Hy vọng nào cho thực phẩm Việt Nam!? - Dân Làm Báo

Hy vọng nào cho thực phẩm Việt Nam!?

Đào Hữu Nghĩa Nhân -  Liên tiếp trong nhiều ngày nay trên hầu hết các phương tiện truyền thông của nhà nước và của các cá nhân độc lập, ta nghe và đọc khá nhiều câu chuyện có liên quan đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm từ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, và cả thực phẩm nhập khẩu không rõ nguồn gốc. Thực ra từ thực phẩm nhập ngoại không rõ nguồn gốc là thực chất từ anh Tàu bạn của Đảng. Nhưng vì tính thời sự nhạy cảm của một tên gọi thiếu thiện cảm đối với dân chúng và sự e dè thái quá mà truyền thông ta dưới cây gậy chỉ huy của nhạc trưởng Đinh Thế Huynh phải khiên cưỡng... bò né, tránh gọi bằng tên cúng cơm!

Nói đến vệ sinh an toàn thực phẩm, phải thừa nhận một điều với cách quản lý như hiện tại nhà nước hoàn toàn thất bại trong việc ngăn chặn những nguy cơ từ nó. Từ việc chất kích nạc trong chăn nuôi heo, cá điêu hồng nhiễm trifluralin,... Câu chuyện về chất kích nạc trong chăn nuôi chẳng phải là câu chuyện mới mẻ gì mà là câu chuyện đã từng xảy ra nhiều năm trước đây. Nhưng vì một lý do nào đó quản lý nhà nước không đề cập đến. Câu chuyện này chỉ nóng trở lại gần đây khi TQ người tình đa nhân cách của đảng cấm tiệt các nhà nhập khẩu tiểu ngạch TQ nhập thịt heo từ VN, do có lo ngại về nguy cơ các sản phẩm này bị ngộ độc các chất kích thích như clenbutarol,... Điều đáng nói là 100% các hóa chất cấm này đều có nguồn gốc từ TQ, được các nhà nhập khẩu đểu cáng, thiếu lương tâm từ VN nhập về một cách thoải mái. 

Trước khi câu chuyện về chất kích nạc bùng phát, người ta thấy các thương lái luôn luôn là những tay quảng bá cho các nhà chăn nuôi nhỏ lẻ, lớn hoặc thiếu lương tâm hay thiếu tầm hiểu biết về các chất độc hại này, buộc họ phải sử dụng các chất tạo nạc thì chúng mới mua giá cao. Còn không, cứ để heo kêu la trong chuồng! Thời điểm việc dùng chất tạo nạc ồ ạt lượng heo xuất bán sang TQ cũng khá nhộn nhịp. Chỉ tới khi việc cấm được ban ra từ TQ, cũng đồng thời phía các nhà chăn nuôi heo VN rộ lên thông tin phần lớn lượng heo tiêu thụ trong nước đều có dùng chất kích nạc? Vây câu trả lời phải chăng có một mối liên hệ nào đó trong việc TQ xuất bán ồ ạt chất tạo nạc sang VN và khi đã đủ làm cho thịt heo siêu nạc của VN chao đảo thì họ dừng mua thịt heo cùng lúc với chỉ điểm nơi sử dụng chất tạo nạc như là cú nốc ao thứ hai lên nền nông nghiệp đã vốn èo uột của ta?

Việc các chất tạo nạc trong chăn nuôi hay chất kích thích, hóa chất BVTV,... phụ gia gì đó đại loại dùng trong nông nghiệp, thực phẩm,... phần lớn có nguồn gốc từ TQ đã và đang là một vấn nạn an toàn thực phẩm.

Đối với ngành chăn nuôi trong những năm mở cửa gần đây, ồ ạt các tập đoàn thức ăn gia súc khổng lồ nhảy vào thị trường VN như C, Cgill, Jaffpa,... Đây là nhưng công ty mạnh về vốn và công nghệ truyền thống lâu đời. Tập đoàn mẹ của các công ty này luôn có những trung tâm nghiên cứu tạo giống và dinh dưỡng chăn nuôi. Và dĩ nhiên giá thành thức ăn hay con giống họ đưa ra luôn cao hơn. Đảm bảo thức ăn chăn nuôi của họ an toàn cho cho chuỗi tiêu thụ cuối là con người. Bên cạnh sự phát triển của các công ty ngoại nhập khổng lồ còn có hàng loạt các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi nhỏ lẻ, thiếu kinh nghiệm, vốn và cả công nghệ, con người,... mọc lên cạnh tranh không cân sức với các đại gia này, ngạc nhiên là họ vẫn sông khỏe! Việc sản xuất thức ăn chỉ đơn thuần là phối trộn thành phần các loại ngũ cốc, chất đạm, béo và các chất vi lượng, đa lượng hầm bà lằng chỉ có trời mới biết. Những chất này nhập từ bên ngoài. Và dĩ nhiên trong chiến lược cạnh tranh ở phân khúc thị trường người chăn nuôi nghèo, thiếu hiểu biết, hám lợi,...? giá thành sản phẩm thức ăn gia súc thấp mới là miếng mỡ hấp dẫn. Và thế là chất phụ gia bí ẩn được thêm vào. Thường những chất phụ gia này được nghiên cứu sử dụng từ TQ, sau đó phổ biến bằng truyền miệng cho các nhà"nhập khẩu" bất lương du nhập vào VN phổ biến đại trà. Hiệu quả từ những chất phụ gia bí ẩn này tợ như cây gậy thần kỳ vừa giúp rút ngắn thời gian chăn nuôi, giảm tỉ lê tiêu thụ thức ăn, vừa thu lợi cao, hàng làm ra đến đâu đều được thương lái bao tiêu sản phẩm. Và dĩ nhiên đầu ra các sản phẩm này là ở chợ búa các vùng quê, các cơ sở chế biến nhỏ lẻ, chợ chồm hổm, chợ các khu nhập cư của người lao động nghèo, chiếm khoảng 70-80% dân số tiêu thụ thoải mái chúng,.... Và đây chính là dư địa cho hiện tượng thức ăn nhiễm độc các chất kích thích khó mà diệt trừ triệt để! Tất nhiên vòng lẩn quẩn đói nghèo, bệnh tật của vòng quay bánh xe không ngừng! Chỉ các nhà chăn nuôi có thương hiệu, dùng nguồn gốc thức ăn rõ ràng thì ung dung đi vào các siêu thị các trung tâm mua sắm lớn,... ở các khu vực giàu có!

Trước đây trong thời kỳ bao cấp, việc dùng các chất kích thích cũng đã có manh nha ở các nhà chăn nuôi heo hộ gia đình. Hóa chất họ thường dùng là phân Urea, hoặc thuốc Dexa trộn vào thức ăn cho heo trong thời gian chuẩn bị xuất chuồng, thường là 15 đến 20 ngày. Mục đích việc cho heo ăn urea, Dexa,... là để heo tích nước làm da bóng, tăng trọng,... hoặc trộn lá cây cần sa cho heo ăn khiến chúng ngủ nhiều mau lớn do ít tiêu tốn năng lượng,... Xã hội thời đại này con người thông minh hơn nên trộn vào nhiều chất bí ẩn hơn và độc hại gấp vạn lần hơn và dĩ nhiên tỉ lệ thuận với lợi nhuận!

Gần đây việc con cá điêu hồng nhiễm chất trifluralin cũng không là câu chuyện mới mẻ gì trong chuyện dài thức ăn VN nhiễm độc hóa chất độc hại. Đây cũng là một trong lĩnh vực khá bát nháo hiện nay từ việc sản xuất thức ăn, hóa chất trị bệnh cá, thuốc tẩy ao,... cũng được hàng trăm các doanh nghiệp đủ loại cung ứng từ thượng vàng hạ cám, thật đểu, giả cầy,... đầy dẫy. Chừng nào nhà nước dám dẹp bỏ, lập lại kỷ cương trong quản lý ở các công ty kinh doanh thức ăn gia súc, các công ty thuốc thú y, thủy sản mọc như nấm bu xung quanh người nông dân thì may ra mới đỡ phần nào vấn nạn thức ăn nhiễm hóa chất độc hại. Phần lớn các công ty này nhập hóa chất có nguồn gốc từ TQ. 

Hiện nay có một điều cũng hết sức đáng lưu ý là các hóa chất nhái có tính năng tương đương các hóa chất tốt, an toàn cho môi trường, cho người tiêu dùng được sản xuất từ các nước phát triển như Nhật, Mỹ, Hàn Quốc, Thụy Sĩ,... nơi có nền nghiên cứu khoa học cơ bản phát triển. Nay chúng được sản xuất bất hợp pháp bởi các chuyên gia làm nhái TQ đang làm mưa làm gió tại thị trường VN. Các hóa chất nhái này có tính năng tương tự nhưng người ta không hiểu liệu khi ra môi trường thì tính tồn lưu như thế nào, sự đào thải của các sinh vật khi hấp thụ chúng ra sao,.. vẫn là câu hỏi không có lời giải từ các nhà quản lý, nhà chuyên môn.

Tôi có một người bạn làm trong lĩnh vực thuốc trừ sâu cho các công ty nhỏ. Nó nói các nhà cung cấp hóa cất thuốc trừ sâu TQ rất thích thị trường thuốc trừ sâu VN. Bởi đây là thị trường mà chúng dễ dàng cập nhật các loại thuốc trừ sâu, bệnh thế hệ mới nhất từ các công ty đẳng cấp của thế giới như Ciba của Thụy Sỹ, Sumitomo của Nhật, của Anh Quốc, Mỹ,.... Bất kỳ loại thuốc nào vừa tung ra tại VN, ngay lập tức các nhà phân phối thuốc trừ sâu cá kèo sẽ nhanh chóng gởi mẫu cho các nhà "sáng chế" TQ. Chỉ trong vòng nửa tháng hoặc một tuần sẽ có thuốc nhái với tính năng ý chang xuất hiện tại VN với giá thành cực rẻ và hậu quả của nó với môi trường thì... kệ mẹ mày! Cứ thế mấy công ty quỷ quái này nhập khẩu về phân phối ồ ạt, cạnh tranh không lành mạnh cùng với hóa chất có tính năng tương đương nhưng giá đắt hơn. Khổ nỗi nông dân thấy cái gì rẻ là họ chọn. 

Thằng bạn còn kể các xưởng sang chiếc thuốc trừ sâu TQ vô cùng độc hại. Phần lớn công nhân làm trong các xưởng này đều bị các bệnh ngoài da, nên hàng tháng công ty nó phải cho công nhân đi tắm biển. Đó là chưa nói các bệnh tiềm ẩn về hô hấp mãn tính do được trang bị bảo hộ kém và điều kiện môi trường lao động thường là rất tồi!?

Với hậu quả của kiểu chơi này thì sản phẩm của VN lãnh đủ. Đối với hóa chất được sản xuất bài bản dĩ nhiên nhà nghiên cứu có đưa ra nhưng tính năng tự hủy, đào thải trong tự nhiên của nó và thời gian cách ly ra sao sẽ an toàn khi sử dụng. Còn đối với hóa chất nhái cùng tính năng sẽ chẳng thể nào biết được? Và dĩ nhiên dù cho anh có áp dụng quy trình chuẩn về trồng rau sạch cũng khó mà đáp ứng được do tính bền vững của hóa chất nhái này? 

Gần đây câu chuyện rau VN, trái cây xuất khẩu qua thị trường Châu Âu bị nhiễm hóa chất thuốc trừ sâu độc hại gấp hàng ngàn lần và đang có nguy cơ đối diện với việc EU sẽ cấm cửa vĩnh viễn rau và trái cây tươi từ VN. Để tránh một thảm họa như vậy nhà nước đã cấm các cống ty xuất khẩu rau gia vị và trái cây tươi từ VN để chờ chấn chỉnh công tác quản lý trước khi cho phép xuất khẩu trở lại.

Từ câu chuyện này cho thấy bộ máy quản lý nhà nước chưa thực sự là người dẫn dắt cho dân chúng làm ăn mà chỉ là kẻ chạy theo đuôi hụt hơi. Để khi biết mình không đủ sức chạy thì cấm! Việc anh chỉ giải quyết được phần ngọn của vấn đề thì người thiệt hại nặng nề nhất là người tiêu dùng và những người chăn nuôi phạm tội ngây thơ. Bởi họ đâu biết sản phẩm nào có chất độc hại gì? Nhà nước cấm chỉ càng đẩy khó khăn về cho các nhà chăn nuôi, nhà sản xuất. Chưa kể việc công bố các nghi án chất tạo nạc càng giúp cho các thương lái có điều kiện ép giá người sản xuất. Mấy tay bất lương buôn bán hóa chất vẫn bình chân như vại, trong khi chính họ thừa hiểu mình đã tạo ra chuỗi tội ác đó!

Mehico là một trong các quốc gia xuất khẩu rau tươi khổng lồ cho Hoa Kỳ. Hằng năm bộ NN Mỹ gửi cho các nhà nhập khẩu và xuất khẩu bảng danh mục các hóa chất thuốc BVTV được phép sử dụng trên rau. Trong đó quy định loại hóa chất nào được phép sử dụng trên rau ăn lá, rau ăn củ, và ăn quả. Thời gian cách ly sử dụng thuốc này lên trên sản phẩm nông sản của từng loại. Cứ thế nhà sản xuất dựa vào danh mục đó để sử dụng thuốc sao cho hợp lý. Bộ NN Mỹ chỉ cần kiểm tra ngẫu nhiên lô hàng nhập khẩu, thường là mỗi ba tháng một lần. Nếu đáp ứng dư lượng, hóa chất được phép dùng thì Ok. Dĩ nhiên trong năm cũng sẽ có vài lần hậu kiểm ngẫu nhiên. Nếu bất kỳ lô hàng nào vi phạm thì doanh nghiệp xuất khẩu đó sẽ bị cấm vĩnh viễn. 

Quy định này được xem là quy trình trồng rau sạch an toàn theo tiêu chuẩn Mỹ. Nó hoàn toàn khác với VN, rau an toàn hay rau sạch gì đó có nghĩa là không sử dụng hóa chất thuốc trừ sâu. Đây là quan niệm không đúng. Bởi việc cấm tiệt sử dụng hóa chất BVTV sẽ làm chất lượng rau về mặt hình thức rất xấu, khó bảo quản. Việc sử dụng hóa chất đúng và hợp lý hoàn toàn có thể yên tâm về mặt an toàn vệ sinh thực phẩm!

VN có hàng trăm công ty phân phối thuốc BVTV, từ nhỏ cho đến lớn. Chính đội ngũ các công ty bát nháo này sẽ đẩy thị trường phân phối thuốc BVTV vượt quá tầm kiểm soát của nhà nước. Vô tình nông sản của ta sử dụng nhiều hóa chất giả, nhái không rõ nguồn gốc và thành phần hóa chất đăng ký sử dụng có đúng hay không? Nó cũng chính là nguyên nhân khiến hàng nông sản VN gặp khó khăn khi xuất khẩu. Ngay cả mật ong của ta cũng bị vướng rào cản thương mại Mỹ do nhiễm hóa chất carbenzamin, thị trường tiêu thụ 90% lượng ong mật xuất khẩu của VN. Chất Carbenzamin là thuốc chống nấm được phép sử dụng trên cây điều và cây cao su là hai loại cây chính cung cấp mật cho ong, nhưng Mỹ thì cấm dư lượng hóa chất này có trong thực phẩm! 

Năm nay là năm đầu tiên VN xuất khẩu gạo ồ ạt cho TQ bằng con đường chính ngạch. Thiển nghĩ hiện tượng này vui ít buồn nhiều, bởi không biết liệu khi đã trở thành nhà cung cấp chính sản phẩm thuốc trừ sâu rẻ, giả, nhái cho VN. Rồi khi ngừng nhập khẩu gạo từ VN. Họ có công bố gì đó đại loại-gạo trắng từ VN là cực kỳ độc hại, do tồn lưu lượng lớn thuốc BVTV không được phép sử dụng trong nông nghiệp, như đã làm với thịt heo siêu nạc? Biết đâu đây là bước đệm hoàn hảo trong kế hoạch dài hạn cạnh tranh bẩn thỉu, biến VN thành kẻ lệ thuộc hoàn toàn vào kinh tế TQ?

Nhà nước đừng để quá trễ cho việc thay đổi cung cách quản lý của mình, ngỏ hầu lấy lại lòng tin người tiêu dùng trong nước về an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như uy tín của sản phẩm nông nghiệp VN khi xuất khẩu. Nếu muốn thế chỉ có cửa đảng đừng độc quyền. Còn nếu không thì chả có cửa nào ngoài... cửa tử! 




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo