Đã sai còn ác! - Dân Làm Báo

Đã sai còn ác!

Đông Kỳ - Nhân đọc bài trả lời báo chí của nhà Đài VTV sau tiểu phẩm Quỳnh Sao và đọc “ba láp 18 hay là Quỳnh Anh has got talent” của Khương Hà.

Tiếng cười chỉ thực sự đúng đắn khi giá trị mang lại đằng sau tiếng cười là giá trị nhân văn hoặc hướng đến nhân văn. Tiếng cười của tiểu phẩm VTV vừa rồi là tiếng cười ăn theo một hiện tượng xã hội và hậu quả là hủy diệt niềm tin của một cô bé 15 tuổi. VTV không chịu thừa nhận sai lầm là đúng! Vì đây không phải sai lầm nữa – mà là tội ác!

Các văn nghệ sĩ thay vì thực hiện sứ mệnh của mình là đi trước thời đại, dự báo cái nhìn xa thì càng ngày họ càng chứng tỏ khả năng “nhai lại” bằng cách ăn theo một hiện tượng xã hội để mua những tiếng “cười thừa” của quần chúng (vì đã cười quá nhiều, quá đủ và quá lố bịch trước đó rồi). Nhân danh sự “phản biện xã hội” để mua 1 tiếng cười nghiệt – mục đích? Đỉnh điểm hơn nữa là những câu trả lời của lãnh đạo VTV, phủ sạch toàn bộ sự “nhai lại” hình ảnh cô bé Quỳnh Anh thành Quỳnh Sao - với những chi tiết được đúc ra từ câu chuyện Quỳnh Anh – rõ như ban ngày! 

Nếu như cái mà họ đang làm là “phản biện một hiện tượng chung của xã hội” như lời ông Lương thì tại sao phải phủ nhận việc họ đang châm biếm hình ảnh mẹ con Quỳnh Anh, thậm chí còn trâng tráo bảo không hề biết gì (hoặc không thèm biết gì) về sự cố Quỳnh Anh, 2 câu chuyện này hoàn toàn tách rời nhau? Và nếu mục đích là giáo dục cái nhìn của con trẻ thời nay về ý thức tài năng bản thân thì tại sao lại buông một câu hết sức nửa vời rằng: "Nếu mình coi đó là chuyện bình thường thì sẽ là bình thường, nếu coi nó là nặng nề thì nó lại nặng nề. Tôi cho rằng nghĩ đó là mình thì sẽ là mình thôi. Còn nếu không để ý đến nó thì lại không có vấn đề gì cả."

Sự việc bị đẩy đi quá xa là do VTV cố "bồi" thêm tiểu phẩm hài gặp nhau cuối tuần? (Ảnh: PhuNuToday)

Vậy thì: giáo dục được ai nữa và mục đích của tiểu phẩm này là cái gì? Rồi khi bị báo chí đưa lên bàn cân về hệ quả "phản tác dụng giáo dục trầm trọng" của tiểu phẩm dẫn đến việc cô bé 15 tuổi rơi vào trạng thái chán sống thì lại phủ nhận hoàn toàn trách nhiệm: “Điều đó thì phải do gia đình thôi. Cái chính là gia đình phải biết động viên em vượt qua”. Xã hội từ báo lá cải đến báo chính thống “tầm quốc gia” như tự xưng cứ thay nhau mặc sức “ném đá” và đứng cười đủ kiểu rồi khuyên gia đình “động viên em cố gắng vượt qua”(?) 

Thật nực cười chưa từng thấy trong lịch sử! Cái mà họ đang mang lại không phải giá trị nhân văn nữa mà chính là tội ác! Sự kiện này là nhỏ nhưng “hiệu ứng xã hội đằng sau nó” quả không nhỏ: nó phô bày một cái khác lớn hơn một hiện tượng rất nhiều – đó là “ý thức phê phán” và căn bệnh “ném đá hội đồng” nhân danh chính nghĩa, được nuôi dưỡng và tiếp sức rất hiệu quả bởi ưu việt của truyền thông thời nay! Chị Khương Hà viết bài này hay quá, em Quỳnh Anh đọc được sẽ rất có lợi cho tinh thần em thời điểm này. 

Xã hội phản biện một hiện tượng cần như bác sĩ chữa bệnh: Chữa bằng cái tâm - chuẩn đúng và kê đủ - chuẩn bệnh có đúng cỡ nào mà kê đơn thuốc quá liều sẽ giết người chứ không còn hiệu quả cứu người nữa! Xin kết ý này bằng câu nói mình rất thích của nhà văn NM: “Có thể sai nhưng đừng ác, có thể ghét nhưng đừng hận thù!” VTV: đã sai trong tiểu phầm, sau đó còn ác trong cách trả lời báo chí!


Đông Kỳ



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo