Báo cáo Nhân quyền của Bộ Ngoại giao Anh Quý IV, 2011: Việt Nam - Dân Làm Báo

Báo cáo Nhân quyền của Bộ Ngoại giao Anh Quý IV, 2011: Việt Nam

Trong ba tháng qua, Anh tiếp tục hỗ trợ báo chí và các tổ chức dân sự tại Việt Nam nhằm tạo nên một môi trường làm việc cởi mở và chuyên nghiệp cho các nhà báo trong nước. Trong tháng 10, Trung tâm Nghiên cứu Truyền thông phát triển (gọi tắt là RED), một tổ chức phi chính phủ Việt Nam, đã công bố kết quả nghiên cứu về các hành vi cản trở tác nghiệp báo chí tại Việt Nam. Đây là một phần trong dự án đang được triển khai do Đại sứ quán Anh tại Hà Nội tài trợ, với mục tiêu xác định những biện pháp hữu hiệu nhằm bảo vệ các nhà báo trong quá trình tác nghiệp. Nghiên cứu chỉ rõ có hơn 80% nhà báo đã từng bị cản trở với những hình thức khác nhau. 

RED sau đó đã trình lên một số đề xuất để chính phủ xem xét phê duyệt, trong đó bao gồm đề xuất sửa đổi luật báo chí hiện hành và luật phòng chống tội phạm, đẩy mạnh công tác xây dựng năng lực cho các nhà báo và tiếp tục xây dựng các biện pháp bảo vệ cho họ như đường dây nóng của Hội nhà báo Việt Nam. Họ cũng tổ chức các buổi hội thảo tập huấn cho các nhà báo trẻ tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh về các biện pháp đối phó với những hành vi cản trở tác nghiệp và sẽ tiếp tục tổ chức thêm những cuộc hội thảo tương tự tại các tỉnh thành có tỉ lệ các nhà báo bị hành hung cao như trong nghiên cứu đã đưa ra. 

Trong giai đoạn này, Vương quốc Anh cũng tiếp tục khuyến khích giới chức Việt Nam tạo ra một môi trường cởi mở và minh bạch hơn đồng thời bảo vệ những nhà báo đưa tin một cách nghiêm túc và có trách nhiệm về các vấn đề nhạy cảm. Chúng tôi cũng đã nêu lên những quan ngại của mình về những quy định hạn chế bắt buộc đối với báo chí, đặc biệt là Nghị định 02/2011 và Nghị quyết 02/2011 sẽ tạo ra những hạn chế không nhỏ đổi với truyền thông nước ngoài. Đại sứ Anh cùng sáu đồng nhiệm khác đã đề cập trực tiếp vấn đề này với Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông trong một cuộc gặp vào tháng 11 vừa qua. 

Trong tháng 11, Vương quốc Anh và chính phủ Việt Nam đã đồng tổ chức cuộc Đối thoại Chống Tham nhũng lần thứ 10. Mặc dù đã có những ghi nhận về nỗ lực của chính phủ Việt Nam trong việc thiết lập nên một khuôn khổ pháp lý toàn diện từ khi luật phòng chống tham nhũng ra đời năm 2006, các ý kiến đều nhất trí về việc cần thiết phải có một hành động chung trong hàng loạt các lĩnh vực: Xác định và giải quyết các vấn đề khó khăn gây cản trở việc thực thi luật phòng chống tham nhũng hiện hành; mở rộng liên minh chống tham nhũng bằng cách tăng cường phối hợp với các tổ chức dân sự xã hội, lĩnh vực tư nhân, báo chí và người dân; đồng thời cải thiện sự minh bạch và tiếp cận thông tin – hai công cụ thiết yếu trong công cuộc phòng chống tham nhũng. 

Với vai trò là đối tác hàng đầu trong công cuộc phòng chống tham nhũng tại Việt Nam, chúng tôi tiếp tục hợp tác chặt chẽ với chính phủ và cộng đồng quốc tế nhằm đưa những đề xuất này thành hiện thực và xác định những kết quả chung khác có thể đạt được trong quá trình hợp tác. 

Cũng trong tháng 11, Quốc hội Việt Nam phê chuẩn luật mới về tố cáo, trong đó có điều khoản quy định về bảo vệ người tố cáo. Luật sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2012 và chúng tôi sẽ theo dõi chặt chẽ việc thực thi của chính phủ nhằm đánh giá tính hiệu quả của luật này. 

Từ ngày 7-10 tháng 12 năm 2011, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thăm chính thức Vương quốc Anh với tư cách khách mời của chính phủ. Trong dịp này, ông đã có các cuộc hội đàm với các lãnh đạo nghị viện Anh về chức trách và vai trò của Quốc hội tại Việt Nam, đặc biệt là trong việc chất vấn các Bộ trưởng trong các phiên chất vấn công khai. Trong chuyến thăm Việt Nam tháng 11, ông Arnand Grover, Báo cáo viên của Liên Hợp Quốc về Y tế, đã thúc giục giới chức Việt Nam đóng cửa các trung tâm cai nghiện và phục hồi nhân phẩm bắt buộc (trung tâm 05 và 06) dành cho các đối tượng mại dâm và nghiện ma túy, nhấn mạnh rằng việc giam giữ và điều trị bắt buộc vi phạm quyền được chăm sóc sức khỏe của những đối tượng này và làm duy trì sự kì thị và phân biệt của xã hội đối với họ. Anh phản đối việc chính phủ Việt Nam duy trì những trung tâm này bởi đó là biện pháp không hiệu quả, tốn kém và gây hại cho cả việc cai nghiện lẫn chăm sóc sức khỏe con người. Chúng tôi đang tiếp tục làm việc với chính phủ và các đổi tác quốc tế nhằm đảm bảo rằng các phương pháp tiếp cận dựa vào cộng đồng, những chương trình phát kim tiêm, và cấp phát thuốc thay thế ma túy được tăng cường và mở rộng. 

Trong tháng 11, Giáo sư Phạm Minh Hoàng, người mang hai quốc tịch Pháp và Việt Nam, sau khi bị tuyên mức án ba năm tù giam với tội danh “âm mưu lật đổ chính quyền”, sau khi kháng án đã được giảm xuống còn 17 tháng. Ông sẽ được trả tự do vào tháng 1 năm 2012 và sẽ tiếp tục chịu 3 năm quản chế. Cũng trong thời gian này, 15 nhà hoạt động và blogger đã được đưa thêm vào danh sách các cá nhân và tù nhân cần được quan tâm của Liên minh Châu Âu (EU). Hầu hết các nhân vật này bị bắt vì tội “âm mưu lật đổ chính quyền”. Đến cuối tháng 12, đã có khoảng hơn 50 tù nhân nằm trong danh sách nói trên, và EU chia sẻ thường xuyên với chính phủ Việt Nam về vấn đề này nhằm tìm hiểu thông tin về quyền lợi của các tù nhân và yêu cầu trả tự do ngay lập lức cho họ. Danh sách này cũng sẽ được đưa ra bàn thảo với chính phủ Việt Nam tại cuộc Đối thoại EU-Việt Nam về Nhân quyền tại Hà Nội vào tháng 1/2012.



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo