Em sẽ đi con đường đó không? - Dân Làm Báo

Em sẽ đi con đường đó không?

Sa Mạc Hoa - Truyện ngắn này SMH viết tặng chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền, và em Trịnh Kim Tiến - những người phụ nữ can trường, vẫn vững vàng trên con đường đi tìm công lý cho người thân. Chị và em hãy tin rằng, công lý không dễ bị bức hại dù dưới bất kì sức mạnh và hình thức nào. Những người yêu mến lẽ phải, sự công bằng vẫn dõi theo từng bước chân của hai người. 

*

- Anh đang vẽ gì thế anh? 

Thành ngước lên nhìn vợ, mỉm cười. 

- Hà Nội… 

- Không phải mọi thứ đã chuẩn bị xong cho triển lãm ngày mốt sao? 

- Em có tin đây là bức tranh ngoài dự kiến, nhưng anh lại ưng ý nhất không? 

Thùy bước vài bước đến bên chồng. 

- Trông buồn quá? 

Cô nén tiếng thở dài. 

- Em có nghe về họ. 

- Nếu là một trong ba người phụ nữ đó…  em có đi không? 

Thùy nhìn bức tranh một lần nữa. Cô nghĩ bức tranh buồn là vì phần nền trời xám xịt bao phủ gần hết. Góc trái vẽ cô gái hết sức xinh đẹp đang cỡi trên lưng một con cọp rằn, ánh mắt buồn nhưng cương quyết. Ở góc phải là 2 người phụ nữ trông mong manh, một đã lớn và một trông hãy còn trẻ. Người phụ nữ dìu mẹ mình đi trên con đường dài. Nước mắt của cô bị những ngọn gió đầu đông thổi bay tạt về sau. Cách đó một quãng ngắn là hình ảnh người đàn ông rất mờ như chiếc bóng đưa bàn tay phải lên hứng lấy những giọt nước trong suốt đó, nhưng chúng bay xuyên qua cơ thể anh. Gương mặt anh nhăn lại tỏ rõ đau đớn. 

- Người đàn ông này là linh hồn? 

- Phải 

- Đây là mẹ? 

Thùy chờ cái gật đầu của chồng. 

- Vợ? 

- Phải. 

- Còn cô gái trẻ này? Tại sao lại cỡi trên lưng hổ? 

- Đáng lý anh cho cô ấy cỡi voi – Thành cười, nửa đùa nửa thật – những gì cô ấy đã trải qua, đã làm, không phải ai cũng làm được. Nguy hiểm và mạo hiểm. Còn một người đàn ông nữa, em có thấy không? ...Là cha của cô bé. 

Thành đưa tay chỉ bóng người đàn ông đang gác một tay lên gốc cây to bên đường và gục đầu lên đó, cánh tay còn lại buông thõng, vẫn còn đó chiếc còng ở cổ tay. Có chút gì bất lực, không cam tâm, sự đau khổ, và chịu đựng… được thể hiện rõ ở đôi vai chùn xuống. 

Rõ ràng trời đang nổi cơn dông. Và họ, những người phụ nữ tưởng chừng yếu đuối lại đang dấn thân đi trên con đường hun hút không điểm dừng mong tìm thấy tia sáng ấm áp đâu đó đằng xa. Còn những người đàn ông – những linh hồn với nỗi bi oan không thốt nên lời, giờ chỉ có thể là những chiếc bóng lặng thầm bên cạnh người thân. 

Những tên sát nhân khoác lên người bộ sắc phục, chúng có quyền, có thế, và có cả những ô dù chở che phía sau. Cán cân bị lệch, ai có thể đứng ra trả lại công bằng cho người bị hại. 

Thùy cảm thấy khó thở. Thành đã vẽ quá xuất thần, nhưng chuyện gì sẽ đến khi bức tranh được trưng bày, cô cảm thấy bất an. 

- Ích gì hả anh? Chuyện xảy ra cũng đã xảy ra, sao không nhìn về phía trước mà tiếp tục sống. 

Thành nhìn sững vợ, như không tin vào những gì đang nghe. Trong phút chốc, anh tự hỏi người phụ nữ này là ai, tại sao nhìn anh bằng ánh mắt của Thùy, tại sao cất lên tiếng nói bằng giọng của Thùy. 

- Nếu là em, em có đi con đường đó không? 

- Anh đừng nói gỡ… 

Thùy khẽ nhăn mặt trách chồng. 

Thành lảo đảo quay lưng bước ra khỏi phòng tranh. Nơi đó chợt lạnh quá. 

-- 

Người đàn ông với bộ dạng sang trọng bước vào phòng tranh khi Thành thu dọn món đồ cuối cùng, chuẩn bị đóng cửa. Có lẽ đây là vị khách cuối cùng của ngày. Anh mỉm cười gật đầu chào. Ông ta chào đáp lễ, chậm rãi đi lướt qua các bức tranh và dừng lại ở bức treo nơi cuối phòng – anh đã đặt tên “Công Lý”. Không có gì ngạc nhiên, bức tranh đã nhận được sự chú ý nhiều nhất suốt 2 ngày qua, nhiều người tìm đến chỉ để xem nó. 

- Bức tranh tiêu cực quá! Sao anh không vẽ về ánh sáng của sự bao dung, tha thứ? Sao anh biết là linh hồn đó vẫn còn ở trần gian? Sao anh không nghĩ là họ đã siêu thoát? 

Thành cười, cho hai tay vào túi, khẽ đưa mắt nhìn gương mặt căng mọng của người đàn ông bên cạnh, và quay nhìn bức tranh. 

- Nếu có cơ hội vẽ lại lần nữa, tôi cũng sẽ vẽ như vậy. 

- Có vài điều không nên nói trắng ra. Có lẽ anh đoán được tôi là ai. 

Bây giờ thì Thành có thể khẳng định được người đối diện thuộc “tầng lớp” nào, qua phong thái và cách nói chuyện kẻ cả. Thành gật gù. 

- Bây giờ tôi trả lời 3 câu hỏi của anh. Một, dù cho là thánh, họ cũng cần câu trả lời rõ ràng về cái chết của những người thân nhất, trước khi quyết định có tha thứ hay không. Hai và ba, tôi không biết họ còn ở đây không, nhưng rõ ràng, sự oan khuất chưa được giải, thì oán khí chưa tan. Đó là suy nghĩ của riêng tôi. Anh có quyền đồng ý, hoặc không, đó là tự do của mỗi người. 

- Đừng lạm dụng cụm từ đó, khi nó có thể gây xáo trộn không nhỏ. Đáng lý các anh phải biết trân trọng cuộc sống không chiến tranh, được hít thở bầu không khí yên bình như hiện nay… Tại sao anh cười? 

- Tôi cười… buồn đó. Không hiểu trông tôi thế nào, mà anh nói với tôi như một đứa trẻ nhỏ. Tôi trân trọng cuộc sống không tiếng súng, nhưng có yên bình không, còn tùy vào cảm nhận của mỗi người. 

- Không một xã hội nào có thể làm vừa lòng tất cả dân chúng. Bất bình đẳng thì đâu cũng có. Quan trọng là chúng ta nhìn nó như thế nào. 

Thành lại cười. 

- Ở đây mỗi bức tranh kể cho anh nghe về số phận của một, hai hay nhiều người. – Thành vừa nói vừa đưa tay chỉ quanh các bức tranh trong phòng. – Nhưng tôi tin chưa phải tất cả. Con người khi sinh ra vốn đã không bình đẳng. Có thể anh được sinh ra trong một gia đình giàu có, hoặc không; thông minh, hoặc không; có thân hình toàn vẹn, hoặc không… những điều đó, vì không thể thay đổi, ta đành chấp nhận. Nhưng mỗi sinh mạng đều đáng quý như nhau. Một ông thủ tướng không thể ỷ thế mà tự cho phép mình có quyền giết chết bà bán rau, khi bà ấy là người vô tội. Khi một người vô tội (hoặc can tội không đáng bị xử tử hình) bị hại, tất nhiên kẻ giết người (bất kể là ai) phải chịu sự xét xử của tòa án, anh có đồng ý không? 

- Tất nhiên, chúng ta có luật pháp hẳn hoi. 

- Vậy thì anh nói thử xem, tôi lấy một ví dụ nhỏ thôi, 3 người phụ nữ trong bức tranh này, họ có quyền đi đòi công lý cho người thân của mình không? 

- Hồ sơ của họ đang được chờ giải quyết. Mọi người càng làm lớn chuyện càng bất lợi cho họ, đừng để kẻ xấu lợi dụng cơ hội… 

- Kẻ xấu nào đó không rõ, tôi chỉ biết có những kẻ đang lợi dụng bộ đồng phục của mình để giết người, và chưa được xử lí thỏa đáng… Bảo vệ chế độ, sao lại chọn cách phức tạp nhất là bịt mắt, bịt miệng tất cả người dân, mà không cho họ thấy được cái tốt thực sự của chế độ, không phải những lời ma mị. Sao không cho họ thấy cái không khí yên bình này, tất cả mọi người có quyền hít thở ngang nhau, chứ không phải đột nhiên bị tắt thở giữa chừng mà không biết lí do. Sao không cho họ thấy sự công bằng của chính tòa án, nơi mà tất cả mọi người bình đẳng như nhau? 

- Đủ rồi… anh nói hay lắm, nhưng chính trị không đơn giản như anh nghĩ. Các bức tranh của anh rất đẹp, nhưng không thích hợp trưng bày vào thời điểm nhạy cảm này. 

Thành mím chặt môi nén cơn giận. 

- Thú thật, tôi không sao hiểu được từ “nhạy cảm” của các anh. Chúng ta hãy gọi đúng tên mỗi sự việc, thế là đủ… Nếu tự thân những trức tranh của tôi không có giá trị, không được đón nhận, hoặc không thích hợp thì sau cuộc triển lãm này nó tự khắc bị quên lãng, anh cần gì phải phí sức với tôi? 

- Có phí sức hay không, đó là chuyện của tôi, và quyền quyết định, cũng nằm ở tôi. 

- Càng làm lớn chuyện, có khi anh giúp tôi nổi tiếng hơn đấy! 

Người đàn ông nhếch môi cười gằn và bước nhanh ra khỏi cửa. 

-- 

Thùy dừng tay trên bàn phím, nhấn nút xóa những dòng vừa gõ. Cô ngã người ra sau ghế, thấy bất an trước sự nổi tiếng của chồng. Những tác phẩm của anh đã nhanh chóng nhận được sự chú ý sâu rộng cả trong và ngoài nước. Đặc biệt là ngoài nước. Cô tự hỏi khi nhà cầm quyền đọc được những đánh giá, phát biểu xung quanh các tác phẩm đó, họ sẽ nghĩ gì. Họ có gán anh vào thành phần phản động, bôi nhọ chế độ không? 

Cô khẽ giật mình khi cảm nhận đôi bàn tay đặt lên vai mình, nhưng nhanh chóng tự trấn an, bởi sự ấm áp, mạnh mẽ đó không ai ngoài Thành có thể mang đến cho cô. Những lúc thế này, sự hiện diện của anh luôn khiến cô vững tâm. Chính tình yêu giữ họ ở cạnh nhau, dù cho những bất đồng không ít lần diễn ra. Ai đúng, ai sai không phải là những câu hỏi cuối cùng họ đặt ra để kết thúc vấn đề, mà là tình yêu dành cho nhau có còn không. 

Thùy vòng tay nắm lấy tay chồng. Thành bước đến ngồi tựa vào bàn nhìn vợ, một tay nhẹ vuốt má cô. 

- Mệt thì đi ngủ sớm đi em. 

- Anh hết giận em rồi hả? 

Thành cười. 

- Anh có giận em? 

- Có… hôm kia anh bỏ đi một nước. Hai hôm rồi anh về mà không nói tiếng nào với em. 

- Không phải anh giận em… mà vì anh đang gặp khó khăn… 

Thùy hơi chồm người về trước khi linh tính mách bảo điều gì đó không ổn. 

- Chuyện gì hả anh? 

- Họ gây áp lực để Tiến lấy lại ngôi nhà gỗ đang cho anh mượn làm triển lãm. 

- Anh Tiến nói sao? 

- Nó bảo chuyện đó lo được, nhưng anh vẫn không yên tâm, sợ liên lụy không hay đến nó. 

- Chỉ cần gỡ bức tranh đó xuống là được phải không anh? 

- Không đơn giản thế đâu em. Giờ họ nhìn đâu trong tranh của anh cũng có vấn đề. 

Thùy nhíu mày phân vân trong chốc lát, nắm lấy bàn tay chồng siết chặt. 

- Mình có thể kết thúc triển lãm trước 2 ngày không anh? 

Cô cảm thấy tay chồng khẽ run một cái rất nhẹ trong tay mình. Anh rút tay ra khỏi tay vợ và bước ra băng ghế ngoài hiên, nhìn khoảng trời tối mịt. 

- Lùi một bước sẽ thấy trời cao, biển rộng, anh hiểu ý em không? 

Thành nhìn sâu vào mắt vợ, anh thấy được sự quan tâm và yêu thương. Hơn ai hết, anh hiểu cô lo lắng cho anh biết chừng nào. 

- Ở đây không phải nhường bước hay không, mà là nguyên tắc sống. Những bức tranh là sinh mạng của anh. Và hơn nữa, chúng có đời sống riêng. Anh không thể vì sợ hãi mà bóp chết chúng. Như thế không công bằng… Nếu lúc này, anh không đấu tranh cho quyền được sáng tác của mình, thì tương lai anh sẽ vẽ cái gì? 

- Anh, nghe em, có những thứ ta tránh đề cập đến, không phải do sợ hãi, mà là sự khôn khéo. Ví như, em không muốn bẻ cong ngòi viết khi đề cập đến những vấn đề nhạy cảm, thì em lách sang một đường mới, chẳng hại ai, lương tâm cũng không cắn rứt… 

- Sợ hãi hay khôn khéo, tự bản thân mỗi chúng ta biết rất rõ. Cuộc sống với những gam màu khác nhau, người chọn vẽ màu hồng ấm áp, xanh hi vọng… nhưng những gam màu xám, đen cũng đâu thể thiếu.Với những điều em viết, có lúc anh ủng hộ, có lúc không, nhưng cơ bản là anh tôn trọng quyền lựa chọn của em… Vậy còn em, em có thể cho anh điều đó không? 

Cô đã tôn trọng anh chưa? Cô nghĩ rằng có, nhưng câu hỏi của anh không đơn thuần là câu hỏi, nó tựa như lời trách. Nó khiến cô thấy đau. 

Thành thở dài đứng lên bỏ ra ngoài. Cô ngồi lặng nhìn dáng chồng cho đến khi khuất hẳn sau cánh cổng rào. Anh ấy đi đâu vào lúc giữa đêm thế này? Đến phòng tranh? Hay chỉ đơn giản muốn tìm một chốn nào đó tránh mặt cô? Đây là lần thứ hai trong tuần, Thành bỏ đi như trốn chạy. Phải chăng cô đã trở nên xa lạ với anh? Nếu không chấp nhận thay đổi để khôn khéo hơn, làm sao có thể duy trì gia đình này? Những bức tranh của anh quá kén người mua… đâu phải anh không biết. Lý thuyết và thực tế khác nhau nhiều lắm. Anh không biết mình đang sống ở đâu sao? 

-- 

Thành cho hai tay vào túi quần, thong thả bước về hướng phòng triển lãm. Giờ bình tĩnh lại, anh cảm thấy có lỗi với vợ. Những vất vả mà Thùy đang gánh trên vai, anh biết lắm. Anh không đủ tư cách trách vợ, khi chưa thể đảm đương trọn vẹn trách nhiệm của một người chồng. Anh chưa bảo Thùy, vài bức tranh đã được đặt mua với giá rất cao. Mỗi bức tranh sẽ bắt đầu cuộc hành trình mới của nó, sẽ tìm được người hiểu và yêu quí nó. Đó chính là hạnh phúc của người cầm cọ. 

Dòng suy nghĩ bị cắt ngang khi Thành bị một bóng đen vội vãi từ hướng ngược lại đâm trúng. Cả hai bị ngã mạnh về sau, đôi mắt của bóng đen hằn lên những tia lửa đỏ đáng sợ, hắn dợm người ngồi dậy trước và lao đi. Thành chống một tay xuống đất để lấy thế đứng lên. Nhưng cảnh tượng trước mắt khiến anh lặng đi trong giây lát. 

- Không!!! 

Tiếng hét vang lên đau đớn như xé nát màn đêm. Anh chạy băng băng về phía đám lửa, tông mạnh cánh cửa và lao thẳng vào trong. Chúng là sinh mạng của anh. Anh cuống cuồng tháo những bức tranh khỏi tấm vách, quơ vội những bức tranh trên bàn, và lao ra ngoài. Lửa đang thè chiếc lưỡi nhám nhúa của mình liếm khắp nơi. Anh cứ lặp đi lặp lại những hành động đó như quán tính. 

Dân trong những ngôi nhà xung quanh đang ùa ra, réo gọi nhau. Họ chạy đi tìm mọi thứ mong có thể phụ anh dập tắt ngọn lửa. 

Người của anh sạm đen vì khói, anh thở nặng nhọc khi buông những bức trên tay xuống chồng tranh ngổn ngang dưới đất. Không hiểu vì sao, nước mắt tự dưng lăn dài xuống má. Anh đã cứu được chúng. Những giọt nước mắt…Anh quay phắt người nhìn về đám cháy… 

- Anh điên à? Anh không thấy lửa đang cháy mạnh sao? 

- Mặc kệ tôi! 

- Anh không được vào… 

Người đàn ông cố giữ anh lại. Anh quay nhìn anh ta bằng ánh mắt thẩn khiết: 

- Nó là sinh mạng của tôi! 

Anh vùng mạnh tay chạy vào biển lửa. 

-- 

Thùy khẽ chạm vào từng bức tranh nơi phòng vẽ của chồng. Chúng là sinh mạng của anh. Anh vẫn luôn bảo thế. Và bây giờ cô tin, bởi cô cảm nhận được sự hiện diện của anh đâu đó trong căn phòng này. Cô dừng lại ở bức tranh “Công Lý”. Người đàn ông xa lạ đã trao tận tay nó cho cô. Ông ta bảo, khi biết không thể thoát khỏi cái lưỡi khát máu của đám lửa, anh đã quăng bức tranh ra xa nhất có thể, anh chết vì bức tranh này. Không, không hẳn thế, anh chết vì muốn bảo vệ sự thật. Cô biết anh không bao giờ hối hận, cho đến hơi thở cuối cùng. 

Cô tôn trọng quyết định của anh. Công Lý đã không bị thiêu rụi trong đám cháy đó! 

Rồi đây, người ta sẽ trưng ra vài bằng chứng cho thấy phòng tranh bị cháy do tai nạn. Không phải sự thật. Không phải một mình cô biết sự thật đó. Tuy vậy, sẽ có nhiều người chấp nhận “sự thật” mới, bởi vì cho rằng mình không liên quan, như cô ngày trước, có xa xôi gì đâu, chỉ cách vài ngày… 

Anh đã hỏi cô “Em sẽ đi con đường đó không?”, cô nhắm mắt lại để dòng nước mắt tự do lăn dài trên má, cô nắm chặt bức tranh “Công lý” thì thầm trả lời anh "Em sẽ!”. 



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo