Hội chứng "chứng tỏ mình" - Dân Làm Báo

Hội chứng "chứng tỏ mình"

Lê Nguyên Anh (danlambao) Chẳng biết từ bao giờ, ở xứ này, có rất nhiều người mắc phải hội chứng "chứng tỏ mình". Triệu chứng phổ biến thường thấy của căn bệnh này, đó là sự xuất hiện của câu hỏi: "Mày có biết tao là ai không?" . Câu nói này đã trở thành quen thuộc, vì nó là câu mở đầu cho rất nhiều vụ án. Những tưởng chỉ là những vụ đâm chém của đám du côn, xã hội đen? Không, nó lan nhiễm ...!!!

Nhu cầu, vọng tưởng về cái danh, nếu chỉ để khẳng định cái tôi, con người của mỗi người. Thì nó còn có chút có ích, vì nó kích thích sự học hỏi tiến bộ của cá nhân. 

Nhưng... 

Bây giờ người ta lại có nhu cầu muốn, BẮT BUỘC người khác phải biết mình! Phải kính trọng, kiêng nể mình... Nếu không biết là mày có tội, mày đáng bị đánh, bị buộc tội? 

Và làm thế nào để cho mọi người biết họ là ai? 

Phải bộc lộ thái độ ngang tàng, hống hách, trịch thượng..Phải xem mọi người quanh mình như cỏ rác, xem pháp luật (và người thừa hành pháp luật) như ...đồ phế thải, thứ vứt đi.


Càng ngông nghênh, ngạo mạn càng chứng tỏ mình là ai nhanh nhất? 

Ở mỗi tuổi tác, địa vị, hoàn cảnh khác nhau, thì cách bộc lộ khác nhau, nhưng triệu chứng của hội chứng này rất giống nhau: Dùng áp lực buộc người khác phải kiêng nể mình. 

Từ những vụ học sinh trấn lột, đánh hội đồng cho đến công an đánh người dân!!! 

Mày có biết tao là ai không? 

Không! 

Cho đến lúc mặt mày bị bôi trên báo CA, PL với cả tên tuổi, việc làm (nhiều khi cả cha mẹ, gia đình, bạn bè, băng đảng). 

Một điều rất đơn giản là MÀY CÒN CHƯA BIẾT MÀY LÀ AI thì làm sao người khác biết được? 

Mày luôn nghĩ mày là ÔNG TRỜI? Với quyền lực? Với thế dựa thân, hay với dao găm mã tấu ( còn có tên gọi mỹ miều là dụng cụ hổ trợ). Chỉ cần khẳng định mình bằng những trò bạo lực, thì ai mà chẳng biết mày là ai? 

Có những anh sĩ quan công an, say bét nhè nhưng không quên thể hiện mình là ai? Công an lại xúi người ta vi phạm luật? Làm sao mà tin được? Thế là đánh luôn công an, thế là múa kiếm, rút súng ra đòi bắn (Ở những trường hợp cá biệt này (mà khổ, bây giờ cá biệt lại nhiều nhan nhản trong xã hội), may mà họ mặc thường phục. Nếu họ mặc cảnh phục thì ai đụng vào là phạm ngay cái tội chống người thi hành công vụ đấy). 

Cái áo chẳng làm nên ông thầy tu. Nhưng vì : Không trọng ông thầy cũng phải trọng cái áo. Thế nên bây giờ người ta đem cái áo ra dọa nhau? 

Thế nên đã có rất nhiều người thách thức: Mày cởi cái áo ra đánh tay đôi với tao? 

Có vẻ như đánh tay đôi bây giờ là một trò bạo lực xưa cũ. Cũ như trò thách đấu để bảo vệ danh dự ở châu Âu thời xưa! Nó xưa vì nó dựa vào một lẽ công bằng: Một chọi một. 

Ngày nay người ta khoái dựa vào đám đông, trốn trong đám đông, để giấu cái hèn mà có thể tỏ ra dũng? 

Học sinh ở trường đã học thói đánh hội đồng?! 

Có ai đặt ra câu hỏi tại sao chúng không cảm thấy hèn, thấy nhục khi xử sự như thế? 

Đơn giản thôi! Vì người lớn, vì xã hội chung quanh đang làm như thế. TRỐN VÀO ĐÁM ĐÔNG, TRỐN VÀO TẬP THỂ. 

Chỉ cần hỏi câu: Mày biết tao là ai không? Thì đã biết ngay đụng phải ông trời con, ông vua một cõi. 

Chứng tỏ mình là một nhu cầu có thật. 

Nhưng... Nên biết người khác nghĩ gì về mình khi mình đang cố chứng tỏ mình như thế. Tôn trọng, kính nể, sợ hãi? 

Sợ thì chắc có đấy! Nhất thời thôi. Còn lại là chỉ từ coi thường đến khinh bỉ thôi. 

Thế nên thay vì hỏi người khác: Mày có biết tao là ai không? -Thì hãy tự hỏi mình câu đó. 

Nếu không biết tự trọng thì làm sao đòi người khác tôn trọng mình? Xã hội Việt Nam hiện tại với những "con người mới" luôn muốn chứng tỏ mình có uy quyền như thế này bảo sao không loạn?



P/s: Thêm đoạn video clip liên quan đến link của báo Pháp Luật nói trên, người đàn ông trong đoạn clip được nhiều Facebookers nhận dạng là Minh "đại úy", người đã dùng dép đi ngang qua mặt anh Nguyễn Trí Đức trong đợt biểu tình chống Trung Quốc ngày 17/07/2011 tại Hà Nội vừa qua.




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo