Lê Trung Thành (BVN) - Từ ngày 30-11 đến ngày 4-12-2001, ông Tổng bí thư
Đảng Cộng sản Việt Nam – Nông Đức Mạnh sang thăm Trung Quốc theo lời mời
của ông Giang Trạch Dân – Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Cộng hòa nhân
dân Trung Hoa. Một bản tuyên bố chung được ký kết cùng với một Hiệp định
khung giữa hai Chính phủ trong đó có câu: “Sẽ tích cực thúc đẩy các doanh nghiệp hợp tác lâu dài trên dự án bô - xít nhôm Đắc Nông”.
Ngay
sau khi chuyến đi của ông Nông Đức Mạnh kết thúc, từ năm 2002 Tổng công
ty Than Việt Nam được giao nhiệm vụ quan hệ với các đối tác Trung Quốc
để tìm công nghệ và nguồn vốn đầu tư khai thác bauxite. Tới ngày
14-12-2005, tại thủ đô Bắc Kinh, ông Đoàn Văn Kiển – Tổng giám đốc Tập
đoàn Than Việt Nam (VINACOAL) và ông Tiêu Á Khánh – Chủ tịch HĐQT kiêm
Tổng giám đốc Tổng công ty Nhôm Trung Quốc (CHALCO) đã ký văn bản thỏa
thuận hợp tác khai thác mỏ Bauxite tại tỉnh Đắc Nông. Sau khi có văn bản
này, phía Trung Quốc tiến hành các cuộc vận động chuẩn bị vốn đầu tư
vào các dự án bauxite Tây Nguyên.
Nhằm đẩy
nhanh tiến độ triển khai dự án, vào dịp ông Hồ Cẩm Đào, Tổng bí thư kiêm
Chủ tịch nước CHND Trung Hoa thăm chính thức VN trước khi tham dự hội
nghị thượng đỉnh Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tổ chức tại Hà Nội,
trong bản tuyên bố chung ký ngày 17-11-2006 có đoạn: “Tích cực ủng hộ
và thúc đẩy doanh nghiệp hợp tác lâu dài và cùng có lợi trong các lĩnh
vực xây dựng cơ sở hạ tầng, công nghiệp chế tạo, khai thác nguồn nhân
lực, năng lượng, chế biến khoáng sản và các lĩnh vực quan trọng khác. Khẩn trương bàn bạc và thực hiện các dự án lớn như bô - xít Đắc Nông”…
Mấy hôm sau, trên trang web Mining Top News có bài “VietNam, China in 1,6 bin Bauxite/Alumina deal – Việt Nam và Trung Quốc giao kết khai thác bauxite/alumina với 1,6 tỷ đôla”. Bài báo dẫn rằng “bauxite
sẽ được khai thác tại vùng cao nguyên của tỉnh Đắc Nông để sản xuất 1,9
triệu tấn alumina trong giai đoạn đầu và tiếp theo, dự đoán sẽ sản xuất
4 triệu tấn alumina hàng năm”. Ngoài việc đầu tư 1,6 tỷ USD, Tập
đoàn công nghiệp Nhôm TQ (CHALCO) hứa sẽ vận động Chính phủ TQ cho vay
vốn ưu đãi để TKV đầu tư xây dựng tuyến đường sắt và cảng chuyên dùng
vận tải và bốc xếp alumina.
Dựa trên nội dung
thông báo số 72TB/TW ngày 9-5-2007 của Bộ Chính trị về quy hoạch các dự
án bauxite Tây Nguyên và sắt Thạch Khê - Hà Tĩnh và những dữ liệu điều
tra, TKV đã lập kế hoạch thăm dò, khai thác bauxite trình Thủ tướng
chính phủ. Vào ngày 1-11-2007, ông Nguyễn Tấn Dũng ký quyết định số
167/2007 QĐ - TTG chính thức phê duyệt “Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng bauxite giai đoạn 2007 - 2015 có xét đến năm 2025”.
Theo
quyết định này, vùng khai thác bauxite và sản xuất alumina quy mô công
nghiệp gồm các vùng Đắc Nông, Bảo Lộc - Di Linh, Konplon - Kanak và
Phước Long. Nhà máy Alumin Tân Rai - Bảo Lộc do Tập đoàn TKV làm chủ đầu
tư. Và tất nhiên, vì phía TQ chú ý nhiều nhất tới vùng Đắc Nông nên
ngay trong giai đoạn 2007 - 2015 dự kiến xây dựng Nhà máy Alumin Đắc
Nhân Cơ từ 0,3 đến 0,6 triệu tấn/năm. Nhà máy Đắc Nông 2 là 1,5 - 2
triệu tấn/năm. Đắc Nông 3 công suất 1,5 - 2 triệu tấn/năm. Đắc Nông 4
công suất 1,5 - 2 triệu tấn/năm và đều do TKV làm chủ đầu tư. Giai đoạn
từ 2016 - 2025 sẽ tùy thuộc khả năng thị trường để mở rộng Nhà máy Nhân
Cơ lên 1,2 triệu tấn/năm, các dự án khác tăng lên 3 - 4 triệu tấn/năm.
Vốn đầu tư các dự án cộng với đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đơn khổ
1,435 m giai đoạn 1, cảng biển ở Bình Thuận và xây dựng nhà máy điện,
nhà máy điện phân nhôm… cần tới 11,8 đến 15,6 tỷ USD. Lúc ấy, Chính phủ
VN hy vọng sẽ huy động từ các nguồn vốn cổ phần của các cổ đông VN và
quốc tế, vốn vay các ngân hàng thương mại VN và quốc tế, Chỉnh phủ sẽ
xem xét bảo lãnh phần vốn vay nước ngoài và vốn huy động từ thị trường
chứng khoán, trái phiếu công trình… Đối với các công trình đầu tư cơ sở
hạ tầng (khoảng 1,9 tỷ USD) còn trông vào nguồn vốn ODA, vốn ngân sách
nhà nước, vốn tham gia của doanh nghiệp…
Những
việc làm trước đó của TKV triển khai dự án Tân Rai - Bảo Lộc và quyết
định này có vẻ làm hài lòng Chính phủ Trung Quốc nên trong bản Tuyên bố
chung ký ngày 2-6-2008 nhân chuyến đi thăm Trung Quốc của ông Nông Đức
Mạnh, câu chữ vẫn để giống như bản tuyên bố năm 2006, chỉ khẳng định “Hai bên tăng cường hợp tác trong các dự án như bauxite Đắc Nông”.
Vậy việc triển khai dự án Alumin Tân Rai diễn ra như thế nào?
TKV
âm thầm phối hợp với đối tác Trung Quốc lập báo cáo khả thi dự án tổ
hợp bauxite - alumin Tân Rai với số vốn ban đầu khoảng 8.000 tỷ đồng và
đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng cấp giấy chứng nhận đầu tư. Cùng thời điểm
đó, TKV phát tin sơ tuyển các nhà thầu tham gia đấu thầu quốc tế gói số 9
– xây dựng nhà máy theo hình thức EPC – chìa khóa trao tay. Từ ngày
20-6 đến ngày 16-7-2007 có 30 nhà thầu tới nghiên cứu và tìm hiểu nhưng
chỉ có 7 nhà thầu tham dự. TKV chọn được 3 hồ sơ đưa vào “danh sách
ngắn” là Chalieco (tên đầy đủ là Công ty TNHH công trình quốc tế Nhôm TQ
– một công ty thành viên của Tập đoàn Nhôm TQ), Tập đoàn luyện kim Vân
Nam và Liên doanh NFC – CNTIC.
Kết quả của cuộc
bỏ thầu tương lai đã rõ phần thắng thuộc về Chalieco nên ngày
16-4-2008, TKV phê duyệt Chalieco trúng thầu. Ngày 14-7-2008, TKV tổ
chức ký hợp đồng gói thầu EPC tại Hà Nội trị giá 466 triệu USD xây dựng
trong 24 tháng kể từ ngày TKV giao mặt bằng cho nhà thầu. Các quan chức
của Bộ Công thương và TKV có mặt đông đủ. Còn trước đó, về phía Lâm
Đồng, ngày 16-11-2007, ông Huỳnh Đức Hòa – Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng
đã trao giấy chứng nhận đầu tư dự án tổ hợp bauxite nhôm cho TKV trên
diện tích 142 ha, hoạt động theo hình thức xây dựng - sở hữu - kinh
doanh (B.O.O). Dự án có số vốn 8.000 tỷ đầu tư vào vùng đất này lớn nhất
từ trước đến nay nên được ưu ái hết sức. Đó là miễn tiền thuế đất 11
năm kể từ ngày hoàn thành, được miễn tiền thuê đất 15 năm kể từ ngày
chính thức đưa vào hoạt động kinh doanh.
Ngày
26-7-2008, Lễ khởi công dự án Tân Rai được tổ chức, ông Hoàng Trung Hải –
Phó Thủ tướng tới dự và phát lệnh khởi công. Tổ hợp dự án có tổng số
vốn đầu tư là 687 triệu USD và sử dụng tới 2297 ha đất đang trồng cà
phê, chè, cây ăn trái… của các xã Lộc Phú, Lộc Ngãi và thị trấn Lộc
Thắng thuộc huyện Bảo Lâm, Bảo Lộc.
Vào thời
điểm này, khi dư luận xã hội quan tâm tới việc Chính phủ VN quyết tâm
đầu tư khai thác và chế biến bauxite thì buổi hội thảo khoa học đầu tiên
được tổ chức vào ngày 22 và 23-10-2008 tại thị xã Gia Nghĩa tỉnh Đắc
Nông. Trong 2 ngày này, TKV giới thiệu nội dung quy hoạch thăm dò, khai
thác, chế biến và sử dụng quặng bauxite giai đoạn 2007 - 2015 và đề cập
tới công nghệ khai thác, chế biến Alumina, sản xuất nhôm. Những ý kiến
phản biện liên quan tới khoa học và xã hội, bảo vệ an ninh quốc phòng
vùng Tây Nguyên, về nguồn nước, tầng văn hóa… đã làm bùng lên một đợt
sóng phản đối mạnh mẽ và lan rộng trong dư luận cả nước và quốc tế.
Trước
tình hình đó, ngày 5-1-2009 tại Hà Nội ông Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì
cuộc họp về thăm dò, khai thác bauxite. Bốn ông Phó thủ tướng và nhiều
Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh Đắc Nông, Lâm Đồng, Gia Lai, TKV có
mặt. Ông Dũng yêu cầu TKV, Tổng công ty Hóa chất Việt Nam và các bên
liên quan triển khai thực hiện quy hoạch đã duyệt, giao cho ông Hoàng
Trung Hải chủ trì tổ chức Hội thảo và căn dặn “Trong thời gian
chưa hoàn thành công việc tổ chức hội thảo, Bộ Thông tin và Truyền thông
chỉ đạo các phương tiện thông tin đại chúng không đưa tin về ảnh hưởng
môi trường trong khai thác, tuyển rửa quặng bauxite, sản xuất Alumin và
luyện nhôm tại các tỉnh Tây Nguyên”.
Tới
ngày 9-4-2009, Bộ Công thương phối hợp với Liên hiệp các Hội khoa học
kỹ thuật VN tổ chức một cuộc hội thảo quan trọng tại khách sạn Melia -
Hà Nội, thành phần tham dự bao gồm các nhà khoa học, nhà văn hóa, nghiên
cứu lịch sử, dân tộc học…, đại diện văn phòng Trung ương Đảng, Ban
Tuyên giáo Trung ương, các cơ quan của Quốc hội, đại diện các Bộ Khoa
học và công nghệ, Kế hoạch đầu tư, Tài chính, GTVT, Quốc phòng, Công an,
đại diện lãnh đạo các tỉnh Lâm Đồng, Gia Lai, Đắc Nông, Bình Thuận,
Bình Phước, Đaklak, Cao Bằng, Lạng Sơn. Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải,
Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng, Quyền Chủ tịch Liên hiệp hội Hồ Uy
Liêm đồng chủ trì hội thảo.
Trong kết luận của
mình, ông Hoàng Trung Hải khẳng định các đại biểu tham dự đã đóng góp ý
kiến rất tâm huyết, không thể khai thác bauxite bằng mọi giá nên chỉ
tiến hành triển khai thí điểm hai dự án Tân Rai và Nhân Cơ. Ông cũng cho
rằng TKV cần tính toán lại phần lợi nhuận 10%, nếu không lãi không làm…
Mặc
dù có nhiều ý kiến phản đối, có cả bức thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp
gửi Chính phủ yêu cầu ngừng thực hiện các dự án bauxite nhưng ông
Nguyễn Tấn Dũng vẫn giữ nguyên quyết định triển khai dự án ở Đắc Nông và
Lâm Đồng. Trong báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội ông Dũng thừa nhận
rằng việc khai thác và chế biến bauxite Tây Nguyên không thể tránh khỏi
gây ra những tác động xấu nhất định tới môi trường. Còn vấn đề an ninh,
quốc phòng không đáng lo ngại quá vì lực lượng lao động và nhân viên kỹ
thuật người Trung Quốc sẽ rút toàn bộ về nước sau khi xây dựng và bàn
giao công trình.
Công trường bauxite ở Tây Nguyên. Ảnh: LTT
Tuy
nhiên vấn đề xử lý bùn đỏ và ảnh hưởng của hàng chục triệu tấn “bom
bùn” treo lơ lửng trên đất Tây Nguyên ảnh hưởng đến nguồn nước vốn đã
hết sức quan trọng với vùng đất đầu nguồn vẫn là đề tài nóng bỏng nhất
trên báo chí và nghị trường làm đau đầu những người chỉ đạo và thực hiện
dự án.
Ngày 4-10-2010 sự cố vỡ hồ bùn đỏ tại nhà máy bauxite Ajka cách thủ đô Budapest – Hungary 160 km làm cho hơn 1 triệu m3
bùn đỏ tràn ngập thị trấn Kolontar, gây ra cái chết và mất tích của 11
người, 122 người khác bị thương, cuốn trôi 270 căn nhà… lại làm dấy lên
nhiều lời chỉ trích Dự án Tân Rai, Nhân Cơ, nhiều nhà khoa học một lần
nữa lên tiếng đòi ngưng thực hiện dự án Tây Nguyên.
Hồi
chuông báo động dóng lên nhưng đã trót trèo “lên lưng cọp”, các hợp
đồng tổng thầu đã ký, đã thực hiện nên Chính phủ tiếp tục đẩy nhanh tiến
độ xây dựng Nhà máy Alumin Tân Rai những mong tới đầu năm 2011, mẻ sản
phẩm đầu tiên sẽ xuất xưởng, tuy nhiên nhà thầu Chalieco đã không hoàn
thành theo đúng thời hạn vì nhiều lý do. Cho đến nay, đã gần hết năm mà
Chalieco vẫn chưa bàn giao nhà máy cho TKV. Hạng mục được quan tâm, chú ý
nhất là hồ chứa bùn đỏ thi công khá chậm chạp bởi lý do thời tiết, mưa
nhiều, ảnh hưởng tới toàn bộ dự án. Về phía chủ đầu tư, vốn vay để thực
hiện hai dự án Tân Rai và Nhân Cơ không mấy khả quan sau khi vụ Vinashin
đổ nợ quá nặng nề làm mất uy tín của Việt Nam trên thị trường tài chính
quốc tế nên các khoản vay của TKV gặp khó khăn. Ngày 13-4-2010, TKV vay
Citibank 200 triệu USD trong thời hạn 13 năm để trang trải cho dự án
Tân Rai. Bộ Tài chính đứng ra bảo lãnh cùng với cơ quan bảo lãnh đầu tư
và xuất khẩu Nhật Bản hỗ trợ. Phần còn thiếu, TKV đang tiếp tục đề nghị
Chính phủ đứng ra bảo lãnh nhằm bảo đảm nguồn vốn cho 2 dự án trên.
Trong
suốt quá trình chuẩn bị đầu tư, TKV chưa bao giờ đề cập tới nguồn vốn
sửa chữa và nâng cấp tuyến đường tạm khi các dự án xây dựng đường sắt và
cảng biển còn đang nằm trên giấy. Chính vì vậy, họ tỏ ra hết sức lúng
túng trước chuyện các tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai kiên quyết không nhượng bộ
kế hoạch vận chuyển Alumin và các loại nguyên liệu, nhiên liệu… của TKV
khi sử dụng loại xe trọng tải 40 tấn.
Nhà máy Tân Rai đang gấp rút thi công. Ảnh: LTT
Biết
bao lần tổ chức họp hành, thị sát thực địa, từ ông Phó thủ tướng phụ
trách đến các cơ quan liên quan đều bóp đầu, vò tai khi bàn thảo nguồn
kinh phí sửa chữa hơn 240 km đường từ Tân Rai - Bảo Lộc về tới cảng Gò
Dầu tỉnh Đồng Nai. Ông Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải nhiều lần khẳng
định trách nhiệm tìm và cung ứng vốn sửa chữa cầu đường là của TKV nhưng
họ tìm mọi cách thoái thác, “đá bóng” sang ngành giao thông vận tải, vì
vậy công việc sửa chữa đường cho đến nay vẫn dẫm chân tại chỗ.
Chuyện
vận chuyển sản phẩm chưa có hồi kết giữa lúc Nhà máy Tân Rai (dù đưa
vào hoạt động chậm tiến độ cả năm trời) đang chuẩn bị vận hành khiến ông
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong văn bản ký ngày 31-10-2011 phải chỉ đạo
cho TKV và UBND tỉnh Lâm Đồng lập ngay kế hoạch sửa chữa đường tỉnh
ĐT725 từ Nhà máy Tân Rai ra tới ngã ba quốc lộ 20 và cho phép Chủ tịch
tỉnh chỉ định nhà thầu thực hiện dự án.
Phải bỏ
tiền ra sửa chữa đường, TKV chắc chắn lãnh đủ khoản lỗ do chi phí vận
tải lên quá cao. Như vậy, còn gì là “hiệu quả” lãi 10% như mong muốn ban
đầu của TKV? Vì vậy ngay trong cuộc họp với Bộ Công thương ngày
7-11-2011, ông Nguyễn Văn Biên, Phó Tổng giám đốc TKV đề nghị giảm thuế
xuất khẩu Alumin từ 20% (hiện nay) xuống 5% và 0% (!) để hỗ trợ cho các
dự án bauxite “có đà phát triển”.
Đã không
phải trả tiền thuê đất, tiền thuế đất, nay lại đòi giảm tiền thuế xuất
khẩu nữa thì TKV đào quặng bauxite lên làm gì nữa???
L.T.T.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN