Vấn đề Trung Quốc của thế giới và của Việt Nam - Dân Làm Báo

Vấn đề Trung Quốc của thế giới và của Việt Nam

Nguyễn Xuân Nghĩa (Việt Báo) - Biến cố Tháng Tư 1975 làm thay đổi vận mệnh quốc gia, trong đó, bản thân chúng ta chỉ là mảnh vụn rất nhỏ. Nhưng cũng từ đó, chúng ta đều phải suy nghĩ về đất nước và không chỉ tưởng niệm hoặc luyến tiếc mỗi năm vào dịp Tháng Tư. Chúng ta suy nghĩ về quá khứ với câu hỏi "Tại sao?" - và về tương lai với câu hỏi "Sẽ Ra Sao?"

Không tham gia bất cứ một tổ chức đấu tranh chính trị nào, bản thân chúng tôi kính trọng những người đấu tranh dù có khi không hoàn toàn đồng ý về mọi chuyện. Và càng kính trọng những người đấu tranh vì lý tưởng hơn là vì mơ tưởng sẽ có một vai trò chính trị nào đó trong tương lai. 

Cũng vì vậy mà chúng tôi có mặt trên diễn đàn này, như một người nghiên cứu về kinh tế và quan tâm đến Trung Quốc từ nhiều giác độ khác nhau.

Bài tiểu luận rất tóm gọn của chúng tôi sẽ có bốn phần và rất ít con số khô khan, chỉ với ước mong là gợi ý suy tư về chuyện quốc gia và quốc tế.

Trước hết là về bối cảnh chung: "Vì sao Trung Quốc là vấn đề?" Kế tiếp mới là "Vấn đề Trung Quốc của thế giới", và "Vấn đề Trung Quốc của Việt Nam". Sau cùng là phần kết luận, "Vấn đề Trung Quốc của chúng ta" - với vài câu hỏi... nhức đầu. 

Chúng tôi xin đầu tiên nói về bối cảnh.

Vì Sao Trung Quốc là Vấn Đề?

Quốc gia nào cũng có những giai đoạn thăng trầm trong lịch sử của từng dân tộc. Trong thế giới gọi là "toàn cầu hóa" ngày nay, hầu hết các quốc gia đều cũng có quan hệ với nhau, về ngoại giao, kinh tế hay an ninh. 

Trung Quốc là trường hợp cá biệt vì nhiều di sản của quá khứ.

Sau nhiều thế kỷ là đại cường Á châu và thế giới, Trung Quốc đã trải gần hai thế kỷ lụn bại vì nội loạn từ bên trong và ngoại xâm từ bên ngoài. Những biến cố kéo dài như vậy có ảnh hưởng đến tâm lý của dân tộc, chính yếu là Hán tộc. Vừa tự tôn vừa tự ti có thể là một phản ứng tiêu biểu. Khinh thường mà cũng nghi ngờ và e sợ thiên hạ là cách nói dễ hiểu hơn.

Sau nửa thế kỷ nội loạn triền miên, Trung Quốc chỉ giải quyết xong vấn đề ngoại xâm từ hậu bán thế kỷ 20, vào năm 1949, rồi mất 30 năm điên khùng với bài toán dựng nước. Điên khùng vì sự hoang tưởng của Mao. Cho đến năm 1979, xứ này mới tìm được lối ra nhờ Đặng Tiểu Bình.

Từ đó, trong 30 năm liền, xứ này đã tạm yên với chiến lược tăng trưởng khi mở cửa giao lưu kinh tế với thế giới. Tăng trưởng bằng mọi giá là một cách nói dễ hiểu.

Nhờ dân số đông nhất địa cầu và lại là nước đi sau có thể học được kiến thức và kinh nghiệm các nước đi trước, xứ này sớm thành cường quốc kinh tế. Một quốc gia có trọng lượng kinh tế thứ nhì thế giới. Nhưng người dân thì vẫn thuộc loại "Ba Bê", nghèo như các nước Belarus, Belize hay Bolivia, nếu tính bằng lợi tức đầu người. 

Đấy là một mâu thuẫn tâm lý đáng chú ý.

Vì yếu tố lịch sử - và đôi khi văn hóa – Trung Quốc cho rằng thế giới có tội về những tai họa của họ từ thời suy sụp của nhà Mãn Thanh. Và rằng từ nay sự thể sẽ khác. Vì vậy, trong quan hệ với các quốc gia, lãnh đạo xứ này không hề có một chút mặc cảm khi làm những điều mà thế giới không còn chấp nhận nữa. Lãnh đạo Trung Quốc có đầy đủ kiến thức của thế kỷ 21, nhưng hành xử với thủ đoạn trung cổ, theo những nấc thang giá trị đã lỗi thời, mà họ vẫn coi là chính đáng.

Vì vậy, chúng ta mới có vấn đề Trung Quốc.

Về ngoại giao, Trung Quốc là thành viên thường trực và có quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, và cũng tham dự vào hầu hết mọi tổ chức chuyên môn quốc tế. Có quan hệ với gần 200 quốc gia lớn nhỏ trên thế giới, Trung Quốc không hành xử như cường quốc có trách nhiệm về sự yên bình của địa cầu. Khi cần trục lợi thì ngoại giao chỉ là một phương tiện, và đạo lý quốc tế là một chướng ngại mà họ tự cho là có quyền phủ nhận. 

Về kinh tế, xứ này cũng có chủ trương lý tài và thực dụng trong mục tiêu tối thượng là trục lợi. Tức là sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn để giành phần hơn, kể cả ăn cắp, ăn cướp, bằng luật lệ hoặc qua tình báo, tham nhũng, mua chuộc. Chủ trương phát triển nền tư bản nhà nước cho phép lãnh đạo xứ này sử dụng các doanh nghiệp nhà nước trong tinh thần chiến đấu để ăn cướp. Chúng ta có cả trăm trường hợp minh diễn chuyện này.

Về môi trường, Trung Quốc là một trung tâm gây ô nhiễm toàn cầu mà... bất chấp. Họ không tham gia vào nỗ lực chung của cả thế giới để bảo vệ môi trường sinh sống của nhân loại và bên trong cũng chẳng kiểm soát việc bảo vệ môi sinh vì coi đó là một trở ngại cho tăng trưởng. Tăng trưởng bằng mọi giá là một chủ trương, cái giá ấy, ai sẽ trả, bao giờ trả thì không đáng kể.

Cũng về môi trường, chuyện đáng nói hơn cả là sau khi tấn công Tây Tạng năm 1950 rồi hoàn toàn kiểm soát xứ này từ năm 1959, Trung Quốc đang làm chủ Cao nguyên Tây Tạng và phần lớn của rặng Hy Mã Lạp Sơn đầy băng tuyết. Đây là đỉnh cao nhất thế giới, và một đệ tam cực sau Nam-Bắc cực, trung tâm phát nguyên những con sông lớn nhất Á Châu. Đây cũng là một "tháp nước" của toàn cầu, nơi cung cấp nước ngọt qua mạng lưới sông ngòi nuôi sống hơn một tỷ người dân Á Châu. 

Khi kiểm soát Hy Mã Lạp Sơn và Cao nguyên Tây Tạng, Trung Quốc làm chủ nguồn nước của hầu hết các nước Á Châu vây quanh. Và họ điều tiết nguồn nước đó cho mình mà bất kể đến quyền lợi hay sinh mệnh người dân xứ khác, dù là Pakistan, Kyrgyzstan, Ấn Độ, Bangladesh, hay Miến Điện, Thái Lan và ba nước Đông Dương Việt, Miên, Lào. Năm nước sau cùng này đều có thể sống hay chết vì sông Mekong và lưu vực của dòng sông là nơi sinh hoạt của 60 triệu dân.

Trong khi ấy, Cao nguyên Tây Tạng cũng là nơi hủy thải phế vật uranium của kỹ nghệ hạch tâm, theo tiêu chuẩn mất an toàn đặc biệt của Trung Quốc.

Kết hợp ngần ấy chuyện ngoại giao, kinh tế và môi sinh, Trung Quốc còn là vấn đề khi hợp tác, mua chuộc và khuynh đảo các chế độc độc tài và hung đồ của thế giới, miễn là đảm bảo được quyền lợi của mình. Mọi chế độ độc tài còn rơi rớt lại trên thế giới đều là thân chủ của Trung Quốc và được Bắc Kinh bao che, bảo vệ, từ Bắc Hàn đến Việt Nam, từ Sudan tới Iran, Syria...

Sau cùng, về an ninh và quân sự, Trung Quốc tự cho mình quyền bảo vệ luồng giao lưu buôn bán, lần đầu tiên trong lịch sử được mở ra thế giới bên ngoài. Nhưng bảo vệ theo màu sắc Trung Hoa thời cổ. Không chỉ chiếm đóng các lân bang để xây dựng vùng trái độn quân sự như đã từng làm từ thời xưa, Trung Quốc muốn mở rộng vùng trái độn ấy ra bên ngoài, và ra biển.

Từ 20 năm trước, lãnh đạo xứ này đã chuẩn bị việc kiểm soát vùng biển cận duyên hay xanh lục làm vùng trái độn quân sự. Ngày nay, với phương tiện kinh tế dồi dào hơn, Trung Quốc có tham vọng sớm thành cường quốc hải dương với khả năng kiểm soát vùng biển viễn duyên là biển xanh dương. Trong phạm vi đó, cái lưỡi bò chúng ta nghe nói đến chỉ là phần trái độn cận duyên, ở ngoài Đông hải. Trong một tương lai không xa, Trung Quốc sẽ đòi kiểm soát luồng giao lưu từ Bán đảo Á Rập qua Ấn Độ dương nối liền với miền Tây Thái bình dương.

Khi thế giới có một đại cường mới xuất hiện thì quan hệ giữa các nước có thể đảo lộn. Khi đại cường lại là một Trung Quốc có đầy mặc cảm và lối hành xử ngang ngược mà lãnh đạo và người dân lại coi là chính đáng, thế giới sẽ khó yên lành. 

Sau phần bối cảnh, chúng ta bước qua phần vấn đề. 

Vấn đề Trung Quốc của Thế giới...

Quốc gia nào cũng có thể có những tranh chấp về lãnh thổ với các lân bang. 

Trung Quốc là quốc gia có tranh chấp với hầu hết mọi lân bang, cả chục nước, từ Nga qua Ấn Độ đến các nước Đông Nam Á lên tới Nhật Bản... Khi có tranh chấp, quốc gia nào cũng có thể yêu cầu quốc tế tham gia giải quyết hoặc tôn trọng phán quyết của quốc tế. Lãnh đạo Trung Quốc lại không chấp nhận việc thương thảo đa phương trên một diễn đàn quốc tế mà tìm giải pháp song phương với từng nước, theo kiểu cố hữu là vừa dọa vừa dụ vừa mua chuộc hoặc khuynh đảo. Đấy là một vấn đề của thế giới.

Chuyện cái lưỡi bò hoặc khu đặc quyền kinh tế hay Luật biển của Liên hiệp quốc chỉ là mặt nổi của các vấn đề ngoại giao hay pháp lý với Bắc Kinh. Nếu tiến lên khu vực tiếp cận Hy Mã Lạp Sơn và những vùng tranh chấp giữa Pakistan và Ấn Độ tại Kashmir, hoặc giữa Ấn Độ với Trung Quốc chung quanh xứ Nepal, Bhutan cho tới biên giới Miến Điện, người ta còn thấy ra nhiều mối nguy tiềm ẩn từ Trung Quốc, kể cả xung đột giữa hai nước có võ khí hạch tâm là Pakistan và Ấn Độ. 

Với phương tiện quân sự lớn lao chưa từng thấy trong lịch sử xứ này, Trung Quốc có thể đổi trị sang loạn ở nhiều nước trên thế giới.

Dĩ nhiên, lãnh đạo Trung Quốc không muốn trực diện gây chiến với các lân bang, nhưng tiến hành chiến tranh theo kiểu khác. Đó là khuynh đảo để gây bất ổn và dùng chính mối nguy bất ổn đó để bắt bí hoặc mua chuộc các nước mà khỏi phải dụng binh. Khi cứ nói đến tương quan lực lượng quân sự giữa Trung Quốc với các nước, dường như người ta chỉ thấy một mặt nổi của vấn đề. 

Mặt chìm rất khó nhìn ra và ngăn ngừa là khả năng gây loạn cho xứ khác, để chi phối quan hệ giữa các nước khác với nhau, theo lối có lợi cho Bắc Kinh.

Từ an ninh bước qua chính trị và kinh tế, Trung Quốc là vấn đề cho thế giới khi đưa ra một mô thức xử trí khác, xin gọi là "Đồng thuận Bắc Kinh".

Sau khi chi phối cả thế giới trong nhiều thế kỷ, các nước Tây phương, chủ yếu là Hoa Kỳ và Âu Châu, đã rút tỉa kinh nghiệm chính chiến, thay đổi và tiến tới một giải pháp hòa bình và ổn định hơn. Đó là phát triển kinh tế tự do với sự lãnh đạo chính trị dân chủ trong một xã hội cởi mở mà không ai có độc quyền chân lý. Các định chế quốc tế đều được xây dựng theo ba giá trị tinh thần đó, là tự do, dân chủ và cởi mở để hướng dẫn quy tắc hành xử giữa các nước với nhau. 

Trung Quốc phát minh ra giải pháp khác: kinh tế thị trường với vai trò chủ đạo của khu vực nhà nước, dưới sự cai trị của một chế độ độc đảng, và chân lý duy nhất được hiện hữu là của đảng độc quyền. Đó là tóm lược về khái niệm "Đồng thuận Bắc Kinh", mà đa số dư luận chỉ nhìn vào mặt nổi là sức can thiệp chủ động của nhà nước trong kinh tế để đạt tốc độ tăng trưởng cao.

Khi áp dụng khái niệm này trong quan hệ quốc tế, với bộ máy tuyên truyền cùng các dự án đầu tư lẫn thủ thuật hối lộ và khuynh đảo, Trung Quốc đảo lộn luật chơi của thế giới. Phong trào phát huy dân chủ gặp chướng ngại, bị đẩy lui, các chế độ độc tài được bảo vệ, và quốc gia nào cũng muốn đi theo con đường tắt của Trung Quốc là bành trướng khu vực nhà nước vào kinh tế, thu hẹp quy luật thị trường, thoái lui về chế độ bao cấp và bảo hộ mậu dịch....

Trong hoàn cảnh suy trầm kinh tế toàn cầu từ bốn năm nay, giải pháp ngược ngạo của Bắc Kinh bỗng trở thành hấp dẫn cho nhiều người, nhất là các lãnh tụ độc tài, và trong khi Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng, mâu thuẫn giữa các nước với nhau càng dễ xảy ra. Nghĩa là Bắc Kinh càng có cơ hội trục lợi.

Vì vậy, các quốc gia dân chủ đều gặp vấn đề với Trung Quốc, không về kinh tế hay ngoại thương thì về ngoại giao và an ninh. Và càng ở gần xứ này thì càng vất vả. Trong khi vòng đai độc tài không thu hẹp lại mà còn mở rộng thêm nhờ sự hà hơi tiếp sức của Trung Quốc. 

Trong cuộc đua giữa thiện và ác, trị và loạn, hòa bình và xung đột, dân chủ và độc tài, minh bạch và mờ án, Trung Quốc trở thành một trung tâm phát huy cái ác. 

Nhưng với khẩu hiệu là không xen lấn vào nội bộ xứ khác. Và với thực tế là đối tác kinh tế của rất nhiều quốc gia. 

Các nước Âu, Á, Phi, Mỹ gì đều có thể là bạn hàng của doanh nghiệp Trung Quốc, mà bên trong mỗi doanh nghiệp lại có các chi bộ đảng với nhiệm vụ tình báo, báo cáo, kiều vận và gian lận theo đúng chủ trương của đảng. Ngược lại, doanh nghiệp nào, công hay tư, của Trung Quốc cũng đều có quan hệ với hệ thống quốc doanh và vì vậy kế toán sổ sách gì cũng đều là "bí mật quốc gia" nên không được phép phổ biến.

Kết cuộc là từ an ninh, môi sinh đến ngoại giao, kinh tế hay đầu tư, Trung Quốc trở thành vấn đề của thiên hạ mà vì quyền lợi nhất thời, lẫn sự vận động tiền bạc của Bắc Kinh vào hệ thống truyền thông của thế giới, nhiều người không muốn nói ra. Hoặc còn cố tình gây ra ấn tượng sai lạc về Trung Quốc.

Thực tế thì cuộc đua giữa thiện và ác, giữa minh và ám, đang thể hiện ở một tầng rất cao là nhận thức. Trung Quốc tác động vào nhận thức của thiên hạ về chính mình – "một quốc gia mới phát triển sau nhiều thế kỷ là nạn nhân" – và về các nước dân chủ được coi là đối thủ, hay thủ phạm của nhiều tội ác trong lịch sử! 

Đó là "thuật quỷ biển" trong kho tàng mưu lược của văn hoá chính trị Trung Hoa.

Chúng ta bước qua một đề mục gần hơn, ở phần ba.

Vấn đề Trung Quốc của Việt Nam

Nói về lịch sử mà ai cũng nhớ, sau khi chiếm đóng Tân Cương năm 1949, khống chế Tây Tạng năm 1950, và bị chặn tại bán đảo Triều Tiên năm 1953, Trung Quốc đã nghĩ tới Việt Nam như một vùng trái độn quân sự cần thiết. Trong thế thủ thì bảo vệ cõi Trung Nguyên và trong thế công thì bành trướng ảnh hưởng xuống vùng Đông Nam Á và ra tới biển nóng ở miền Nam. 

May thay, lúc đó họ lại có đảng Cộng sản Việt Nam và giấc mơ tiến hành cách mạng vô sản trên cả nước của Hồ Chí Minh. 

Đấy là một trong nhiều nguyên nhân của cuộc tương tàn, với sự tiếp sức của Liên Xô khi tiến hành Chiến tranh lạnh năm 1948 và chủ yếu của Trung Quốc ngay từ những ngày đầu của Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa do Mao sáng lập năm 1949. Nối tiếp nhiệm vụ của Hồ Chí Minh từ khi là cán bộ của Đệ tam Quốc tế được gửi về hoạt động tại Đông Nam Á từ năm 1924, xa xưa, đảng Cộng sản Việt Nam tự nhận là mũi xung kích của khối Cộng sản xuống Đông Nam Á, mà việc gọi là giải phóng miền Nam chỉ là một tất yếu.

Nhưng ngoài lý do ý thức hệ dại dột, có một chuyện mà đôi khi chúng ta ít chú ý là về địa dư hình thể, Trung Quốc là một "hải đảo" bị cô lập. 

Xứ này bị vây hãm từ cả bốn hướng. Giữa các sa mạc, thảo nguyên hoang vu cùng núi rừng hiểm trở tại ba hướng Nam, Tây và Bắc với biển Thái bình tại hướng Đông, Trung Quốc chỉ có một đường bành trướng trên đất liền. Đó là miền Bắc nước Việt Nam. Lần cuối mà họ thử nghiệm giải pháp đó là vào năm 1979 khi Hà Nội chủ quan tưởng rằng mình đã đánh cho Mỹ cút lại còn vừa ký Thỏa ước Hợp tác và An ninh với Liên Xô vào năm 1978! 

Sau đó, Cộng sản Việt Nam có một giai đoạn được gọi là "độc lập" là 10 năm chiếm đóng Kampchia và cứng đầu với Bắc Kinh. Nhưng bị xuất huyết cũng vì sự chiếm đóng ấy, song song cùng việc phá sản vì xây dựng chủ nghĩa xã hội theo đúng tư tưởng xã hội chủ nghĩa.

Khi bức tường Bá Linh sụp đổ sau vụ khủng hoảng và tàn sát Thiên an môn năm 1989, mọi sự đều đảo lộn. 

Liên Xô bắt đầu tan rã, Trung Quốc e sợ nội loạn nên tập trung kiểm soát hệ thống chính trị bên trên cơ chế kinh tế thị trường. Và lãnh đạo Hà Nội như kẻ mồ côi bị mất quan thầy. Vì vậy, việc cứu đảng là một ưu tiên sinh tử từ năm 1991. 

Hà Nội trở lại thần phục Trung Quốc, chấm dứt 10 năm độc lập dưới bóng rợp Liên Xô và thực tế tiến hành "đổi mới", nhưng theo mẫu mực Bắc Kinh. Trung Quốc trở lại xu hướng bành trướng cố hữu mà khỏi tốn quân tốn tiền và vẫn đạt kết quả như ý: miền Bắc Việt Nam trở thành vùng trái độn quân sự.

Khi Bắc Kinh mở rộng vùng trái độn ấy ra biển, Đông hải của Việt Nam trở thành ao nhà của Trung Quốc. Biển Việt Nam chỉ là biển Hoa Nam. Lãnh đạo Hà Nội ý thức được việc đó nhưng chấp nhận để bảo vệ quyền lực đảng, nhân đó bảo vệ được quyền lợi của các đảng viên cao cấp. 

Nếu có nói rằng họ bán nước để cứu đảng thì không sai.

Hậu quả là mọi vấn đề Trung Quốc của thế giới như đã trình bày ở trên đều đã xuất hiện tại Việt Nam, từ an ninh, ngoại giao qua môi sinh kinh tế, hay ngoại thương. 

Ở mặt nổi mà ai cũng thấy dù không được nói ra là nạn lạm thác lâm sản, buôn lậu qua biên giới và hủy hoại môi trường, là tình trạng cạn kiệt của đồng bằng Cửu Long và hiện tượng nước biển ngập mặn cả đồng bằng. Trong khi ấy khu vực chiến lược như cột xương sống của quốc gia là Cao nguyên Trung phần đã rơi vào quỹ đạo Trung Quốc với các dự án bauxite quái quỷ....

Nhưng biểu hiện nghiêm trọng hơn vậy là lập trường của Hà Nội lại rất thân Trung Quốc trong các hồ sơ nóng của thế giới. Hoặc việc Hà Nội tránh nêu vấn đề về Hoàng Sa hay Trường Sa trên diễn đàn quốc tế theo kiểu đa phương mà tìm giải pháp song phương theo quan hệ chủ tớ. Vì vậy mới giấu biến không cho dân chúng được biết về những gì đã thỏa thuận với Bắc Kinh. Và cũng vì vậy, Hà Nội kiểm soát dư luận, cấm đoán việc người dân công khai phản đối sự xâm lược ngang ngược của Trung Quốc và nói nước đôi về vấn đề chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng sa và Trường Sa.

Từ mấy năm qua, người Việt chúng ta đã nói rất nhiều đến vấn đề Trung Quốc của Việt Nam, bài tiểu luận này sẽ không nói thêm. Chúng tôi xin giành thời giờ cho phần cuối, một cách tóm lược với vài câu hỏi không vui.

Vấn đề Trung Quốc của Chúng ta

Đất nước và dân tộc Việt Nam đang gặp vấn đề với Trung Quốc, có thể là nguy ngập hơn vì vị trí lân bang, nhưng cũng không khác nhiều quốc gia Á Châu ở chung quanh. Do đó, vấn đề Trung Quốc của Việt Nam nằm trong khuôn khổ các vấn đề chung của thế giới với Trung Quốc. 

Khi nhìn như vậy, Việt Nam thật sự không đơn độc và phải một mình đương cự với Trung Quốc.

Nhưng, khác với trường hợp của các quốc gia kia, vấn đề Trung Quốc của Việt Nam nằm trong tầng lớp lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam. Vấn đề Trung Quốc của Việt Nam nằm tại Hà Nội, là Hà Nội. Đấy là cái khó của dân tộc, một dân tộc dày dạn kinh nghiệm đối phó với Trung Quốc và có thừa ý chí đấu tranh giành độc lập.

Vấn đề Trung Quốc của Việt Nam nằm tại Hà Nội vì đảng Cộng sản đã giải giới người dân, tước đoạt võ khí truyền thống và mãnh liệt nhất của dân tộc là ý chí chống lại tình trạng Hán hóa. 

Hà Nội tiến hành chính sách ngu dân qua kiểm soát báo chí và tư tưởng, đưa mọi người vào phản ứng lý tài, phát huy bản năng kinh tế của loại sinh vật hạ đẳng là vặt mũi bỏ mồm và triệt hạ mọi tiềm lực quật khởi. Lãnh đạo Hà Nội hành xử như những quan Tiết độ sứ của Thiên triều Bắc Kinh trong thời Bắc thuộc, thậm chí như những quan Thái thú trời trực trị. Họ đang làm xã hội băng hoại và đẩy người dân vào kiếp nô lệ cho một thiểu số đại gia phe phẩy ở trên. 

Muốn giải quyết vấn đề Trung Quốc, người Việt Nam phải giải quyết cái nhân khiến sức dân không được huy động vào nhu cầu bảo vệ nền độc lập, đó là đảng Cộng sản. Ưu tiên của Việt Nam vì vậy là phải tháo gỡ cách ách độ hộ của Trung Quốc do Bộ Chính trị của đảng Cộng sản Việt Nam đã tròng lên cổ người dân. Tức là giải quyết đảng Cộng sản Việt Nam.

Với các quốc gia khác, Việt Nam phải là thành viên của một nỗ lực đa phương nhằm giải quyết vấn đề Trung Quốc của thế giới. Khi cùng chung một mục tiêu, người ta có thể nói đến chuyện hợp tác, một cách bình đẳng vì lợi ích chung. Vì vậy, vấn đề Trung Quốc của thế giới phải do thế giới giải quyết và Việt Nam sẵn sàng tham gia như một thành viên. Nhưng không là mũi xung kích hay tiền đồn chống Trung Quốc của thế giới.

Chuyện ấy dẫn chúng ta về Hoa Kỳ, dù sao cũng là quốc gia đang buôn bán nhiều nhất với Trung Quốc.

Nhiều người đã quên các bài học bi đát của quá khứ với Hoa Kỳ mà đặt sai vấn đề là nên đứng bên cạnh Hoa Kỳ hay Trung Quốc. Hoặc trong quan hệ song phương Mỹ-Hoa, Việt Nam nên ngả về đâu? Hay là nên khôn ngoan giữ vị trí trung lập?

Thực tế nó phức tạp hơn những gì xảy ra trong chiến tranh lạnh giữa hai khối cộng sản và tự do. 

Thực tế là Trung Quốc có vấn đề với Hoa Kỳ, có vấn đề với Nhật Bản, có vấn đề với Ấn Độ, với các nước Đông Nam Á, thậm chí với cả Úc Đại Lợi. Trong một mạng lưới quan hệ song phương chằng chịt đó, như Hoa-Mỹ, Hoa-Nhật, Hoa-Ấn, v.v... Việt Nam đứng ở đâu? Tất nhiên là đứng với người dân, ở vị trí độc lập, chứ không đơn giản là trung lập. Làm sao trung lập trong một quan hệ đa phương?

Việt Nam sẵn sàng hợp tác với thế giới để giải quyết vấn đề Trung Quốc trong những nỗ lực đa phương của quốc tế. Nhưng trước hết phải giải quyết vấn đề Trung Quốc của Việt Nam, hiện nằm tại Hà Nội. Khi nào người dân Việt ở trong và ngoài nước làm cho thế giới hiểu ra sự thể đó – rằng mối nguy của Trung Quốc chính là Hà Nội và Hà Nội mới là vấn đề chứ không là giải pháp – chúng ta đã tiến được một bước khá xa trên chặng đường bảo vệ nền độc lập quốc gia. 

Vì vậy, đấu tranh cho dân chủ và cho độc lập là hai mặt không thể tách rời của một sự thể sinh tử cho quốc gia.

Cho đến nay, hình như ta mới chỉ chú ý đến một mặt, là trình trạng thiếu dân chủ hoặc nạn chà đạp nhân quyền tại Việt Nam. Sự thật phũ phàng là các quốc gia trên thế giới, kể cả Hoa Kỳ, đều có thể đang làm ăn với nhiều chế độ độc tài. Với chính quyền các nước này, nhiều khi lời kêu gọi dân chủ của chúng ta lại là sự phiền nhiễu, là chướng ngại cho hợp tác kinh tế và phát triển kinh doanh. 

Nếu ta nêu lên hàng loạt vấn đề về môi sinh, nạn hủy hoại nguồn nước, tình trạng cạnh tranh bất chính hoặc nguy cơ lũng đoạn xã hội xuất phát từ Trung Quốc, ngoài sự bành trướng ngang ngược đã trở thành hiển nhiên, thì vì quyền lợi của họ hơn là dân chủ của Việt Nam, các nước có thể quan tâm nhiều hơn đến lập trường của chúng ta. 

Muốn như vậy, ngay từ ý thức thì chúng ta nên là giải pháp hơn là một vấn đề cho các nước. Câu hỏi nêu lên ở đây là mình đã tự chuẩn bị như vậy hay chưa?

Sau cùng, Trung Quốc thật ra không mạnh như nhiều người thường nghĩ và còn gặp nguy cơ khủng hoảng, thậm chí tan rã, vì chiến lược phát triển của họ không bền vững, cân đối và có đầy bất công. Khi nước Tầu có loạn như đã từng thấy nhiều lần trong lịch sử, Hà Nội tất sẽ không thể yên. 

Khi đó, Việt Nam sẽ ra sao? Khi đó, chúng ta đứng ở đâu? Mà chúng ta là ai? 



*

Bài này thuyết trình tại Hội Thảo Chính Trị: Định Hướng Đấu Tranh Cho Việt Nam Tự Do ngày Chủ Nhật 15-4-2012 tại Westminster, Califrornia.

Giới thiệu về Kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa:

Trước 1975

- Chủ tịch Tổng hội sinh viên Paris trong thời gian Hòa đàm Paris

- Chuyên viên kinh tế Quỹ Phát triển (tương đương cấp Thứ trưởng trước năm 1975

Sau 1975

- Viết báo và bình luận kinh tế cho hầu hết các Đài quốc tế VOA, RFA, RFI...)


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo