Thái Sinh (Trannhuong.com) - Hội Liên hiệp Văn học-Nghệ thuật tỉnh Yên Bái vừa tổ chức Ngày thơ Việt Nam lần thứ X. Ngày thơ năm nay chả khác mấy so với Ngày thơ mọi năm là bao, thơ những năm trước được in trên giấy lụa buộc trên các sào tre như những tờ phướn, tung bay phấp phới như sào giấy đuổi chim ngoài đồng, trông thật đẹp mắt. Năm nay thơ in trên giấy bóng kính dán trên các khung sắt, chưa cần đọc những bài thơ chữ to kia, nhưng với màu sắc loè loẹt nom cũng bắt mắt lắm rồi. Sướng! Nhiều tác giả thơ chiêm ngưỡng những bài thơ của mình được in chữ to sướng rên rỉ, không nói thành lời.
Đêm Nguyên tiêu ở Hội LHVHNT Yên Bái
Ngày thơ năm nay được tổ chức tại sân Hội Liên hiệp Văn học- Nghệ thuật, những bài thơ chữ to xếp hai bên cánh gà, như thể chắp cánh cho nàng thơ sắp sửa bay lên cùng với trăng sao. Trước đại sảnh là bài thơ Nguyên tiêu của Bác được viết bằng chữ Hán và chữ Việt, tiếp theo hai bên cánh gà là những bài thơ của các tác giả thơ có máu mặt ở Yên Bái.
Cử toạ chủ yếu là những người làm thơ, ngồi hình chữ U, chiếc bàn tròn phía trên giành cho các quan khách và các nhà thơ trưởng lão, còn hai bên là các nhà thơ và những người yêu thơ. Bàn nào cũng đầy hoa quả, bánh kẹo và rượu. Đúng là nàng thơ mà không đi kèm với rượu, chắc là khó mà cất cánh lên được. Bởi thế trên sảnh ai đọc thơ, ngâm thơ, hát thơ thì cứ đọc, còn phía dưới rượu cứ uống, chuyện trò cười rôm rả, nhiều người chả biết có nghe thơ và cảm được hồn thơ không, nhưng cứ nhìn những gương mặt đỏ phừng phừng đủ thấy nàng thơ có sức quyến rũ kỳ lạ.
Có lẽ để cho đêm Nguyên tiêu lung linh sắc màu, bài thơ Nguyên tiêu của Bác viết bằng chữ Hán chưa tạo ra được sự liên tưởng về hoàn cảnh ra đời của bài thơ trong tập Ngục trung nhật ký viết ở Quảng Tây (Trung Quốc), nên Ban tổ chức Ngày thơ Việt Nam ở Yên Bái mới cho treo một dãy đèn lồng cho giống…Trung Quốc. Sự xâm lăng của văn hoá Trung Quốc quả là ghê gớm, có người đã ví Ngày thơ Việt Nam được Hội Liên hiệp Văn học Yên Bái tổ chức là Ngày thơ đèn lồng, sao mà chua chát thế?