Phát ngôn Tuần Việt Nam: Tay, chân và... cái đầu - Dân Làm Báo

Phát ngôn Tuần Việt Nam: Tay, chân và... cái đầu

Kỳ Duyên (Tuần Việt Nam)Chỉ khổ cho ông già Ozone - TS Vật lý Nguyễn Văn Khải. Lọ mọ xách dung dịch Anolyte vào Ninh Thuận chữa bệnh cho trẻ em. Và mặc dù được ghi nhận một số trẻ mắc bệnh TCM tại Ninh Thuận đã lui bệnh sau khi dùng nước Ozone, nhưng Bộ Y tế vẫn không đồng ý. Bệnh TCM ở Ninh Thuận chưa lui, thì ông già Ozone đã phải... lui, trước cái mà nhiều người gọi đích danh - sự tự ái của Bộ Y tế....

Tay chân và... miệng

Giữa bao chuyện bộn bề của người lớn, Phát ngôn Tuần Việt Nam tuần này xin chọn đề tài con trẻ. Một chuyện chữa bệnh thể chất, một chuyện "chữa" bệnh tâm hồn.

Khởi đầu là chuyện bệnh tay chân miệng. Căn bệnh đang hoành hành ở cả 63 tỉnh, t/p cả nước với gần 90.000 người mắc, gần 150 em bé dưới 5 tuổi đã tử vong ở 27 tỉnh, t/p, tính đến thời điểm này.

Mới đây (16/11/2011) ViệtNamNet có bài "Bệnh tay chân miệng và câu hỏi với Bộ Y tế"

Câu hỏi đó là vì sao bệnh TCM hoành hành dữ dội trên khắp nước, nhưng Bộ vẫn quyết định...làm thinh? Để ít ra, xã hội nhận thức rõ hơn về mức độ nguy hiểm cũng như dành sự quan tâm và đầu tư nhiều hơn nữa cho công tác phòng chống dịch này của ngành.

Gõ Google, mới thấy TCM khá "thân" với con người. Thế giới đã từng công bố các đợt dịch (chỉ tính các dịch có số lượng lớn)

1997: 31 trẻ em đã chết trong một ổ dịch ở bang SarawakMalaysia.

1998: Một ổ dịch ở Đài Loan, có 405 ca biến chứng nặng, và 78 em bé đã chết

2007: Ổ dịch lớn nhất của bệnh TCM tại Ấn Độ xảy ra ở phía Đông của đất nước (Tây Bengal). Có 38 trường hợp mắc bệnh.

2008: Dịch bùng phát ở Trung Quốc, (tháng 3) tại Phụ Dương, An Huy, có 25.000 người mắc bệnh, và 42 người chết. Nhiều đợt dịch tương tự: Singapore (hơn 2.600 người- tháng 4), Việt Nam (2.300 người, 11 người tử vong), Mông Cổ (1.600 người), và Brunei (1.053 người- tháng 6 đến tháng 8)

2009: 115.000 người ở Trung Quốc mắc bệnh (tháng 1 đến tháng 4), 773 người bị nặng và 50 người đã tử vong.

2010: Một ổ dịch xảy ra ở Khu tự trị tỉnh Quảng Tây, Quảng Đông, Hà Nam, Hà Bắc và Sơn Đông (Trung Quốc), 70.756 trẻ em mắc bệnh và 40 người chết vì căn bệnh này.

Nếu so với số lượng người đã mắc, và tử vong vì bệnh TCM mà thế giới đã công bố, thì số trẻ mắc bệnh và tử vong vì bệnh TCM hiện nay ở Việt Nam không hề nhỏ. Thậm chí rất lớn.

Tìm hiểu nữa mới biết, TCM thuộc bệnh truyền nhiễm nhóm B. Do thẩm quyền Chủ tịch các UBND các địa phương công bố. Và chỉ khi có hai địa phương trở lên công bố có dịch, Bộ Y tế mới Bớ làng...bớ nước...

Ngày 4/11/2011, Ninh Thuận là tỉnh đầu tiên của cả nước công bố có dịch TCM. Ngay lập tức, được báo chí gọi là hành động dũng cảm.

Thực ra, cũng phải khi không kiểm soát nổi, mức độ trẻ mắc bệnh tăng gấp 23,7 lần so với năm trước, Ninh Thuận mới chấp nhận công bố dịch. Nhưng vẫn cứ được tôn vinh là dũng cảm. Dũng cảm vì... không còn thể dấu và kiểm soát được nữa.

Trong khi đó tại Quảng Ngãi, số trẻ tử vong đã là 5 em, tỉ lệ mắc bệnh cao gấp 45 lần so với cùng kỳ năm trước. So với các điều kiện y tế, môi trường sống, Quảng Ngãi khó khăn bội phần, nhưng dứt khoát Chủ tịch tỉnh kiểm soát được... cái sự phát ngôn, lấy im lặng là... vàng.

Bệnh tay chân miệng. Căn bệnh đang hoành hành ở cả 63 tỉnh


Chỉ khổ cho ông già Ozone - TS vật lý Nguyễn Văn Khải. Lọ mọ xách dung dịch Anolyte vào Ninh Thuận chữa bệnh cho trẻ em. Và mặc dù được ghi nhận một số trẻ mắc bệnh TCM tại Ninh Thuận đã lui bệnh sau khi dùng nước Ozone, nhưng Bộ Y tế vẫn không đồng ý. Bệnh TCM ở Ninh Thuận chưa lui, thì ông già Ozone đã phải... lui, trước cái mà nhiều người gọi đích danh- sự tự ái của Bộ Y tế. Dù không ai khẳng định Anolyte chữa khỏi hoàn toàn bệnh TCM.

Cái nước mình nó thế! Cố GS Hoàng Ngọc Hiến không ngờ câu nói hóm của ông trở thành châm ngôn hiện đại, mang tính phổ quát!

Còn vì sao Quảng Ngãi mắc "bệnh" im lặng? Liệu đó có phải là triệu chứng bên ngoài của căn bệnh thành tích không? Chỉ Quảng Ngãi mới tự trả lời được

Người ta vẫn bảo, im lặng lại là cách nói rõ nhất đó!

Cổ tích và thước đo lịch sử

Còn "chữa bệnh" tâm hồn là câu chuyện sửa cái kết của cổ tích Tấm- Cám, một cổ tích tiêu biểu mà người Việt nào cũng nhớ, đã gây ra sự tranh luận náo nhiệt, hoặc ủng hộ hoặc phản đối.

Nếu trước đây, cô Tấm thảo hiền chặt Cám- cô em mình làm mắm, rồi gửi về cho dì ghẻ, mẹ đẻ của Cám ăn, thì nay, Tấm đào hố, lừa Cám xuống và dội nước sôi (!) Một cái kết, mà theo tác giả Hà Văn Thịnh trong bài "Viết lại truyện cổ tích, tại sao không?" là sự dã man chẳng kém gì nhau.

Đúng là dã man chẳng kém gì nhau. Thậm chí sự dã man sau, cách tính toán còn thâm độc hơn. Đó là độc ác đi kèm lừa dối.

Trước đó, ngày 14/11/2011, bài viết của tác giả Nguyễn Văn Toàn, cũng trên Tuần Việt Nam lại cho rằng, nếu sửa cái kết của Tấm Cám, thì điều đó làm méo mó cái nhìn thời đại.

Người viết bài chợt nhớ cách đây ít lâu, nhà thơ Bùi Hoàng Tám có bài thơ khá hay: Về đi - Vọng phu!

Lòng chung thủy trở thành nhảm nhí
Trước thiêng liêng số phận một con người


Về đi - Vọng phu!
Mọi hi vọng đều qua rồi
Người đi không thể về được nữa
Về đi em
Trời quê mình vốn nhiều giông gió
Em và con mỏng manh chống trả thế nào!?

Về đi em
Người đời yêu nhau người ta chờ nhau
Dẫu là đá
Dẫu không còn là đá
Nhưng con em trên tay em đang đói lả.

Em hóa đá vì chồng
Con hóa đá vì ai?
Em hóa đá vì chồng
Con
Hóa
Đá

Ai...!?

Bài thơ đã khiến bao người yêu thơ, yêu cổ tích Nàng Vọng phu đồng cảm. Bởi cho rằng, đó là cách nhìn mới về một sự hy sinh vô ích, thậm chí ở đây lòng chung thủy trở thành nhảm nhí.

Nhưng người viết bài, khi đó quan niệm rằng, cảm thương và khuyên nhủ nàng Vọng phu, nhà thơ quên mất một điều, sự tích dân gian bao giờ cũng là con đẻ của một nền triết luận, luân lý, thậm chí là khoa học kỹ thuật...của thời đại ấy, dù còn rất sơ khai.

Nàng Vọng phu là sản phẩm của giáo lý một thời xưa cũ, khi xã hội Việt Nam ảnh hưởng rất nặng tư tưởng Nho giáo, Khổng giáo. Người đàn bà phải tam tòng tứ đức- có chồng phải theo chồng. Chồng bỏ đi xa thì nàng bồng con chờ đợi.

Chờ mãi. Đợi mãi. Đến hóa đá. Nàng hóa đá và con tim của nàng có lẽ cũng hóa đá. Nhưng nàng vẫn chờ. Hóa đá là "lẽ phải của đạo lý" thông thường ở thời của nàng.

Và ở phương diện đó, tình yêu của nàng không có tội, không hề nhảm nhí. Còn đứa con dứt ruột, mẹ là tất cả của nó. Nó cũng hóa đá vì tình yêu bi thương của mẹ dành cho cha nó.

Chẳng riêng gì phương Đông, phương Tây cũng có K. Simonov đó thôi: Em ơi, đợi anh về. Đợi anh hoài em nhé. Mưa vẫn rơi dầm dề. Ngày có dài lê thê. Thì em ơi, em cứ đợi.... Nàng Vọng phu của nhà thơ nước Nga liệu có chịu hóa đá? Hay đó chỉ là chỗ gặp nhau trong thi ca, trong cổ tích phương Đông- phương Tây?

Khi khuyên nhủ Nàng Vọng phu trở về, chính là nhà thơ nhìn Nàng Vọng phu xưa cũ bằng con mắt của thời đại mới, của triết học mới, tư tưởng mới. Thời mà bản ngã cá nhân lẫn quyền con người, nhất là người đàn bà được tôn trọng, được giải phóng.

Thì sẽ chỉ thấy cái vô lý của sự hóa đá, cái hạn chế của nàng mà ko nhìn thấy đó là sự hạn chế của cả một thời đại.

Cho dù là nhân ái, nhà thơ đã đem cái thước đo của thời hiện đại, để đo quá khứ. Nhưng hai thời đại khác nhau một tầm lịch sử.

Tấm Cám được bồi đắp, có nhiều dị bản, nhưng cái kết vẫn giống nhau- đó là sự trừng phạt cái ác một cách nghiêm khắc nhất.

Cũng vậy thôi, nếu bây giờ người ta đo cái hành động trả thù của cô Tấm trong truyện cổ tích vốn đa tầng, đa nghĩa, bằng cái nhìn của tư duy và luật pháp hiện đại, sẽ không cảm nhận hết đó chính là thông điệp cao nhất của nhân gian trong xã hội tiểu nông.

Họ yếm thế, phẫn nộ nên gửi gắm vào cổ tích, mong muốn sự công bằng xã hội, theo triết lý nhân sinh phải rạch ròi, sòng phẳng "có ơn trả ơn, có oán trả oán". Và phải trả oán bằng sự trừng phạt cao nhất- làm mắm! Đó là sự giải tỏa cao nhất sự căm phẫn cái ác.

Cổ tích có thân phận của nó, có tưởng tượng, có hư cấu, nhưng luôn gắn với hoàn cảnh lịch sử khách quan. Trải qua bao biến thiến, đời này đời khác, Tấm Cám được bồi đắp, có nhiều dị bản, nhưng cái kết vẫn giống nhau- đó là sự trừng phạt cái ác một cách nghiêm khắc nhất.

Hành động của Tấm khi trả thù Cám, không còn là hành động của một cá nhân, một cô chị với một cô em. Nó là xử lý của luật pháp đương thời. Và dưới cái nhìn hiện đại ngày nay, nó có phần man rợ, mang tính lề thói, lệ làng. Khiến cho giữa thời hiện đại, con người ta vẫn không thôi tranh luận về quá khứ, về cổ tích. Nhưng mông muội và văn minh, là hai thước đo khác nhau của hai thời đại.

Đừng sợ con trẻ bị nhiễu loạn, không phân biệt nổi giá trị Thiện- Ác. Hãy sợ xã hội chúng ta đang bị nhiễu bởi những thang bậc giá trị trắng đen. Vì cổ tích chỉ là ký ức, là di sản phi vật thể, còn xã hội là hiện tại, và những cái xấu, cái ác- tiếc thay luôn là "di sản vật thể" nhãn tiền.

Cũng đừng sợ con trẻ không biết phản biện phải trái, đúng sai. Mà hãy sợ các em chỉ học và sống kiểu thụ động. Để khi lớn lên, trước bất công phi lý cũng chỉ biết hành xử như trong câu chuyện cổ tích hiện đại mới đây: Từ đó, đến người "hiền tài" cũng im lặng..... ("Ba câu chuyện hiền tài",Tuần Việt Nam, 13/11/2011).

Nếu cái kết cổ tích, về phương diện nào cũng gây tranh cãi, xin hãy coi như tài liệu tham khảo, đọc thêm, không phải SGK chính khóa. Sự thấu thị hay giải mã cổ tích Tấm- Cám chắc chắn không bao giờ có một cách hiểu duy nhất đúng. Vì thế khó có cái kết cuối cùng.

Còn nếu cứ sửa Tấm- Cám, với cái đầu của con người hiện đại và mang tính chủ quan, có bao cổ tích sẽ phải sửa? Như Nàng Vọng phu sửa bằng cách ...nung vôi. Như cô Tấm, thay cho việc làm mắm em gái, lại lọc lừa, đẩy em gái xuống hố và đổ nước sôi? Hay sửa xong, mỗi truyện là một kết cục đầu Ngô, mình Sở?

Cái gì cổ tích hãy trả cho cổ tích. Cái gì là lịch sử khách quan, trả lại cho lịch sử khách quan. Đừng nâng cổ tích trầm trọng như chuyện lịch sử, phải "đánh giá lại", cũng đừng coi thường lịch sử, để viết lịch sử như ...cổ tích.

Nếu không, đến lượt hậu sinh, cũng sẽ "đánh giá lại" chính chúng ta.




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo