VN lên án TQ 'đánh đập ngư dân'
BBC - Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện sứ quán Trung Quốc để phản đối Trung Quốc "đánh đập" 11 ngư dân tỉnh Quảng Ngãi, điều vừa bị Trung Quốc bác bỏ. Người phát ngôn Lương Thanh Nghị cho biết như vậy trong cuộc họp báo hôm thứ Tư ngày 29/2.
Sáng ngày 1/3, Tân Hoa Xã trích lời Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Hồng Lỗi bác bỏ chuyện "hành hạ" ngư dân Việt Nam.
Ngư dân Việt Nam nói thường bị Trung Quốc ngăn cản khi đánh cá ở khu vực Hoàng Sa
Vừa khẳng định "chủ quyền không tranh cãi của Trung Quốc ở Tây Sa và các vùng nước lân cận", ông Hồng Lỗi cho báo chí hay hôm thứ Năm rằng cơ quan chức năng Trung Quốc gần đây đã "trục xuất tàu cá Việt Nam vi phạm cướp cá" tại vùng này.
Bản tiếng Anh của Tân Hoa Xã dùng từ 'fishing piracy' (đánh bắt kiểu cướp biển) để nói về ngư dân Việt Nam.
Ông Hồng Lỗi được trích lời nói phía Trung Quốc, trong tinh thần nhân đạo, đã cứu giúp ngư dân Việt Nam và phía Việt Nam "đã bày tỏ sự cảm kích".
Trước đó một tuần, vào ngày 22/2, 11 ngư dân tỉnh Quảng Ngãi trên tàu cá QNg 90281TS khi đi vào quần đảo Hoàng Sa để tránh gió đã "bị Trung Quốc dùng vũ lực ngăn cản", theo báo chí Việt Nam.
Truyền thông Việt Nam nói các ngư dân này còn "bị đánh đập, lục soát và tịch thu tài sản".
BBC không có điều kiện kiểm chứng cáo buộc lẫn nhau của hai nước về vụ việc hiện đang thu hút dư luận hai bên này.
Tại cuộc họp báo hôm qua, ông Nghị cho biết đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã đến Tòa đại sứ Trung Quốc tại Hà Nội để phản đối và yêu cầu nước này bồi thường cho ngư dân.
Ông lên án hành động trên của phía Trung Quốc "đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam, đi ngược lại tinh thần đối xử nhân đạo đối với ngư dân, đe dọa nghiêm trọng tính mạng và gây thiệt hại nặng nề về tài sản cho ngư dân Việt Nam".
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị một lần nữa lặp lại rằng "Việt Nam có chủ quyền không tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa".
Ông nói ngư dân Việt Nam hoạt động cá tại các vùng biển thuộc Hoàng Sa và Trường Sa "là việc làm bình thường̀ từ bao đời nay và phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế”.
Trong tuần này, Việt Nam loan báo Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sẽ thăm Trung Quốc trong dịp nửa đầu năm nay.
Quanh quan hệ với Trung Quốc, Việt Nam cũng cho biết sẽ "khởi động đường dây nóng giữa hai Bộ Ngoại giao để kịp thời trao đổi, xử lý thỏa đáng các vấn đề phát sinh trên biển".
*
Trung Quốc phủ nhận tố cáo hành hung ngư dân Việt Nam ở Hoàng Sa
Hình: REUTERS - Tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam ở tỉnh Quảng Ngãi
Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 1/3 khẳng định Bắc Kinh không sử dụng vũ lực đối với các ngư dân Việt bị Trung Quốc cho là ‘đánh bắt cá bất hợp pháp’ xung quanh quần đảo Hoàng Sa.
Phát ngôn nhân Hồng Lỗi xác nhận mới đây tại khu vực xung quanh quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc đã xử lý hợp pháp các hoạt động đánh bắt cá trái phép của ngư dân Việt Nam và đuổi tàu cá của Việt Nam ra khỏi khu vực.
Hành động của Bắc Kinh, vẫn theo lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, là hoàn toàn hợp pháp và thỏa đáng. Ông Hồng Lỗi nhấn mạnh Trung Quốc không sử dụng võ lực trong khi thực thi luật pháp cũng như không xâm nhập lên tàu của các ngư dân Việt Nam.
Ông Hồng Lỗi nói thêm rằng Trung Quốc luôn đối xử nhân đạo với các ngư dân Việt và cung cấp sự hỗ trợ khi cần thiết. Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc đồng thời cũng yêu cầu Việt Nam tôn trọng chủ quyền của Bắc Kinh, có biện pháp hữu hiệu để tăng cường công tác quản lý và giáo dục ngư dân, chấm dứt tình trạng đánh bắt cá bất hợp pháp nhằm duy trì sự phát triển chung của các mối quan hệ giữa hai nước Việt-Trung.
Phản ứng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc được đưa ra 1 ngày sau khi Bộ Ngoại giao Việt Nam chính thức lên tiếng tố cáo Bắc Kinh đánh đập, cướp ngư cụ, và không cho 11 ngư dân trên tàu cá QNg 90281 TS của tỉnh Quảng Ngãi vào quần đảo Hoàng Sa tránh bão hôm 22/2. Phát ngôn nhân Lương Thanh Nghị nói ngư dân Việt đánh bắt cá tại hai quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam là hợp pháp, theo đúng tinh thần của Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển 1982.
Ông Nghị lên án hành động của Trung Quốc là xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, đi ngược lại tinh thần nhân đạo, đe dọa tính mạng và gây thiệt hại nặng nề đối với các ngư dân Việt.
Hà Nội khẳng định việc làm của Bắc Kinh không phù hợp với quan hệ hữu nghị song phương và Tuyên bố về các ứng xử của các bên ở Biển Đông.
Việt Nam đã triệu tập các nhà ngoại giao của Trung Quốc để phản đối cách hành xử của Bắc Kinh, yêu cầu bồi thường thiệt hại cho các ngư dân Quảng Ngãi và không để tái diễn trường hợp tương tự.
Cả hai nước Việt-Trung đều tuyên bố chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa, nằm cách bờ biển mỗi nước chừng 180 cây số. Mỗi bên quản lý một phần cho tới khi Trung Quốc chiếm đóng toàn bộ quần đảo có tranh chấp này sau cuộc xung đột vào năm 1974.
Nguồn: Reuters, Samaylive.com, Xinhua
http://www.voanews.com/vietnamese/news/vietnam/china-vietnam-fishermen-03-01-2012-141025533.html