Hiến Chương Nước Trời: “Phúc cho những ai khao khát sự công chính, vì nước trời là của họ” - Dân Làm Báo

Hiến Chương Nước Trời: “Phúc cho những ai khao khát sự công chính, vì nước trời là của họ”


Hoàng Huy Chú (danlambao) - Còn những người hôm nay đã cho anh Vươn và gia đình anh những gáo nước mát, họ là ai? Không cần phải nêu tên ở đây thì quí bạn đọc cũng biết được những người ấy. Số người càng ngày càng nhiều, càng ngày càng đông. Bắt đầu là hàng chục, rồi hàng trăm, hàng ngàn, chục ngàn. Rồi sẽ lên tới hàng triệu, chục triệu. Họ là những người dám đứng thẳng để nói lên những lời công chính. Đã dõng dạc làm chứng cho sự thật bất chấp bạo quyền. Họ không có vũ khí. Nhưng họ đứng thẳng. Cũng như người đàn ông xa lạ đã đứng thẳng nhìn vào mặt viên sĩ quan La Mã, dù máy quay không ghi lại gương mặt, nhưng cả thế giới đều thấy: Trước họ, bạo lực, cường quyền đang run sợ, đang cúi đầu khuất phục. 

*

Ngày 14.01.2012, Đức cha Giuse Vũ Văn Thiện, Giám Mục Hải Phòng, đã gửi cha chánh xứ, hội đồng mục vụ và giáo dân xứ Suy Nẻo một lá thư bày tỏ ý kiến và sự quan tâm của ngài về vụ việc của gia đình anh Đoàn Văn Vươn, nạn nhân của nạn cường hào ác bá xẩy ra tại Cống Rộc, cũng là giáo dân của giáo xứ này. 

Tôi đọc tin và bản chụp bức thư từ bài viết “Đức giám mục Hải Phòng hiệp thông với gia đình ông Đoàn Văn Vươn” trên trang mạng Nữ Vương Công Lý . Tôi đọc bức thư đó nhiều lần. Sau mỗi lần đọc, tôi lại khám phá ra một điều gì đó bên trong và đằng sau lá thư. Nó làm tôi khắc khoải. Nó làm tôi nhớ đến mẹ tôi: 

Tôi nhớ mẹ tôi thưở thiếu thờiLúc người còn sống tôi lên mười 
Mỗi lần nắng mới reo ngoài nội 
Áo đỏ người đưa trước dậu phơi 
(Nắng Mới, Lưu Trọng Lư http://vanhoc.xitrum.net/thoca/hiendai/5016.html

... 

Hồi ấy, tôi là thằng cứng đầu, không bao giờ chịu khuất phục trước đám bạn cùng lớp ưa chơi gác chơi trội. Tôi chúa ghét cái thói lật lọng, ăn gian nói dối,ỷ mạnh hiếp yếu của những thằng con ông này cháu ông kia. Vì học cùng lớp nên chẳng thằng nào chịu nhường thằng nào, và cuối cùng thường dẫn đến màn uýnh lộn. Dĩ nhiên là tôi thường ôm đầu máu về nhà. Vô phúc hôm nào bố tôi bắt gặp, thì không thanh minh thanh nga gì hết, nằm lên giường lãnh đủ 10 cái roi mây quất thẳng cánh vào mông. Lý luận của bố tôi là: “Bụt trên tòa, gà nào mổ mắt!”. Sau những trận đòn dù oan hay không oan ấy, lần nào cũng vậy, là sự can thiệp của mẹ. Mẹ khẽ khàng chặn ngọn roi trên tay bố “Thôi tôi xin ông” rồi kéo tôi vào nhà sau. Mẹ rửa mặt cho tôi. Bắt tôi lên khoanh tay xin lỗi bố. Sau đó, mẹ lấy quả cam vàng tươi trên bàn thờ ông bà, lột vỏ cho tôi ăn. Từng múi, từng múi cam ngọt lịm, khiến nước mắt giọt ngắn giọt dài của tôi ngưng từ lúc nào tôi cũng không biết. Bàn ay mẹ êm ái làm tôi quên hết đớn đau, khổ ải và cả oán hờn... Tôi thấy tôi được chở che và an ủi. Tôi quên hết những ngọn roi. Quên luôn cả những khuôn mặt đáng ghét của mấy thằng bạn. Rồi tôi rơi vào giấc ngủ. Nhẹ tênh. Kỳ diệu. 

Tôi nghĩ có lẽ bức thư của đức cha Thiện cũng có tác dụng như thế. Không chỉ với anh Vươn, gia đình anh, xứ đạo của anh, mà nó còn lan tỏa ra các cộng đoàn dân Chúa trên cả nước. Vượt biên giới Việt Nam, âm vang đến Rôma. Ngút lên trời cao, nơi có Thiên Chúa ngự trị. 

Nó cũng có thể sẽ len lỏi vào những lâu đài nguy nga đồ sộ, những biệt thự sang trọng của những quan chức đang nắm vận mạng đất nước... Và sau cùng, người dân cùng khổ lây lất trong những cánh đồng bất tận (Nguyễn Ngọc Tư, http://viet-studies.info/NNTu/NNTu_CanhDongBatTan.htm) rồi cũng được nghe, được ủi an và thấy những điều kỳ diệu... 

Chính điều này khiến tôi thao thức... 

Trong đên thâu thăm thẳm, tôi nhớ lại một cảnh trong phim Benhur (http://www.youtube.com/watch?v=z6LHWyaeEHY). Lúc anh chàng bị áp giải đi làm nô lệ. Tay chân bị siềng xích. Đói, khát và đòn vọt khiến chàng thanh niên Benhur phải cố lết mới theo kịp các bạn tù. Họ đến một thị trấn sau khi vượt qua sa mạc nóng cháy. Mọi người đều quyệt quệ vì thiếu nước. Đoàn tù nhân guc xuống và người dân ở đây ùa ra mang nước đến cho họ. Những người tù khốn khổ thấy nước thì như sống lại. Nhưng bọn lính ác ôn thì vừa đánh đuổi đám đông vừa hất văng những gáo nước mà người dân mang cho đoàn tù. Benhur được một em bé cho một gáo nước đầy. Như bắt được vàng, chàng liền úp mặt há mồm chực uống. Nhưng người lính La Mã đã nhanh tay giựt lấy gáo nước và đưa lên miệng uống ừng ực. Benhur thèm khát hứng những giọt nước vương vãi rơi dưới cằm tên lính thì bị một cái lên gối khiến chàng ôm bụng ngã vật xuống. Và chàng không đủ sức gượng dậy. Đành nằm thở phì phò trong cái khát cháy cổ. 

Đúng lúc ấy, một bóng người xuất hiện. Người ấy ngồi xuống, tay cằm gáo nước nhẹ nhàng xối lên tóc chàng, bàn tay nhân ái xoa lên lớp da héo hắt cháy khô vì nắng. Nước mát làm chàng tỉnh dậy mà gượng đứng lên. Người ấy đưa gáo nước còn lại cho chàng. Benhur uống một hơi rồi ngửng lên và bắt gặp đôi mắt người thanh niên. Ôi ánh mắt sâu thẳm mà như trời cao. Thời gian ngừng lại. Cả vũ trụ lặng yên như cõi vô cùng. Benhur thấy được linh hồn mình trong đôi mắt ấy. Anh thấy được ủi an, chở che. Anh thấy bình an và được chúc phúc. Người sĩ quan La Mã ngạc nhiên nhìn cảnh ấy và nổi giận vì có người dám cả gan đường hoàng cho tù uống nước. Ông định đến để cho hai người một trận. Nhưng người đàn ông đó vẫn đứng thẳng nhìn vị sĩ quan. Máy quay không hề quay mặt của người đàn ông. Không ai thấy được những gì thể hiện trên mặt người ấy. Nhưng người xem thấy được sự run sợ của viên sĩ quan La mã. Yên lặng. Uy quyền và bạo lực đã bị khuất phục. Tên sĩ quan La mã đã phải tránh đôi mắt của người đó. Và đã phải cúi đầu không dám đối mặt ... Dân chúng được dịp ùa ra tiếp tế nước cho đoàn tù... tất cả đã qua cơn khát, đoàn tù lại vội vã lên đường... Benhur đi mà còn ngoái cổ lại, khắc sâu hình ảnh người ấy vào tâm khảm mình. 

Bây giờ cũng vậy. Tôi chắc rằng anh Vươn và gia đình anh cũng đã và đang được uống những hớp nước ân tình của những người xa lạ như người đàn ông ấy. Anh Vươn và gia đình đang trong cơn khát, đang bị túi bụi đòn roi. Họ đang kiệt sức mà không được kêu la. Mở miệng ra là đánh. Đánh cho không có tội cũng phải nhận. Suy rộng ra, cả dân tộc này giống như đoàn tù đồng cảnh ngộ với Benhur, đang bị đầy ải trong khốn khổ của bạo lực. Họ đang cần có người cho họ gáo nước khi sức họ đã cùng, lực họ đã kiệt. 

Nếu bạn đã xem phim Benhur thì đã biết người đàn ông ấy. Còn các bạn chưa xem thì chắc sẽ hỏi: Người đàn ông ấy là ai? 

Vâng, xin thưa: Người đàn ông xa lạ trong phim có tên là Giêsu. Người sau này sẽ công bố hiến chương nước trời và lấy chính sự sống mình để làm chứng cho sự thật.

Còn những người hôm nay đã cho anh Vươn và gia đình anh những gáo nước mát, họ là ai? Không cần phải nêu tên ở đây thì quí bạn đọc cũng biết được những người ấy. Số người càng ngày càng nhiều, càng ngày càng đông. Bắt đầu là hàng chục, rồi hàng trăm, hàng ngàn, chục ngàn. Rồi sẽ lên tới hàng triệu, chục triệu. Họ là những người dám đứng thẳng để nói lên những lời công chính. Đã dõng dạc làm chứng cho sự thật bất chấp bạo quyền. Họ không có vũ khí. Nhưng họ đứng thẳng. Cũng như người đàn ông xa lạ đã đứng thẳng nhìn vào mặt viên sĩ quan La Mã, dù máy quay không ghi lại gương mặt, nhưng cả thế giới đều thấy: Trước họ, bạo lực, cường quyền đang run sợ, đang cúi đầu khuất phục. 

Trời đã gần về sáng. Tiếng chim ríu rít vang vọng xa xa. Tôi đọc lại lá thư của đức cha Thiện. Tôi thấy trong đó hình ảnh mẹ đang cười, ngọt ngào yêu thương. Tôi đọc vài tin sớm trong ngày về vụ việc của anh Vươn. Tôi đọc những comments sau bản tin. Tôi thấy rất nhiều hình bóng những Giêsu, ân cần từ ái mà lẫm liệt uy nghi. Tôi chợt nhớ đến hiến chương nước trời: Phúc cho những ai bị người đời ngược đãi, mà vẫn sống chính trực ngay lành, vì họ trở nên con cái Chúa. 

Phúc cho những ai khát khao sự công chính, vì nước trời là của họ. 

19/01/2012



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo