Xương máu giữa hai dòng thơ - Dân Làm Báo

Xương máu giữa hai dòng thơ

Giới thiệu 3 bài thơ trong báo Truyền Thống Kháng chiến ở Saigon năm 1988

Thi Vũ Cuối thế chiến II, lực lượng Đồng minh đánh bẹp trục phát-xít Đức-Ý-Nhật mở ra cơ hội cách mạng giải phóng dân tộc mùa Thu 45 cho dân ta và nước ta. Dòng máu tự cường bị đè nén từ trăm năm đen tối sung sục dâng trào trên rừng giáo mác, gậy tầm vông.

Nhưng điều tân kỳ nhất, ở thời điểm 45, là sự bùng vỡ tâm tình người Việt qua ngôn ngữ. Chưa bao giờ chúng ta có nhiều chữ mới hợp tình, hợp lòng, hợp ý như thời ấy. Trước đó ta nói năng chỉ để trao đổi. Rồi một buổi ta nói năng thành Người tự do. Linh thiêng như em bé u ơ thoắt chốc phát tiếng thành lời. Giới sĩ phu của nước thời ấy đã tưởng chỉ có Pháp ngữ mới diễn tả rõ ràng, khúc chiết những trao đổi ý tình. Bỗng một ngày thấy ngôn ngữ Việt cũng giàu sang vô hạn. 

Từ đó dân Việt vùng lên… 

Thế nhưng, vài năm lại đây ở Việt Nam có hiện tượng ngôn ngữ đi thụt lùi. Tiếng nói thôi vọng về tương lai. Tiếng nói khựng lại, bới tìm những chữ cũ đã mất dạng lâu đời. Ngôn ngữ hết rồng mình. Ngôn ngữ thành di chỉ khai quật. Ngôn ngữ hết chồm tới như sóng. Ngôn ngữ dạt bèo vào hồ. 


Những chữ phong kiến, nạn cường hào ác bá, quan liêu, cai trị, thuế tai ác, công chức thuộc địa, v.v…xuất hiện đầy dẫy trên báo chí, thơ văn trong nước. Triều đại nhà Hồ đánh mất sự thơ mộng, thi ca hết ca tụng tình yêu và con người. Thi ca trong nước là thi ca than thân trách phận, nếu không là thi ca tố cáo, phản kháng. 

Đã từ lâu, chữ “đội sớ” chỉ dùng riêng trong tín ngưỡng dân gian hay ở các chùa. Nhưng bây giờ nó là hiện trạng của toàn dân trước bộ máy nhà nước XHCN đã thành tượng thần hoàng vô tri vô giác. Nếu có máy thống kê. chắc phải ghi hàng triệu lượt dân xuôi ngược về Hà nội “đội sớ” minh oan hay tố cáo. Bài thơ “Bao giờ” của Rum Bảo Việt với 42 câu thơ diễn đủ hoàn cảnh đất nước hiện nay. Một bà má ở Hậu Giang lên Saigon biểu tình chống cường hào đỏ. Ngày xưa bà nuôi cán bộ cộng sản, bây giờ bọn này bắt bà bỏ tù, vì... 

Ruộng nhà tao nó lấy
Đổi ruộng xấu ruộng xa
Ta “ý kiến” nó la
Bà già chống hợp tác?
Tưởng sao tao đòi gắt
Nó bắt trói đem giam
Tính ra trọn tuần trăng
Tao “ở tù Việt cộng”

Mất ruộng, phải đi hầu cửa quan (độc giả nhớ cho chúng ta ở thời đại XHCN năm 1989):
***năm nay 2012***

Thương má phải đội sớ
Lên tới tận trung ương
Ôi ngọn cỏ gió đùa!
Dân thời nào cũng khổ!
Bao giờ chánh mới thắng
Bao giờ tà mới thua?
Ôi! Bao giờ! Bao giờ?

Văn chương thời trước sẽ ngưng ở đây, chờ định mệnh trả lời. Nhưng thi ca bây giờ không đủ lượng chữ nghĩa quanh quẩn với vài mối tình tưởng tượng, vài đạo lý không hề sống, hay vài phòng trà rập rình những tiếng ca. Thi ca bây giờ là con lộ trải từ tim người, lát đá qua những vũng bùn nhơ, ra tới chân trời xanh. Đã có hai dấu than, thì cũng có hai dấu hỏi. Và hai chữ bao giờ trong một lần hỏi cũng đã khác nhau ở tư thế, do dấu than hay dấu hỏi đặt ngay sau. Kết luận không ở cuối bài thơ, mà ý lực giữa mạch bài. Như sự sống con người không ở dưới bàn chân hay trên đỉnh đầu. Mà ở ngay lồng ngực: 

Tụi nó giờ quá lộng
Khác trước lắm bây à
Dòi trong xương dòi ra
Ắt có ngày… vậy đó…

Rõ quá. Sắp tới ngày bị lật đổ, diệt vong rồi. Không còn mộng mị hoang đường như bài thơ cũng năm chữ, 48 câu, làm cách đây đúng 51 năm dưới ngòi bút của ông thi sĩ cách mạng vô sản Tố Hữu: 

Làm việc quá trâu cày
Đến già còn bửa củi
Gánh nước, cuốc vườn rau
Đất bụi lấm đầy đầu
Mà chủ còn hất hủi!
(Lão đầy tớ, trích tập Từ Ấy, tr. 53)



Bà má Hậu Giang biết được, ắt sẽ xin đổi làm thân ông lão đầy tớ. Chủ có hất hủi, bụi có lấm, già còn bửa củi… vẫn hơn “ở tù Việt cộng” hay sống cảnh “ruộng nhà tao nó lấy”. Tuy nhiên, ta đâu thể nhẫn tâm so sánh hơn thiệt cảnh một nông dân bị cướp ruộng với người đầy tớ trâu cày. Ta chống cả hai thân phận. Nhưng điều cần nhìn rõ là hai hướng thơ đi của hai nhà thi sĩ. Ông thi sĩ Tố Hữu bị ức chế, đứng lên tranh đấu, và thành công thiết lập nhà nước Công Nông theo ông mơ ước, mà ông đã “thấy” từ tháng 6 năm 1938 lúc ông vung tay chỉ đường cho Lão đầy tớ: 

Ông đã nghe ai nói
Có một xứ mênh mông
Nửa tây và nửa đông
Mạnh giầu riêng một cõi?

Nơi không vua không quan
Không hạng người ô uế
Không hạng người nô lệ
Sống đau xót, lầm than.
Để cùng nhau vui sướng
Ai già nua tật nguyền
Thì cứ việc ngồi yên
Đã sẵn tiền nuôi dưỡng
Ai cũng có nhà cửa
Cũng sung sướng bằng nhau
Đã không ai đè đầu
Làm chi có đầy tớ.

- Nước Nga? 
- Ờ, nước ấy 
Và há mồm khoan khoái 
Lão ngồi mơ nước Nga… 
(Lão đầy tớ, Tố Hữu, bđd.) 

Tuy nhiên đọc bài thơ ấy năm nay, lúc Liên Xô đang cực kỳ khủng hoảng và đói rách, ta không chỉ thấy khôi hài, mà còn nhận ra sự ảo tưởng hoang đường của các nhà thơ XHCN. Bài thơ đạt nhất chữ “há mồm”. Ông già ấy nay đã chết. Riêng ông Tố Hữu tiếp tục “há mồm”. Và bà má Hậu Giang nay cũng há mồm đội sớ chờ sung rụng. Năm mươi mốt năm trời đấu tranh, xương chồng máu biển, để thi ca đau đớn hoài từ giấc mơ hão, sang cơn nguyền rủa? 

Nhà thơ Nguyễn Bá ở Cần Thơ, hẳn phải là đảng viên, 40 năm kháng chiến, tập kết rồi chống Mỹ, vẫn không biết mình làm gì bây giờ: 

Bạn bè nghe thấy anh
Chiếc máy chữ đêm đêm cùng thức suốt
(Ai biết anh làm thơ? Viết văn?
Hay đánh đơn từ giúp bà con bị cướp nhà, cướp đất
Bị ép cung, bị giam cầm, đánh đập)
Mà tiếng máy nổ dòn như súng liên thanh!
(Như lúc còn chiến tranh, Truyền thống Kháng chiến số 3)

Tiếng máy chữ gợi tiếng súng liên thanh. Súng gợi đấu tranh. Nhưng chưa biết những Người Kháng chiến cũ sẽ làm gì đây qua các Câu lạc bộ, người thi sĩ lấy thái độ muôn đời của vị lãnh tướng bảo vệ đời sống: 

(Lúc cái THIỆN còn yếu hơn cái ÁC
Lấn lướt phật trong chùa là quỷ sa tăng)
Thì giá NÓI LÊN SỰ THẬT
Đổi ngay sinh mạng chính mình!

Sự thật ấy thế nào?

Bọn gian tham tưởng lầm chúng có tài
Lên mặt dạy đời, chúng học đòi lãnh đạo
Lắm lúc hứng cũng làm thơ, viết báo
Phê bình phim, dự hội thảo… vân vân
Chúng sống đề huề cái ở, cái ăn
Nhiều “bầu bạn” nhiều “bà con” tấp nập
Nhận phân phối ưu tiên, đặc quyền chia chác
Dù bao nhiêu công quỹ cũng không còn!

Bác sĩ bán bánh mì, thầy giáo đạp xe ôm
Nhà báo, nhà văn vô cùng chật vật
Bởi thế, cùng sống chung chế độ
Kẻ uống bia người uống thuốc rầy!
Bên cửa sổ mặt trời nghiêm sắc nắng
Bởi mặt trời đang mọc cũng bầm đau!
Ôi chiến sĩ Nam kỳ bạc tóc
Nghĩ sao về Đảng của mình?
Ôi những mẹ hiền nuôi chứa Hồn liệt sĩ, Thương binh
Máu đã đổ trên đất này
Tất cả những điều trên, hiển nhiên là sự thật
Sự thật khiến kẻ còn – người mất
Sự thật làm ta rất đỗi đau lòng!
(Sự thật của chúng ta: Sự thật đau lòng,
Nguyễn Bá, Truyền thống Kháng chiến số 3)


Đau lòng là nhẹ đấy. Nhưng cái nhẹ của ba bài thơ Bao giờ?, Như lúc còn chiến tranh và Sự thật của chúng ta: Sự thật đau lòng! đăng trên tờ “Truyền thống Kháng chiến” số 3 phát hành ở Saigon, có sức nặng nghìn cân. Thi ca ấy có cái gì của “gieo Thái Sơn, nhẹ tựa hồng mao”. 

Thi ca ấy đang là tiếng kèn đồng trong nước, nhưng cũng là tiếng kêu đang muốn vọng tới những nhà thơ Việt đang mài giũa chữ nghĩa ở hải ngoại. Họ muốn nói: Nghệ thuật không chỉ là tụng ca và hoài vọng mà thôi. Trong cơn lâm lụy của đông người, nghệ thuật còn là sự thức tỉnh về một quyết tâm phản kháng sự chết, cảnh nô lệ, vong thân, và mọi áp bức. 

Bởi vì thi ca là nẻo dẫn về Người – chốn cư trú giữa mông lung, vô tình. 

THI VŨ  (1989) 

*


Bao Giờ? 

Má từ dưới quê lên, 
Thấy con, má gọi tên 
- Thằng Sáu! Mầy đó hả? 

Hai mẹ con mừng rỡ 
Ngồi bệt xuống lề đường 
Nghe má nói mà thương 
Đời má sao khổ vậy? 

“Ruộng nhà tao nó lấy 
Đổi ruộng xấu ruộng xa, 
Tao “ý kiến” nó la 
Bà già chống hợp tác? 
Tưởng sao tao đòi gắt 
Nó bắt trói, đem giam 
Tính ra trọn tuần trăng 
Tao “ở tù Việt cộng”. 
Tụi nó giờ quá lộng 
Khác trước lắm bây à 
Dòi trong xương dòi ra 
Ắt có ngày… vậy đó… 

Bà con tới đông đủ 
Má vội vã tấp vô 
Đi ngang dọc, lô nhô 
Đổ về đường Lê Duẩn 
Má cho con ngoại phạm 
Con nghe nhói trong tim 
Má không trách không phiền 
Con càng đau trong dạ 
Lũ cường hào ác bá 
Đang gieo rắc tai ương 
Cho má, cho bà con 

Lại đội danh “Cộng sản”! 
Chánh hãy còn chưa thắng 
Tà hãy còn chưa thua 
Ôi ngọn cỏ gió đùa! 
Dân thời nào cũng khổ! 

Thương má phải đội sớ 
Lên tới tận Trung ương 
Má còn nhớ còn thương 
Còn lòng tin ở đảng 

Bao giờ chánh mới thắng 
Bao giờ tà mới thua? 
Ôi! Bao giờ! Bao giờ? 

RUM BẢO VIỆT 1.10.1988

*

Sự thật của chúng ta: Sự thật đau lòng!

Vẫn biết hằng ngày cuộc sống đi lên
Cái vui số nhân, cái buồn là số cộng
Vẫn biết nơi bùn lầy nước đọng
Thời đại ta vẫn lắng mây trời
Vẫn biết rằng người cầm bút như tôi
Phải hát về những gì gần trọn đời đã hát
Nhưng cuộc sống gọi tôi về sự thật
Và cho tôi ngôn ngữ rạch ròi
Cuộc sống dạy tôi từng ý từng lời
Dạy tôi làm thơ – nghĩa là đừng nói khác
Ai đúng, ai sai – Anh hùng và kẻ cắp
Thơ tôi cần dự báo cho người
Như vậy là tôi được ở nơi nầy
Được lên tiếng vẫy chào bè bạn
Bên cửa sổ mặt trời nghiêm sắc nắng
Bởi mặt trời đang mọc cũng bầm đau
Sông thức dậy rồi : ngọn sóng gối nhau
Những ngọn sóng vỗ bờ đòi gặp biển
Ở một ngã ba xoay tròn - nước nhũn
Chạnh lòng kỷ niệm dưới dòng sâu…
Có biết bao điều giấu kín từ lâu
Sợ mất thanh danh ít nhiều cán bộ
Bởi thế, cùng sống chung chế độ
Kẻ uống bia người uống thuốc rầy !
Bọn gian tham tưởng lầm chúng nó tài
Lên mặt dạy đời chúng học đòi lãnh đạo
Lắm lúc hứng cũng làm thơ, viết báo
Phê bình phim, dự hội thảo… vân vân
Cái nguy hiểm khôn lường là đảo lộn nghĩa nhân
Đảo lộn ĐÚNG SAI, đảo lộn CÔNG thành TỘI
Gạt bên dưới, bên trên thì báo dối
Rõ bọn này là “mọt nước sâu dân”
Chúng sống đề huề cái ở, cái ăn
Nhiều “bầu bạn”, nhiều “bà con” tấp nập
Nhận phân khối ưu tiên, đặc quyền chia chác
Dù bao nhiêu công qũy cũng không còn !
Bác sĩ bán bánh mì, thầy giáo đạp xe ôm
Nhà báo, nhà văn vô cùng chật vật
Khi biệt thự bên đường mọc lên
Và cứ mọc
Như những lời thách thức
Ôi chiến sĩ Nam kỳ bạc tóc
Nghĩ sao về Đảng của mình ?
Ôi những mẹ hiền nuôi chứa
Hồn liệt sĩ. Thương binh…
Máu đã đổ trên đất nầy
Trên đất
Cuộc “ĐỔI MỚI” cho con người sinh lực
ĐANG tìm lại mình trong uẩn khúc NHÂN DÂN
Tất cả những điều trên
Hiển nhiên là sự thật
Sự thật khiến kẻ còn – người mất
Sự thật làm ta rất đỗi đau lòng !

NGUYỄN BÁ

(Cần Thơ cuối đông 88)


Như lúc còn chiến tranh

Mọi người nghĩ tới anh
Dù anh ở rất xa
trong căn chòi rách nát
Dù anh chỉ một mình
dù có lúc
Bên dãy núi cuối trời
anh phiêu bạc lang thang
Có kẻ đe dọa anh
(Sợ anh làm thơ nói lên sự thật
Về những tên gian tham có chức, có quyền)
Tôi không thể chọn đề tài khác

Vậy, ông cảm phiền !
Anh trả lời dõng dạc
Rồi say sưa công việc thiêng liêng
Bạn bè nghe thấy anh
Chiếc máy chữ đêm đêm cùng thức suốt
(Ai biết anh làm thơ ? Viết văn?
Hay viết đơn từ giúp bà con bị cướp nhà cướp đất
Bị ép cung, bị giam cầm, đánh đập)
Mà tiếng máy nổ dòn như súng liên thanh !
Trong bọn thù ghét anh
Có người làm Trưởng ban, Giám đốc
Với anh, là cấp trên
Họ sẽ “trị” anh bằng truy tận cùng lý lịch
Quan hệ gái trai, bồ bịch…
Thế là anh có hồ sơ « thành phần không tốt »
Tình nghi chống Đảng, chống nhân dân.
Có một thời kẻ « Lộng giả thành chân »
Nắm gọn trong tay quyền sinh sát
(Lúc cái THIỆN còn yếu hơn cái ÁC
Lấn lướt Phật trong chùa là qủy sa tăng)
Thì giá NÓI LÊN SỰ THẬT
Đổi ngang sinh mạng chính mình !
Nhà thơ, anh can đảm lạ thường !
Xin được cùng anh “xông ra phía trước”
Trong ĐOÀN QUÂN NHÂN DÂN bảo toàn đất nước
Như lúc còn chiến tranh.

NGUYỄN BÁ

Cần Thơ mùa đông 88




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo