Vợ anh Nguyễn Công Nhựt: Mong tìm ra sự thật - Dân Làm Báo

Vợ anh Nguyễn Công Nhựt: Mong tìm ra sự thật




“Tôi thực sự thất vọng khi 10 lần gửi đơn đi khắp nơi kêu cứu mong sớm được minh oan cho chồng song vẫn không có một câu trả lời từ Công an Bình Dương cũng như các cơ quan chức năng khác về sự thật cái chết của chồng mình. Đây là lần thứ 11 và hai mẹ con tôi muốn trực tiếp gửi tới các cơ quan cấp cao nhất... Tôi chấp nhận khai quật mộ nếu như các cơ quan chức năng thấy cần thiết, miễn sao minh oan cho chồng tôi!” - chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền

Nguyễn Quyết (NLĐ) - Mười lần kêu cứu bất thành, chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền, vợ anh Nguyễn Công Nhựt - người chết tại trụ sở Công an huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương - đã ra Hà Nội để gửi đơn cầu cứu lên Quốc hội.

Trước khi tìm đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trưa 17-11, chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền cùng với mẹ chồng là bà Thái Thị Lượm đã đến Văn phòng Báo Người Lao Động tại Hà Nội để trình bày sự việc. 

Mười lần cầu cứu bất thành 

Bà Thái Thị Lượm và chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền tại Văn phòng Báo Người Lao Động ở Hà Nội trưa 17-11

Trong câu chuyện dài đi tìm công lý cho con mình, bà Lượm đã khóc và cho biết: “Hai mẹ con tôi lặn lội vất vả, lạ nước lạ cái ở thủ đô song vẫn quyết tâm để đòi lẽ phải. Con tôi chết oan uổng quá”

Bà cho biết trong buổi sáng cùng ngày, hai mẹ con đã đến VKSND Tối cao nhưng cơ quan này cho biết hôm nay không phải lịch tiếp dân. Không nộp được đơn ở cơ quan trên, hai mẹ con lại kéo nhau sang Thanh tra Bộ Công an để nộp. Chị Tuyền than thở: “Tôi thực sự thất vọng khi 10 lần gửi đơn đi khắp nơi kêu cứu mong sớm được minh oan cho chồng song vẫn không có một câu trả lời từ Công an Bình Dương cũng như các cơ quan chức năng khác về sự thật cái chết của chồng mình. Đây là lần thứ 11 và hai mẹ con tôi muốn trực tiếp gửi tới các cơ quan cấp cao nhất”

Bà Thái Thị Lượm và chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền và Trịnh Kim Tuyến trước cổng đóng kín của Tòa án Nhân dân Hà Nội (ảnh thêm của Danlambao)

Tối cùng ngày, chị Tuyền cùng mẹ chồng gặp luật sư Trần Đình Triển, người đứng ra bảo vệ quyền lợi của bị hại, để trao đổi các nội dung vụ việc. “Luật sư Triển cho biết sẽ cùng đến VKSND Tối cao để nộp đơn với tôi” - chị Tuyền tiết lộ. 

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao động, chị Tuyền xác nhận trong chuyến đi này, ngoài các cơ quan chức năng, bằng mọi cách, chị cũng phải nộp cho bằng được đơn cầu cứu lên ủy ban Thường vụ Quốc hội để làm rõ cái chết của anh Nhựt. Chị tin tưởng: “Tôi muốn gửi đơn tố cáo tới Quốc hội vì Quốc hội là nơi nói lên tiếng nói của dân. Tôi mong muốn Quốc hội sẽ phản ánh, chất vấn để tránh vụ việc trở thành tiền lệ với người dân bị oan” - chị Tuyền bày tỏ tin tưởng. 

Nhiều uẩn khúc cần được làm rõ 

Chị Tuyền cho biết mục đích lớn nhất của chị là muốn tìm hiểu rõ nội dung vụ việc, công tác điều tra, thụ lý vụ án đã diễn ra thế nào để nếu chồng chị bị chết oan thì phải được minh oan. Theo chị Tuyền, ngày 15-11, đại diện VKSND Tối cao phía Nam đã đến làm việc với chị. Tuy nhiên, trong các buổi làm việc, chị Tuyền muốn bổ sung ý kiến và đưa ra một số yêu cầu nhưng không được chấp nhận. 

Chị Tuyền cũng không đồng ý với cách làm việc của đại diện cơ quan trên vì không chịu cung cấp bất kỳ thông tin gì cho chị. Khi được hỏi, người này đều nói không có trách nhiệm phát ngôn. Trong khi đó, phía công an lại nói toàn bộ hồ sơ đã chuyển sang VKSND nên không còn trách nhiệm trả lời. Đã 7 tháng nay, vụ việc điều tra về cái chết của anh Nhựt vẫn đang rơi vào bế tắc, khiến chị và gia đình tốn công sức chờ đợi, lặn lội đi cầu cứu khắp nơi. 

Đối với gia đình chị Tuyền, cái chết của anh Nhựt có quá nhiều uẩn khúc. Chị cho rằng những dấu hiệu trên thân thể của anh Nhựt cho thấy anh đã bị đánh đập: Tinh hoàn dập một bên và chảy máu; bầm ở bụng dưới, bầm hai bên háng và đùi; hai bàn tay và chân co rút lại; móng tay, bàn tay tím đen; chân có nhiều vết bầm li ti và nhiều chấm đen ở dưới chân; đầu gối sưng như quả chanh… 

Vì lý do trên, trong đơn dự định gửi lên các cơ quan cấp cao, chị Tuyền khiếu nại và đề nghị tiến hành trưng cầu giám định lại ở hội đồng giám định cấp Trung ương hoặc Bộ Quốc phòng về nguyên nhân cái chết, các dấu vết trên thân thể anh Nhựt. “Tôi chấp nhận khai quật mộ nếu như các cơ quan chức năng thấy cần thiết, miễn sao minh oan cho chồng tôi!” - chị Tuyền bật khóc nức nở.




Dựng hiện trường giả ?

Tại đơn khiếu nại và tố cáo dự định gửi Quốc hội, chị Tuyền đã nêu một số nội dung cần làm sáng tỏ. Chị cho rằng cần làm rõ mối quan hệ giữa Công ty Kumho và Công an huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương đối với cái chết của anh Nhựt. Theo đơn này, cần làm rõ trước các dấu hiệu cơ quan công an ép cung anh Nhựt nhận tội và đã đánh đập dẫn đến cái chết của anh Nhựt rồi dựng hiện trường giả anh Nhựt tự tử.

Ngoài ra, sau khi anh Nhựt chết, Công an huyện Bến Cát đã cố tình trì hoãn việc thông báo cho gia đình, thậm chí khi đưa xác anh Nhựt đi xét nghiệm, gia đình cũng không biết. Cho đến thời điểm này, chị Tuyền vẫn không biết chính xác anh Nhựt chết lúc mấy giờ.

Bài và ảnh: Nguyễn Quyết



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo