Bằng cách nào chúng ta mới gạn lọc hết những oan khiên? - Dân Làm Báo

Bằng cách nào chúng ta mới gạn lọc hết những oan khiên?

Bình Minh (danlambao) - Đã đến lúc chúng ta cần phải phá vỡ những bưng bít thông tin, đả thông những suy nghĩ bị áp đặt một chiều, nêu lên những dữ liệu chính xác, để từ đó chúng ta có được những suy nghĩ lập luận công bằng cho lịch sử, cho những người đã nằm xuống hy sinh cho tiền đồ dân tộc. Chúng ta cần phải thẳng thắn, bộc trực trong mọi vấn đề. Chúng ta không sợ phải nghe những sự thật khó nghe, mà chúng ta sợ phải nghe những điều dối trá ảo tuởng. Có như thế chúng ta mới có thể thấy được ánh sáng trong phong trào dành lại tự do dân chủ và độc lập cho đất nước...

*

Sau mấy tuần lễ đăng tải, bài viết Đâu Là Gốc Rễ Của Vấn Đề, đã nhận được những phản hồi tuy cách diễn giải khác nhau nhưng đều đi đến một xác định: căn nguyên của đại họa đất nước chính là Đảng Cộng sản Việt Nam. Những ý kiến đa chiều trong phản hồi đã nói lên tinh thần dân chù rộng mở, sự quan tâm có trách nhiệm của người dân Việt đối với hiện tình đất nước.

Cách đây mấy ngày, tình cờ đọc bài “Cù Huy Hà Vũ: Từ góc nhìn của một người Việt hải ngoại” của Giáo sư Tiến Sĩ Trần Chung Ngọc, đăng trong tờ Petro Times, ngày 4/8/2011, song song với những phản hồi khen ngợi trong báo “lề phải” là những phản đối kịch liệt trong báo “lề trái”. Tại sao cùng một dữ kiện lịch sử mà chúng ta lại có hai chiều dư luận ngược dòng? Ông Trần Chung Ngọc đã viết: “Từ phong trào Cần Vương, Hoàng Hoa Thám… cho đến Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Nguyễn Thái Học, những người yêu nước trên đã đạt được những kết quả gì trong công cuộc đánh đuổi thực dân Pháp? Lê Lợi, Nguyễn Huệ… đâu, sao không thấy, mà chỉ thấy có Hồ Chí Minh” (hết trích), câu hỏi này cần phải được sáng tỏ. 

Cần phải làm sáng tỏ vì trách nhiệm không thể để con cháu chúng ta mãi mãi bị lúng túng giam hãm trong những rào cản ngôn ngữ, trong những huyền thoại bẻ cong sự thật. Làm sáng tỏ cũng là để trân trọng biết ơn những nhà ái quốc, những anh hùng dân tộc đã nằm xuống vì độc lập tự do nước nhà. Không ai có thể cướp giật công lao của những nhà cách mạng chống Pháp này. Tuy chưa thành công trong việc dành lại độc lập cho đất nước, nhưng sự thất bại của các cuộc khởi nghĩa chống Pháp như những tiếng loa vang vọng, đã kêu gọi khơi động được tinh thần ái quốc trong các tầng lớp sĩ phu Việt Nam. Phong trào yêu nước chống thực dân lan rộng đã đóng góp một vài trò lớn lao và là một bàn đạp tiến đến sự thành công sau đó. 

Cùng nhớ lại,

Ngoài phong trào Cần vương, Đông du của các nhà chí sĩ Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu (có sự giúp đỡ - rất hạn chế của một số nhân sĩ Nhật Bản), các cuộc khởi nghĩa khác của các nhà ái quốc như Hoàng Hoa Thám ở Yên Thế (Bắc Giang), Nguyễn Thái Học ở Yên Bái, Phan Đình Phùng ở miền Trung, Đội Cấn ở Thái Nguyên, Nguyễn Trung Trực miền Nam v.v... đều là các cuộc khởi nghĩa đơn lẻ với vũ khí thô sơ, kỹ thuật thông tin giới hạn, phương tiện liên lạc nghèo nàn nên đã bị đàn áp và bị tan vỡ. Nguyên nhân chính của thất bại là vì các phong trào chưa tập hợp được sự hưởng ứng của các tầng lớp dân chúng. Vì lòng yêu nước đã được thổi bùng cao độ qua âm vang của các cuộc khởi nghĩa trên, nên việc ông Hồ Chí Minh, xuất hiện trong một hoàn cảnh lịch sử khá thuận tiện, vận động giới trí thức, sĩ phu đứng cùng hàng ngũ để chống lại đánh đuổi kẻ thù chung rất dễ dàng. Ông Hồ Chí Minh và Đảng Cộng Sản Việt Nam, được sự nuôi dưỡng và chỉ đạo của CS Trung Hoa và Nga Xô, đã lợi dụng thời cơ, vào ước vọng khao khát của toàn dân nên đã cướp được chính quyền vào năm 1945. Họ đã dùng chiến tranh tâm lý, vận động các tầng lớp nghèo khổ trong xã hội qua những hứa hẹn, qua các chiêu bài “người cày có ruộng”, ”công nhân chống áp bức bóc lột”. Các nhà cách mạng ái quốc vì lòng yêu nước chân chính, không vì đảng phái riêng tư, mong muốn kết hợp để cùng nhau đứng lên chống lại thực dân. Vì vậy họ đã không ngần ngại cùng đứng chung đoàn kết mọi tầng lớp trong mặt trận Việt Minh, tập trung mũi nhọn vào việc đánh Pháp, đuổi Nhật. Để tạo thành một lực lượng chống Pháp rộng lớn và để đánh lừa các giới tư sản, tiểu tư sản, trí thức tham gia, Đảng Cộng Sản Việt Nam đã hoạt động bí mật không lộ diện. Họ hoạt động qua Mặt Trận Liên Việt tức là Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội mà thực chất là Đảng Cộng sản trá hình. Đảng Cộng Sản Việt Nam do ông Hồ Chí Minh đứng đầu đã nắm chính quyền từ tháng 8/1945 sau khi cướp đi thành quả của chính phủ Trần Trọng Kim ở nhà hát lớn Hà Nội. Sau một thời gian rút lui hoạt động bí mật, Đảng CSVN họp Đại hội lần thứ hai vào tháng 3/1951 tại Việt Bắc đổi tên là Đảng Lao Động Việt Nam. Ông Hồ Chí Minh được bầu làm Chủ tịch Đảng và ông Trường Chinh làm Tổng bí thư. 

Chúng ta cũng không nên quên yếu tố tình hình thế giới lúc đó, lúc mà hàng loạt quốc gia thuộc địa được trả độc lập. Để tránh sự lối cuốn của Cộng sản nhắm vào các quốc gia bị trị và để chận đứng sự bành trướng của Stalin từ Đông Âu qua Đông Á, các đế quốc Tây phương lần lượt tự giải thể để trả độc lập cho 12 quốc gia thuộc địa Á châu. 

Phi Luật Tân được Hoa Kỳ trả độc lâp ngày 4/7/1946. Ấn Độ, Miến Điện, Tích Lan, Palestine được Anh trả độc lập vào năm 1947 - 1948. Năm 1949, Pháp trả độc lập cho Việt Nam vào tháng 3, tháng 7 đến Ai Lao, tháng 11 cho Cam Bốt. Hòa Lan cũng trả độc lập cho Nam Dương vào cuối tháng 12 năm 1949. 

Vì vậy, ông Trần Chung Ngọc và Đảng CSVN không thể giữ mãi luận điệu tuyên truyền: “Nhưng thử hỏi, không có Đảng Cộng sản Việt Nam thì chế độ nô lệ thực dân Pháp có cáo chung không?” (hết trích). Với trào lưu tiến hóa của lịch sử thế giới, và với thời cơ đang chín mùi, nếu không có ông Hồ Chí Minh (Đảng CSVN), Việt Nam vẫn có những nhà yêu nước chân chính đứng lên lãnh đạo cuộc đấu tranh chống thực dân. Tuy nhiên chúng ta cũng không phủ nhận sự khéo léo của ông Hồ Chí Minh, biết tận dùng tâm lý để vận động, tổ chức và kết hợp các tầng lớp dân chúng cùng tham gia kháng Pháp. Theo bài báo của nhà nước CSVN, Điện Biên Phủ - Những điều chưa từng có trong lịch sử chiến tranh trên Tiền Phong online ngày 7/5/2008 do ông Mai Trọng Tuấn viết thì, để có một lực lượng mạnh và để lấy khí thế cổ động nông dân ra hỏa tuyến phục vụ chiến trường Điện Biên Phủ, ông Hồ Chí Minh đã huy động tối đa về sức người và sức của qua chiến dịch phát động giảm tô, cải cách ruộng đất năm 1953. Hàng vạn dân công tiếp tế chiến trường bằng gánh gồng, xe đạp thồ, và hàng vạn người trong những đội quân thanh niên xung phong, bộ đội, dân công hỏa tuyến đã trực tiếp tham gia với một ý chí duy nhất là sự độc lâp tự do cho đất nước. 

Ngày 26/4/1954 hội nghị Genève được khai mạc để bàn thảo giải quyết vấn đề Đông dương, ngày 7/5/1954 chiến thắng Điện Biên Phủ đi vào lịch sử. Ngày 20/7/1954 hiệp định Genève ra đời chính thức chia Việt Nam thành hai nước lấy vĩ tuyến 17 trên sông Bến Hải làm ranh giới: Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ở miền Bắc và Việt Nam Cộng Hòa ở miền Nam. Theo hiệp định Genève, có 300 ngày để dân chúng được tự do đi lại giữa hai miền và cũng để hai bên chính quyền có thời gian hoàn thành việc quản lý lãnh thổ phân chia trong Hiệp Định cho đến khi có tổ chức Tổng tuyển cử thống nhất Việt Nam. Việc tổ chức Tổng tuyển cử trong hiệp định không ghi rõ sẽ tổ chức ra sao và vào thời điểm nào. Tuy nhiên trong tuyên bố cuối cùng ngày 21/7/1954 có ghi cuộc tổng tuyển cử sẽ được tổ chức tháng 7/1956, vì không có chữ ký của các phái đòan tham dự hội nghị Genève nên tuyên bố trên chỉ được coi như như một dự kiến, một thông báo chung không có giá trị đồng thuận.

Ông Tiến Sĩ Trần Chung Ngọc lại viết tiếp: “Cộng sản đã lãnh đạo người dân kháng chiến chống Pháp, tốn bao xương máu, đi đến chiến thắng Điện Biên Phủ, ký Hiệp định Geneva với hy vọng thống nhất đất nước qua giải pháp chính trị Tổng tuyển cử năm 1956, nhưng bị Mỹ dựng lên miền Nam, cường quyền thắng công lý, không thi hành điều khoản Tổng tuyển cử vào năm 1956 quy định trong Hiệp định Geneva.” (hết trích). Đây là một lập luận được CSVN tuyên truyền để bao che cho dã tâm thôn tính miền Nam bằng vũ trang. 

Cũng cần nhắc lại, năm 1956, có những bất hòa trầm trọng trong khối Cộng sản Nga-Hoa. Ở Nga Xô, Khrushchev chủ trương sửa sai, Xét lại và chung sống hòa bình trong khi Trung Cộng chống hữu khuynh, lên án chủ nghĩa Xét lại. Sau đó Khrushchev bị lật đổ. Phe chủ chiến vẫn mạnh và trào lưu của phong trào cộng sản quốc tế vẫn là đấu tranh vũ trang dưới chiêu bài giải phóng dân tộc. 

Tại miền Bắc Việt Nam, năm 1956 là năm cải cách ruộng đất lên cao điểm và cũng là năm cuối cùng của giai đoạn 5 của chính sách đấu tố. Cả miền Bắc người dân sống trong kinh hoàng đe dọa. Với những khó khăn nội tại và tình hình biến chuyển sau khi Khrushchev bị lật đổ, ông Hồ Chí Minh quyết định chuyển mình từ chính sách mềm dẻo sang một chế độ chuyên chế cứng rắn, để chuẩn bị thống nhất đất nước bằng vũ lực. Và trong Hội Nghị Trung Ương lần thứ 15 (1957), Lê Duẫn là người được đề cử thực hiện kế họach vũ trang thôn tính miền Nam. Năm 1959 đuờng mòn Hồ Chí Minh chính thức được thành lập và CSVN mở đường mòn trên biển. 

Nhưng tiếc thay, những hứa hẹn trong thời gian thúc đẩy tòan dân kháng chiến đã bị phản bội và mau chóng đi vào quên lãng khi đảng CSVN củng cố được quyền lãnh đạo và ông Hồ Chí Minh quyết đưa đất nước tiến đến thiên đường xã hội chủ nghĩa theo lèo lái của khối Cộng Sản Trung Hoa và Nga Xô. Trong cuốn Lịch sử kinh tế Việt Nam tập hai, nhà nước Đảng CSVN chính thức cho biết có (ít nhất) 172.008 người bị quy vào tội địa chủ, phú hào, là kẻ thù của nhân dân. Hỡi ơi, 172.008 người này chính là những người đã đóng góp tiền bạc công sức trong những kế họach phát động toàn dân kháng chiến của ông Hồ Chí Minh và Đảng CSVN. 

Nhắc lại những sự kiện lịch sử này, trong lòng mỗi người dân Việt vẫn còn bàng hoàng, phẫn nộ về chính sách ác độc của đảng CSVN với những hệ quả thương tâm từ đó. Sau những năm toàn dân góp công góp của để kháng chiến là những bất hạnh triền miên qua các cuộc thanh trừng “đào tận gốc, trốc tận rễ”, đấu tố trong “Cải Cách Ruộng Đất”, vụ án “Nhân Văn Giai Phẩm”, vụ án “Xét lại chống Đảng”. Những bất hạnh đã tạo nên nỗi nhức nhối dai dẳng cho cả một dân tộc, vì chủ nghĩa ngoại lai đang thống trị đất nước và đang đưa đất nước đến đại họa diệt vong. Họ đã phản bội Tổ quốc phản bội nhân dân.

Ông Vũ Cao Đàm, một chứng nhân lịch sử, trong Viết nhân ngày Quốc Khánh Trung Cộng (1/10): Đã đến lúc phải xóa món nợ ân óan giang hồ! đăng trên boxitevn ngày 26/9/2011, đã bùi ngùi tâm sự:

“Nhưng rồi, cũng chính tôi đã chứng kiến, bắt đầu từ năm 1950, sau Chiến thắng biên giới với trận đánh lịch sử công phá cứ điểm Đông Khê (Cao Bằng), Việt Nam đã mở thông với một hậu phương lớn là Trung Hoa và thế giới XHCN. Kế sau đó là lúc Đảng Cộng sản Việt Nam xuất hiện trở lại với tên gọi là Đảng Lao động Việt Nam, và những tuyên bố công khai về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. 

Cuộc chiến trên đất Việt Nam từ đây chính thức mang màu sắc một cuộc chiến tranh ý thức hệ, vì một cuộc đấu tranh cho “lý tưởng vĩ đại Ai thắng Ai” trên quy mô toàn thế giới. 

Dân tộc Việt Nam bị chia rẽ cũng chính từ đây. Hàng loạt người bỏ chiến khu trở về thành phố cộng tác với Chính phủ Bảo Đại. Họ nói công khai là trở về xây dựng thể chế chính trị “quốc gia” do Cựu hoàng Bảo Đại chủ xướng. Những người kháng chiến xem Chính phủ Bảo Đại là bù nhìn của Pháp, nhưng trên thực tế, ngọn cờ chủ nghĩa quốc gia của ông đã có sức lôi kéo mạnh mẽ đối với một tầng lớp đông đảo những người không ưa chính thể cộng sản, chứ không chỉ những người có ân oán với cộng sản và mang lòng hận thù chống cộng. Lịch sử đã chứng kiến, bên cạnh những vị nhân sĩ trí thức ra chiến khu đi theo Chính phủ Hồ Chí Minh kháng chiến, cũng có rất nhiều nhân sĩ nổi tiếng không nhận lời cộng tác với Chính phủ Hồ Chí Minh. Nhiều bạn bè của bố tôi nhắn lời khuyên bố tôi về cộng tác với Chính phủ Bảo Đại, nhưng bố tôi “kiên định lập trường cách mạng”, đi với kháng chiến đến cùng. Bởi vì, bố tôi cũng thuộc về phía những người không muốn từ bỏ kháng chiến quay về thành phố để bị mang tiếng là “cầu an, hưởng lạc” và “bán nước cho Pháp”. Sự chia rẽ dân tộc càng mạnh mẽ với phong trào cải cách ruộng đất, và sau đó là công cuộc cải tạo công thương nghiệp theo kiểu phi nhân tính của các nước “XHCN đàn anh”, mà đại biểu gần gũi nhất, là chính thể cộng sản Trung Hoa.” (hết trích)

Vâng, bác Thảo, anh của mẹ tôi cũng là người “kiên định lập trường cách mạng” nên đã ở lại ngoài Bắc trong khi vợ con Bác đã theo các gia đình nội ngọai lên chuyến tàu Há Mồm vào Nam lập nghiệp năm 1956.

Năm 1975, đất nước thống nhất nhưng đoàn tụ gia đình lại là những đớn đau nghiệt ngã. Không ai có thể cảm được nỗi đau đớn tận cùng nếu chính họ không là nạn nhân. 

Bác tôi, từ ngoài Bắc, lặn lội vào Sài Gòn tìm gặp gia đình vào tháng 7 năm 1975, trong một hoàn cảnh gia đình hết sức bi đát. Người con trai cả đã tử trận trong mùa hè đỏ lửa 1972, người con trai thứ vừa bị lùa đi học tập, chị Trang, cô gái út, giờ đây 20 tuổi cả ngày ủ rũ khóc cười vì người yêu đã tự sát không chịu buông súng đầu hàng ngay trong ngày 30 tháng 4. Gia đình tôi cũng không may mắn gì hơn. Bố tôi bị cưỡng bách vào tù. Mẹ tôi bị khủng hỏang tinh thần vì mất hết nhà cửa, tài sản và nhất là mất đi một chỗ dựa tinh thần của cuộc đời. Mẹ tôi lúc tỉnh lúc mê, cả ngày thì thầm với viên đá nhỏ trong tay. Nỗi thảng thốt của mất mát chưa kịp tan biến thì sự thay đổi đột ngột của xã hội lại ùa chụp chung quanh khiến tôi như một chiếc lò xo bật dậy sẵn sàng đương đầu để bảo vệ những người thân còn lại cuối cùng. Tôi, bỗng trở thành trụ cột gánh vác một gia đình 5 người. Tôi bỏ trường bỏ lớp, chẳng còn thiết tha gì với lớp học bạn bè. Học hành gì nữa, khi đến lớp chỉ là những bài giảng chính trị vô hồn với những bài học lịch sử bị bẻ cong trong khi thực tế đã chứng minh những điều ngược lại. Cái tuổi 16, thiếu nữ mộng mơ của tôi bỗng chốc mất hút, những thơ thẩn để các chàng trai phải “đứng ngẩn trông vời áo tiểu thư” được thay thế bằng những ngày lao động đào kinh đắp đê. 

Vì vậy sự trở về viếng thăm của bác Thảo như một lưỡi dao cào thêm nỗi đau riêng của từng người trong gia đình. Bác Thảo đã không được chào đón từ chính gia đình riêng của bác mà trái lại bác còn bị hất hủi đuổi xô. Vợ bác tuyệt giao hẳn sau lần gặp gỡ trùng phùng đầu tiên và ông bà ngọai cấm bác lai vãng đến nhà. Không còn ai thân thiết, bác Thảo đến trú ngụ nhà tôi. Trong tâm hồn nổi loạn, tôi như con cọp con, lúc nào cũng gầm gừ nghi ngờ, tuy không đuổi xô ra mặt, nhưng tôi cũng không có mấy thiện cảm với bác. Sáu tháng sau, chị Trang, con gái út của bác, nhảy lầu tự tử vì quá tuyệt vọng không còn muốn sống. Ngày chôn cất chị Trang, tôi thấy bác Thảo đứng ẩn sau hàng cây bên kia đường, khuôn mặt nhăn nhúm chịu đựng. Khi đã vắng người bác vụt chạy đến ôm chầm lấy tôi, khóc nức nở như một đứa bé. Những thù hằn đanh đá trong tôi bỗng tan biến, nhường vào đó là những đau đớn tận cùng cho những nghiệt ngã đã đến không phải riêng tôi hay riêng bác mà là cả một dân tộc. Sau đó bác bỏ ra đi biệt tăm, nghe đâu bác bị tử nạn trong một vụ đụng xe có sắp xếp sẵn, ngoài Bắc. 

Ôi, đồng bào tôi.

Đã đến lúc chúng ta cần phải phá vỡ những bưng bít thông tin, đả thông những suy nghĩ bị áp đặt một chiều, nêu lên những dữ liệu chính xác, để từ đó chúng ta có được những suy nghĩ lập luận công bằng cho lịch sử, cho những người đã nằm xuống hy sinh cho tiền đồ dân tộc. Chúng ta cần phải thẳng thắn, bộc trực trong mọi vấn đề. Chúng ta không sợ phải nghe những sự thật khó nghe, mà chúng ta sợ phải nghe những điều dối trá ảo tuởng. Có như thế chúng ta mới có thể thấy được ánh sáng trong phong trào dành lại tự do dân chủ và độc lập cho đất nước.

Nếu các bạn, những người đọc - cho dù đứng ở vị trí nào, không đồng ý với những gì tôi viết thì xin hãy đóng góp ý kiến thật thẳng thắn để làm sáng tỏ những điều căn bản của lịch sử dân tộc. Nắm chắc sự thật lịch sử trong tay, chúng ta không sợ bị lung lạc bởi những thủ thuật của CSVN hoặc những lời ru ngủ của những kẻ có ý sống chung với tập đoàn lãnh đạo phản quốc.

Để kết luận, tôi xin mượn lời của Hà Tiên trong bài Chiến Dịch Hoa Hồng Đỏ

“Ý thức hệ của CS không cho phép những người "nửa nạc nửa mỡ" sống chung với họ lâu dài. Nghĩa là, sau một thời gian, phải nhập về bên họ hay sẽ bị quăng đi khi nhu cầu không còn cần thiết nữa. Chuyện quá khứ đã bày ra đó, đừng nên bỏ ngoài tai. Bằng cấp dù cao tột bực tới đâu cũng không cứu vãn nổi thân phận, nếu như ít để ý tới chính trị của CS.” 

Bằng cách nào chúng ta mới gạn lọc hết những oan khiên?

Hỏi là trả lời.

Ngày 8/10/2011
Mừng sinh nhật con.


__________________________________________

Links:
Đâu Là Gốc Rễ Của Vấn Đề: 

Cù Huy Hà Vũ: Từ góc nhìn của một người Việt hải ngoại

Điện Biên Phủ - Những điều chưa từng có trong lịch sử chiến tranh

Viết nhân ngày Quốc khánh Trung Cộng (1/10): Đã đến lúc phải xóa món nợ ân oán giang hồ!

Chiến Dịch Hoa Hồng Đỏ


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo