Lấy thuế dân cho cán bộ "Dưỡng Liêm" - Nên hay không ? - Dân Làm Báo

Lấy thuế dân cho cán bộ "Dưỡng Liêm" - Nên hay không ?

N. Mi (Danlambao) - Trong thời điểm người dân đang lao đao với tình trạng lạm phát, vật giá leo thang, đồng tiền mất giá, lương không đủ sống, sắp tới lại phải gánh chịu thêm biết bao nhiêu thứ phí, thuế của Chính phủ đưa ra thì mấy ngày vừa qua, các trang báo Nhà nước lại nêu ra vấn đề "dưỡng liêm" cho các cán bộ công chức nhà nước để phòng chống tình trạng “tham nhũng” hiện nay.

Cụ thể: Đà Nẵng sẽ chi 5 triệu đồng/tháng/người cho CSGT đứng chốt để “nuôi dưỡng sự liêm chính” – nghĩa là tổng thu nhập của CSGT có thể lên đến cả chục triệu đồng/tháng. Cũng theo Thông tư liên tịch số 46 của Thanh tra Chính phủ và Bộ Tài chính vừa ban hành, bắt đầu từ ngày 01/05, những cán bộ, công chức làm công tác tiếp dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại trụ sở hoặc địa điểm tiếp dân cũng được hưởng chế độ phụ cấp trách nhiệm với mức từ 50.000-100.000 đồng/ngày/người – mức "dưỡng liêm" tối thiểu cũng được 1,1 triệu đồng/tháng/người. 

Theo Wikipedia : “Tiền dưỡng liêm là khoản tiền do nhà nước thời Nguyễn cấp thêm ngoài lương bổng để nuôi lòng liêm khiết của quan lại. 

Lệ cấp tiền dưỡng liêm chỉ được đặt ra trong những năm cuối triều Gia Long, vua Gia Long cho rằng "Phủ, huyện ở gần nhân dân, chức nhỏ nhưng việc nhiều, ngoài bổng chính ra, cấp thêm tiền gạo dưỡng liêm để tỏ đặc cách". Còn vua Minh Mạng thì nói rằng "tiền dưỡng liêm là để khuyến khích tiết tháo trong sạch" 

Giá trị thực tế của khoản tiền dưỡng liêm dưới triều Gia Long, Minh Mạng rất lớn, tương đương với số lương bổng họ được nhận thực hàng tháng. Điều này có ý nghĩa rất lớn về vật chất vì quan lại có thể dựa vào tiền dưỡng liêm để đủ tiền sinh sống và bảo vệ tính thanh liêm cần thiết cho mình. Tiền dưỡng liêm thật sự là một biện pháp tương đối hữu hiệu trong việc ngăn ngừa tệ nạn tham nhũng trong hàng ngũ quan lại triều Nguyễn.” 

“Ngày nay, tại nhiều Quốc gia phát triển, đội ngũ công chức nhà nước đều có mức lương khấm khá. Họ được đào tạo bài bản, làm việc chuyên nghiệp, trách nhiệm cao. Thậm chí, chính phủ có thể thay đổi liên tục, song nền hành chính vẫn hoạt động bình thường. Singapore là nước có chế độ lương bổng cho quan chức cao nhất thế giới và cũng là nước có chỉ số tham nhũng thấp nhất thế giới. Hiện tại lương của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long là 2,2 triệu đôla Singapore/năm (tương đương 1,7 triệu USD), lương các bộ trưởng khoảng 1,1 triệu đôla. Singapore trả lương cao cho quan chức nhằm thu hút nhân tài và chống tham nhũng.” 

Điều đáng lưu ý là đất nước ta hiện nay không phải là một trong những Quốc gia phát triển (nếu không muốn nói nghèo nàn, lạc hậu), đời sống người dân, cơ cực, lay lất qua ngày - với đại đa số dân lao động họ chỉ đủ cơm no qua ngày, chưa đủ áo ấm, không phải ai cũng đủ điều kiện để học hành, y tế… Vô số vấn nạn đặt ra mà chẳng thấy Nhà nước đề cập đến biện pháp cụ thể nào cải thiện, thậm chí còn kiếm hết phí này, thuế nọ đè lên cổ người dân trong khi bản thân tiền lương của cán bộ - công chức hiện nay cũng là từ tiền thuế của người dân. Lương CSGT và tiền "dưỡng liêm" lên đến cả chục triệu đồng/người/tháng, nếu chưa có tiền dưỡng liêm thì lương cũng sấp sĩ 5 triệu đồng/người/tháng mà còn chê ít, không đủ sống để “nuôi dưỡng sự liêm chính” thì Chính phủ hãy nhìn lại thu nhập của đại đa số người dân lao động xem với mức lương 2-3 triệu/người/tháng, thậm chí ít hơn thì làm sao họ sống nổi, vậy mà họ còn phải nuôi cả một hệ thống quan chức Nhà nước?

Một điều đáng lưu ý nữa là việc mang các quốc gia phát triển, điển hình là Singapore ra để mà so sánh thật khập khiểng! Bởi chính sách dành cho cán bộ-công chức không như ở Việt Nam. Chính phủ Singapore quy định hàng tháng cán bộ-công chức phải trích một tỷ lệ tiền lương để gửi vào quỹ tiết kiệm, khởi điểm là 5% và sau đó sẽ tăng dần theo tỷ lệ tăng lương. Số tiền đó do Nhà nước quản lý, khi nghỉ hưu số tiền đó mới chính thức thuộc quyền sở hữu của cán bộ-công chức. Còn trong quá trình làm việc, nếu họ phạm tội tham nhũng, dù bị phạt hành chính hay thôi việc thì toàn bộ số tiền tiết kiệm bị trưng thu. Người có mức lương càng cao thì số tiền bị trưng thu càng lớn. Đó là chính sách “không dám tham nhũng” cùng các chính sách “không thể tham nhũng”, “không cần phải tham nhũng” và “không được tham nhũng” đã khiến Singapore trở thành 1 trong những Quốc gia ít tham nhũng nhất Thế giới. Với những đối tượng theo quy định được hưởng khoản tiền “dưỡng liêm” mà không hề có một tiêu chí đánh giá cụ thể mức độ liêm chính tối thiểu cần đạt được hay cùng lắm như ông Nguyễn Bá Thanh yêu cầu “chỉ cần phát hiện nhận chung chi thì sẽ bị tước quân tịch, đuổi khỏi ngành, cho về vườn”. Điều này sẽ khiến cho người dân thực sự không hài lòng bởi quyền lợi phải đi liền với nghĩa vụ. 

Thiết nghĩ việc dưỡng liêm để nâng cao đời sống cho cán bộ, giúp họ “nuôi dưỡng sự liêm chính” cũng là điều cần nên làm, thế nhưng trong bối cảnh hiện nay, việc cải thiện, nâng cao đời sống cho người dân còn cấp thiết hơn cả. 

Đã ăn lương của dân thì trước tiên hãy nghĩ đến dân – dân có giàu thì nước mới mạnh!


N. Mi


http://danlambaovn.blogspot.com/


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo