5 điều cần lưu ý và 5 điều cần tránh khi đi xuất khẩu lao động - Dân Làm Báo

5 điều cần lưu ý và 5 điều cần tránh khi đi xuất khẩu lao động

Dân Làm Báo xin được gửi thư ngỏ của Liên Minh Bài Trừ Nô Lệ Mới - một tổ chức mà trong thời gian qua đã tiếp cận với nhiều lao động ở các nước như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Đài loan, Thái Lan... Theo tổ chức này thì đồng bào lao động nước đều có tâm trạng lo sợ vì lượng tiền lớn còn mắc nợ tại quê nhà trước khi lên đường đi xuất khẩu lao động và họ bị đối xứ một cách tồi tệ tại nước sở tại. Xin các bạn giúp tiếp tay phổ biến những điều cần biết khi đi xuất khẩu lao động gồm 5 điều cần lưu ý và 5 điều cần tránh khi đi xuất khẩu lao động. 

*

Trọng kính: Quý BBT của mạng Truyền thông Dân làm Báo

Lời đầu tiên, chúng tôi xin được gửi tới Quý Vị lời chào kính trọng và lời cầu chúc bình an. 

Thưa Quý Vị, 

Chúng tôi là những thành viên trong Liên Minh Bài Trừ Nô Lệ Mới, xin mạo muội gửi đến Quý Vị về ưu tư và mong muốn của chúng tôi trong bức thư điện tử này. 

Trong những năm qua, Việt Nam tự hào là một nước có số lượng người đi xuất khẩu lao động đứng hàng đầu khu vực và thế giới. “ Mỗi năm Việt Nam gửi đi khoảng 80.000 đến 100.000 người đến hơn 20 quốc gia trên thế giới”. (Tiến sỹ Nguyễn Đình Thắng, Giám đốc BPSOS)

Việc xuất khẩu lao động lớn cũng có những ưu điểm, nhưng không ít người cũng đã trở thành nạn nhân của việc buôn người dưới những hình thức khác nhau như: nô lệ tình dục, cưỡng bức lao động hay người lao động không được hưởng những quyền lợi của họ theo pháp luật trong nước và luật pháp quốc tế đã quy định.v.v... ngay trước khi họ lên đường rời Việt Nam và khi họ đã sang xứ người. Một vấn nạn phổ biến trong các hình thức trên là người lao động trở thành nạn nhân buôn bán sức lao động của các tay môi giới chuyên nghiệp. 

Nguyên nhân người đi xuất khẩu lao động trở thành nạn nhân, bởi:
1. Họ thiếu hiểu biết pháp luật và thiếu thông tin.
2. Họ quá tin tưởng vào những lời hứa hẹn đầy hấp dẫn của các tay môi giới v.v...

Thưa Quý Vị. 

Ở các nước tiếp nhận lao động, đây là một vấn đề hết sức nhức nhối của Uỷ Ban Mục Vụ Di Dân của Giáo hội Công giáo các nước, các tổ chức tôn giáo khác và các tổ chức từ thiện v.v...

Câu hỏi được đặt ra: Ai sẽ là người giúp giảm tối thiếu tệ nạn buôn người hiện nay tại Việt Nam?.

Chúng tôi biết trang truyền thông danlambaovn.blogspot.com thu hút số lượng độc giá đông đảo trong và ngoài nước vào viếng thăm.

Vì thế, Quý Vị đóng vai trò quan trọng để giảm tình trạng buôn người tại Việt Nam. 

Thời gian qua, chúng tôi tiếp cận với nhiều lao động ở các nước như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Đài loan, Thái Lan... Số đông đều có tâm trạng lo sợ vì lượng tiền lớn còn mắc nợ tại quê nhà trước khi lên đường đi xuất khẩu lao động và họ bị đối xứ một cách tồi tệ tại nước sở tại.v.v... 

Những câu mà họ đặt ra: làm sao để trả được số tiền nợ tại quê nhà?. Họ phải mất bao nhiêu năm mới trả xong nợ với số đồng lương nhận được?. Ai sẽ là người giúp họ bảo vệ quyền lợi khi họ gặp khó khăn?.v.v... 

Để giảm tình trạng người xuất khẩu lao động không trở thành nạn nhân, chúng tôi xin Mạng Lưới Truyền Thông danlambaovn.blogspot.com phổ biến cho chúng tôi những điều cần biết khi đi xuất khẩu lao động gồm: 5 điều cần lưu ý và 5 điều cần tránh khi đi XKLD trên danlambaovn.blogspot.com

Vì muốn nhanh chóng ngăn chặn được dù chỉ một người thôi trong số lượng lớn nạn nhân buôn người đang diễn ra, nên không thể tránh khỏi khiếm khuyết trong bức thư này. Mong Quý Vị thông cảm và đóng góp ý kiến cho chúng tôi. 

Chúng tôi hy vọng vào sự hào phóng của Quý vi để chấp nhận điều chúng tôi mong. 

Kính chúc Quý Vị luôn dồi dào sức khoẻ.

Nhân đây cho chúng tôi cũng tỏ lòng cảm phục vì những điều tốt đẹp mà quý vị đã làm cho quê hương Việt Nam. 

Chân thành cảm ơn. 

Trân trọng, 

Mochain Nguyễn. 

Liên Minh Bài Trừ Nô Lệ Mới. 

No. 34 Jalan SS 20/26
Damansara Utama
Petaling Jaya
47400 Selangor, Malaysia

*

5 điều NÊN TRÁNH khi đi Xuất Khẩu Lao Động (XKLĐ) 

1. Để tránh bị lường gạt, bạn không nên tin vào lời giới thiệu, hứa hẹn của các “cò môi giới” – dù đó là người quen hoặc là người được người quen giới thiệu - và không giao tiền cho họ. Bạn tuyệt đối không nên ký hợp đồng với những công ty không có chức năng XKLĐ. Nhiều công ty không có chức năng XKLĐ vẫn tuyển người trái phép. Bạn nên tránh những công ty đã có thành tích lường gạt công nhân về hợp đồng, vi phạm hợp đồng đã ký kết, hay phạm luật XKLĐ. 

2. Bạn không nên đi XKLĐ khi chủ sử dụng lao động ở nước ngoài là một công ty môi giới lao động (outsourcing). Loại công ty này thường ăn chặn tiền lương, bóc lột sức lao động nên bạn dễ lâm vào tình trạng bị buôn người. 

3. Bạn không nên ký kết nếu bản hợp đồng “nội” và bản hợp đồng “ngoại” có nội dung khác biệt với nhau. Nếu có sự khác biệt thì đó là dấu hiệu của sự lường gạt. Bạn không nên ký kết nếu không được cung cấp bản hợp đồng ít nhất 5 ngày trước khi lên đường đi lao động. 

4. Bạn không nên để công ty môi giới XKLĐ tịch thu các giấy tờ, hợp đồng, biên lai, biên nhận của bạn. Điều này thường xảy ra khi công nhân ra phi trường để lên đường đi lao động. 

5. Khi về nước, bạn không nên thanh lý hợp đồng ký với công ty môi giới XKLĐ khi mọi quyền lợi của bạn chưa được thỏa mãn. Một số quyền lợi chính yếu khi bạn phải về nước trước hạn hợp đồng do lỗi của công ty môi giới XKLĐ hoặc do một sự kiện bất khả kháng là bạn có quyền đòi lại tiền dịch vụ, tiền môi giới và bồi thường thiệt hại.

*

5 điều LƯU Ý khi đi Xuất Khẩu Lao Động 

1. Bạn chỉ ký mượn tiền của ngân hàng và trả các khoản chi phí sau khi đã ký bản hợp đồng với công ty môi giới XKLĐ. Công ty môi giới XKLĐ phải đưa bản hợp đồng cho bạn ký ít ra 5 ngày trước ngày xuất cảnh. 

2. Trước khi ký kết hợp đồng bạn cần dành thời giờ để đọc kỹ các nội dung liên quan đến tên và địa chỉ của chủ sử dụng lao động nước ngoài, công việc, thời gian lao động, lương căn bản, lương phụ trội, điều kiện sinh hoạt, chi phí… và so sánh chúng với các thông báo tuyển dụng, hợp đồng cung ứng lao động mà công ty môi giới XKLĐ đã ký với chủ sử dụng lao động nước ngoài. Bạn cần giữ kỹ các bản sao hợp đồng ký với công ty môi giới XKLĐ để dùng khi có tranh chấp. 

3. Khi trả bất cứ khoản chi phí nào cho công ty môi giới XKLĐ bạn cần đòi hỏi biên lai, biên nhận. Biên lai, biên nhận phải phản ảnh đúng và đủ các khoản phí bạn đóng cho công ty môi giới XKLĐ. Bạn cần giữ kỹ các biên lai, biên nhận để dùng khi có tranh chấp. 

4. Khi có tranh chấp với chủ sử dụng lao động bạn cần gọi điện thoại, gửi thư, email, fax cho công ty môi giới XKLĐ để yêu cầu can thiệp và ghi chép lại nội dung và ngày tháng năm của những trao đổi đó. 

5. Bạn cần mang theo trong người các thông tin liên lạc (số điện thoại, fax, email, địa chỉ) của đại diện công ty môi giới XKLĐ, Đại sứ quán Việt Nam, các tổ chức phi chính phủ để dùng khi cần sự giúp đỡ nơi xứ lạ quê người. 

Liên Minh Bài Trừ Nô Lệ Mới

*



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo