Hiệu quả kinh tế của dự án Bauxite Tây Nguyên - Dân Làm Báo

Hiệu quả kinh tế của dự án Bauxite Tây Nguyên


Vũ Hoàng, phóng viên RFA - "Trên thực tế, cho thấy những vấn đề rất lớn. Con đường vận chuyển bauxite đòi hỏi đầu tư hơn 4,000 tỉ đồng để làm đường. 4,000 tỉ đồng đó thì bản thân tập đoàn than khoáng sản thừa nhận nếu như họ bỏ tiền làm đường thì dự án đó là hoàn toàn không thể có lãi được và thua lỗ nặng..." - Phạm Chi Lan

Vấn đề hiệu quả kinh tế của các dự án bauxite Tây Nguyên một lần nữa được giới phân tích kinh tế lật lại, khi mới đây, Bộ Giao thông Vận tải dự kiến phải xây dựng, nâng cấp quốc lộ 20 vận chuyển bauxite thêm gần 4,000 tỉ đồng và những rò rỉ hóa chất từ khai bauxite ở Tân Rai.

Vấn đề hiệu quả kinh tế của các dự án khai thác bauxite Tây Nguyên đã được mổ xẻ ngay từ những ngày đầu tiên còn nằm trên giấy tờ.

940 tỉ đồng/năm 

Photo courtesy of 3s-vn.com - Công trường khai thác bauxite ở Nhân Cơ - Tây Nguyên. 

Theo phía cơ quan quản lý – Bộ Công thương, thứ trưởng Lê Dương Quang cho rằng sau khi xem xét đầy đủ mọi yếu tố ảnh hưởng và kết quả tính toán, cả 2 dự án Tân Rai và Nhân Cơ đều “yên tâm về hiệu quả” kinh tế dựa trên 4 nhân tố: thứ nhất là thuế xuất khẩu, Việt Nam sẽ thu được nhiều hơn cho ngân sách nhà nước do áp thuế 20% so với các nước trên thế giới là 0 – 5% cho mặt hàng này; thứ hai, lợi nhuận tính trên một ha đất khi khai thác bauxite sẽ có lợi hơn là trồng chè và cà phê; thứ ba, là xu hướng giá khoáng sản trên thế giới ngày càng tăng và cuối cùng là dự án tồn tại trên 50 năm, nên càng về cuối thì hiệu quả càng tăng do máy móc hết khấu hao. Còn theo phân tích từ Vụ trưởng Vụ công nghiệp nặng – Bộ công thương thì “lợi ích từ dự án Nhân Cơ là nộp ngân sách 940 tỉ đồng/năm.”

Chưa tính phí vận chuyển

Công trường khai thác bauxite ở Tây Nguyên. Photo courtesy of soctrang.gov.vn 

Tuy vậy, các chuyên gia kinh tế, cũng như giới trí thức khẳng định rằng dự án bauxite này sẽ không hiệu quả về mặt kinh tế, nghĩa là có sự đánh đổi lớn hơn giữa vấn đề môi trường, xã hội và an ninh so với khoản đóng góp cho ngân sách quốc gia từ dự án này.

Quay lại nguyên tắc cơ bản của tính toán một dự án đầu tư, người ta cần phải dựa trên một số yếu tố như: vốn đầu tư ban đầu, giá bán sản phẩm, giá thành sản phẩm và tỷ suất thuế để xem liệu dự án có mang lại lợi nhuận không. Tuy nhiên, do có nhiều thuật ngữ, nên chúng tôi chỉ dừng lại ở việc tìm hiểu 2 yếu tố là vốn đầu tư ban đầu và giá bán sản phẩm.

Trước hết, bắt đầu từ khâu vốn đầu tư ban đầu, chủ đầu tư tập đoàn than khoáng sản (gọi tắt là TKV) đã bỏ qua phần vốn cơ sở hạ tầng, đường xá chuyên chở alumin gần 4,000 tỉ đồng. Vì vậy, sau một năm thi công, TKV mới than thở nếu cộng khoản chi phí này thì hiệu quả kinh tế của dự án không còn. Xin nhắc lại, tổng số tiền đầu tư cho toàn bộ dự án bauxite Tây Nguyên là 11,300 tỉ đồng. Nhưng điều đáng nói là, ngay khi TKV vừa lên tiếng thì Chính phủ lại có một thông báo có lợi cho TKV là TKV chỉ phải “hỗ trợ kinh phí cho các địa phương thực hiện duy tu, bảo dưỡng” còn phía Bộ Giao thông Vận tải lại đang lên kế hoạch chi gần 4,000 tỉ đồng làm đường vận chuyển bauxite này.

Về vấn đề này, bà Phạm Chi Lan, một chuyên gia kinh tế độc lập nhận định:

“Rõ ràng hiệu quả của dự án bauxite ở Tây Nguyên là không có được như theo trình bày ban đầu, khi tập đoàn than khoáng sản muốn làm và Bộ Công thương ủng hộ.

Trên thực tế, cho thấy những vấn đề rất lớn. Con đường vận chuyển bauxite đòi hỏi đầu tư hơn 4,000 tỉ đồng để làm đường. 4,000 tỉ đồng đó thì bản thân tập đoàn than khoáng sản thừa nhận nếu như họ bỏ tiền làm đường thì dự án đó là hoàn toàn không thể có lãi được và thua lỗ nặng.

Đấy là một điều rất kỳ cục vì làm dự án mà không tính đến những hạ tầng cơ sở cho nó, bỏ qua phần đó để chứng minh nó có lãi. Bây giờ mới chỉ ban đầu bắt đầu khai thác thôi thì thấy không thể có lãi được khi tính cả dự án hạ tầng vào.”

Mức vốn huy động cao hơn

Về giá bán sản phẩm, đây là thỏa thuận giữa bên bán và bên mua, dựa trên giá nhôm niêm yết ở Sàn Giao Dịch London. Tuy nhiên, khi lập dự án, giá bán này diễn ra trong tương lai, vì thế giá dự báo này có độ chính xác không cao. Điều đáng lo ở đây là bauxite Việt Nam được Trung Quốc mua khai thác rồi chỉ bán được cho một đối tác thì sẽ bị ép giá dễ dàng, vì thế làm ra alumin bán theo giá thị trường thì không có hi vọng. Nhận định này được chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành đưa ra trong một bài phỏng vấn trên báo Người Lao Động.

Điểm mấu chốt mà nhiều nhà phân tích kinh tế cho rằng còn khó hiểu đó là khi đi vào hoạt động, dự án bauxite ở Nhân Cơ sẽ có lãi là 10.59% còn Tân Rai là 11.43%. Trong khi đó thì Nhà nước huy động vốn với mức cao hơn, tại thời điểm chúng tôi tìm hiểu, lãi suất trái phiếu chính phủ thời hạn 5 năm là 12.14%/năm, chưa kể với tình hình tín dụng thắt chặt, lãi suất trái phiếu này còn có thể cao hơn. Như vậy, Nhà nước huy động vốn 12.14%/năm, nhưng doanh nghiệp của Nhà nước lại chấp nhận đầu tư với mức sinh lời mong muốn nhỏ hơn (10.59% và 11.43%) với nhiều những đánh đổi đi kèm, thì đây quả là một việc làm khó hiểu.

Thiệt hại môi trường

Những đồi chè xanh ngắt ở Tây Nguyên. Photo courtesy of sinhviendulich.net. 

Cuối cùng, những đánh đổi đi kèm này, chính là những thiệt hại về môi trường, an ninh và xã hội khi đặt lên bàn cân để cân đo đong đếm với yếu tố kinh tế. Ông Bùi Kiến Thành cho biết ý kiến của mình:

“Đối với tôi vấn đề khai thác bauxite ở Tây Nguyên không phải là một việc cần thiết đối với Việt Nam so về khía cạnh kinh tế. Bây giờ đào nó lên đi bán cho nước ngoài với tính chất là khoáng sản thô như thế thì nó không đem lại lợi ích kinh tế gì nhiều trong khi so với những gì mà ta mất.

Mất là mất đất hoạt động của đồng bào đang hoạt động ở khu đấy, mất môi trường và cảnh quan thiên nhiên, vấn đề nguy cơ tạo nên những nguồn độc hại từ đầu nguồn đến cuối nguồn, Nhà nước và nhân dân phải xây dựng cơ sở hạ tầng đường xá giao thông để công ty khai thác đó kiếm được chút lợi.

Tất cả những chuyện đó cộng lại thì tôi thấy dự án đó không có lợi gì cho đất nước cả mà tạo ra những tác hại về lâu dài. Chuyện đào lên, bán lấy tiền là chuyện thiển cận, chuyện phá hoại môi trường là chuyện cả trăm năm, ngàn năm không thể nào xây dựng lại được.”

Có lẽ kết quả cuối cùng liệu chất lượng sản phẩm có được như cam kết hay không, giá cả có được để đảm bảo hiệu quả kinh tế như hứa hẹn ban đầu hay không, thì lại là một bài toán còn phải chờ thời gian chứng minh thực tế.

Nhưng với chỉ một năm sau hoạt động những chi phí mới phát sinh lên tới 4,000 tỉ đồng mới được tính toán lại hay chuyện rò rỉ hóa chất được phát hiện tại nhà máy Tân Rai. Người ta không biết rằng vậy, 5 đến 10 năm hay 50 năm sau, còn những gì sẽ phát sinh mà các dự án khai thác bauxite Tây Nguyên chưa bộc phát.

2011-10-01 



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo