Vì sao họ không đến (Phần VII): Thư ngỏ gửi Quốc Hội 13 - Dân Làm Báo

Vì sao họ không đến (Phần VII): Thư ngỏ gửi Quốc Hội 13

Nhà Báo Nguyễn Thượng Long (danlambao) - 500 vị ĐBQH... những bấu víu cuối cùng và duy nhất của cử tri chúng tôi, mong sao các quý vị hãy làm hết sức mình để không một lần nữa lại tái diễn những câu nói có dạng: “Đây là chủ trương lớn của Đảng” Và “Không phải cái gì cũng phải đưa ra Quốc Hội”…mà người dân chúng tôi đã một lần được nghe trong vụ Bauxite mà ông Nông Đức Mạnh đã mang về cho dân cho nước hồi nào và chúng tôi không muốn thấy các quý vị một năm đi họp 2 lần theo kiểu “Hoan hô xong, tất cả lại về!”...

*
“Dành cho 500 vị ĐBQH khoá 13”(NTL) 

Kính Thưa Quốc Hội 13 CHXHCNVN! 

Thưa các vị Đại Biểu Quốc Hội! 

Trong bài viết: “Vì sao họ không đến (Phần VI) – Bài Học Đơn Nguyên”, tôi đã viết: 

“Chuyến đi Trung quốc vừa qua của ông Nguyễn Phú Trọng, có thể đại đa số nhân dân vẫn là thờ ơ, thì cũng vẫn có người trong và ngoài nước đã lên tiếng. Người thì bảo đã run bắn cả người lên vì lo lắng, vì tức giận (!?), rồi thắc mắc “Tầm cao chiến lược là cái chi chi!”…(!?) 

Mẹ Nấm” thì bức xúc vì thấy vai trò của Quốc Hội là chẳng ra gì & Điều 84 của Hiến Pháp đã bị ông Trọng coi thường là vi phạm Pháp Luật. Hội đàm Việt – Trung mà lại lờ tít cái “Lưỡi Bò” liếm mất 80 – 85 % Biển Đông, lờ tít vụ Hoàng Sa – Trường Sa thì không thể chấp nhận được & “Mẹ” thổn thức: Mất nước rồi! 

Ông Dương Danh Dy, một cán bộ lâu năm của ngành Ngoại giao, nguyên Tổng Lãnh Sự Việt Nam tại Quảng Châu đã bầy tỏ với BBC về quy mô lớn không bình thường của đoàn Việt Nam và cả đoàn Trung Quốc trong lần gặp gỡ này là có chủ định chứ không phải là vô tình. Theo ông Dy, những văn kiện 2 bên đưa ra là chỉ nhằm mục đích làm tình hình Biển Đông & bức xúc của người Việt Nam yêu nước lắng dịu đi, có lợi cho Trung Quốc còn ĐCS Việt Nam một lần nữa mất điểm trước nhân dân. Ông Dy cũng cảnh báo: Trung quốc là không thể tin được, năm 1978 ông Lê Duẩn cũng dẫn một đoàn rất hùng hậu đi Trung Quốc cùng với họ nói toàn những chuyện hữu nghị răng môi Hoàng Hà – Cửu Long… ấy vậy mà tháng 2 – 1979 Trung Quốc vẫn bất ngờ dậy cho Việt Nam một bài học nhớ đời. 

Tác giả Phạm Trần thì quả quyết, khi vồ vập với “Hợp tác cùng khai thác”, Nguyễn Phú Trọng đã mắc bẫy của Tầu rồi. Tiến Sĩ Vũ Cao Phan – Chuyên Gia có uy tín về quan hệ Việt – Trung, Phó chủ tịch hội hữu nghị Việt Trung cảnh báo mọi người rằng: “Gác lại tranh chấp để cùng khai thác…” là miếng mồi chết người của TQ đấy. Câu nói đó là 1/2 câu trăng trối của Đặng Tiểu Bình cho hậu thế trước khi ông ấy giã từ trần thế. Câu đầy đủ của họ Đặng là: “Chủ quyền là của ta (Trung Quốc) – Gác lại tranh chấp để cùng khai thác”, khai thác hết tài nguyên rồi thì còn lại là chủ quyền của Trung quốc. 

Cựu Đại Tá Lê Hồng Hà – Nguyên chánh văn phòng Bộ Công an, nguyên uỷ viên Đảng Đoàn Bộ Công An khi trò chuyện với tôi thì rất quan ngại về tính chính danh của đoàn ông Nguyễn Phú Trọng. Ông bảo: Vì sao 1991, Đặng Tiểu bình không thèm tiếp Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười ở Bắc Kinh mà hạ nhục 2 ông này ở Thành Đô, mà nay giữa Bắc Kinh Hồ Cẩm Đào lại đón Nguyễn Phú Trọng với nghi lễ đón Quốc Trưởng, đón Tổng Thống, đón Nguyên Thủ. Ông Hà đặt ra câu hỏi: 

“Ông Trọng đại diện cho một đảng chính trị hay là đại diện cho Nhà Nước? Nếu là đại diện cho ĐCS VN thì thành phần của đoàn sẽ là các ban ngành của đảng chứ sao lại quy tụ 4 UVBCT + 1 Phó thủ tướng + 6 Bộ Trưởng + 1 Thứ Trưởng… Tất cả là 7 Bộ của Chính Phủ… Như vậy nên hiểu đoàn đi Trung Quốc của ông Trọng sẽ mang danh đoàn của Đảng hay đoàn Nhà Nước! hay là cả 2(!?) (Hết trích)” 

Nay dư âm của chuyến đi đó vẫn đang tiếp tục thu hút sự quan tâm của nhiều nhân vật khả kính trong và ngoài nước như: 

Hoà Thượng Thích Quảng Độ (GHPGVNTN), trong Thư Ngỏ gửi ông Nguyễn Phú Trọng đã bầy tỏ những nỗi bức xúc của mình khi không thấy nhà lãnh đạo ĐCS Việt Nam đưa vấn đề biển đảo Việt Nam bị Trung Quốc đe dọa thôn tính ra các diễn đàn quốc tế và khu vực, không thấy sự đề cao đối thoại đa phương, không thấy lãnh đạo ĐCS Việt Nam làm gì để đoàn kết Asean thành đối trọng trước tham vọng vô độ của phía Trung quốc. Nhà lãnh đạo GHPGVNTN còn bầy tỏ nguyện vọng muốn được thấy ông Trọng dũng cảm đặt lên bàn đàm phán tất cả những gì không phải mà phía Trung Quốc đã dành cho nhân dân Việt Nam như: “Lưỡi Bò 9 đoạn”, vụ cưỡng chiếm Hoàng Sa 1974, cưỡng chiếm đảo Gạc Ma 1988, 2 lần cắt cáp tầu của Việt Nam trong vùng biển Việt Nam, cướp bóc,bắt bớ, đánh đập ngư dân Việt Nam trên vùng biển của Việt Nam, cùng thái độ phớt lờ cam kết DOC 2002 mà Trung Quốc đã ký. Cuối cùng, Hoà Thượng Thích Quảng Độ muốn biết, ngoài những câu chữ rất trừu tượng như: “Những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo…”, “…gác lại tranh chấp, cùng khai thác chung”…thì nhà lãnh đạo ĐCS Việt Nam đã thực sự đưa ra những kế sách gì để bảo toàn chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo của đất nước mình? 

Thiếu Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, nguyên Đại Sứ CHXHCNVN tại Trung Quốc nhiều năm lại bầy tỏ sự không yên tâm, không hài lòng của mình về Tuyên Bố Chung sau chuyến đi Trung quốc vừa qua của ông Nguyễn Phú Trọng theo hướng khác. Theo Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, phía Trung Quốc chủ động soạn sẵn, phía ta chỉ việc thêm thắt chút đỉnh nên văn bản đó rất không ổn, là nói một đàng làm một nẻo, thậm chí dối trá, có lợi cho Trung Quốc và bất lợi về phía ta. Cuối cùng Thiếu Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh bầy tỏ nguyện vọng rất muốn được lãnh đạo ĐCS Việt Nam minh bạch những nội dung còn mập mờ để toàn dân được biết sự thật đúng theo tinh thần “Dân Biết – Dân Bàn – Dân Kiểm Tra” như: 

- “Thực hiện kế hoạch hợp tác giữa ĐCS Việt Nam và ĐCS Trung Quốc trong giai đoạn 2011 – 2015”…vậy nội dung hợp tác là hợp tác cái gì? mục đích hợp tác là những gì? 

- “…phù hợp với nhận thức chung đã đạt được giữa 2 Đảng và 2 Nước”…vậy điều đạt được là điều gì? ai đạt được? đạt được với ai? đạt được ở đâu? và đạt được khi nào? 

- Về chủ quyền trên biển “Thảo luận về những giải pháp mang tính độc lập, tạm thời mà không ảnh hưởng tới lập trường và chủ trương của 2 bên”…vậy lập trường và chủ trương của Việt Nam về Biển Đông là gì? Trung Quốc coi Biển Đông là như thế nào? 

Những trăn trở trên của cụ Vĩnh, một vị Tướng, một lão thành cách mạng, một nhà ngoại giao kì cựu, một chuyên gia lớn về Trung Quốc... là rất đáng trân trọng. 

Sau chuyến đi của ông Trương Tấn Sang qua Ấn Độ, sau đó là Philippin nhiều người nói: Ông Sang đi các nước đó là để tạo thế cân bằng với Trung Quốc, chứng tỏ Việt Nam không còn lệ thuộc Trung Quốc nữa, Việt Nam đang đi dây giữa các nước có ảnh hưởng tới khu vực, rằng…nỗ lực đó rất đáng hoan nghênh! Có người lo lắng cho rằng các chuyến đi của ông Sang đã “Đá Ngang Hông” chuyến đi của ông Trọng (!?)…cần phải biểu tình hoan hô ông Sang, hoan hô Ấn Độ vào khai thác dầu ở Biển Đông! Lại có người cười nhạt mà rằng: “Nói thế là không hiểu gì về người CS Việt Nam…”. Vậy sự thể là thế nào? Câu trả lời là: Hậu Xét! và “Hãy Đợi Đấy.” 

Tôi nghĩ rằng, trong một diễn biến phức tạp như thế, tiếng nói của 500 vị Đại Biểu Dân Bầu (ĐBQH 13) về những vấn đề này là quá cần thiết, quá đúng đắn bởi: 
  • Điều 84 Hiến Pháp đã viết: “Quốc Hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước CHXHCN Việt Nam...” 
  • Điều 84: ...Mục 13: (Quốc Hội có quyền) Quyết định chính sách cơ bản về đối ngoại, phê chuẩn hoặc bãi bỏ điều ước quốc tế do Chủ Tịch nước trực tiếp ký, phê chuẩn hoặc bãi bỏ các điều ước quốc tế khác đã được ký kết hoặc gia nhập theo đề nghị của Chủ Tịch nước. 
Các chuyến đi của các nhà lãnh đạo Việt Nam đã kết thúc rồi. Các Tuyên Bố Chung, các bản cam kết đã được ký kết rồi. Các sản phẩm tinh thần đó sẽ phát tác ảnh hưởng Hay – Dở, Tốt – Xấu tới cả ngót 90 triệu con dân nước Việt chứ đâu chỉ có tác dụng với một nhóm người nào! Vậy thì! 500 vị ĐBQH… những bấu víu cuối cùng và duy nhất của cử tri chúng tôi, mong sao các quý vị hãy làm hết sức mình để không một lần nữa lại tái diễn những câu nói có dạng: 

“Đây là chủ trương lớn của Đảng”“Không phải cái gì cũng phải đưa ra Quốc Hội”…mà người dân chúng tôi đã một lần được nghe trong vụ Bauxite mà ông Nông Đức Mạnh đã mang về cho dân cho nước hồi nào và chúng tôi không muốn thấy các quý vị một năm đi họp 2 lần theo kiểu “Hoan hô xong, tất cả lại về!” còn Điều 83, Điều 84 của Hiến Pháp CHXHCN Việt Nam thì chẳng được ai đoái hoài và tôn trọng cả. 

(Còn nữa). 

Hà Đông 5 – 11 - 2011 

-Nguyên Giáo viên dậy Địa Lý của Hoà Bình & Hà Tây 
-Nguyên Thanh Tra Giáo Dục Hà Tây. 
- Nơi ở: Văn La – Phú La – Hà Đông – Hà Nội 
-Email: nguyenthuonglong571@gmail.com


*

Vì sao họ không đến (Phần VI) - Bài học đơn nguyên


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo