủy đang hành xử theo chiếc đũa ma quái từ phương trời phía Bắc.




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo