Đức Đạt Lai Lama trong cuộc tranh đấu của người Tây Tạng với Trung Quốc - Dân Làm Báo

Đức Đạt Lai Lama trong cuộc tranh đấu của người Tây Tạng với Trung Quốc

VOA- Điều hiển nhiên là Trung Quốc không tin tưởng đức Đạt Lai Lạt Ma. Ngài thường xuyên bị Trung Quốc qui lỗi là nguyên nhân gây bất ổn tại những nơi có dân Tây Tạng sinh sống ở đất nước này và thường xuyên là cái đích nhắm tới của những lời chỉ trích cay độc trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc và những chat room trên Internet.

Tuần trước, trang Web China Tibet Online do nhà nước Trung Quốc điều khiển đã đưa ra một bài bình luận không những chỉ lên án nhà lãnh đạo tôn giáo là xúi giục tự thiêu, mà còn cáo buộc ngài cổ vũ cho điều họ gọi là kỳ thị sắc tộc “theo kiểu Đức Quốc Xã”. Tân Hoa Xã của nhà nước cũng cho loan tải bài bình luận này. 

Các chuyên gia về Tây Tạng ở Trung Quốc nói trong lúc những người tự thiêu có thể đang đòi cho Đức Đạt Lai Lạt Ma lưu vong trở về, ảnh hưởng của ngài đang phai nhạt dần ở những nơi có người Tây Tạng sinh sống tại Trung Quốc. 

Nhà cầm quyền Trung quốc đã gán cho hành động tự thiêu là khủng bố và nói những ai tham gia vào các vụ tự thiêu để phản đối phần lớn là những cá nhân bị loại ra ngoài lề xã hội và những kẻ tội phạm. 

Ông Tanzen Lhundup làm việc tại Trung Tâm Nghiên Cứu Tây Tạng của Trung Quốc ở Bắc Kinh, nói:

”Chúng tôi ghi nhận rằng những người tự thiêu đòi cho Đạt Lai Lạt Ma từ Ấn Độ về Trung quốc. Sự thực là chính phủ trung ương chưa bao giờ ngăn cản ông trở về. Tất cả chúng tôi đều hy vọng ông trở về nhưng ông chọn không hồi hương. “

Các học giả Trung quốc cũng lý luận rằng Tây Tạng ngày nay không còn là nơi mà Đức Đạt Lai Lạt Ma rời bỏ hơn 50 năm trước. Họ nói thay vào đó, đây là nơi đang trong thời kỳ chuyển tiếp.

Tuy nhiên nơi nào mà người Tây Tạng tại Trung Quốc đang chuyển đổi thì không rõ. 

Một số chuyên gia về Tây Tạng của Tây Phương cho rằng sắp hết thời giờ dành cho những cuộc thương thuyết giữa đức Đạt Lai Lạt Ma và nhà cầm quyền Trung Quốc. Lãnh tụ tinh thần lưu vong của người Tây Tạng ngày càng luống tuổi, và lần cuối mà đại diện của đôi bên gặp nhau là năm 2008.

Giáo sư Robert Barnett là một chuyên gia về Tây Tạng tại đại học Columbia. Ông nói: 

”Đồng thời vấn đề Tây Tạng ở nội địa Tây Tạng đang chuyển đổi mau chóng từ một vấn đề về sự bất mãn với chính phủ Trung quốc sang tuyệt vọng, một cảm nghĩ thực sự của nhiều người Tây Tạng rằng không thể mảy may tin tưởng vào Trung Quốc, rằng không cách gì có thể thỏa thuận được với nước này. “

Đức Đạt Lai Lạt Ma cho biết điều mà ngài tìm kiếm là quyền tự trị rộng rãi hơn cho nhân dân Tây tạng tại Trung Quốc, và bảo đảm duy trì bản sắc, ngôn ngữ, tôn giáo và văn hóa cho người Tây Tạng. Nhưng Trung Quốc lại tin rằng mục tiêu tối hậu của Đức Đạt Lai Lạt Ma là độc lập cho Tây Tạng. 

Thupten Jinpa là thông dịch viên Anh ngữ cho Đức Dạt Lai Lạt Ma. Ông cho biết trong lúc Đức Dạt Lai Lạt Ma chính thức tuyên bố người dân Tây Tạng sẵn sàng từ bỏ đòi hỏi độc lập và mong có một cung ứng nào đó cho họ thích ứng vào trong đại gia đình Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc, thì Bắc Kinh dường như thiếu ý chí chính trị để đi tới một giải pháp. 

Ông nói: ”Từ một quan điểm yếm thế, người ta có thể nói là sách lược của họ là cứ chờ cho đức ĐạÏt Lai Lạt Ma qua đời, và họ tính toán là một khi ngài đã từ trần thì sẽ chẳng còn năng lực nào trong phong trào đòi tự do nữa, cộng đồng quốc tế không còn chú ý và rồi dần dần vấn đề này sẽ biến mất. Nhưng tôi nghĩ sự tính toán này là một canh bạc lớn.” 

Ông nói người Tây Tạng đang tìm kiếm một điều tương tự như Trung Quốc đã dàn xếp cho Hồng Kông. 

Ông phát biểu: ”Về phương diện văn hóa, người dân Hồng Kông gần gũi hơn với Hoa lục, nhưng vì lịch sử và tầm quan trọng về kinh tế, Trung Quốc đã có thể thiết lập một mô hình cai trị đặc biệt ở tầm mức địa phương tại Hồng Kông. Đứng trên viễn cảnh Tây Tạng, khi chúng tôi nhìn vào vấn đề, chúng tôi biết người Trung Quốc có thể làm như thế, nhưng đồng thời khi nói đến Tây Tạng, dường như họ hoàn toàn bị tê liệt.” 

Thế nhưng trong khi dường như giới lãnh đạo Trung Quốc có thể tê liệt khi nói đến lãnh tụ tinh thần lưu vong của Tây Tạng, mới đây họ bày tỏ một số cảm thông với người biểu tình mặc dù vẫn lên án hành động phản đối.

Và môt dấu hiệu có thể cho thấy là Trung Quốc đang cố gắng nhìn tình hình từ một lăng kính khác được đưa ra trong một thông tin mới đây loan tải trên tờ báo Global Times của nhà nước. 

Theo tin loan tải, nhà cầm quyền Trung Quốc mới đây đã phái 20 ngàn viên chức đến thăm trên 5 ngàn ngôi làng ở Tây Tạng. Tin cho biết mục đích của các chuyến viếng thăm là để cho các viên chức của các cơ quan chính phủ và các viện nghiên cứu cùng ăn cùng ở với dân làng, hiểu những đòi hỏi của họ và giúp giải quyết ngay lập tức các vấn đề cho dân.



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo