Khi im lặng là... USD - Dân Làm Báo

Khi im lặng là... USD

Hoàng Thanh Trúc (danlambao) - “Người ta nói, chống tham nhũng ở VN như quét dọn cầu thang, thay vì từ trên xuống, thì đảng cộng sản chỉ đạo quét từ dưới quét lên, tới giữa cầu thang thì dừng lại…” 

Dư âm và “nhiệt lượng” VỤ HỐI LỘ QUỐC TẾ IN TIỀN POLYMER còn vang vọng và vẫn hâm hấp nóng – Không phải nó mới dậy sóng gió trong tháng 7 hay biến thành “áp thấp” trên báo chí và nghị viện Australia vừa qua, mà nó râm ran, khởi đi từ đầu năm 2011 (ngày 24 tháng 1, tờ The Age của Australia cho biết, các nhà điều tra nước này đã tiến thêm một bước trong cuộc điều tra liên quan đến hoạt động hối lộ và đút lót của Công ty Securency International Pty Limited Australia để giành được các hợp đồng quốc tế in tiền polymer trong đó có Việt Nam). Có nghĩa, vụ việc đã được nói tới khá lâu, hơn nữa năm, trước khi có cuộc Hội Thảo và Đối Thoại quốc tế về PCTN (phòng chống tham nhũng) trong các ngày 14,15 và 29/11/2011. Vậy mà sao “người ta” lại im lặng để cái mùi tiền polymer ấy như phảng phất vật vờ trong không khí của 2 buổi họp phòng chống tham nhũng, mới đây tại Hà Nội?. 

Khi mà những luồng thông tin mang nhiều chi tiết liên quan đến vụ hối lộ in tiền ấy đã khuấy động chính trường nước Úc, các phát giác gây tác động lớn tại Úc và đã kéo các cơ quan điều tra, an ninh và tư pháp của nước này vào cuộc. 

Tin tức báo chí Canberra cho hay cục trưởng Austrade và Bộ Ngoại Giao Úc cung cấp cho nghị sĩ của đảng Cấp Tiến Russell Trood những dữ kiện cho thấy, trước khi có thương vụ in tiền polymer, các viên chức của Úc ở Hà Nội đã gặp Lương Ngọc Anh (một cán bộ cấp hàm đại tá tình báo của Bộ Công An CSVN trong vỏ bọc một doanh nhân quốc tế) 18 lần chỉ từ 1999 đến 2001 (thời ông Nguyễn Tấn Dũng làm thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước, trước khi bàn giao lại cho Lê Ðức Thúy). Vụ tai tiếng này được hiểu ngầm, không những sau lưng Lương Ngọc Anh, không phải chỉ có cựu thống đốc ngân hàng Lê Ðức Thúy mà còn có cả ông Nguyễn Tấn Dũng và Bộ Công An nhà nước VN. (Với Lương Ngọc Anh thì ông này được cho là có quan hệ thân cận với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từ hồi ông Dũng còn giữ chức Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (1998) vào thời điểm quan hệ với Securency mới bắt đầu.) (AFP). 

Lương Ngọc Anh và Lê Đức Thúy

Nguyễn Tấn Dũng và Lương Ngọc Anh

Nó không giống như vụ tai tiếng hối lộ dự án khai thác “bauxite” Tây Nguyên hai năm trước. Chỉ qua một bản thông tin có “dán mác cầu chứng” của WikiLeaks, trích một, trong số 250,000 điện văn mà WikiLeaks lấy được từ Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ và đã chuyển cho tờ báo buổi chiều lớn nhất Na Uy là tờ Aftenposten đăng tải, trong đó thể hiện một điện văn liên quan về Việt Nam đề cập đến việc Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã nhận lót tay 150 triệu USD bôi trơn dự án khai thác bô-xít nhôm ở Tây Nguyên VN. 

Thì gần như tức khắc sau đó ông Nguyễn Xuân Phúc chủ nhiệm văn phòng Thủ Tướng chính phủ ra ngay thông báo nội bộ cực lực cải chính rất hùng hồn để bác bỏ: 


Còn lần này qua sự việc nhân viên công ty Securency International bị cơ quan chức năng nước Úc chính thức bắt giữ điều tra khi phát hiện chứng tích hối lộ trong giao dịch quốc tế, (theo cơ quan điều tra của cảnh sát liên bang Australia (AFP), lãnh đạo của Securency International đã lập “quỹ đen” để chi cho việc đút lót quan chức ở các nước khách hàng tiềm năng), trong đó có nhiều thông tin liên quan đến những viên chức VN qua thương vụ in tiền Polimer, những thông tin ấy theo dư luận đánh giá nó “nặng ký” hơn nhiều so với bản tin của WikiLeaks về dấu hiệu “lót tay Bauxite”. Nói “nặng ký” là vì, không như WikiLeaks, những tin tức về vụ “hối lộ” in tiền này hầu hết là nguồn tin chính thống có kiểm chứng từ nước Úc, nơi đặt bản doanh, quê hương của Securency International Úc. 

Với những thông tin loại này thường thì nhà nước CHXHCN/VN hay liệt vào hàng “nhạy cảm”?? (vì nó hay làm cho vài ba người “cảm mạo” tức thì, nếu lộ ra), nhưng dù muốn hay không và chính thức hay không chính thức thì một chính phủ của một nhà nước đang có chỉ số cao về tham nhũng trong bảng xếp hạng của tổ chức “Minh Bạch” thế giới như Việt Nam, (2011- 2,7 trên thang điểm 10) đang rất cần các nguồn tài chính “ngoại lực” để phát triển kinh tế thì vì uy tín và quyền lợi quốc gia, những người lãnh đạo có trách nhiệm biết phải làm gì để dư luận trong nước và quốc tế thấy mình thật thà như “ruột để ngoài da” cho ai cũng nhìn thấy được, bởi vụ việc nó không thuộc loại “an ninh quốc gia hay cơ yếu quốc phòng” để mà phong tõa trong kín cổng cao tường. 

Điển hình như quốc gia Malaysia, láng giềng VN cũng “dính” chùm một mối vào tiền “polymer” nhưng Chính Phủ nước này lại “nhạy cảm” rất tích cực dù chỉ mới là “tình nghi”! Hồi tháng 10-2010, cơ quan chống tham nhũng của Malaysia cũng thông báo cho biết đã bắt giam 3 người vì tình nghi có dính líu đến việc hối lộ giành hợp đồng in tiền polymer. Ủy ban Chống tham nhũng Malaysia (MACC) cho biết 3 đối tượng trên bị bắt sau khi có những cáo buộc liên quan đến việc nhận hối lộ từ Securency International. “Tôi có thể xác nhận MACC đã bắt 3 người để hỗ trợ điều tra” - Giám đốc điều tra Mustafar Ali của MACC nói với báo chí. Truyền thông Malaysia trước đó đưa tin, khoản tiền đã được phía Securency International trả đến 11,3 triệu ringgit (3,71 triệu USD) để giúp vận động Ngân hàng Trung ương và Chính phủ Malaysia đồng ý sử dụng tiền polymer. Vụ việc không dừng ở Malaysia và Việt Nam, Trước đó nữa, 2 người khác đã bị bắt tại Anh sau khi cảnh sát Australia, Anh và Tây Ban Nha thực hiện những cuộc điều tra nhắm vào hoạt động đưa hối lộ trên diện rộng tại Securency. Còn tại Nigeria, tháng 10-2009, Quốc hội nước này đã tiến hành điều tra cáo buộc việc cựu Thống đốc ngân hàng trung ương Nigeria (CBN) Chukwuma Soludo nhận hối lộ đến 1 triệu USD cho việc lưu hành tiền polymer. Giám đốc điều hành Công ty in tiền Nigerian Security Printing and Minting Company, nói với tờ BusinessDay của Nigeria rằng các cuộc đàm phán năm 2006 với Securency International là do ông Soludo đứng đầu đại diện cho chính phủ Nigeria. Giữa năm 2010, trước áp lực của báo chí và dư luận trong nước, Ủy ban Bài trừ tham nhũng Indonesia (KPK) buộc phải công bố việc điều tra bắt giữ hai quan chức ngân hàng trung ương nước này (BI) đã nhận ít nhất 1,3 triệu USD tiền hối lộ từ Securency International vào năm 1999 để xúc tiến việc in và lưu hành tiền polymer cho ngân hàng quốc gia Indonesia.Theo đó, Securency International đã đưa hối lộ khoản tiền trên để nhận được hợp đồng trị giá 50 triệu USD về việc in 500 triệu tờ 100.000 rupiah. Còn tại Ấn Độ, cảnh sát điều tra nước này bắt giử một người môi giới tên là Aditya Khanna có quan hệ thân thiết với nhà chính trị cao cấp Ấn Độ Natwar Singh, bị cáo buộc đã thay mặt Securency International giao dịch đưa hối lộ để giành được hợp đồng in tiền polymer tại nước này. 

Còn thông tin chi tiết vụ việc này liên quan đến Việt Nam từ các hệ thống báo chí và truyền thông quốc tế cho biết: Ngay từ đầu năm, trong số báo ra ngày 24-1-2011, The Age dẫn lời “các nguồn hợp pháp” khẳng định Securency đã chi hàng chục ngàn USD cho việc theo học tại Đại học Durham (Anh) cho “con” của một cựu quan chức cao cấp thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Các nguồn tin của The Age cho rằng số tiền trên được trích từ một “quỹ hoa hồng” khoảng 14,95 triệu USD (15 triệu dola Australia - AUD) được Securency trả cho một người môi giới tại Việt Nam để giúp họ giành được hợp đồng cung cấp nguyên liệu in tiền polymer với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Tin tức này cũng được đăng tải trên tờ Financial Times của Anh vào ngày (26-1). The Age cho biết cảnh sát Australia nghi ngờ các khoảng hối lộ cho người môi giới ở Việt Nam được trả qua các tài khoản ngân hàng ở Hồng Kông và Thụy Sĩ với phê chuẩn của RBA (Ngân hàng dự trữ Úc), đã được “chuyển cho các quan chức Việt Nam và thân nhân họ”. 


Qua đến tháng 7/2011 những tin tức và kết quả điều tra từ Canberra, (Úc), càng định hình rõ hơn. Cục Cảnh sát điều tra Australia nói họ sẽ truy tới các công ty địa phương ở Việt Nam, Indonesia và Malaysia sau khi đưa ra cáo buộc với hai công ty Securency International và Note Printing Australia. Báo The Age ở Canberra, Úc, ngày Chủ Nhật 3 tháng 7, 2011 tiếp tục khui ra nhiều chi tiết vụ án hối lộ các quan chức Việt Nam để công ty Securency và các công ty in tiền của Úc trúng thầu in tiền giấy nhựa polymer cho Việt Nam. Hai phóng viên Nick McKenzie và Richard Baker đồng thời là tác giả của bài báo trên The Age với tựa đề “Tiền giấy và hối lộ: các vụ bắt giữ còn tiếp tục” cho hay nhiều triệu đô-la đã được công ty của Úc hối lộ và chuyển tới các quan chức nước ngoài ở Indonesia, Malaysia và đặc biệt là Việt Nam. Trong bài báo thứ hai, cùng ngày, với tựa đề “Những con người tiền bạc” (The money men) cũng của hai tác giả này khởi đăng ngay sau khi Tòa án Melbourne ở Úc chính thức buộc tội sáu quan chức cấp cao của Securency, tờ The Age khẳng định: “Việt Nam là nơi mà Securency có thỏa thuận làm ăn lớn nhất tới nay, với một hợp đồng 5 năm để chuyển đồng tiền giấy của toàn bộ quốc gia sang tiền polymer”. Người đóng vai trò trung gian kết nối rất mạnh mẽ trong vụ này là doanh nhân Lương Ngọc Anh và công ty của ông này, CFTD. (The Age). 

Hai ngày trước đó, chính phủ Úc đã truy tố 6 cựu viên chức thuộc Securency (công ty liên doanh với một công ty Anh Quốc mà Ngân Hàng Trung Ương của chính phủ Úc làm chủ 50%) và công ty in tiền của chính phủ Úc (NPA). Bài báo mới nhất, ngoài những chi tiết trên còn cáo buộc Tổng Cục Thương Mại Úc (Austrade) không những biết nhân vật Lương Ngọc Anh, năm nay 48 tuổi, là cán bộ tình báo, mà còn vẽ đường cho viên chức Securency cách thức để thương thuyết với ông này. Rất có thể Quốc Hội Úc sẽ nhảy vào điều tra theo áp lực của đảng đối lập vì sự liên can của chính phủ Úc trong vụ hối lộ. Theo luật của Úc, các công ty sẽ bị điều tra và truy tố nếu hối lộ cho các quan chức ngoại quốc để dành các hợp đồng thương mại. Hơn một ngày sau khi báo chí Úc tái khẳng định nêu tên cựu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ông Lê Đức Thúy trong vụ tai tiếng hối lộ của công ty Securency về in tiền Polymer, các cơ quan công quyền Việt Nam không có phản ứng gì. Còn ngày 02 tháng Bảy, tờ báo Úc The Age vốn đi đầu phát giác tham nhũng ở vụ Securency hối lộ quan chức của một số nước, trong đó có Việt Nam, để thắng thầu in tiền, đã nêu đích danh trên trang báo của The Age tên của ông Lê Đức Thúy, là một trong ba quan chức nước ngoài mà hãng này đã “mua chuộc được bằng tiền hoa hồng” ẩn trong hành vi hối lộ. 

Về phía VN nổi cộm lên là nhân vật Lương Ngọc Anh, đóng vai trò chính trong vụ trung gian để Securency trúng thầu, là người mà tòa đại sứ Úc ở Hà Nội khá quen thuộc khi Tổng Cục Thương Mại Úc đề nghị ông ta và công ty phát triển kỹ thuật (AFTD) của chính ông ta làm bình phong trong môi giới (agent) vào năm 2002. The Age viết: “Việc chỉ định Lương ngọc Anh (làm môi giới) bị coi như là một trong những vụ dàn xếp hối lộ trả tiền nhiều nhất mà Securency tổ chức nhiều nơi trên thế giới, Securency đả chuyển cho cho Lương Ngọc Anh số tiền lên đến $20 triệu Úc kim, nhiều hơn con số dự đoán trước đây được nêu ra.. Phần lớn số tiền đó là tiền hối lộ. Ðổi lại, ông ta giúp Securency trúng mối thầu khổng lồ để Việt Nam trong vòng 5 năm đổi toàn bộ tiền giấy sang tiền Polymer.” 

Người dân VN cảm thấy tờ bạc Polymer “nặng hơn” sau vụ hối lộ này

Tin tức cho thấy một phần nhỏ số tiền này, trước đó, Ðại Tá Lương Ngọc Anh đã dùng để chi trả tiền học phí cho con ông Thống Ðốc Ngân Hàng Nhà Nước Lê Ðức Thúy tại đại học Durham Anh Quốc. Cục điều tra của Úc nói, còn phải làm rỏ hơn nội dung việc ông Lương Ngọc Anh đã tiếp xúc với tòa đại sứ Úc ở Hà Nội 2 lần sau khi báo The Age bật mí vụ hối lộ in tiền polymer mà ông là nhân vật trung gian chủ chốt. 

Một bài viết của The Age dựa vào tài liệu của Austrade từ năm 1998 cho thấy Lương Ngọc Anh có quan hệ gia đình với nhiều đảng viên cao cấp CS trong guồng máy cai trị tại Việt Nam. Họ còn nói rõ ông ta có một ông bố có nhiều quan hệ lớn cũng như bố vợ là bộ trưởng nội vụ. Hiện không còn thấy trang điện tử công ty AFTD của Lương Ngọc Anh xuất hiện trên Internet, và chính Lương Ngọc Anh cũng đã biến mất bặt vô âm tín. Hy vọng một ngày nào đó, các trương mục ngân hàng ở Thụy Sĩ và Hongkong bị tiết lộ, người ta có thể biết phần nào các số tiền Lương Ngọc Anh làm bình phong nhận hối lộ được chuyển đến cho những ai. 

Mới đây trả lời cho câu hỏi của đọc giả công chúng Úc, tờ The Age nhận xét rằng: Trong khi phóng sự điều tra của báo đã được cảnh sát sử dụng cho cuộc điều tra liên quốc gia có sự hợp tác của Ủy ban Bài trừ tham nhũng Indonesia (KPK) và Ủy ban Chống tham nhũng Malaysia (MACC),thì nhà chức trách Việt Nam vẫn “từ chối hỗ trợ phía Úc trong cuộc điều tra toàn cầu” và vị đại tá Lương Ngọc Anh hiện vẫn chưa bị chính quyền Việt Nam thẩm vấn. Trong khi không chính thức,một vị sỉ quan trong ngành CA/VN: Thiếu tướng Triệu Văn Đạt nói: Chưa có căn cứ để khẳng định có hay không việc quan chức nào ở Việt Nam nhận hối lộ??. 

Liên quan vấn đề này, phóng viên Việt Hà của RFA có phỏng vấn nhà báo Nick McKenzie (phóng viên trực tiếp điều tra phanh phui vụ việc này) của tờ The Age: 

Nhà báo Nick McKenzie nói: “Cho đến giờ tôi vẫn không thấy phía Việt Nam điều tra vụ này một cách nghiêm túc, không thấy bất cứ một báo cáo nào cho thấy những quan chức có dính líu đến vụ này bị thẩm vấn điều tra, không có giới chức nào bị hỏi về các tài khoản đáng nghi ngờ ở nước ngoài. Cơ quan điều tra chống tham nhũng của Việt Nam nếu thực sự nghiêm túc điều tra vụ này thì họ phải soi rọi vào những thông tin từ báo chí, từ nghị viện từ các cơ quan điều tra độc lập Úc, và nếu tích cực hơn nữa, cơ quan điều tra Úc được phối hợp điều tra tại Việt Nam sẽ có một kết quả cụ thể hơn. Và theo tôi, nếu họ tôn trọng nhân dân VN và nhân dân Úc họ nên điều tra ngay lập tức...”. “Chúng tôi bắt đầu điều tra vào cuối năm 2008. Mất 6 tháng để điều tra để chúng tôi đưa ra bài báo đầu tiên. Việc lấy được các câu trả lời và phản hồi từ việt Nam hết sức khó khăn, chúng tôi cố gắng liên hệ với CFTD (CT bình phong), với Lương ngọc Anh và các quan chức chính phủ, đại sứ Việt nam thậm chí cả ngân hàng nhà nước Việt Nam nhưng câu trả lời mà chúng tôi có từ họ là hoàn toàn con số 0. Không một ai trả lời gì chúng tôi cả. Những vụ án liên quan đến tham nhũng ở Việt nam luôn luôn rất khó điều tra nếu so với các nước khác mà chúng tôi đã điều tra. Tại các nước khác chúng tôi có được các phản hồi và thông tin từ các quan chức chính phủ khá dễ dàng hơn so với Việt Nam. Ngoài ra việc thiếu tự do báo chí ở Việt nam cũng làm cho cuộc điều tra trở nên khó khăn hơn.” 

Trong khi đó, phía Việt Nam nói thông tin trên báo chí và chính phủ Úc về cáo buộc hối lộ quan chức Việt Nam chỉ có thể được coi là “tin tố giác” chứ không thể dùng làm bằng chứng. Trong khi nhà chức trách Indonesia và Malaysia thì điều tra cặn kẻ các thông tin này để lấy đó làm bằng chứng buộc tội?? 

Có điều là người dân Việt Nam phải gián tiếp trả tiền để sỡ hữu và sử dụng những tờ tiền Polymer ấy khi tiếp cận các dữ kiện nói trên, dù muốn hay không cũng phãi tự vấn. 

Nếu biết rằng chỉ mới đây thôi nhà nước VN muốn phổ biến để tôn vinh Vịnh Hạ Long của VN là một trong những Kỳ Quan mới (dù có vẻ là bị “Bịp”) nhưng toàn bộ hệ thống truyền thông trong cả nước đã “vận hành” vận động toàn dân với hết công suất để mọi người cùng tham gia vào cuộc bầu chọn, và trước đó cũng có một cuộc vận động rộng lớn cả năm trời trong toàn dân để cùng tham gia bầu chọn... “Quốc Hoa” và đồng tâm nhất trí chọn hoa “Sen”. Nhưng thật lạ lùng, khi đứng trước một chọn lựa to lớn và quan trọng là tờ tiền “giấy” qui ước quen thuộc, chuyển sang tờ tiền “Polymer” lạ lẫm chưa từng biết đến thì người ta không cần tham khảo cho dù là vài người dân chứ chưa nói tới Quốc Hội??, nói theo cách nói hoa mỹ của hệ thống XHCN/VN thì tờ giấy bạc phải hội đủ các yếu tố: “hình ảnh tổng thể phải đậm đà bản sắc dân tộc” bởi nó là vật rất “đáng yêu” dính chặt với từng phận người, ai cũng muốn có nó và cẫn thận giữ gìn, nó chắc chắn phải được toàn dân và Quốc Hội tham khảo qua các bản “Mẩu” từ kích thước, hoa văn, màu sắc, hình ảnh, chất liệu, mệnh giá, kế hoạch, thời gian chuyển đổi, quốc gia in ấn, tổng chi phí v.v... chưa nói tới phải có ít nhất từ hai đến ba công ty quốc gia có công nghệ in tiền tiên tiến nhiều uy tín để rộng đường cho nhân dân và QH so sánh giám sát trong đấu thầu, trước khi QH biểu quyết chuẩn thuận. Nhưng... một lần nữa, xin nhắc lại từ “lạ lùng” toàn bộ các điều cần, bắt buộc phải có cho sự khai sinh của một tờ tiền “Polymer” thay vì của toàn xã hội thì nó lại được quyết định “dưới” gầm bàn hay trong “phòng làm việc” của Thống Đốc ngân hàng nhà nước?? và một nhóm lợi ích liên quan. 

Đến đây thì không cần phải bàn luận chi thêm nữa, bởi những dữ kiện ở trên đã thay cho lời kết. Có còn chăng là qua khái quát như thế để mọi phân tích trong vấn nạn chống tham nhũng sẽ cùng qui về một nhận định: Dù ở bất cứ ở đâu và nơi nào trên thế giới mà cơ quan bài trừ hay phòng chống tham nhũng không có một sự độc lập tuyệt đối, không bị ràng buộc bởi bất cứ quyền lực nào ngoài Công Lý và Pháp Luật thì sự hiện hữu của nó nếu không là tấm bình phong thì cũng như là một vở hài kịch mà người ta sẽ phẩn nộ chứ không thể chỉ cười mà thôi. 

Và vì vậy cũng không ngạc nhiên khi năm nay, 2011 Việt Nam vẫn “ngụp lặn” trong bảng xếp hạng của cơ quan “Minh Bạch” thế giới là quốc gia tham nhũng có “số má” – 2.7 trên thang điểm 10 – Bởi “Tham nhũng là một phần tất yếu trong cuộc sống” với hầu hết các quan chức Cộng Sản VN có quyền lực hiện nay. 




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo