Có nên cứu lực lượng chữa cháy? - Dân Làm Báo

Có nên cứu lực lượng chữa cháy?

"Hỡi những người mẹ già hằng đêm sao khóc?
Hỡi chúng ta hôm nay đang nghe gì không?"
Trịnh Công Sơn 

Vừa tròn mười năm trước, tháng 3/2002, lâm ngư trường Trần Văn Thời và hai khu rừng tràm sinh thái U Minh Thượng /U Minh Hạ cùng biến thành “điểm nóng” và cùng khiến cả nước lên cơn sốt suốt mươi tuần lễ. Khói cháy rừng từ vùng đất mũi mù mịt đến mức che khuất cả đám tang ở Hà Nội của Văn Tiến Dũng, một nhân chứng sống từng dự phần điều quân chống lại cuộc chiến giáo trừng của bọn bá quyền bành trướng, khi đương sự đột xuất chuyển sang từ trần tại bệnh viện 108 ngày 17/3/2002.

Qua ngày 19/3/2002, các lâm ngư trường Sông Trẹm, U Minh 2 và Vồ Dơi đã thành vựa than đước. Giặc lửa thừa thế ba mặt tiến công sang lâm ngư trường U Minh 3 và Trại tù K1. Tù lao cải được nhà nước huy động bung ra “tay không chống thần hỏa”. Gọi là một công đôi việc! 

Cũng vào tháng 3/2002 (chẵn chòi mười năm tình cũ), Chủ tịch Nguyễn Văn An thông báo một số quyết định khống của quốc hội Ba Đình về “những vấn đề lớn của đất nước” (và đều thuộc diện Bí Mật Quốc Gia): 

© Đứng đầu là “Thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp ước biên giới trên đất liền giữa nước Cộng hòa XHCN Việt Nam và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”; 

© Khoảng giữa là đóng dấu phê chuẩn quyết định rất hồn nhiên của mười mấy “trên”, về các dự án Trồng mới 5 triệu ha rừng, xây dựng Nhà máy khí điện đạm ở Bà Rịa-Vũng Tàu, xây dựng Nhà máy thủy điện Sơn La; 

© Đứng cuối và quan trọng ở tầm dự án cấp khủng gọi là dấu ấn để đời của lãnh đạo thời bấy: xây dựng Nhà máy lọc dầu số 1 Dung Quất. 

Hai tuần sau đó, 300 ha rừng phòng hộ đầu nguồn tứ giác Long Xuyên tại khu vực kinh KH9 cũng đột xuất bốc khói/thành tro. Bộ trưởng bộ Nông nghiệp Lê Huy Ngọ bấy giờ lệnh rằng “bằng mọi giá, phải giữ lấy khu rừng nguyên sinh còn sót lại ở U Minh Thượng”. 

Chiến lược cũ là có lũ chống lũ, có cháy chống cháy, có dịch chống dịch. 

Chiến lược mới là bỏ rừng già, cứu lấy rừng non. 

Tiếc là trời không chìu lòng người. 

Cho nên, chiến lược mới tiếp theo đó là bỏ luôn rừng non, cứu lấy lực lượng chữa cháy. 

Chiến lược Cứu Lấy Lực Lượng Chữa Cháy đang được xài lại hôm nay, cho dự án khủng Dung Quất. 


“Tôi kính cẩn cúi đầu
Vái mấy ngài chăn trâu”
Thần đồng thơ Trần Đăng Khoa 

Từ buổi giao thừa của thế kỷ 21, vẫn chính vị Bộ trưởng khả kính Lê Huy Ngọ đề xuất đề án “Thúc đẩy tiêu thụ nông sản hàng hóa để phát triển nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu nông thôn”. Cốt lõi hiệu năng kinh tế của nó là một bước tiến từ “làm để ăn” đến “làm dôi ra để bán”. 

Đề án này đã phần nào mở đường rộng dần cho nông dân ta mạnh dạn làm ăn. Nhưng chưa kịp làm đủ ăn thì đề án bị cải biên. Chủ trương của “trên” bấy giờ là phải chuyển đổi từ “cùng làm ra để đủ ăn” sang “tự vét vào để chóng thành trọc phú”. 

Dự án khủng Dung Quất (ngay sau Đường Tải 500Kv) là thí điểm cấp quốc gia của chủ trương đó. Vì sao Dung Quất? Người ta nêu ra một số điểm lý giải như sau: 

© Quảng Ngãi là sinh quán của lãnh đạo cực cao ngang hàng nguyên thủ bấy giờ; 

© Lãnh đạo có nhu cầu để lại dấu ấn cực to cho nhân dân địa phương nhớ đời; 

© Lãnh đạo có nhu cầu cân bằng lợi lộc vùng miền (giành dự án theo nguyên tắc chia ghế); 

© Dự án Dung Quất thuộc hàng nhiều tỷ đô la Mỹ; 

© Dự án Dung Quất có rất nhiều khả năng tự đội giá vượt ngưỡng hàng chục tỷ mỹ kim; 

© Dự án Dung Quất lại còn thừa khả năng tự phình nở thành khu kinh tế Dung Quất rồi phình nở lần nữa thành Đặc khu Kinh tế dẫn đầu miền Trung; 

© Các dự án ăn theo chung quanh Dung Quất đều thuộc loại đa dạng, màu mỡ và …rộng mở; 

© Cơ hội huy động vốn ở trong và ngoài nước rất cao, đặc biệt là khi thành hình cảng biển và thành phố công nghiệp nặng (cấp đô thị hiện đại) Dung Quất; 

© Dung Quất là con đẻ của lãnh đạo, do đó, có thể sử dụng giải pháp bán trái phiếu cứu nguy mọi lúc, khi cần, hay khi được …mô tả là cần. 

© Lãnh đạo có nhiều ưu thế vô đối và quyền hạn vô cực so với các đại gia Nguyễn Văn Mười Hai/Tăng Minh Phụng/Liên Khui Thìn trước đó hay cả Năm Cam về sau này; 

© Lãnh đạo còn có nhu cầu chứng tỏ uy quyền luôn luôn đứng trên trí tuệ, phải có uy quyền mới có trí tuệ, và kiến nghị của trí thức không đời nào cao hơn sọt rác… 

Có người còn (nhập nhằng/phản động)cho rằng tất cả các điều trên đều đúng. 

Song, phải thừa nhận, đúng nhất là điểm cuối. Lãnh đạo đảng đã tin chắc, cũng đã nhiều phen công chứng rằng quyền lực chỉ nằm trên nòng súng, và một khi cơ bẩm đã bật đạn lên nòng, cò mổ sắp đập đuôi kim hỏa, thì mọi bộ phận trên người của bất kỳ kẻ nào đứng trước nòng súng cũng đều phải …teo, kể cả óc não/tư duy/tầm nhìn và lắm khi (hay thường khi), cả nhân cách. Trí thức VN đã bị dí vào hoàn cảnh đó, mỗi khi thấy cần phải lên tiếng phản biện (dưới dạng ngoan hiền là góp ý/kiến nghị, hay tưng tửng kiểu chém treo ngành, hoặc nghiêm túc là “này, nghe đây…”). 

Dung Quất không hẳn là lần phản biện đầu tiên; cũng không phải mọi phản biện chỉ tập trung: 

© về vị trí địa dư và hạ tầng cơ sở địa phương bất cập/bất tiện/bất xứng cho cả việc vận chuyển dầu thô đầu vào và sản phẩm đầu ra; 

© về tính phi kinh tế của toàn bộ dự án khi giá thành cao hơn sản phẩm nhập khẩu; 

© về vốn đầu tư cao, không thỏa mãn hiệu quả kinh tế và tiềm ẩn khó khăn trong việc thu xếp tài chính; 

© về những hệ quả liên đới đến môi trường; 

© về sinh hoạt/tâm tư quần chúng địa phương… 

Và cũng không phải các phản biện chỉ kéo dài đôi ba tháng là sóng êm gió lặng… Mà thực tế là suốt 20 năm, tính từ những phác thảo ban đầu hồi 1990s của thế kỷ trước, xuyên qua các dự thảo Nghi Sơn (Thanh Hóa), thành Tuy Hạ (Long Thành/Đồng Nai), Long Sơn (Bà Rịa-Vũng Tàu), Đầm Môn (Vân Phong-Khánh Hòa), Hòn La (Quảng Bình), và Dung Quất (Quảng Ngãi). 

Thế nhưng, trí tuệ ở đỉnh đầu ruồi bao giờ cũng nắm nhiều lợi thế (bất đồng/bất chấp/bất kể/bất lương/bất trắc) hơn trí tuệ phân tích/định lượng/cân nhắc/lọc lựa hoàn toàn khoa học (phi chính trị) và đầy nhiệt tình của trí thức cùng các viện nghiên cứu VN; hay hoàn toàn dựa trên khả năng sinh lời, của các chuyên gia dầu khí và kinh tế nước ngoài (Total của Pháp, Broken Hill của Úc, lẫn Zarubezhneft của Nga). 

Ngược lại, loại trí tuệ mã tấu/đạn đồng nói trên còn thể hiện cả ưu điểm sở trường/sở cầu/sở kiến/sở nguyện/sở thích/sở đắc là “biến nguy cơ chung thành lợi ích riêng”. Và chính đây mới đích thực là động cơ tạo ra lực đẩy nhanh/đẩy mạnh tiến trình gọi thầu, cùng lúc, mở rộng cửa sâu sau các biệt thự dát vàng ở Hà Nội. 

Cho nên, Dung Quất vẫn là “quyết tâm lớn” của lãnh đạo, được quốc hội đóng dấu đỏ thành “chủ trương lớn” (cũng của lãnh đạo). Nghĩa là, Dung Quất vẫn là …Dung Quất. 


“Một chân mây xa
sinh bao triết thuyết
Những gì ta biết
đến từ hư không
Nẻo đường ta bước
đi tới vô cùng…”.
Hoàng Cầm 

Cơ phận dây chuyền trao/nhận gói thầu thiết kế nhà máy lọc dầu Dung Quất, theo tiết lộ của một cố vấn kinh tế (xin dấu tên) ở Hà Nội, đã được bôi trơn bằng một cặp táp phong bì đợt đầu lên đến 20 triệu USD, không chỉ xoay vòng chia chác giữa Phạm Quang Dự/Nguyễn Xuân Nhậm/Ðinh Văn Ngà, mà loang rộng hàng ngang ra dàn tỉnh ủy (UBND Quảng Ngãi lấy lại vốn vận động), và hàng dọc lên cấp bộ trưởng (Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông – Vận tải, Xây dựng, Tài chính, Khoa học – Công Nghệ & Môi trường, Quốc phòng, Công nghiệp, Văn phòng Chính phủ), rồi tới thủ tướng, đương nhiên không thể thiếu chủ tịch nước gốc địa chất/quê Quảng Ngãi, và cũng không thể né phần lại quả cho tay tổng bí thư đầu đảng bấy giờ. Dù lớn nhỏ, tất cả đều có phần, và mọi việc trôi chảy là nhờ các phần được phân bố “hợp lý hợp tình”. 

Rất tiếc rằng đó vẫn chưa phải là con đường vận hành (đầy chông gai) của các Cty sau khi nhận thầu. Người ta chưa quên cảng cá Cà Mau, rộng 42.000m2, vay vốn xây dựng 27 tỷ đồng từ WB, được khánh thành từ tháng 3/2001, rồi tự biến tướng thành chợ ba khía bán lẻ cho địa phương, vì không có tàu nào có khả năng cặp cảng. Dung Quất là bản sao phóng ảnh mười năm sau của cảng cá Cà Mau. 

Thời đó, Phó chủ tịch Thị trường chứng khoán Vũ Bằng đã nhanh nhẩu nhìn nhận: “Giữa kế hoạch và thực tiễn vẫn là một khoảng cách khá xa”. Cụm từ khá xa vẫn nặng tính ngoại giao/phải đạo. Thực tế là rất xa. Dung Quất, có quyết tâm chính trị cao đến mấy, cũng nằm ở tầm xa nhất nước. 

Lý do mà nhà nuớc liệt kê ra, hầu hết đều là lỗi của (nói leo theo nhà văn Phạm Thị Hoài là) …thằng khách quan. Chỉ riêng trong vòng hạn chế nội bộ, thủ tướng thời nhiệm là Phan Văn Khải đã thú nhận trong hội nghị quan chức toàn ngành Tài Chính ngày 26/6/2003 rằng: “Tình trạng thất thoát ngân sách còn rất lớn, không có gì thay đổi so với các năm trước… Có nơi kiểm tra thấy mức chi tăng tới gấp 5-7 lần mức tiêu chuẩn cho hành chánh”. Dung Quất là trọng điểm bòn rút ngân sách có hệ thống ngay từ trước khi mẻ bê tông đầu tiên được cho vào máy trộn tại đây. 

Mặt khác, ngay chính Phan Văn Khải cũng không ngại lên lớp và lên án dàn cán bộ điều hành các xí nghiệp nhà nước đã “Thiết lập sổ sách chi thu gian dối, một mặt rút rỉa tiền của nhà nước đầu tư, mặt khác, đội giá sản phẩm lên cao, khiến cạnh tranh không nổi với các hàng hóa tương tự của các nước khác”. Dung Quất có giá thành sản phẩm đầu ra cao hơn xăng dầu nhập khẩu là vì vậy. 

Trên Tạp Chí Cộng Sản tháng 4-2002, Trung tướng Trần Xuân Trường, tác giả bài xã luận “Đôi điều về cuộc đấu tranh tư tưởng-lý luận” đã thẳng thắn và công khai nhìn nhận: “Biểu hiện ra trên bề mặt các hiện tượng (xây dựng XHCN ở đây) những nghịch lý khó cắt nghĩa theo tư duy lô-gích thông thường”. Dung Quất là một hiện tượng không thể cắt nghĩa theo tư duy lô-gích của những người sinh hoạt lành mạnh. 

Chỉ quen chăn nhẵn rận như Trần Xuân Trường hay Trần Đức Lương thời đó, cùng Nguyễn Tấn Dũng thời này (là kẻ cắt băng khánh thành), mới họa may có thể hiểu được lý do tại sao công trình trọng điểm quốc gia có số vốn lớn nhất từ xưa đến nay là Dung Quất đã: 

© Phải mất 44 tháng xây dựng, tính từ lúc động thổ, sau nhiều năm tháng mô mìn và nhiều đợt ngừng nghỉ vì phải chuyển đổi từ dạng thức quốc doanh sang liên doanh rồi tự đầu tư, hoặc vì “những vấn đề phức tạp nảy sinh” giữa các nhà thầu; 

© Được bộ Tài chính rót thêm 300 triệu USD (Vnexpress – 30/1/2007) 

© Phải đội vốn đầu tư, từ 1,5 tỷ USD (bao gồm cả phí tài chính, trên luận chứng nguyên thủy) vượt quá mức 3 tỷ USD (không bao gồm phí tài chính, trên thực tế); 

© Phải mất tổng cộng 13 năm tính từ nghị quyết kỳ họp thứ 2 khóa X (tháng 12/1997) của quốc hội đóng dấu đỏ cho dự án số 1, nhà máy lọc dầu này mới gọi là hoàn thành. Trong đó, lý do đáng xấu hổ nhất cho vị chủ tịch nước gốc địa chất/quê Quảng Ngãi là bởi “công tác khảo sát địa chất công trình còn sơ sài, thiếu sót”; 

© Bị chậm tiến độ xây dựng 9 năm so với Nghị quyết số 07/1997/QH10 và Quyết định số 514/TTg; chậm 7 tháng so với tiến độ đã cam kết trong hợp đồng EPC; 

© Phải cúi mặt: “Bàn giao nhà máy Dung Quất: Hẹn, hẹn nữa, hẹn mãi…” (VietnamNet); 

© Chưa thể vận hành ổn định vì“còn 100 điểm tồn tại kỹ thuật của nhà máy vẫn chưa được xử lý triệt để” (Vnexpress, 25/2/2010) 

© Được 8 ngân hàng rót thêm 200 triệu USD để điều hành nhà máy (Vnexpress); 

© Sau cùng, phải nhận bàn giao trong tình trạng vận hành “còn nhiều trục trặc nhất định” (lời tự thú của Đinh La Thăng), do bởi “tình trạng đùn đẩy trách nhiệm giữa chủ đầu tư và các cơ quan quản lý nhà nước” (UBKHCNMT báo cáo trước Quốc Hội ngày 18/10/2010); 

© Chính thức đi vào hoạt động trong khi vẫn còn 7 điểm tồn tại và 34 lỗi kỹ thuật được đánh giá là nhỏ (VietnamNet); 

© Phải bó tay khi nhà thầu Technip đã cuốn gói, ngay khi các gói thầu 1, 2, 3 và 4 chưa hoàn toàn nghiệm thu đúng tiêu chuẩn theo hợp đồng, rồi chỉ để lại vỏn vẹn 2 nhân viên kỹ thuật trên toàn bộ nhà máy (Đinh La Thăng); 

© Phải huy động nhân viên VN tự tiến hành cục bộ quy trình nạp dầu thô đầu vào; 

© Phải chấp nhận lùi thời điểm bàn giao một số kho chứa, tiêu biểu là kho nổi FSO-5, vì lý lo rò rỉ; 

© Phải quyết định tiếp tục cho chạy máy, trong tình trạng không ổn định các van, “đến kỳ bảo dưỡng thì sẽ cho tiến hành sửa chữa, thay thế”, và tạo ra các khoảng trống đình động, có lần lên tới 62 ngày, gọi là để bảo dưỡng. 

© Phải tạm dừng máy nhiều lần (ít nhất là 3 lần dài hạn), vì các sự cố mất điện, hỏng van, và “chủ động dừng để tổng kiểm tra thiết bị” hoặc “thay thiết bị phù hợp hơn”; 

© Phải lắp đặt hơn 300 cột phát hiện chống đột nhập bằng tia hồng ngoại, camera, cổng kiểm soát ra vào bằng thẻ từ, huy động chó nghiệp vụ, tăng cường an ninh để bảo vệ an ninh trong quá trình bảo dưỡng tổng thể lần đầu; 

© Phải ký các hợp đồng trị giá 25 triệu USD với 5 đối tác gồm 3 nhà thầu trong và ngoài nước mỗi lần tham gia bảo dưỡng tổng thể nhà máy; 

© Phải xử lý 5 trọng điểm kỹ thuật và 20 điểm kỹ thuật cần phải cải thiện, ngay sau lần bảo dưỡng đầu tiên (hơn 2 tháng), trước khi khởi động lại; 

© Phải dựa vào hay chiếu theo quan điểm của “trên” để hướng dẫn dư luận rằng các sự cố xảy ra gây tình trạng đình động là rất bình thường khi vận hành, bởi vì đây “công trình dầu khí qui mô lớn đầu tiên của Việt Nam có công nghệ hiện đại, phức tạp ”; 

© Khiến đại biểu QH do dự khi bấm nút hoàn tất công trình Dung Quất, bởi nhiều sự kiện, “từ việc chậm tiến độ thi công, tăng tổng mức đầu tư, độ chính xác của dự toán công trình, hiệu quả kinh tế và đặc biệt là trách nhiệm giám sát của Quốc hội” (Nguyễn Thị Bạch Mai). 

© Được đánh giá: Chê không nỡ/Khen cũng dở (Vinacorp); 

© Phải nhập dầu thô đầu vào, vì nguồn chính trong luận chứng kinh tế là mỏ dầu Bạch Hổ sắp cạn, hệ quả là có khả năng bị lỗ vài trăm nghìn USD mỗi ngày (Phan Châu Thành); 

© Được thiết kế chế biến dầu ngọt, nhưng khi đi vào hoạt động phải sử dụng cả dầu chua, với lượng lưu huỳnh cao hơn, sinh nguy cơ mòn máy hỏng van cao hơn nhiều lần dự toán; 

© Phải chấp nhận Cty Petec tổ chức một mạng lưới tiêu thụ sản phẩm với sản lượng từ 6 – 6,5 triệu tấn/năm, cho dù đã biết tình trạng một “anh hùng lao động sắp phá sản” của Petec vì lý do thiểu năng chuyên môn và kém quản lý (Đinh La Thăng); 

© Phải tồn kho có lúc lên tới 750.000m3 sản phẩm xăng A92/A95/diesel , vì thiếu đại lý tiêu thụ đầu ra, trong lúc doanh nghiệp bên ngoài phải chi ngoại tệ nhập khẩu xăng dầu về tiêu thụ (9 tháng đầu năm 2010, cả nước chi 4,87 tỉ USD nhập xăng dầu, kể cả lượng xăng dầu nhập khẩu từ …Trung quốc); 

© Bị tồn đọng hàng triệu m3 xăng dầu, khí đốt “Made in Việt Nam” trong kho. Chỉ riêng sản phẩm khí, lượng hàng tồn lên tới 2 triệu m3. (thông tin của PVN giao ban trực tuyến tại bộ Công thương ngày 04/10/2010); 

© Bị đầy các bể chứa, hàng không bán được, nhưng không thể ép đối tác trong nước hủy hợp đồng mua xăng dầu nước ngoài (Vnexpress, 06/10/2010); 

© Phải chịu mức giá thành cao hơn giá xăng dầu nhập khẩu vì “thời tiết tại khu vực Quảng Ngãi bất lợi, thường xuyên có mưa lớn, cảng biển lại nhỏ rất khó khăn khi doanh nghiệp vào lấy hàng, thời gian chờ đợi lâu. Điều này khiến các mặt hàng xăng dầu mua tại Dung Quất về đến kho bãi và bán ra thị trường bị đội giá lên cao” (Nguyễn Quang Kiên). 

© Phải vận động ngay chính Vietnam Airlines, vốn là “người nhà”, cần chịu khó sử dụng xăng Jet A-1 do Dung Quất sản xuất. Tính tới thời điểm tháng 4/2011 Vietnam Airlines vẫn chưa được phép mua vì các nhà sản xuất động cơ phản lực chưa phê chuẩn chất lượng xăng A-1; 

© Bị chính phó tổng giám đốc Petrolimex Nguyễn Quang Kiên nhìn nhận rất tiêu cực: “Việc tiêu thụ sản phẩm Dung Quất đem lại những thiệt hại nhất định cho Petrolimex…(nghĩa là) chấp nhận rủi ro và thua lỗ”; 

© Bị các đối tác ký hợp đồng tiêu thụ một cách khiên cưỡng và chê giá mua đắt chẳng kém xăng nhập; 

© Bị coi là nguyên nhân chính của tình trạng điện thiếu/xăng thừa; 

© Phải giải quyết sự cố tắc đường tàu vận chuyển dầu, vì lượng tàu đánh cá của ngư dân địa phương; 

© Phải huy động thêm vốn bằng ngân sách 1 tỷ USD nợ trái phiếu bán ra nước ngoài; 

© Phải trả tiền bảo hiểm hàng tháng cho giá trị bồi thường lên tới 3 tỷ USD; 

© Phải điều đình việc bồi thường thiệt hại cho dân sống quanh nhà máy Bio-Ethanol Dung Quất vì đã xả chất thải ra ruộng; 

© Bị nhân dân quanh vùng khiếu kiện về việc nhà máy tiếp tục thải trực tiếp khí độc sulfur dioxide ra không khí, dù đã hứa chấm dứt nhiều lần trước đó; 

© Khiến nhân dân rà lại các phản biện từ 10 năm trước: “Xây xong nhà máy lọc dầu rồi mới thấy bất cập về cảng, tàu to không vào được. Người ta mua từ Singapore cùng giá như vậy, cước vận chuyển như vậy, nhưng nếu chở tàu 20.000 tấn sẽ rẻ hơn mua ở Dung Quất mà chỉ chở được 5.000 tấn” (Nguyễn Đình Xuân); 

© Khiến đại biểu QH nghi ngờ: “Tổng mức đầu tư của dự án hơn 3 tỷ USD, bỏ rẻ lãi suất vay trong và ngoài nước là 7%, mỗi năm riêng tiền lãi đã lên tới 210 triệu USD. Tính thêm phần khấu hao 150 triệu USD, vị chi mỗi năm nhà máy phải làm ra trên 360 triệu đôla mới có lãi. Liệu chúng ta có thể làm được như vậy không?” (Nguyễn Đình Xuân); 

© Bị lỗ trắng trên 3000 tỷ đồng VN trong năm 2011 (Phan Châu Thành); 

© Bị vạch trần cách báo cáo láo trước Quốc Hội: “Với khoản đầu tư lên đến 3 tỷ đô-la, giả thử nhà nước không bù lỗ lãi suất mà tính sòng phẳng bằng lãi suất phát hành trái phiếu quốc tế chừng 7%/năm thì tiền lãi phải trả chừng 210 triệu đô-la (còn lấy lãi suất bù lỗ là 3,6% thì tiền lãi hàng năm cũng chừng 108 triệu đô-la). Như vậy lợi nhuận gộp của Dung Quất làm ra có thể chưa đủ để trả lãi hoặc trả lãi xong cũng chưa đủ để khấu hao, trả lương nhân viên, chi phí… Lấy đâu ra các con số nói tổng thu nộp ngân sách khoảng 27,8 tỷ đô-la” (Nguyễn Vạn Phú); 

© Vẫn còn nguy cơ tiếp tục lỗ trắng trong năm nay và những năm kế tiếp (căn cứ vào chỉ tiêu danh thu suýt soát 2011); 

© Phải che dấu lầm lỗi cho nhau và không một ai chịu trách nhiệm sai phạm; 

© Bất đắc dĩ phải chọn giải pháp rao bán 49% cổ phần, tiếng là để “mở rộng doanh nghiệp”, song thực chất là một cách tống táng lỗ lã. 

Gút lại, bài học Dung Quất khá đắt: Lãnh đạo đảng và nhà nước đã tiêu phí ba tỷ đô la của dân và 13 năm để chứng thực các phản biện (từng bị cho là phản động) đang hiển hiện ra từng điểm một trước mắt. Và có thể còn hồn nhiên tiêu phí thêm nhiều tỷ đô la nữa để học lại bài học Dung Quất này, trong các công trình kế tiếp. 


“Cá không ăn muối cá ươn
Con cãi cha mẹ trăm đường con hư”
Ca dao 

Comment của một độc giả trên báo Vnexpress như sau: 

Năm 1995, tập đoàn Total SA của Pháp đã chấm dứt thương lượng đầu tư với lý do rằng chính phủ đòi phải đặt nhà máy tại miền trung, (tức là) cách xa những cơ sở hạ tầng dầu mỏ trong nước.

Năm 1997, Ngân hàng Thế giới nói dự án này sẽ “không làm gì cho nền kinh tế” và năm sau Quỹ Tiền tệ Quốc tế nói rằng giá trị của dự án này “đáng ngờ”.

Năm 1998, mặc dù đã ký hợp đồng tham gia, tập đoàn Zarubezhneft (Nga) cho rằng vịnh Dung Quất là “một địa điểm rất xấu”, và đến năm 2002 đã rời bỏ dự án.

Năm 2003, Liên Hiệp Quốc đã nhắc đến dự án này khi nói rằng Việt Nam nên tránh xa những “đầu tư có thu nhập thấp”. 

Điều này nhắc nhớ là trước đó nữa, khoảng giữa thập niên 1980s, ngay từ những dự tính ban đầu thiết lập một nhà máy lọc dầu ở thành Tuy Hạ, Long Thành, Đồng Nai: Không biết bao nhiêu phản biện của trí thức và nhân dân trong nước muốn đánh thức lãnh đạo đảng và nhà nước này giảm bớt cường độ dần cho đến mức triệt tiêu cái món duy ý chí, gọi cho đẹp là “quyết tâm chính trị”, trong các dự án kinh tế tầm quốc gia. 

Cái đuôi định hướng XHCN không đời nào đi trước cái đầu kinh tế thị trường được, nếu nó không là một quái vật tự gắn đuôi lên trán. 

Kế tiếp ngay sau vụ Vinashin, AgriBank, Jetstar Pacific tiêu tốn hàng chụ tỷ đô la… sự cố Dung Quất bồi thêm một tiếng chuông báo trước hàng loạt đám tang Tống Táng Lỗ Lã các “chủ trương lớn”, “công trình trọng điểm” và “dự án cấp quốc gia” sẽ diễu hành khắp VN bằng đoàn xe khủng treo đầy vòng cườm của lãnh đạo. 

Bên cạnh đó sẽ là hàng loạt chiến dịch chữa cháy dư luận, không loại trừ những cách chữa cháy bằng sản phẩm Jet A-1. 

Ngay trước mắt là các vụ cháy xe trên đường phố. Xa hơn chút nữa là mối lo nín thở của cả thế giới đang dõi mắt nhìn về kho bùn đỏ hàng trăm triệu mét khối đang treo lơ lửng trên Tây Nguyên. Kế đó là các nhà máy điện hạt nhân, đang hình thành cũng bằng các “quyết tâm chính trị cao độ” và sắp được đặt móng ngay trên những “phản biện bị coi là phản động” của nhân dân cả nước. 

Trước chập chùng hiểm họa giết dân đó, có kẻ kêu gọi hãy cứu lấy lực lượng chữa cháy của đảng. 

Bạn nghĩ thế nào, và chọn lấy cho mình cách giải quyết nào? 

20-3-2012 




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo