Trung Quốc thúc đẩy du lịch ở Hoàng Sa - Dân Làm Báo

Trung Quốc thúc đẩy du lịch ở Hoàng Sa

BBC - Giới chức Trung Quốc tuyên bố đang nỗ lực thúc đẩy phát triển du lịch trên quần đảo Hoàng Sa mà nước này chiếm hoàn toàn từ tay Việt Nam vào năm 1974. Tại kỳ họp thứ 5 Chính hiệp khóa XI hiện đang diễn ra tại Bắc Kinh, hôm 7/3 Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Trung Quốc Vương Chí Phát nói cơ quan của ông đang hợp tác chặt chẽ với chính quyền tỉnh Hải Nam để mở rộng hoạt động du lịch tại quần đảo này.

Quần đảo Hoàng Sa, mà Trung Quốc gọi là Tây Sa, thuộc quyền quản lý hành chính của tỉnh Hải Nam. 

Từ tháng 11 năm ngoái, Sở Giao thông vận tải tỉnh Hải Nam đã cấp phép cho một công ty du lịch của Trung Quốc mở tuyến du lịch tới Hoàng Sa, khiến chính phủ Việt Nam lên tiếng phản đối, gọi đây là hành động "vi phạm chủ quyền" của Việt Nam. 

Trước đó, công ty trách nhiệm hữu hạn du lịch Tam Á của Trung Quốc cũng công bố tour du lịch hàng tháng tới Hoàng Sa, mỗi lần cho hàng trăm khách. 

Trong bài phát biểu tại cuộc họp quan trọng ở Bắc Kinh, ông Vương Chí Phát nói Chính hiệp toàn quốc, tức tổ chức tham vấn cho Đảng Cộng sản, cần khuyến khích tham gia đẩy mạnh du lịch Tây Sa (Hoàng Sa) vì hoạt động này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần khẳng định chủ quyền. 

Bắc Kinh luôn tuyên bố Hoàng Sa, Trường Sa, cũng như gần 80% diện tích Biển Đông là "lãnh thổ không thể tách rời" của Trung Quốc. 

Cũng trong hai tháng đầu năm nay, Trung Quốc đã có nhiều hoạt động "khẳng định chủ quyền" tại Hoàng Sa, như Bộ trưởng Giao thông ra thị sát tàu Hải tuần, Cục trưởng Cục Thể thao thăm đảo Phú Lâm, cũng thuộc Hoàng Sa, trong khi Cục trưởng Cục Ngư chính khu Nam Hải (Biển Đông) loan báo Trung Quốc đang tính xây dựng cơ sở nghề cá trên đảo Phú Lâm. 

Bên cạnh đó, Viện Nghiên cứu Môi trường và Khảo sát Công trình Hải dương Trung Quốc đang thực hiện dự án đo đạc, giám sát, phân tích và đánh giá sự thay đổi của một số đảo ở Hoàng Sa. 
Việt Nam phản đối 

Hiện Việt Nam chưa đưa ra phản ứng trước kêu gọi thúc đẩy du lịch Hoàng Sa của Tổng cục Du lịch Trung Quốc. 

Tuy nhiên trước đó, ngày 23/2, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị đã phản đối hoạt động của giới chức Trung Quốc tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. 

Ông Nghị khẳng định lại rằng Việt Nam có chủ quyền "không thể tranh cãi" đối với cả hai quần đảo này và yêu cầu Trung Quốc "dừng ngay các hành động, hủy bỏ các dự án xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, cùng các bên liên quan hợp tác gìn giữ hòa bình, ổn định ở Biển Đông”. 

Mới đây nhất, Việt Nam cáo buộc tàu hải giám Trung Quốc rượt đuổi, bắt giữ và tịch thu tàu sản của tàu cá tỉnh Quảng Ngãi khi tàu này hoạt động trong 'ngư trường truyền thống' gần Hoàng Sa. Thông tin này sau khi được phía Việt Nam chính thức đưa ra hôm 25/2 đã bị Trung Quốc bác bỏ. 

Quần đảo Hoàng Sa hoàn toàn vào tay Trung Quốc sau trận hải chiến tháng 1/1974, khi 74 lính hải quân Việt Nam Cộng hòa hy sinh nhưng không bảo vệ được quần đảo này. 

Thái độ về Hoàng Sa của chính quyền trong nước dường như đã thay đổi mạnh, nhất là khi Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng phát biểu trước Quốc hội về chủ đề từng được coi là nhạy cảm trong quan hệ Việt-Trung này. 

Hôm 25/11, ông Dũng nói trước các nhà lập pháp của Việt Nam, rằng Trung Quốc đã chiếm Hoàng Sa bằng vũ lực và "chủ trương của Việt Nam là đàm phán để đòi hỏi chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa" bằng biện pháp hòa bình. 

Phát biểu của ông Nguyễn Tấn Dũng được đánh giá là có 'dịch chuyển về chính sách'. 

Cơ quan du lịch Việt Nam cũng manh nha ý muốn tổ chức tour du lịch Hoàng Sa, nhưng ý tưởng này gần như không có cơ sở thành hiện thực, ít nhất là trong thời điểm hiện tại.



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo