Nhà báo Trần Quang Thành (Danlambao) - Phan Khôi là một học giả tên tuổi, một nhà thơ, nhà văn, về sau đứng trong trong nhóm Nhân Văn - Giai Phẩm, cháu ngoại của Tổng đốc Hà Nội Hoàng Diệu, đỗ Tú tài chữ Hán năm 1905 khi ở tuổi 18 nhưng lại mở đầu và cổ vũ cho phong trào Thơ mới.
Vào đầu thế kỷ 20, các thể thơ thịnh hành là thơ Đường (Đường thi), thơ lục bát và song thất lục bát. Các thể thơ nầy theo một số niêm luật bằng trắc và vần điệu nhất định. Trên báo Phụ Nữ Tân Văn số 122, phát hành tại Sài Gòn ngày 10-3-1932, xuất hiện bài báo “Một lối thơ mới trình chánh giữa làng thơ”, kèm theo bài thơ “Tình già”. Cả hai bài đều của Phan Khôi, được xem là tuyên ngôn của trường phái thơ mới ở Việt Nam.
Trong sự nghệp văn chương, bài Tình già chưa phải là bài thơ mới đầu tiên của Phan Khôi. Trước bài Tình già, vào ngày 2/8/1928 trên tờ Đông Pháp tại Sài Gòn đã xuất hiện một bài thơ mới của Phan Khôi. Bài thơ này ông mượn câu chuyện truyền kỳ dân ngian vè việc quạ bắc cầu Ô Thước để sáng tác một bài thơ ngụ ngôn mang tựa đề Dân quạ đình công. Bài thơ có đoạn :
Nghe tin dân quạ nổi cách mệnh,
Trời sai thiên lôi ra thám thính,
Đầu đen máu đỏ quyết hy sinh,
Ngừng búa thiên lôi không dám đánh.
Tức thì chiếu Trời vạch mây ra,
Đánh chữ đại xá Trời ban tha,
Dân quạ ở đâu về ở đó,
Từ nay khỏi bắc cầu Ngân Hà.
Ờ té ra:
Mềm thì ai cũng nuốt!
Cứng thì Trời cũng nhả.
Phan Khôi (1887 - 1959) |
Hai mươi bốn năm xưa, một đêm vừa gió lại vừa mưa,
Dưới ngọn đèn mờ, trong gian nhà nhỏ, hai cái đầu xanh kề nhau than thở:
“Ôi đôi ta, tình thương nhau thì vẫn nặng, mà lấy nhau hẳn đà không đặng;
Để đến nỗi tình trước phụ sau, chi cho bằng sớm liệu mà buông nhau!”
“Hay! Nói mới bạc làm sao chớ! Buông nhau làm sao cho nỡ?
Thương được chừng nào hay chừng nấy, chẳng qua ông Trời bắt đôi ta phải vậy!
Ta là nhân ngãi, đâu có phải vợ chồng mà tính việc thuỷ chung?”
...
Hai mươi bốn năm sau, tình cờ đất khách gặp nhau;
Đôi cái đầu đều bạc. Nếu chẳng quen lung, đố có nhìn ra được!
Ôn chuyện cũ mà thôi. Liếc đưa nhau đi rồi! Con mắt còn có đuôi"
Đánh giá những đóng góp của Phan Khôi với phong trào thơ mới, Vũ Ngọc Phan trong cuốn Nhà văn hiện đại, đã hết lời khen ngợi : “Về phép làm thơ, Phan Khôi nói rất phân minh, nào tự pháp, nào cú pháp, nào chương pháp, rồi nào thiên pháp… Phan Khôi không phải là một tay thợ thơ, chỉ có lúc có hứng ông mới làm, nên thơ ông không nhiều, nhưng làm bài nào tư tưởng đều thành thực, ý tứ dồi dào, dễ cảm người ta”. Và Vũ Ngọc Phan khẳng định: “Về thơ mới lại chính ông là người khởi xướng trước nhất”.
Hoài Thanh – Hoài Chân trong "Thi nhân Việt Nam" viết: “Đã lâu, người mình làm thơ hầu hết chỉ làm những bài tám câu, mỗi câu bảy chữ. Theo ông Phan Khôi lối ấy phải quy cho khoa cử…Thời oanh liệt của thất ngôn luật đã đến lúc tàn. Năm 1928, nó bị ông Phan Khôi công kích trên Đông pháp thời báo… Hồi bấy giờ Phụ nữ tân văn đương thời cực thịnh. Những lời nói của ông Phan được truyền bá khắp nơi. Cái bài thơ mới “Tình già” ông dẫn ra làm thí dụ, không rõ có được ai thích không, nhưng một số đông thanh niên trong nước bỗng thấy mở ra một góc trời vì cái táo bạo dấu diếm của mình đã được một bực đàn anh trong văn giới công nhiên thừa nhận”. Và khẳng định: “Ông Phan Khôi, người đã khởi xướng ra thơ mới”.
Tưởng rằng, những tư tưởng “đổi mới” của cụ Phan Khôi từng gây tranh luận khá gay gắt trong làng văn đã qua cùng với những quan điểm cá nhân của cụ “bị” bài xích. Nhưng hậu thế đã có cách nhìn mới về cụ và vẫn công khai khẳng định cụ là “người khởi xướng” phong trào Thơ Mới mà từ khi ra đời đã chịu búa rìu thì đến nay tuy đã hơn 70 năm trôi qua nhưng như mới vừa xảy ra.
Trả vị thế về cho Cụ là công việc cần và tiếp tục của các nhà nghiên cứu. Phan Khôi - ngọn thông reo mãi trong lòng chữ Việt Nam.
Nhà báo Trần Quang Thành
http://danlambaovn.blogspot.com/